Ðón Mừng Năm Mới

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Chúng ta vừa đón mừng Năm Mới Dương Lịch. Quý vị suy nghĩ gì hay mơ ước gì khi bước vào Năm Mới? Có lẽ mỗi chúng ta đều có những mơ ước khác nhau. Có người mơ ước năm nay sẽ gặp được người tâm đầu ý hợp, sẽ lập gia đình và không còn cô đơn nữa. Có người mong ước tìm được việc làm để không phải lo lắng về kinh tế gia đình. Người thì mong năm nay gia đình được êm ấm hơn, con cái ngoan ngoãn hơn. Người lớn tuổi thì mong được khỏe mạnh hoặc sớm có cháu nội cháu ngoại để bồng bế, v.v... Chúng ta có nhiều mơ ước cho Năm Mới và cho cuộc đời, nhưng có thể nói, sâu kín trong đáy lòng, chúng ta mong ước đời sống được bình an, yên ổn, đừng có tai nạn rủi ro, đừng có điều gì nguy hiểm hay bất an xảy ra. Nói đúng hơn, mong ước lớn nhất của mọi người, ở mọi nơi, trong mọi hạng tuổi là, mong ước được sống trong hòa bình, yên ổn, vì nếu không hòa bình yên ổn, tất cả những mơ ước khác của chúng ta đều khó có thể thành sự thật.

Với tình hình căng thẳng trên thế giới hiện nay, hơn bao giờ hết, chúng ta mong ước thế giới được hòa bình, và cũng hơn bao giờ hết, chúng ta thấy hòa bình đó thật mong manh. Trong một bài nói chuyện nhân dịp đầu năm, Mục sư Harold Sala cho biết, trên thế giới hiện nay có trên 80 cơ quan, gọi là cơ quan hòa bình, đặt văn phòng tại nhiều nước trên thế giới. Mục đích của các cơ quan này là nghiên cứu để tìm ra "Một nền tảng khoa học cho một hòa bình dài lâu," họ muốn tìm một công thức nhằm giúp các quốc gia trên thế giới có thể mở cửa biên giới và sống với nhau trong hòa bình. Các nhà lãnh đạo thế giới thì xem những tổ chức hòa bình này như là những cơ quan cân bằng sứ mạng của các khoa học gia khác. Vì trong số những khoa học gia mà thế giới có từ trước đến nay, có đến 90% hiện còn sống và công tác của đa số các khoa học gia này là, nghiên cứu để chế tạo những vũ khí tối tân hơn, tinh vi hơn hầu tiêu diệt kẻ thù!

Chúng ta lo lắng khi thấy tình hình thế giới căng thẳng và chiến tranh có thể xảy ra. Chúng ta thấy mình nhỏ bé, bất lực trước thời cuộc. Chúng ta mong ước những người lãnh đạo thế giới và những người có thẩm quyền có thể giải hòa với nhau để chiến tranh đừng xảy ra. Có lẽ quý vị cũng nhiều khi đặt câu hỏi: Tại sao người ta không thể sống hòa thuận với nhau? Tại sao các quốc gia không thân thiện tử tế với nhau để được sống trong hòa bình? Tại sao phải tốn bao nhiêu tiền chế tạo những vũ khí giết người, dùng tiền đó giúp những nước nghèo có phải là ích lợi hơn không? Năm 1948, khi thế giới kinh hoàng trước sức tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạch tâm, Albert Einstein tuyên bố: "Nan đề của thế giới là ở tại lòng người và trong tâm trí con người. Ðây không phải là vấn đề vật chất nhưng là vấn đề đạo đức. Ðiều đáng sợ không phải là sức mạnh tàn hại của bom nguyên tử nhưngï là sức mạnh trong tấm lòng xấu xa gian ác của con người, là sức mạnh tàn phá của tội ác."

 

Thật vậy, cốt lõi của nan đề trên thế giới không phải là những vũ khí nguy hiểm nhưng chính là tấm lòng con người. Tấm lòng ích kỷ, ganh ghét, dối trá là nơi phát xuất những nan đề của thế giới và đem lại đau khổ cho mọi người. Từ ngàn xưa Kinh Thánh đã dạy: "Lòng người là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa, ai có thể biết được?" (Giê-rê-mi 17:9), Chúa Giê-xu cũng nói, "Từ nơi tấm lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối và lộng ngôn" (Phúc Âm Ma-thi-ơ 15:19). Lòng người thật là xấu xa, không ai có thể lường được, và chính từ tấm lòng xấu xa đó mà nảy sinh ra bao nhiêu tội ác, đem đến đau khổ cho chính mình và người chung quanh. Thật ra, chỉ cần nhìn vào đời sống gia đình mình hoặc gia đình những người chung quanh, chúng ta sẽ hiểu được tại sao thế giới không có hòa bình. Nếu trong một cộng đồng nhỏ như gia đình mà vợ chồng không nhường nhịn nhau, cha mẹ và con cái không tôn trọng ý kiến của nhau; mỗi khi có điều gì bất bình thì nổi giận to tiếng với nhau và sẵn sàng gây tổn hại cho nhau, thì trong những cộng đồng lớn hơn, như giữa sắc dân này với sắc dân khác kia, giữa nước này với nước khác có chiến tranh là điều tất nhiên. Có thể nói, ngày nào người trong gia đình còn xâu xé nhau và gây tổn thương cho nhau thì ngày đó thế giới sẽ vẫn còn chiến tranh.

Tuy nhiên, chúng ta không sống trong tuyệt vọng, sợ hãi vì Ðức Chúa Trời là Ðấng có thể thay đổi lòng người, khiến tấm lòng xấu xa của chúng ta trở nên tốt đẹp, tràn đầy tình yêu thương, và khi tấm lòng đã được đổi mới, chúng ta có thể làm phần trách nhiệm của mình để đời sống được bình an, yên vui. Có người đã nói, hãy cầu mong thế giới có hòa bình và hòa bình đó phải bắt đầu từ chính tôi. Chúng ta không bất lực, vì chúng ta có thể làm phần của mình, trong cương vị một cá nhân để giúp đem lại bình an cho đời sống.

Ba điều chúng ta có thể làm để gia đình hòa thuận, xã hội trật tự và thế giới có hòa bình là:

1. Thiết lập hòa bình hay hòa giải với Ðức Chúa Trời, Người Cha Thiên Thượng của chúng ta

Kinh Thánh dạy rằng, vì tội lỗi, con người đã trở nên thù nghịch với Ðức Chúa Trời, nhưng qua Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta sẽ được hòa thuận lại với Ngài. Chúa Giê-xu là Ðức Chúa Trời, đã xuống trần làm người, mang lấy tội của chúng ta và chịu chết thay cho chúng ta trên thập giá. Chúa Giê-xu là Ðấng duy nhất tuyên bố: "Ta là Con Ðường, Chân Lý và Sự Sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Ðức Chúa Cha" (Phúc Âm Giăng 14:6). Khi chúng ta đến với Chúa Giê-xu, tiếp nhận Ngài làm Ðấng Cứu Ðời, Chúa sẽ ban bình an cho chúng ta. Chúa phán: "Ta để bình an lại cho các con, ta ban bình an ta cho các con, ta cho các con bình an chẳng phải như thế gian cho, lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi" (Phúc Âm Giăng 14:27). Khi có bình an của Chúa ngự trị trong tâm hồn, chúng ta sẽ có thể làm điều thứ hai, đó là:

2. Không đổ lỗi cho người khác nữa nhưng nhận lỗi và sẵn sàng sửa đổi

Khi gia đình có nan đề, khuynh hướng chung của chúng ta là đổ lỗi cho người khác. Chúng ta luôn luôn nói hai chữ "tại vì." Tại vì chồng tôi thế này, vợ tôi thế kia; tại vì con tôi, vì cha mẹ tôi mà gia đình gặp khó khăn như ngày hôm nay. Khi có nan đề với bà con, bạn bè, với người cùng làm việc, chúng ta cũng thường cho rằng sở dĩ có nan đề là vì người này người kia chứ ít khi nào chúng ta nhận đó là lỗi của mình. Với bình an của Chúa và tình yêu của Chúa trong tâm hồn, chúng ta có thể thành thật nhìn vào chính mình, khiêm nhường để nhìn thấy lỗi lầm, thiếu sót của chính mình và sửa đổi, nếu cần xin lỗi người liên hệ. Trong những rạn nứt, căng thẳng giữa chúng ta với người chung quanh, khi chúng ta không nói đổ lỗi nữa nhưng nhận lỗi và xin lỗi, thì những căng thẳng và những rạn nứt đó sẽ được hàn gắn và chữa lành. Thường thường, khi lòng không bình an, chúng ta sẽ dễ cảm thấy cay đắng, phiền giận, và sẵn sàng đổ lỗi cho người khác để tìm sự giải tỏa cho chính mình. Tuy nhiên, đổ lỗi không đem lại ích lợi gì mà chỉ làm cho nan đề to lớn hơn và khó giải quyết hơn.

3. Sẵn sàng làm hòa trước để đôi bên có thể giải hòa

Làm hòa trước là điều rất khó vì có thể chúng ta lý luận: "Tôi đâu phải là người gây ra chuyện mà phải làm hòa trước! Người kia phải nhận lỗi, xin lỗi hay ít ra, ăn năn hối lỗi thì mới đáng cho tôi tha thứ, còn chuyện làm hòa trước, tôi còn phải suy nghĩ lại." Khi nào chúng ta còn suy nghĩ như thế, vấn đề sẽ không được giải quyết, hòa thuận và bình an sẽ không ở trong tầm tay. Nếu chúng ta đã nhận ơn tha thứ của Chúa, chúng ta không thể nào không tha thứ cho người vì ơn tha thứ Chúa dành cho chúng ta quá lớn lao. Chúng ta không đáng được tha thứ mà Chúa vẫn tha thứ, không đáng được thương mà Chúa đã thương. Kinh Thánh cho chúng ta nguyên tắc như sau trong cách ứng xử với người chung quanh: "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu" (Thư Ê-phê-sô 4:32).

Có người đã nói: "Khi tâm hồn có ánh sáng của Thiên Chúa, sẽ phát huy những mỹ đức trong tâm tính, từ đó đưa đến hòa thuận trong gia đình, trật tự trong xã hội và hòa bình trên thế giới." Câu nói này thật đúng, ánh sáng trong tâm hồn là điều quan trọng đầu tiên chúng ta cần có. Ðó là ánh sáng nhân từ, yêu thương, ánh sáng thánh khiết, ánh sáng của sự sống. Aùnh sáng đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa Giê-xu đã từng tuyên bố: "Ta là ánh sáng của thế gian, người nào theo ta chẳng đi trong tối tăm nhưng có ánh sáng của sự sống" (Phúc Âm Giăng 8:12). Chúa cũng dạy, người tin Chúa là muối của đất, ánh sáng của trần gian, ánh sáng đó phải được soi ra để mọi người nhìn thấy và ca ngợi Ðức Chúa Trời. Chúng ta ai cũng mong được sống trong bình an và hòa bình. Hòa bình đó chỉ thật sự đến khi chúng ta bằng lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, để cho ánh sáng yêu thương, công bình và thánh khiết của Ngài chiếu rọi tâm hồn chúng ta, soi đường dẫn lối cho chúng ta trên trần gian tăm tối này. Chúng tôi kính mời quý vị hãy bắt đầu Năm Mới này bằng cách tiếp nhận sự sống và ánh sáng của Chúa. Quý vị sẽ kinh nghiệm bình an thật trong đời sống.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành