Khi Con Đến Tuổi Tự Lập - Bài 1

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Một thiếu nữ nọ khi đi lấy chồng được mẹ dặn là, dù vui với hạnh phúc mới, đừng bao giờ quên mẹ vì mẹ ở nhà rất cô đơn, lúc nào cũng nghĩ đến con. Vì lời dặn đó, người con gái lúc nào cũng nghĩ đến mẹ, sợ mẹ thương nhớ rồi bị bệnh, vì thế nàng tìm cách giữ liên lạc với mẹ thường xuyên. Mỗi ngày, sau bữa cơm tối với chồng, người con gái gọi điện thoại nói chuyện với mẹ và hai người em khoảng vài tiếng đồng hồ, kể cho mẹ nghe những việc xảy ra trong ngày và hỏi thăm từng người trong gia đình. Ngày nào cũng vậy, cơm tối xong là người con gái bỏ ra một hai tiếng đồng hồ nói điện thoại với gia đình. Người chồng trẻ lúc đầu thông cảm nên kiên nhẫn chấp nhận. Nhưng việc này cứ tiếp tục mỗi ngày. Khi người chồng than phiền thì gia đình vợ bảo là anh ích kỷ và bỏ ngoài tai lời than phiền đó. Người vợ vẫn tiếp tục gọi điện thoại cho cha mẹ mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ sau bữa cơm tối. Người chồng trẻ biết không thể thay đổi vợ nên khi thấy vợ cầm điện thoại lên là anh ra khỏi nhà để chạy bộ trong khu xóm.

Sau một thời gian, thấy mình chạy giỏi nên anh tham dự các cuộc chạy đua cuối tuần, do thành phố tổ chức. Một ngày nọ trong một lần chạy đua anh gặp một thiếu nữ xinh đẹp cũng thích chạy như anh và hai người cùng chạy với nhau thường xuyên. Trong khi đó vợ anh vẫn tiếp tục nói chuyện với cha mẹ mỗi ngày, không quan tâm đến sự bất bình của chồng. Sau ba năm chờ đợi, cuối cùng người chồng trả vợ lại cho bà mẹ và cưới người cùng chạy đua với anh lâu nay.

Câu chuyện này mới nghe thấy như là chuyện không có thật, nhưng là chuyện có thật, do chính người trong cuộc kể lại. Người con gái trong câu chuyện này chưa sẵn sàng để lập gia đình, vì chưa thể lìa cha mẹ để kết hợp với người bạn đời. Cha mẹ cô cũng chưa sẵn sàng cho con lìa cha mẹ để có cuộc sống riêng nên đã khiến gia đình con bị đổ vỡ.

Những ai đã lập gia đình và có con cái không thể nào quên được niềm vui khi được bế đứa con đầu lòng trên tay. Con cái là cơ nghiệp và là ơn phước Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Cùng với ơn phước đó là trách nhiệm nuôi dưỡng và dạy dỗ cho con nên người. Với tình thương bao la, không cha mẹ nào quản ngại khó khăn, lao khổ trong việc nuôi con. Trái lại, chúng ta sẵn sàng hy sinh để cho con điều tốt nhất. Rồi thời gian trôi qua, thấm thoát các con chúng ta đều lớn và bắt đầu tự lập, bắt đầu có đời sống riêng. Người ta thường nói, khi con "đủ lông đủ cánh", chúng sẽ bay khỏi tổ, con gái cũng như con trai. Đây là một thay đổi lớn mà là cha mẹ, chúng ta phải đối diện. Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần, chấp nhận thay đổi, để đời sống không bị xáo trộn và khó khăn.

Thật ra, cha mẹ nào cũng muốn con nên người và biết tự lo tự lập. Tuy nhiên, khi con từ giã gia đình, dù là vì lý do gì - đi học xa, đi làm xa hay lập gia đình và ra riêng - cha mẹ cũng thấy buồn vì cảm thấy như đã mất con. Có lẽ một số quý vị hiện đang trải qua kinh nghiệm này. Thương con, chúng ta mong cho con lớn khôn, nên người, nhưng cũng buồn khi thấy con không còn ở gần bên cạnh, chúng ta, nhất là không còn cần đến chúng ta nữa. Đây là cái buồn thông thường, tự nhiên, vì con cái sống với cha mẹ từ nhỏ đến lớn, bao nhiêu là thương yêu và kỷ niệm, bây giờ tách ra khỏi gia đình, làm sao cha mẹ không cảm thấy mất mát và không buồn được. Nhưng có nhiều cha mẹ buồn quá nhiều, đến nỗi không muốn con bước ra tự lập, có người còn gây khó khăn cho đời sống con. Chẳng hạn như có người thương con gái quá đến nỗi khi con đi lấy chồng thì than khóc, trách móc, rồi đâm ra ghét người con rể. Những bà mẹ chồng đối xử cay nghiệt với con dâu cũng chỉ vì không chấp nhận sự kiện đứa con trai mà mình nuôi dưỡng bao nhiêu năm bây giờ yêu một người đàn bà khác và đành lòng từ giã mẹ để gây dựng hạnh phúc với người đó. Đây cũng là lý do vì sao khi con lớn và sắp lìa gia đình để tự lập, cha mẹ thường hay than thân trách phận, hoặc phàn nàn trách móc con. Trong những dịp cưới hỏi thường có chuyện không vui giữa gia đình đôi bên cũng vì những tâm lý phức tạp lúc đó của cha mẹ.

Chúng ta thường nghe câu "con nhỏ lo chuyện nhỏ, con lớn lo chuyện lớn", cha mẹ nói câu này như một lời than nhưng thật ra than với sự thỏa vui trong lòng vì còn được lo cho con, và con còn cần đến mình. Khi con từ giã cha mẹ để tự lập, cha mẹ cảm thấy mất mát, vì con không còn cần đến mình nữa. Có những phụ huynh nhất quyết chống lại sự tự lập của con bằng cách viện cớ này cớ khác để buộc con khi lập gia đình vẫn ở chung với cha mẹ và mọi việc vẫn do cha mẹ quyết định. Có người thì cho con dọn ra riêng nhưng luôn luôn tìm cách xen vào gia đình của con.

Thánh Kinh ghi rằng, khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời phán: "Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Theo tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa, khi lập gia đình, người đàn ông phải lìa cha mẹ để kết hợp với người bạn đời, xây dựng gia đình mới và làm chủ gia đình mới của mình. Có những trường hợp vì một hoàn cảnh đặc biệt nào đó đôi vợ chồng mới sống chung với cha mẹ, nhưng gia đình mới vẫn phải được xem là một đơn vị riêng biệt thì mới tránh được những điều không hay sau này. Đức Chúa Trời không bao giờ sai lầm trong lời dạy của Ngài và nguyên tắc của Ngài không bao giờ thay đổi. Điều đáng tiếc là có nhiều bậc cha mẹ không khuyến khích hoặc không bằng lòng cho con bước ra khỏi sự ràng buộc của mình nên gia đình mới của con gặp nhiều khó khăn. Khi một bạn trẻ lập gia đình, người đó phải tách ra khỏi những ràng buộc về kinh tế, tình cảm của gia đình cũ thì mới có thể hiệp nhất với người phối ngẫu. Dĩ nhiên là người con khi có gia đình riêng vẫn yêu thương và hiếu kính cha mẹ. Khi cha mẹ cần vẫn có mặt, giúp đỡ nhưng không sống dưới quyền của cha mẹ hay dưới sự bảo bọc của cha mẹ nữa.

Có nhiều lý do khiến cha mẹ không muốn con tự lập khi đã lớn khôn.

1. Cha mẹ xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời con

Châm Ngôn 22:6 dạy như sau: "Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó." Chữ quan trọng trong câu này là "con đường nó phải theo." Cha mẹ phải dạy cho con cái con đường chúng phải theo. Đây là con đường Chúa định cho con cái chứ không phải là con đường cha mẹ mong muốn. Đó là con đường theo ý Chúa vàø con đường trưởng thành, tự lập. Cha mẹ cần dạy dỗ, hướng dẫn thế nào để khi đến tuổi trưởng thành con sẽ khôn ngoan, tự lo tự lập chứ không phải lúc nào cũng níu áo mẹ, việc gì cũng phải chạy về hỏi cha. Cha mẹ cần hướng dẫn con cái trong đường lối Chúa để khi lớn khôn, con cái không lìa bỏ con đường tốt đẹp đó. Cha mẹ có trách nhiệm dạy con khi còn nhỏ những gì con cần học, để lúc khôn lớn, là lúc không còn có cha mẹ ở bên cạnh nhắc nhở, hướng dẫn, con cái vẫn có thể tự lo được.

Nhiều bậc cha mẹ vì vô tình, không hướng dẫn con trong con đường chúng phải theo nhưng hướng dẫn theo con đường cha mẹ mong muốn. Cũng có người xem cuộc đời con như là tiếp nối cuộc đời của mình, vì thế cố gắng giúp con làm những điều mà chính cha mẹ đã không làm được, hoặc giúp đạt được những mơ ước mà cha mẹ đã không đạt tới. Bao nhiêu ước mơ, hy vọng đều đổ dồn hết cho con. Con thành công kể như là mình đã thành công. Chẳng hạn như cha không học bác sĩ được, muốn con học bác sĩ để làm trọn điều ước mơ củamình. Mẹ mơ làm cô giáo nhưng không được, bây giờ muốn con theo con đường đó để nguyện vọng của mình được thỏa mãn. Những người làm như thế là xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời của con. Vì thế khi con tách rời cha mẹ để có cuộc sống riêng, cha mẹ sẽ vô cùng đau đớn. Những người đặt hy vọng và niềm vui của mình nơi con cái và xây dựng đời sống mình chung với đời sống con sẽ không muốn con tách rời cha mẹ để tự lập.

Để tránh khó khăn này, chúng ta đừng để con tùy thuộc cha mẹ trong tất cả mọi việc nhưng nên tập cho con tự lo tự làm, bắt đầu từ những việc nhỏ khi còn nhỏ, dần dần càng lớn thì tự lo những việc lớn hơn. Chúng ta cũng cần hướng dẫn để con tự quyết định những việc liên quan đến cá nhân chúng. Văn hóa Tây phương cho con quá nhiều tự do nên con dễ hư hỏng, văn hóa Đông phương thì nắm giữ con quá chặt nên con trở thành phản loạn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm. Bác sĩ James Dobson, nhà tâm lý học danh tiếng đã nói: "Nuôi con cũng như thả diều, phải biết lúc nào mở thêm dây cho diều bay cao. Nếu tháo dây quá nhiều, quá sớm, diều sẽ rơi xuống đất; Ngược lại, đến lúc diều phải bay cao mà chúng ta giữ dây quá chặt, diều sẽ bứt đứt dây và bay đi mất."

Theo lời Kinh Thánh dạy, tất cả những gì chúng ta có trên đời này là do Đức Chúa Trời ban cho. Dù là tài sản, vật chất hay con cái, ngay cả sự sống của chúng ta cũng là của Chúa, chúng ta chỉ là người quản lý. Trong vai trò quản lý, chúng ta chăm sóc, dạy dỗ con và dâng đời sống con cho Chúa sử dụng. Chúng ta không nắm quyền sở hữu con hoặc sử dụng con theo ý mình. Khi nuôi con, chúng ta cần nhớ rằng, con cái rồi đây sẽ có đời sống riêng. Con cái chỉ cần cha mẹ và sống bên cha mẹ khi còn nhỏ dại để được cha mẹ nuôi nấng, dưỡng dục. Nếu tâm niệm như thế khi con còn nhỏ, chúng ta sẽ không buồn khi con lớn khôn, từ giã gia đình để bắt đầu cuộc sống riêng. Trong văn hoá Á đông, nhiều người chấp nhận việc con gái lìa gia đình nhưng không chấp nhận con trai lìa gia đình. Có người ngày nay vẫn nghĩ rằng con gái là con của người ta, nuôi lớn rồi gả cho nhà chồng chứ cha mẹ không được nhờ, vì thế không trông mong gì nơi con gái. Đối với con trai thì ngược lại, cha mẹ kể đó là con của mình vì thế nắm giữ, không muốn buông con ra. Đây là quan niệm không công bình. Chúng ta cần yêu thương con trai con gái như nhau và sẵn sàng cho con tự lập khi con đến tuổi trưởng thành.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành