Ở Nhà Với Con - Bài 1

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Mỗi sáng khi mẹ thức dậy đi làm là bé Tâm dậy theo, dù trời lạnh hay dù đang buồn ngủ bao nhiêu bé cũng xuống khỏi giường đi theo mẹ. Có khi bé đến ngồi trên chiếc ghế ở bàn ăn, lim dim ngủ tiếp chờ mẹ ra, vì bé biết mẹ sẽ ra chỗ bàn ăn sáng rồi mới đi làm. Ngày nào cũng vậy, bé Tâm bám lấy mẹ cho đến phút mẹ bước ra khỏi cửa. Đối với Tâm, những phút ngắn ngủi quấn quít bên mẹ trước khi phải xa mẹ suốt một ngày như thế hình như rất là quan trọng. Dù bé không nói ra nhưng trong nhà ai cũng thấy điều đó. Lý do là vì hễ hôm nào bé ngủ quá say hay mẹ dậy quá nhẹ nhàng bé không biết, đến khi thức dậy mẹ đã đi rồi, là bé khóc, không chịu ăn, cũng không chịu làm gì cả. Bé Tâm tuy mới ba tuổi nhưng rất là khôn. Có lần bé hỏi mẹ: "Mẹ ơi, tại sao mẹ phải đi làm hoài vậy?" Mẹ đáp: "Mẹ phải đi làm để có tiền mua bánh cho con." Tâm liền nói: "Con không muốn bánh nữa đâu, mẹ đừng đi làm nữa, mẹ ở nhà với con nhen!"

Tất cả các em nhỏ hai ba tuổi, bốn năm tuổi đều mong được ở bên mẹ, không muốn mẹ đi đâu cả. Một bà mẹ trẻ kia có ba đứa con từ 2-6 tuổi. Mỗi buổi tối, khi bốn mẹ con nằm trên giường trò chuyện với nhau, mấy đứa con lại hỏi: "Mẹ ơi, ngày mai mẹ có phải đi làm nữa không?" Các em mong có ngày mẹ sẽ trả lời: "Không, ngày mai mẹ không phải đi làm nữa!" Nhưng không biết ngày đó bao giờ mới đến. Một em bé trai nọ, cứ hay khóc khi mẹ đem em đến nhà giữ trẻ. Mẹ dỗ em và nói: "Con chịu khó để mẹ đi làm có tiền rồi mẹ mua đồ chơi cho con." Vài tuần sau, khi mẹ em sửa soạn đi làm, cậu bé đem năm đồng xu đến đưa mẹ và nói: "Con cho mẹ tiền nè, mẹ đừng đi làm nữa!"

Nếu quí vị là những bà mẹ có con nhỏ và phải gởi con đi làm, có lẽ quí vị cũng nhiều lần nghe con thỏ thẻ bên tai những lời tương tự như trên. Nhật báo Los Angeles Times, số ra ngày 22 tháng 8 năm 1999, trong mục nói về đời sống hằng ngày cho biết rằng ngày nay số các bà mẹ có con nhỏ không đi làm ở ngoài để ở nhà nuôi con ngày càng gia tăng. Đây là một thay đổi rất lạc quan, vì sẽ giúp củng cố nền tảng gia đình và giảm bớt nạn thanh thiếu niên phạm pháp. Các thống kê cho biết, hiện nay có đến 36% phụ nữ có con dưới 6 tuổi nghỉ việc để ở nhà nuôi con, dù họ làm những ngành nghề lương cao. Và 29% số phụ nữ có con nhỏ chỉ đi làm bán thời gian để có thì giờ ở nhà chăm sóc con. Một phụ nữ 30 tuổi, bằng lòng bỏ việc làm 30 ngàn Mỹ kim một năm để chuẩn bị nuôi đứa con đầu lòng. Cô nói: "Tôi biết tôi là người có đủ điều kiện hơn ai hết để nuôi con của tôi, vì tôi là mẹ nó. Đối với tôi điều quan trọng nhất trong đời là con tôi sẽ học nơi tôi những gì tôi muốn dạy cho nó. Tôi không đủ điều kiện dạy con người khác, mà cũng không muốn gởi con tôi cho người khác chăm sóc, dạy dỗ."

 

Lời Chúa trong Thánh Vịnh thứ 127 dạy rằng:

Chúa cho chúng ta con cái làm cơ nghiệp, tử tôn là phần thưởng của Ngài

Con cái là điều quý giá nhất Chúa ban cho chúng ta trong đời tạm nầy. Thật ra ai cũng đồng ý rằng con cái là điều quý nhất, quý hơn tiền bạc, tài sản hoặc bất cứ điều gì khác. Bao nhiêu cha mẹ thương con đến độ sẵn sàng chịu chết, chịu đau thế cho con. Tuy nhiên, đó là khi con gặp đau ốm hiểm nguy, còn khi mọi việc bình an bình thường, chúng ta dễ bỏ quên con cái để đeo đuổi những điều khác. Ngày xưa, trong thời Cựu Ước, có những nhóm người có tục lệ thờ cúng rất là kinh khiếp, đó là họ đem con cái thiêu sống làm tế lễ dâng cho các thần. Thánh Vịnh thứ 106:37-38 ghi như sau: "Họ bắt con trai con gái mình mà cúng tế ma quỷ. Làm đổ máu vô tội ra, tức là máu của con trai con gái mình, mà họ cúng tế cho hình tượng xứ Ca-na-an." Ngày nay không ai thờ cúng một cách tàn ác như thế, nhưng nếu vì ham mê tiền bạc, vật chất mà cha mẹ không có thì giờ ở gần bên con, dạy dỗ con, để con chịu những ảnh hưởng xấu của xã hội, khiến con hư hỏng, đó cũng chẳng khác gì vì thần tài mà chúng ta hy sinh con cái.

Một vị Mục sư nọ sau nhiều năm hầu việc Chúa đã nói: "Tôi đã chứng kiến giây phút cuối cùng của nhiều người, và tôi nhận thấy điều này, đó là không người nào trong giờ lâm chung nói rằng, tôi ân hận vì đã không làm ra được nhiều tiền hơn, nhưng tôi chứng kiến bao nhiêu người nói: Tôi ân hận đã không dành thì giờ cho người thân yêu, không làm trọn trách nhiệm đối với người trong gia đình. Điều đó cho thấy đến cuối cuộc đời, tài sản vật chất không có ý nghĩa gì, nhưng chỉ có tình thương yêu, lòng quan tâm và hy sinh chúng ta dành cho người khác là có giá trị thôi."

Có những bậc cha mẹ con cái bây giờ đã lớn, nhưng không nên người như cha mẹ mong muốn. Những bậc cha mẹ đó, nhất là các bà mẹ, rất ân hận đã không dành thì giờ cho con như đáng phải có. Họ ước gì có thể quay lui thời gian lại 10 năm, 15 năm, họ sẽ dành thì giờ chăm sóc con nhiều hơn. Nhưng đó chỉ là mơ ước mà thôi. Đối với quý vị có con còn nhỏ, chưa đến tuổi đi học hoặc còn học tiểu học, quý vị còn cơ hội để đặt lại thứ tự ưu tiên. Ước mong quý vị sẽ đặt đúng thứ tự ưu tiên cho đời sống để sau này quý vị không còn gì phải ân hận. Theo Lời Chúa trong Kinh Thánh, dạy dỗ con cái là trách nhiệm hàng đầu của cha mẹ. Châm ngôn 22:6 ghi: "Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó." Chúng ta phải dạy con khi con còn nhỏ, còn mềm mại, còn có thể uốn nắn được. Thánh Kinh cũng dạy: "Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức, kính mến Chúa Hằng Hữu. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm hay là khi chỗi dậy" (Phục Truyền 6:5-7).

Theo những câu Kinh Thánh này, chúng ta phải dạy con Lời Chúa, dạy con điều hay lẽ phải, trong mọi nơi, mọi lúc. Bất cứ trong khung cảnh nào, thì giờ nào trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta cũng tìm cơ hội để dạy con. Ai là người ở gần các em nhỏ khi nằm ngủ, khi thức dậy, khi ở trong nhà, khi đi ngoài đường, nếu không phải là cha mẹ? Đặc biệt là các bà mẹ? Chỉ có cha mẹ, nhất là người mẹ, mới ở cạnh bên con trong mọi sinh hoạt trong ngày, và cha mẹ cần nắm lấy cơ hội ở gần con, những giờ phút ở gần bên con để dạy con những điều cần thiết, về đức tin cũng như những điều quan trọng khác trong cuộc sống.

Ngày nay có nhiều bà mẹ đi làm nhưng lúc nào cũng áy náy không vui, nhất là khi phải đem con ra ngoài trời sớm, trong mùa đông lạnh lẽo, phải gởi con cho người khác chăm sóc. Các bà muốn ở nhà với con nhưng vì nhu cầu của gia đình, vì những nợ nần phải trả, vì đã lỡ mua nhà mua xe, vì chồng chưa có việc làm chắc chắn, vì cần có bảo hiểm sức khỏe cho gia đình, v.v? Có rất nhiều lý do và những lý do đó đều chính đáng. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã biết đâu là điều tốt cần làm và quyết tâm làm, chúng ta sẽ có thể làm được, nhất là nếu chúng ta nhờ cậy Đức Chúa Trời dẫn dắt và giúp đỡ. Chúa sẽ giúp chúng ta sáng suốt nhìn thấy vấn đề và sẽ hướng dẫn chúng ta từng bước một. Trong thư gởi cho tín hữu tại thành Rô-ma, thánh Phao-lô viết: "Anh em đừng khuôn rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo" (Thư Rô-ma 12:2).

Có lẽ đây cũng là điều chúng ta cần làm hôm nay. Đừng làm theo những gì ta thấy người khác làm, cũng đừng in trí là mình không thể thay đổi hay làm khác được, nhưng hãy đổi mới tâm thần, thay đổi cái suy luận của tâm trí, đặt lại thứ tự ưu tiên trong đời sống, tìm kiếm điều gì tốt, điều gì đẹp lòng Chúa, điều gì hoàn hảo. Và khi đã tìm được rồi, hãy nhờ Chúa giúp sức để ta có thể làm được. Ví dụ chúng ta đã thấy rằng việc nuôi dạy con là trách nhiệm hàng đầu của cha mẹ. Các em nhỏ cần ở gần mẹ để được mẹ hướng dẫn, chăm sóc chu đáo. Không người nào có thể chăm sóc một đứa bé với tình thương yêu đầy trọn như chính mẹ của nó. Nếu chúng ta đã thấy rõ thứ tự ưu tiên trong đời sống và muốn thực hành để con cái không bị thiệt thòi sau nầy, chúng ta hãy cầu xin Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta.

Đến đây chúng tôi cũng xin mở ngoặc để thưa rằng không phải hễ gia đình nào có mẹ ở nhà lo cho con là con sẽ tự khắc nên người tốt, vì điều đó còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác như, người mẹ nuôi dạy con với tinh thần và thái độ như thế nào, ông cha đóng góp vào việc dạy con như thế nào. Nếu người mẹ ở gần con nhưng không dạy dỗ, không làm gương tốt mà chỉ la mắng, than van suốt ngày thì dĩ nhiên là sẽ có ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống con (còn tiếp).

 

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành