Tại Sao Chúa Giê-xu Chết?

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Tại sao Chúa Giê-xu chết? Đây là câu hỏi đã được đặt ra nhiều lần. Một số lý thuyết có từ lâu đã được đưa ra để trả lời cho câu hỏi nầy. Những lý thuyết đó gồm có thuyết thiện thắng ác, thuyết trả nợ, thuyết làm gương hay gương mẫu.

Những người theo thuyết thiện thắng ác cho rằng qua sự giáng sinh, sự chết và sự sống lại, Chúa Giê-xu đã chiến thắng ma quỷ và cứu nhân loại khỏi tội lỗi gian ác. Thuyết trả nợ thì dạy rằng tội lỗi đã tạo một món nợ quá lớn con người không thể nào trả nổi nên Đức Chúa Trời đã hóa thân làm người trong Chúa Giê-xu để trả món nợ đó cho chúng ta. Lý thuyết thứ ba về ý nghĩa cái chết của Chúa Giê-xu là thuyết cho rằng Chúa Giê-xu đã chịu chết để nêu gương tốt cho chúng ta để chúng ta cũng bắt chước sống yêu thương, tha thứ giống như Chúa.

Mỗi lý thuyết trên đều có phần nào đúng nhưng không đúng hoàn toàn, hay nói đúng hơn, chỉ nhìn vào một khía cạnh của cái chết của Chúa mà không nhìn vào tất cả. Cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu thật sự cho thấy chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết và giải phóng con người khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Cái chết của Chúa Giê-xu cũng đúng là Chúa đã trả món nợ tội cho chúng ta và Chúa cũng đã chết để nêu gương cho chúng ta nhưng cái chết của Chúa Giê-xu vượt cao hơn những điều trên nữa. Cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết gánh chịu hình phạt thế cho nhân loại.

Chúng ta sẽ không thể nào thấy được vấn đề cho đến khi hiểu được tính cách nghiêm trọng của vấn đề tội lỗi. Nói đến tội, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những hành vi phạm pháp hay những chuyện tày trời. Đó là tội lỗi thật nhưng căn bản của tội lỗi là khước từ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Từ căn bản tội lỗi đó dẫn đến hành động tội lỗi. Kinh Thánh cho biết mọi người đều có tội. Và chẳng những Kinh Thánh dạy như vậy, người xưa cũng nói: Nhân vô thập toàn, không ai là người hoàn toàn trên đời nầy cả. Nhìn lại chính bản thân và xã hội chúng quanh, chúng ta cũng thấy rõ điều nầy. Không ai dạy một đứa bé con dối trá hay không vâng lời, nhưng tự nhiên sinh ra nó đã hành động, xử sự như vậy vì tội lỗi nằm trong bản chất của con người.

Tội lỗi nằm trong bản chất của nhân loại còn bản chất của Đức Chúa Trời là thánh khiết vì vậy, Trời và người không thể hòa hợp, có một khoảng cách rộng lớn giữa Thiên Chúa và con người. Loài người và Đức Chúa Trời lẽ ra phải có mối quan hệ như mối quan hệ cha con, nhưng tội lỗi đã cắt đứt mối quan hệ đó. Kinh Thánh gọi đó là sự chết tâm linh, tức là sống mà không có mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa là Cha của chúng ta. Đó là nguồn gốc của mọi khổ đau và bất hạnh trên đời. Đó là tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Mọi tôn giáo và triết thuyết ở đời đều nhằm mục đích giải quyết nan đề đó, kể cả những chủ trương vô thần, nhân bản hay khoái lạc chủ nghĩa. Mọi người đều đi tìm cho mình một lời giải đáp. Nhưng vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết cho đến khi nó được giải quyết tận gốc rễ. Gốc rễ của vấn đề là tội lỗi, là phân cách với Thiên Chúa là nguồn sống thánh khiết.

Đức Chúa Trời thánh khiết không thể giao tiếp với con người tội lỗi và Đức Chúa Trời không thể đi ngước lại với bản tính thánh khiết của Ngài vì vậy tội lỗi phải bị hình phạt. Con người chúng ta dù tội lỗi đến đâu nhưng trong xã hội nào và bất cứ thời nào cũng đều có thưởng phạt. Xã hội nào cũng có nhà tù, trại giam và những hình phạt thích ứng với tội phạm. Chúng ta gọi đó là công lý. Thiên Chúa có công lý của Ngài và trong công lý đó toàn thể nhân loại phải chịu hình phạt vì toàn nhân loại đều có tội. Nhưng song song với công lý của Thiên Chúa là tình thương bao la của Ngài. Tình thương đó không muốn cho một ai bị hư vong. Để giải quyết vấn đề, chỉ có một cách để thỏa mãn cả hai bản chất thánh khiết và yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giê-xu đã giáng trần, mang hình hài thể xác của con người và chịu chết thế cho con người. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá vì vậy là cái chết thay thế: Chúa chết để chúng ta được sống.

 

Trong phiên tòa xử Chúa Giê-xu, thống đốc Phi-lát biết Chúa Giê-xu vô tội, tìm cách để Chúa không bị đóng đinh nên đề nghị tha cho Chúa theo thông lệ ân xá hằng năm của người Do-thái. Nhưng giới lãnh đạo Do-thái đã xin tha cho Ba-ra-ba là một tên cướp thay vì tha Chúa. Thu hẹp lại, ta có thể nói Chúa Giê-xu đã chết để cho Ba-ra-ba sống hay Ba-ra-ba đã sống nhờ cái chết của Chúa Giê-xu. Nhưng Chúa Giê-xu không phải chỉ chết thế cho Ba-ra-ba mà thôi, nhưng cho toàn nhân loại vì mỗi chúng ta dù không trộm cướp như Ba-ra-ba cũng là những tội nhân mà Chúa phải chết thế.

Cái chết của Chúa Giê-xu vì vậy là cái chết thay thế, Chúa chết thay cho chúng ta. Cái chết của Chúa cũng là cái chết giải hòa. Như đã nói, giữa con người và Đức Chúa Trời, giữa Tạo Hóa và tạo vật có một khoảng cách rộng lớn vì tội lỗi. Kinh Thánh gọi đó là một tình trạng thù địch. Thù địch không phải vì thù hằn hay ganh ghét nhưng thù địch vì không thể giao hảo với nhau như nước với dầu không thể hòa tan vào với nhau. Cái chết của Chúa Giê-xu nhằm giải quyết tình trạng thù địch đó. Kinh Thánh gọi Chúa Giê-xu là sự hòa giải của chúng ta. Qua thập tự giá, Ngài hòa giải bằng cách đó, tình trạng thù địch không còn nữa.

Tuần lễ trước lễ Phục Sinh được gọi là Tuần Thánh, kỷ niệm cái chết của Chúa Giê-xu vì tội của nhân loại. Người ta nói nhiều đến cái chết của Chúa Giê-xu, nhưng cái chết của Chúa Giê-xu sẽ không có giá trị cho chúng ta nếu nó không có ý nghĩa gì với bản thân chúng ta. Chúng ta cần nhớ rằng có án phạt của tội lỗi Chúa Giê-xu đã trả và có một tình trạng thù địch mà Chúa Giê-xu đã giải hòa. Thánh Phao-lô viết: Trong Chúa Cứu Thế, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người và ủy thác cho chúng tôi sứ điệp hòa giải. Thiên Chúa ủy thác cho chúng tôi sứ điệp hòa giải. Chính vì vậy mà quý vị nghe tiếng nói nầy giờ nầy. Thánh Phao-lô nói tiếp và chúng tôi cũng mượn lời đó thưa với quý vị giờ nầy rằng, Chúng tôi làm khâm sai của Chúa Cứu Thế, Đức Chúa Trời dùng chúng tôi để khuyên mời. Chúng tôi nhân danh Chúa Cứu Thế nài xin anh chị em hãy làm hòa với Đức Chúa Trời. Hãy làm hòa với Đức Chúa Trời vì Chúa đã đi bước đầu tiên, Chúa đến với chúng ta trước. Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng ấy chúng ta đực trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Thưa quý vị, đó là lời tóm tắt ngắn gọn về ý nghĩa cái chết của Chúa Giê-xu: Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng ấy chúng ta được trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã mang lấy tội, gánh lấy tội của chúng ta để chúng ta được trở lại làm con của Thiên Chúa. Chỉ còn một bước nữa quý vị phải làm là quay về với Chúa hôm nay để cái chết của Chúa Giê-xu không trở thành vô nghĩa. Quý vị sẽ trở về với Chúa hôm nay không?.

 

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành