Ai Là Nguời Lân Cận Tôi?

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Tại Los Angeles có một bệnh viện tên là The Good Samaritan Hospital. The Good Samaritan là người Sa-ma-ri nhân từ, đây là tên gọi một nhân vật trong một câu chuyện Chúa Giê-xu đã kể. Thánh Kinh ghi câu chuyện đó như sau:

Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống. Song thầy ấy muốn xưng mình là công bình, nên thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Ai là người lân cận tôi? Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả. Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy (Phúc Âm Lu-ca 25-37).

Quý thính gỉa vừa nghe câu chuyện người Sa-ma-ri nhân từ trích từ Phúc Âm. Do câu chuyện nầy mà chúng có danh từ người Sa-ma-ri nhân từ để chỉ những người có lòng nghĩa hiệp, sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn. Bệnh viện The Good Samaritan cũng đã được đặt tên trong ý nghĩa đó. Ngày nay, trong xã hội nầy, có những người muốn ra tay nghĩa hiệp để giúp đỡ người khác nhưng nhiều khi cũng ngại vì sợ có thể bị thiệt hại đến bản thân. Thấy người đón xe bên vệ đường hay thấy người bị xe hư, nhiều khi chúng ta cũng ngại không dám giúp vì cũng đã có những trường hợp có những người làm điều bất chính giả dạng như vậy. Câu chuyện Người Sa-ma-ri có lòng nhân từ mặc dù nói về tấm lòng nghĩa hiệp, thương người, giúp người, nhưng trong bối cảnh của câu chuyện, chúng ta còn học được nhiều điều khác nữa.

Trước hết, chúng ta biết rằng sở dĩ Chúa Giê-xu kể câu chuyện nầy là để trả lời cho câu hỏi của một thầy dạy luật. Luật đây là luật Mai-sen và thầy dạy luật là giới lãnh đạo tôn giáo thời xưa, thông thạo luật đạo đức. Người nầy đến hỏi để thử Chúa. Ông ta hỏi: Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống vĩnh cửu? Chúa hỏi lại ông, Luật pháp Mai-sen dạy gì? Ông trả lời phải hết lòng kính yêu Thiên Chúa và yêu người lân cận như chính bản thân. Chúa bảo ông hãy thực hành điều đó, nhưng ông cho mình là người tốt nên hỏi vặn thêm: Thưa Chúa, ai là người lân cận của tôi? Để trả lời câu hỏi: Ai là người lân cận tôi Chúa Giê-xu đã kể câu chuyện mà chúng ta vừa nghe đọc.

 

Câu chuyện nầy cho chúng ta thấy có ít nhất là ba hạng người trên đời nầy, hay như có người đã so sánh, đây là ba nhóm người sống theo ba thứ luật khác nhau, ta tạm gọi là luật vàng, luật bạc và luật sắt. Những người ăn cướp trong câu chuyện là những người sống theo luật sắt. Đó là những người chủ trương rằng, Những gì của anh là của tôi. Vì chủ trương như vậy, đời sống của họ chỉ chuyên việc cướp của, giết người, bất kể khổ đau của người khác. Con người chúng ta có thể không tệ hại như những tay chuyên cướp của giết người như vậy, tuy nhiên, trong thâm tâm, trong trí óc nhiều khi chúng ta cũng đã sống hay chủ trương như vậy. Những gì không phải là của ta, ta xài phung phí và có khi gây thiệt hại cho người khác mà không biết. Người ta nói rằng trộm cắp không nhất thiết là của cải tiền bạc, nhưng có thể đã ăn cắp thì giờ của chủ, của hãng, hay những vật dụng mà ta cho rằng nhỏ nhặt, không đáng kể. Trong công lý và tiêu chuẩn của Thiên Chúa, trộm cắp dù nhiều hay ít, dù của cải tiền bạc hay thì giờ khả năng cũng đều là những hình thức trộm cắp, lấy của người làm của ta, một tình trạng ta nên ý thức để không mắc phải lỗi lầm đó.

Hạng người thứ hai là những người sống theo luật bạc. Luật bạc là luật nói rằng, Những gì của tôi là của tôi, những gì của anh là của anh. Thầy tư tế và thầy Lê-vi trong câu chuyện tượng trưng cho nhóm người nầy. Họ thấy nạn nhân nằm bên đường nhưng đã lánh đi. Thầy tư tế tránh qua một bên để đi vì không biết người kia còn sống hay chết. Nếu đã chết mà mình đụng đến thì sẽ bị ô uế, vì lo sợ như vậy nên ông đã tránh xa. Thầy Lê-vi, cùng thuộc hạng tư tế, người nầy khá hơn một chút, trông thấy nạn nhân nhưng rồi cũng bỏ đi luôn, có thể sợ bị phiền hà hay thiệt thân. Lối sống của hạng người nầy không thiếu trên đời. Nhiều người đang sống theo chủ trương nầy, chủ trương đèn nhà ai nấy rạng. Chúng ta không chen vào việc người khác và người khác cũng đừng chen vào việc của chúng ta. Chủ trương nầy mới nghe cũng hợp lý, nhưng thử nghĩ, nếu tất cả mọi người đều sống theo chủ trương nầy, đời sống con người sẽ như thế nào? Nếu chúng ta mạnh ai nay sống, mặc cho người khác sống hay chết, chúng ta cứ sống cho phần bản thân và gia đình mình. Nếu ai cũng sống như vậy thì nhân loại đã khổ đau lại càng thêm đau khổ. Thế giới đã không thiếu những người sống theo luật sắt, lúc nào cũng vơ vét, sống cho mình, bất kể đến người khác. Rồi lại thêm vào những người đúng là sống không làm hại ai, nhưng cũng chẳng lợi ích gì cho ai, chẳng giúp đỡ ai thì thật đáng buồn.

Nhưng trong câu chuyện chúng ta còn thấy nhân vật thứ ba, nhân vật mang tên người Sa-ma-ri. Sa-ma-ri là những người mang tên hai giòng máu. Khi người Do-thái bị lưu đày, các đế quốc chiếm đóng Do-thái đã đưa những giống dân khác vào sinh sống và sinh ra một giòng giống không còn giữ tính chất dân tộc thuần túy. Ngưới Do-thái lúc bấy giờ khinh miệt người Sa-ma-ri, nếu có lời rủa nào nặng nhất thì họ rủa, Anh là người Sa-ma-ri! Đó cũng chính là danh từ họ dùng để gọi Chúa Giê-xu. Người Sa-ma-ri, một dân tộc bị khinh thường, miệt thị, không có lý do gì ra tay cứu giúp ngưới Do-thái, nhưng Lời Chúa cho biết, người Sa-ma-ri khi trông thấy nạn nhân thì chạnh lòng thương. Và tình thương đó đã đưa đến hành động tích cực: Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người nầy, có tốn kém thêm bao nhiêu thì khi trở về chính tôi sẽ hoàn lại bác.

Theo thường tình, không có lý do gì mà người nầy phải chịu tốn công, tốn sức, tốn tiền để lo cho một người xa lạ, một người mà nếu bình thường là người khinh miệt mình. Người nầy làm như vậy chỉ vì động lòng trắc ẩn, vì tình thương, vì yêu người lân cận như chính bản thân. Đây là người sống theo luật vàng của Chúa Giê-xu: Điều gì mà các ngươi muốn người khác làm cho mình, cũng hãy làm điều đó cho họ. Thầy dạy luật muốn cho mình là công chính đã đặt câu hỏi: Ai là người lân cận tôi? Sau khi kể câu chuyện, Chúa Giê-xu đã hỏi lại: Theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẽ cướp. Thầy dạy luật đã trả lời: Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót với người ấy. Và Chúa Giê-xu đã kết luận bằng một câu ngắn: Hãy đi, làm theo như vậy.

Hãy đi, làm theo như vậy, hãy sống theo luật vàng của Chúa, đừng sống ích kỷ nữa. Vấn đề trên hết ở đây thật ra là đừng chỉ sống lý thuyết, nhưng hãy thực hành. Có thể chúng ta cũng đặt câu hỏi như thầy dạy luật, Ai là người lân cận tôi để tôi yêu thương? Câu trả lời là, Người lân cận không ở đâu xa, ở ngay bên cạnh chúng ta. Đó là chồng, là vợ, là cha mẹ, anh chị em, con cái bạn bè, người làm cùng sở, người hàng xóm, bất cứ ai đang có nhu cầu, đang là nạn nhân của những người theo luật sắt. Ta cần động lòng thương với tình thương của Thiên Chúa và làm một điều gì thiết thực để giúp đỡ. Tự sức ta không thể sống như vậy. Với ơn và sức của Chúa, với sức mạnh tái tạo của Chúa trong tâm hồn ta mới có thể yêu thương như Chúa đã trải rộng tình thương đó cho mọi người. Chúng ta không đáng thương mà Chúa đã thương, đã giáng trần, đổ máu vô tội của Ngài cứu chúng ta. Hãy tiếp nhận hồng ân của Thiên Chúa để có đủ ơn sức sống yêu thương, nếu không, chúng ta sẽ rơi vào lỗi lầm của thầy tư tế và Lê-vi, chỉ có hình thức tôn giáo mà thiếu đi tình thương chân thật bên trong. Hoặc tệ hơn nữa, sẽ đi đến chỗ ích kỷ, mặc khổ đau của người khác. Nếu có ai hỏi bạn, Ai là người lân cận của bạn, bạn sẽ trả lời như thế nào?

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành