Khi Con Đến Tuối Tự Lập - Bài 4

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Khi lập gia đình, chúng ta mong có con cái. Khi có con, chúng ta hết lòng nuôi dưỡng, dạy dỗ và mong cho con mau lớn. Chúng ta vui mừng thấy con khôn lớn và nên người trưởng thành, nhưng khi con từ giã cha mẹ để ra đời tự lập, chúng ta thấy có một niềm đau đớn trong lòng. Dù ít, dù nhiều, chúng ta cũng cảm thấy mất mát. Đây là một tình cảm thông thường và cần được thông cảm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết vì sao cha mẹ cảm thấy đau buồn, mất mát khi con lìa gia đình để bắt đầu đời sống riêng, để có thể hiểu con, hiểu chính mình và dễ dàng chấp nhận sự thay đổi này. Có người đã nói, tất cả những thay đổi trong đời sống đều để lại trong lòng ta một chút luyến tiếc, dù đó là sự thay đổi mà ta mong muốn nhất.

Sở dĩ khi con cái lìa xa gia đình để bắt đầu cuộc sống riêng, có những bậc cha mẹ quá đau buồn và lắm khi giận con, muốn cầm giữ con lại là vì những lý do sau:

 

  1. Cha mẹ xây dựng cuộc đời mình chung với cuộc đời của con, xem cuộc đời con là tiếp nối của cuộc đời cha mẹ.
  2. Hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc nên cha mẹ dồn hết tình thương cho con, khiến tình mẹ con hay tình cha con sâu đậm hơn tình vợ chồng.
  3. Cha mẹ thương con với tình yêu ích kỷ và muốn tiếp tục nắm quyền trên đời sống con.
  4. Dù con đã lớn, cha mẹ vẫn xem con như còn nhỏ và nghĩ rằng con thuộc quyền sở hữu của cha mẹ.
  5. Cha mẹ trông mong nơi con quá nhiều và muốn con tùy thuộc mình mãi mãi.

Kính thưa quý vị, năm lý do chúng tôi vừa nêu không phải là những điều cha mẹ cố tình làm nhưng đó là những tâm lý phức tạp, ẩn giấu trong tình cảm của một số các bậc cha mẹ mà chính quý vị đó cũng không biết và không thấy. Không cha mẹ nào cố tình ràng buộc với con theo năm cách trên để gây khó khăn đau buồn cho con, đây là những điều chúng ta làm một cách vô tình hoặc là tự nhiên, vì chúng ta nghĩ như thế là đúng.

Trong các câu chuyện gia đình trước đây, chúng tôi đã trình bày ba lý do đầu tiên nên hôm nay xin trình bày hai lý do còn lại:

Lý do IV. Dù con đã lớn, cha mẹ vẫn xem con như còn nhỏ và nghĩ rằng con thuộc quyền sở hữu của mình.

 

Một số người cho rằng con cái là do cha mẹ sinh ra nên con cái không thể nào hiểu biết và khôn ngoan bằng cha mẹ được. "Trứng làm sao khôn hơn vịt" là lý luận của các bậc phụ huynh này. Nhưng chúng ta không thể quên rằng con cái của chúng ta càng khôn lớn, sự hiểu biết càng gia tăng. Con cái không có nhiều kinh nghiệm về đời sống như cha mẹ nhưng phải nhận rằng ngày nay con cái có thể có những kiến thức và hiểu biết hơn cha mẹ trong nhiều phương diện. Xã hội nào xem thường thế hệ trẻ và không chấp nhận ý kiến của người trẻ thì xã hội đó sẽ chậm tiến. Con cái chúng ta khi đã lớn, có những suy tư, ý kiến mới mà chúng ta cần lắng nghe. Đừng bao giờ xem những đứa con đã lớn là con nít không biết gì. Cha mẹ không nên xem thường hay mắng mỏ con như những đứa bé nhưng cần tôn trọng con như người lớn. Sự xem thường của cha mẹ có thể khiến con cái buồn giận, bực bội, mặc cảm, có khi chính vì thế mà con tránh, không muốn ở gần cha mẹ. Nếu chúng ta nghĩ lại tâm trạng của mình khi bằng tuổi con bây giờ, và nhớ lại những khó khăn, khổ sở mình phải chịu ngày trước vì bị người lớn xem thường, thì chúng ta sẽ thông cảm với con và dễ tôn trọng con hơn.

Chúng ta nhớ rằng tất cả những gì chúng ta có là của Chúa. Chúng ta chỉ là người quản lý. Theo nguyên tắc đó, con cái không thuộc quyền sỡ hữu của cha mẹ mà thuộc quyền sở hữu của Chúa. Cha mẹ chỉ có trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc và lớn lên để cho Chúa sử dụng. Nếu nhớ rằng con cái không thuộc quyền sở hữu của cha mẹ thì khi con phải lìa xa cha mẹ để tự lập, chúng ta sẽ không nắm giữ nhưng sẵn sàng để cho con đi. Chúng ta cũng sẽ không đau buồn vì không thấy là mình đã mất con. Bất cứ điều gì Chúa ban cho, dù là tài sản vật chất hay gia đình, người thân, chúng ta cũng không nên nắm giữ quá chặt. Có như thế thì khi Chúa cất đi, chúng ta mới không khổ sở và đau đớn.

Lý do V. Trông mong nơi con quá nhiều và muốn con tùy thuộc cha mẹ mãi mãi

 

Một lý do khác nữa khiến cho cha mẹ thường buồn khi con cái đi tự lập là cha mẹ trông mong nơi con quá nhiều. Có người quá nghèo khổ nên khi có con trông mong con lớn lên sẽ cứu vớt gia đình, thay đổi hoàn cảnh và sẽ là lời giải đáp cho tất cả mọi nan đề của gia đình. Nhưng đến khi con lớn, không làm đúng như điều cha mẹ trông mong, mà lại còn muốn tách rời cha mẹ để gây dựng đời sống riêng, vì thế cha mẹ không vui.

Cũng có người thương con quá nhiều, hy sinh tất cả mọi sự cho con để đời sống con được đầy đủ, sung sướng, và mong rằng khi con lớn sẽ nghĩ đến công ơn của cha mẹ và sẽ lo cho cha mẹ, nhưng khi con lớn, có thể tự lập, không biết nghĩ đến cha mẹ mà muốn tách ra để lo cho mình và gia đình mình. Đây thật là điều khiến cha mẹ thất vọng và đau buồn, nhất là trong trường hợp cha hoặc mẹ đã ly dị hoặc góa bụa, con cái là niềm an ủi duy nhất, là nơi cho cha mẹ nương tựa. Trong những trường hợp này, con cái phải nghĩ đến cha mẹ, và phải cố gắng mọi cách để giúp đỡ cha mẹ.

Trong trường hợp cha mẹ còn đầy đủ, khỏe mạnh nhưng đòi hỏi con cái phải ở gần, phụng dưỡng để báo hiếu thì điều đó hơi quá đáng. Thánh Kinh dạy rằng cha mẹ lo cho con cái, thế hệ trước lo cho thế hệ sau. Sứ đồ Phao-lô viết: "Thật, chẳng phải con cái nên chứa của quý cho cha mẹ, nhưng thà cha mẹ chứa cho con cái thì hơn" (II Cô-rinh-tô 12:14). Trong bản dịch của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, câu này như sau: "Không phải con cái có bổn phận tích của cho cha mẹ, mà là cha mẹ cho con cái." Câu này cho thấy, lẽ thường tình là cha mẹ lo cho con cái, con cái lớn lên lại lo cho con của chúng và cứ như thế hết thế hệ này đến thế hệ khác. Cha mẹ cần thông cảm với con cái, đừng trông mong hoặc đòi hỏi quá nhiều nơi con.

Có đôi vợ chồng kia vừa lo cho bà mẹ vợ già yếu vừa lo cho đứa con trai bị ung thư. Suốt hai năm hai vợ chồng dành hết thì giờ chăm sóc cho con và mẹ già nhưng cuối cùng đứa con qua đời. Sau khi lo đám tang cho con, hai vợ chồng sắp xếp công việc, định đi xa vài tuần để nghỉ ngơi và để vợ chồng có thì giờ với nhau. Ngay lúc đó, bà mẹ cho biết bác sĩ bảo bà phải giải phẫu đầu gối trong vòng một tháng sắp đến. Người con gái cho mẹ biết rằng hai vợ chồng cần đi xa khoảng hai tuần rồi sẽ trở về. Bà cụ này có thể chọn một ngày trong suốt bốn tuần bác sĩ cho để đi giải phẫu và bà đã chọn đi giải phẫu hai ngày trước khi vợ chồng người con gái lên đường. Hai vợ chồng rất là áy náy, không biết tính làm sao, thay đổi chương trình đã định thì không được mà cứ đi như đã dự tính thì không dám, vì biết rằng khi về sẽ nghe mẹ phiền trách, than van rất nhiều. Bà mẹ thì một mặt bảo con cứ đi chơi đừng thay đổi chương trình, một mặt nhất quyết không dời ngày đi giải phẫu. Đây là một ví dụ điển hình về những cha mẹ trông mong nơi con những điều quá đáng và không nghĩ đến hạnh phúc của con. Bà mẹ này không cố tình làm như thế nhưng đó là cách bà thường cư xử trong những vấn đề quan hệ đến con.

Kinh Thánh dạy con cái phải hiếu kính cha mẹ và phải lo cho cha mẹ, nhất là trong trường hợp cha mẹ già yếu cô đơn, nhưng cha mẹ cũng nên nghĩ đến nhu cầu hay hạnh phúc của con. Sứ đồ Phao lô viết: "Hãy kính những người đàn bà góa thật là góa. Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu thì con cháu trước phải học điều hiếu thảo với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ, vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời… Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa." (I Ti-mô-thê 5:3-4, 8). Con cái không nêních kỷ, chỉ nghĩ đến niềm vui hay hạnh phúc của riêng mình nhưng cha mẹ cũng không nên dùng sự đau ốm, cô đơn hay quyền làm cha mẹ để ràng buộc, đòi hỏi con cái. Đẹp hơn hết là cha mẹ hy sinh cho con, còn con cái không quên công ơn sinh thành của cha mẹ, nhưng nghĩ đến cha mẹ và hết lòng giúp đỡ để bày tỏ lòng hiếu kính.

Để không đau buồn, thất vọng khi con cái đến tuổi trưởng thành phải từ giã gia đình để tự lập, là cha mẹ, chúng ta cần nhớ những điều sau đây:

  1. Con cái lớn lên sẽ có đời sống riêng, cha mẹ không nên trông mong con làm thành những ước mơ mà mình chưa đạt được, hoặc dựa vào đời sống con để gây dựng lại đời sống của chính mình.
  2. Đừng để tình mẹ con hay tình cha con trở thành đậm đà hơn tình yêu giữa vợ và chồng.
  3. Thương con và nghĩ đến hạnh phúc của con, đừng thương con cách ích kỷ, muốn tiếp tục cầm giữ và kiểm soát đời sống con.
  4. Khi con đã lớn, đừng xem thường con nhưng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Đừng xem con là vật sỡ hữu của mình.
  5. Con cái phải hiếu kính cha mẹ nhưng cha mẹ cũng đừng trông mong quá nhiều nơi con.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành