Cha & Con Trai - Bài 3

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Chúng ta đều biết người mẹ có ảnh hưởng rất nhiều trên con trai nhưng người cha cũng có một ảnh hưởng không kém. Một trong những điều có ảnh hưởng âm thầm và ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ trên đời sống những người con trai trong gia đình là sự vắng mặt của người cha.

Điều mà hầu hết các bà mẹ và con cái thường phải đối diện trong đời sống hằng ngày là sự cách biệt hay xa vắng của người cha. Nói nôm na là có cha nhưng như là không có. Các ông cha vắng mặt trong đời sống vợ con dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, có những ông cha vẫn sống với gia đình, cuối ngày đi làm cũng trở về, vẫn có mặt trong bữa cơm hằng ngày với gia đình nhưng rất là xa cách. Lý do là vì các ông không nói chuyện với con. Khi có thì giờ, các ông xem ti-vi hoặc đọc báo, nghe radio hoặc làm một công việc gì đó. Có thể thỉnh thoảng các ông kể một vài tin tức trong báo, tin thời tiết, hay những tin nghe qua radio, với vợ con nhưng không bao giờ bày tỏ cảm nghĩ hay cảm xúc của mình. Các ông cha này chỉ lo một việc là đi làm nuôi gia đình còn ngoài ra không có ý kiến cũng không can dự vào những việc xảy ra trong gia đình. Cha buồn hay vui, con cái phải đoán chứ ông không bao giờ nói ra. Ông thương con và con cũng biết là cha thương mình nhưng đôi bên chỉ hiểu ngầm chứ không bao giờ bày tỏ tình cảm. Trong những gia đình này bà mẹ là người có nhiều ý kiến và thường cố gắng làm cho không khí gia đình vui vẻ.

Có những ông cha xa cách con cái vì ít khi nào có mặt ở nhà. Vì công vụ hoặc vì đeo đuổi một mục tiêu, một sự nghiệp nào đó, các ông cha này thường vắng nhà. Con cái ít khi gặp mặt cha, chỉ biết mình có cha vì cha vẫn cung cấp cho gia đình hằng tháng. Đối với những ông cha này sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu, gia đình chỉ là thứ yếu. Ông thương con và thúc đẩy con học hành nhưng không thật sự hiểu con, không biết những khó khăn, thách thức con đang đối diện trong đời sống. Những người con trai trong gia đình này tuy có cha nhưng không có cơ hội đến gần cha để được cha khuyên dạy, hướng dẫn và nhất là được cha thông cảm. Lắm khi người con phải tự hỏi: Không biết cha có thương mình không, có bằng lòng về mình không? Mình có làm cho cha vui và hãnh diện không?

Cũng có những ông cha sống trong gia đình mỗi ngày nhưng kể như là vắng mặt vì thiếu tinh thần trách nhiệm: không lãnh đạo gia đình, không đi làm để cung cấp nhu cầu vật chất cho vợ con, cũng không quan tâm đến việc nuôi dạy con. Đây là trường hợp những người cha lười biếng, sống nhờ vào người khác; hoặc vì nghiện ngập, say sưa, không thể đi làm nuôi sống gia đình. Những người cha này không là mẫu mực tốt cho con trai noi theo, con không thấy được hình ảnh người chủ gia đình nơi cha mình. Trong những gia đình này người mẹ thường phải đứng ra cáng đáng mọi việc, không những chăm sóc con, dạy con mà có khi còn phải bươn chãi để nuôi con, và vì thế dần dần trở thành người chủ gia đình. Những người con trai lớn lên không có một khuôn mẫu đúng về người cha, người chồng để bắt chước, vì thế dễ trở thành yếu đuối, thiếu tự tin, tùy thuộc vào người khác, và khi có gia đình cũng không làm chủ gia đình theo mẫu mực của Chúa. Vì không có cha hướng dẫn về mặt đạo đức, luân lý, tình cảm những người con trai này dễ bị bạn bè lôi cuốn vào con đường sai hỏng. Những người cha như thế cũng không hướng dẫn con về mặt đức tin, con cái lớn lên không có niềm tin vững chắc nơi Chúa, cũng không biết nếp sống đạo của người tin Chúa là như thế nào. Để tránh tất cả những ảnh hưởng tai hại này, là người chủ gia đình, các ông cha cần ý thức trách nhiệm của mình và giữ một vai trò tích cực, ở gần bên con, dạy dỗ, hướng dẫn con trong mọi mặt.

Cũng có trường hợp gia đình thiếu bóng dáng người cha vì người cha đã qua đời, hoặc đã ly dị mẹ hoặc bị khuyết tật, đau ốm không thể lãnh đạo gia đình. Trong trường hợp này con cái trong gia đình cũng lớn lên với nhiều thiệt thòi, đặc biệt là những đứa con trai. Tuy nhiên, tình trạng chung về sự vắng mặt của người cha trong gia đình là, các ông cha không có mặt bằng xương bằng thịt trong gia đình lúc ban ngày, và ban đêm tuy có mặt ở nhà nhưng cũng kể như vắng mặt, đó là vắng mặt về phương diện tình cảm. Các ông cha thường ít chơi đùa hay gần gũi trò chuyện với con như các bà mẹ với con. Do đó giữa các ông và con trai thường không có sự khắng khít gần gũi như mẹ với con gái hoặc mẹ với con trai.

Khi lớn lên trong gia đình mà người cha quá xa cách với con cái, những đứa con trai trong gia đình thường trở thành quá gần gũi khắng khít với mẹ và lớn lên khó phát triển nam tính. Các em trai này thường hay sợ sệt, không biết là con trai thì mình phải xử sự hay hành động như thế nào. Các em không biết là khi bất đồng ý kiến hay buồn giận thì bày tỏ ra như thế nào. Những người con trai lớn lên trong gia đình thiếu sự hướng dẫn và mẫu mực của người cha để noi theo thường là những người xem như hiền lành, thụ động nhưng lại nóng nảy và khó tính, hay nổi giận bất ngờ. Những người con này cũng thường hay tìm đến những người đàn ông lớn tuổi hơn để tìm hình ảnh người cha mà mình đã không có khi còn nhỏ và dễ bị thất vọng vì không tìm được điều mình mong ước. Một hậu quả khác của những người con trai lớn lên thiếu mẫu mực của người cha là họ sẽ khó chấp nhận thẩm quyền và khi có thẩm quyền trong tay họ không biết sử dụng. E ngại khi tiếp xúc với phái nữ vì sợ những người đàn bà đó có quyền trên mình. Có người dù đã nhiều tuổi, vẫn cư xử và hành động như những em trong tuổi thiếu niên. Vì không có một mẫu mực đúng đắn của người thuộc phái nam để bắt chước, những người con trai này thường không muốn cố gắng nhiều, không đặt mục tiêu cho cuộc đời nhưng chỉ muốn đến đâu hay đó. Nói chung những người con trai này trở thành những người đàn ông yếu đuối, quá gần với mẹ, không hiểu rõ vai trò của người chồng người cha trong gia đình và vì thế khi lập gia đình, giữa mẹ và vợ của người đó dễ có nan đề.

Nếu chúng ta lớn lên trong hoàn cảnh thiếu vắng hình ảnh và sự hướng dẫn của người cha, chúng ta có thể nhìn vào hình ảnh toàn hảo của Đức Chúa Trời, người Cha Thiên Thượng, để học hỏi và trang bị cho chính mình. Những điều Kinh Thánh mô tả về Đức Chúa Trời trong vai trò người cha sẽ giúp các ông các anh biết vai trò của mình cũng như giúp các bà các cô tìm được nguồn an ủi và sự bù đắp nơi Chúa, Người Cha Nhân Từ muôn đời của chúng ta. Kinh Thánh cho biết, Chúa là Người Cha yêu thương. Tình yêu của Ngài không bao giờ thay đổi, Ngài chấp nhận chúng ta luôn luôn, trong mọi hoàn cảnh.

1. Chúa quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc đời chúng ta - Ma-thi-ơ 6:25-34

2. Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta – Lu-ca 15:3-32

3. Chúa đã sai Con Ngài xuống thế gian chịu chết vì tội của chúng ta, dù chúng ta chẳng xứng đáng – Rô-ma 5:8

4. Chúa ở cùng chúng ta trong hoàn cảnh khó khăn, không để chúng ta mồ côi – Hê-bơ-rơ 13:5b

5. Qua lời cầu nguyện, chúng ta có thể đến gần cầu xin Chúa giúp đỡ – Giê-rê-mi 33:3

6. Chúa yêu chúng ta, chúng ta là những người con giá trị đối với Ngài – Giăng 13:1, I Giăng 4

7. Chúa yêu chúng ta trước và yêu vô điều kiện, tình yêu của Ngài không bao giờ thay đổi – I Giăng chương 4

8. Chúa không lên án chúng ta – Rô-ma 8:1

9. Chúa an ủi chúng ta – II Cô-rinh-tô 1:3-5

10. Chúa làm cho chúng ta mạnh mẽ qua quyền năng của Chúa Thánh Linh – Ê-phê-sô 3:16

11. Chúa luôn luôn ở về phía chúng ta, bênh vực chúng ta – Rô-ma 8:3112. Chúa giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ – Hê-bơ-rơ 2:17, 18

13. Chúa mở đường cho chúng ta ra khỏi cám dỗ I Cô-rinh-tô 10:13

14. Chúa cung cấp dư dật mọi sự cần dùng cho chúng ta – Phi-líp 4:19

15. Chúa tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta khi chúng ta xưng tội với Ngài – I Giăng 1:9

Nếu đời sống chúng ta thiếu tình thương của một người cha hoặc người cha trong gia đình đã không ban cho chúng ta những điều chúng ta trông mong, chúng ta hãy đến với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ bù đắp cho chúng ta những thiếu thốn đó. Nếu chúng ta không có một mẫu mực của người cha để noi theo, chúng ta có thể nhìn lên Chúa và sống với con cái trong gia đình chúng ta theo mẫu mực toàn hảo của Ngài (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành