Tình Yêu, Tình Bạn & Tình Thương

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

 

Người Hoa-kỳ thường coi tháng Hai là tháng của tình yêu vì trong tháng nầy có ngày Valentine, mệnh danh là lễ của tình yêu. Tình yêu là điều quan trọng cần có để sống ở đời nhưng tình yêu cũng có thể bị lợi dụng và quan niệm sai lầm về tình yêu cũng khiến cho chúng ta lạc lối. Trong ngày Valentine, tình yêu mà người ta ca tụng là tình yêu đôi lứa, tình yêu lãng mạn, tình yêu giữa nam và nữ, tình yêu của những người trẻ. Dĩ nhiên những người đã qua thời xuân trẻ cũng cần được hâm nóng về tình yêu nầy để có thể sống với nhau trong hài hòa, hạnh phúc. Nhưng cuộc sống của con người không phải chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn có nhiều tình cảm khác: tình gia đình, tình huynh đệ, tình đồng loại. Và vượt lên trên tất cả những tình cảm đó, Thánh Kinh nói đến tình yêu thương hay đức mến. Tình yêu thương hay đức mến không phải chỉ là cảm xúc thường tình của con người nhưng nó vượt lên trên tất cả những xúc cảm đó. Nói đúng hơn, gọi là tình yêu thương nhưng thật sự nó là một hành động của lý trí hơn là của con tim vì nó đòi hỏi chúng ta suy nghĩ, quyết định và chọn lựa.

Tôi thường nói điều nầy với các bạn trẻ khi họ lập gia đình. Tôi cho họ cũng như mọi cặp vợ chồng khác thấy rằng trong đời sống vợ chồng có ít nhất là ba loại tình yêu. Trước hết là tình yêu đôi lứa, tình yêu lãng mạn, tình yêu giữa nam và nữ. Ðây là tình cảm thông thường của con người, thu hút hai người lại với nhau. Ðó có thể là "tiếng sét ái tình," gặp nhau trong một ánh mắt, một nụ cười. Cũng có thể là tình yêu lớn dần theo năm tháng, từ thuở bé, từ lúc còn đi học chung với nhau, làm việc chung với nhau. Tình yêu nầy quan trọng và cần thiết nhưng chỉ có tình yêu nầy mà thôi, không đủ. Tôi đã từng nghe bao nhiêu cặp vợ chồng yêu nhau tha thiết, nhưng về sống với nhau một thời gian bây giờ họ nói với nhau, "Tôi không còn cảm xúc gì với anh hay với cô nữa!" Vợ chồng nếu chỉ có tình yêu lãng mạn thôi thì không đủ vì tình yêu đó sẽ phai tàn theo năm tháng.

Ngoài tình yêu đôi lứa, vợ chồng cần sống với nhau trong tình bạn hay tình bằng hữu. Ðây là tình yêu trên phương diện tinh thần, cùng cảm nhận với nhau về nhiều điều trong đời sống. Chúng ta nói đến người tri kỷ. Người đó biết những cái tốt cũng như những cái xấu của ta mà vẫn yêu ta. Ðó là người bạn mà ta có thể tâm sự, nói lên một nỗi buồn, chia xẻ một niềm vui, phát biểu một mối ưu tư. Vợ chồng cần là bạn của nhau, trò chuyện, tâm sự với nhau, chia xẻ với nhau. Tình yêu đôi lứa mà thiếu tình bạn thì khi nhan sắc phai tàn, khi những rung động buổi ban đầu không còn, tình yêu cũng sẽ theo đó mà tàn phai. Tình yêu đôi lứa phải đi với tình bạn như Antoine de Saint Exubery đã nói: "Yêu không phải là nhìn nhau mà là cùng nhau nhìn về một hướng." Chính vì vậy mà có cùng niềm tin trong đời sống vợ chồng là điều vô cùng quan trọng.

Tình yêu đôi lứa, tình bạn trong đời sống vợ chồng là cần thiết nhưng như đã nói, tình yêu thương hay đức mến hay tình yêu thiên thượng mới thật sự giữ cho hôn nhân cũng như tất cả mọi mối quan hệ được bền lâu. Tình yêu thương hay đức mến khác với tình yêu đôi lứa và tình bạn như thế nào? Có thể nói những tình cảm khác của con người, dù gọi là yêu người khác nhưng là cho chính mình, hay nói khác đi, nếu không được đáp ứng, chúng ta sẽ buồn, sẽ khổ. Tình yêu thương trái lại không chú ý vào bản thân chúng ta nhưng cho phúc lợi của người mình thương. Ðó là tình yêu vô điều kiện, không đòi hỏi, không tính toán. Một tác giả người Nhật gọi đây là "tình yêu mặc dầu" chứ không phải là "tình yêu vì" hay "tình yêu nếu" là những tình yêu có điều kiện. Thánh Kinh mô tả đặc tính của tình yêu nầy như sau. Thật ra thì cũng khó mà mô tả tình yêu nầy cho nên có thể nói Thánh Kinh mô tả hình ảnh chân dung của một người mang đức mến. Nói khác đi, người có tình yêu thật là người như thế nầy:

"Nhẫn nhục, hiền hậu, không ganh tị, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” Ðó là những đặc tính của tình yêu thật mà chúng tôi đã giải thích chi tiết trong một số các chương trình trước đây, quý thính giả có thể nghe lại trong bộ băng “Tình Yêu Thật." Ðiều tôi muốn thưa với quý vị hôm nay là khi nói đến tình yêu, chúng ta không chỉ giới hạn với tình yêu đôi lứa hay tình bạn nhưng phải nói đến tình yêu thương là thứ tình yêu vượt lên trên tình cảm thông thường của con người. Ðây là tình yêu vị tha, tích cực, giúp cho đời sống con người được tốt đẹp. Ðây là tình yêu Thiên Chúa đã yêu chúng ta. Thánh Kinh dạy: "Khi chúng ta còn là người có tội, thì Chúa Cứu Thế vì chúng ta chịu chết." Chúa yêu chúng ta không phải VÌ chúng ta xứng đáng hay NẾU chúng ta trong sạch. Không phải như vậy, Chúa yêu chúng ta MẶC DÙ chúng ta tội lỗi. Con người tội lỗi khi đến với Chúa bao giờ cũng nhận được ơn tha thứ của Ngài.

Thiên Chúa không trông mong nơi con người chúng ta điều gì khác hơn là hai chữ "yêu thương." Lời Chúa dạy: "Hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi." Và: "Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình." Yêu Chúa hết lòng, yêu người như chính bản thân. Khi hết lòng yêu Chúa, ta sẽ tôn thờ Chúa, làm theo Lời Chúa dạy và như vậy ta có thể yêu thương người khác như Chúa đã yêu ta. Dù ta không xứng đáng mà Chúa vẫn yêu thì ta cũng có thể yêu người khác như Chúa đã yêu ta.

Trong tháng của tình yêu nầy, tôi cầu chúc Bạn nhận được tình yêu của Thiên Chúa để rồi Bạn cũng có thể yêu người khác như chính bản thân. Ðây chẳng những là tình yêu dành cho vợ chồng, con cái, người mà ta yêu thương nhưng ngay cả những người không đáng yêu, những người có khi làm cho ta bực mình khó chịu. Nếu Bạn là người nghĩ rằng mình không còn cảm xúc gì với người vợ hay chồng của mình nữa, hãy để cho tình yêu của Chúa chan hòa trong đời sống và rồi Bạn sẽ có thể hâm nóng lại tình yêu mà thời gian và hoàn cảnh có thể đã làm cho phai nhạt. Hãy tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa để có thể sống tình yêu như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành