Hai Phiên Tòa

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Khoảng 2,000 năm trước một vụ án xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Lúc đó không có truyền thanh và truyền hình và dù có đi nữa, chắc chẳng mấy ai chú ý đến. Nhưng gần 2,000 năm sau, hôm nay cả thế giới vẫn nhắc lại vụ án nầy và kết quả của vụ án vẫn còn ảnh hưởng trên đời sống của toàn nhân loại. Đó là vụ án của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong Mùa Thương Khó, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục đi theo bước chân của Chúa Cứu Thế Giê-xu để hiểu được phần nào nỗi thống khổ Chúa chịu vì chúng ta.

Thánh Kinh cho biết Chúa Giê-xu đã bị bắt vì lòng ganh ghét của giới lãnh đạo tôn giáo đương thời. Chúa đã đưa ra những lời dạy đụng đến những con người đạo đức giả và vì quyền lợi cũng như quyền lực của họ bị lung lay, họ quyết tâm khai trừ Chúa. Họ đã tìm mọi dịp và mọi cách để bắt Chúa nhưng không được cho đến trước ngày lễ Vượt Qua của người Do-thái và với sự hợp tác của một người học trò phản bội là Giu-đa.

Sau khi bị bắt, Chúa Giê-xu bị giải đến nhà của vị thượng tế đồng thời cũng là chủ tịch của Hội Đồng Tôn Giáo Do-thái. Hội Đồng nầy gồm 71 người có nhiệm vụ xét xử những vấn đề liên quan đến giới răn và luật đạo của người Do-thái. Vì Chúa Giê-xu là người vô tội cho nên họ phải tìm những chứng gian để buộc tội Chúa. Thánh Kinh ghi lại phiên xử nầy như sau:

 

Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Chúa Giê-xu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. Có vài kẻ đứng lên cáo gian Ngài rằng, Chúng tôi có nghe ông ấy nói, Tôi sẽ phá đền thờ nầy do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một đền thờ khác, không phải do tay người phàm. Nhưng ngay về điểm nầy, chứng của họ không ăn khớp với nhau (Phúc Âm Mác 14:55-59).

Có ít nhất là bốn điều sai lầm về phiên tòa nầy:

  1. Bản án đã được đưa ra trước khi xử. Những người trong Hội Đồng Tôn Giáo đã muón giết Chúa từ đầu. Việc đưa ra tòa chỉ là để tìm bằng chứng hay nói đúng hơn là để cáo gian để có lý do giết Chúa. Thánh Kinh cho biết, "các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Chúa Giê-xu để lên án tử hình." Họ đã quyết tâm lên án tử hình trước khi xét xử.
  2. Sai lầm thứ hai của phiên tòa nầy là tòa không bao giờ họp vào ban đêm, nhưng vì chủ tâm muốn giết Chúa sớm họ đã họp ngay sau khi bắt Chúa và xử thâu đêm suốt sáng. Thánh Kinh cho biết khi họ giải Chúa Giê-xu đến phiên tòa thứ hai là vào lúc vừa tảng sáng.
  3. Sai lầm thứ ba của phiên tòa tôn giáo là họ không có bằng chứng cụ thể để buọc tội Chúa, vì vậy mà họ đã cáo gian Chúa và tìm nhân chứng giả để làm việc đó.
  4. Sai lầm thứ tư của phiên tòa nầy là lời khai của ngay cả những nhân chứng giả nầy cũng không ăn khớp với nhau.

Chúa Giê-xu là con người vô tội đã bị một tòa án tôn giáo buộc tội mà không cần đến bằng chứng xác thực, họp vội vã và bản án đã được quyết định trước khi xử. Cuối cùng, vì không có bằng chứng nào xác thực, họ đã buộc Chúa vào tội lộng ngôn và lên án tử hình. Tuy nhiên vì lúc bấy giờ Do-thái nằm dưới quyền cai trị của La-mã nên bản án tử hình cần phải được tòa án La-mã phê chuẩn. Do đó, sau khi kết án tử hình, giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái đã giải Chúa Giê-xu đến cho vị thống đốc người La-mã là Phi-lát.

Trong phiên tòa La-mã, ba lần vị thống đốc tuyên bố, "Ta xét thấy người nầy không có tội gì." Mặc dù ba lần tuyên bố như vậy, cuối cùng, Thánh Kinh cho biết, thống đốc Phi-lát trao Chúa Giê-xu cho họ đóng đinh vào thập giá. Tại sao vị quan tòa biết Chúa Giê-xu vô tội mà lại vẫn để cho Chúa bị tử hình? Thánh Kinh Phúc Âm Giăng ghi lại chi tiết đó như sau:

Từ đó Phi-lát tìm cách tha Ngài nhưng người Do-thái kêu lên rằng: Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Sê-sa. Ai xưng mình là vua thì chống lại Sê-sa. Khi nghe thấy thế, Phi-lát truyền dẫn Chúa Giê-xu ra ngoài. Phi-lát nói với người Do-thái: Đây là vua các ngươi. Họ liền hô lớn, Đem đi, đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá. Phi-lát nói với họ: Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các ngươi sao? Các thượng tế đáp: Chúng tôi không có vua nào cả ngoài Sê-sa (Phúc Âm Giăng 19:12, 14-15).

Sau câu nói đó các các thượng tế, thống đốc Phi-lát trao Chúa Giê-xu cho họ đóng đinh vào thập giá. Phi-lát biết Chúa Giê-xu vô tội nhưng vẫn để cho Ngài chịu đóng đinh vì áp lực của quần chúng, vì sợ quyền lợi và chức vị bị lung lay. Ông biết công lý nhưng đã không thi hành công lý.

Chúa Giê-xu giáng trần chịu chết vì tội của nhân loại theo chương trình của Đức Chúa Trời nhưng chính nhân loại đã giết Chúa vì lòng ganh ghét và không đếm xỉa gì đến công lý. Con người đã xử sự như vậy dù biết rõ đâu là đường ngay lẽ phải. Họ đã quyết định theo ý chí tự do đã được ban cho họ. Quý vị và tôi ngày nay cũng được Thiên Chúa ban cho ý chí tự do tương tự. Chúng ta có quyền chọn lựa và quyết định, nhưng chúng ta đã quyết định như thế nào?

Khi đối diện với quần chúng Do-thái, thống đốc Phi-lát hỏi họ muốn tha cho ai thì họ đã xin tha cho Ba-ra-ba là một tay sát nhân. Và rồi thống đốc Phi-lát hỏi tiếp: "Thế còn Giê-xu thì ta sẽ xử thế nào?" Mọi người đồng thanh: "Đóng đinh nó vào thập giá!" Đó là quyết định của người Do-thái 2,000 năm trước. Ngày nay, trong Mùa Thương Khó nầy, Thiên Chúa cũng đặt trước mặt chúng ta một quyết định tương tự. Câu hỏi đặt ra cho mỗi chúng ta là: "Chúng ta xử với Chúa như thế nào đây?"

Ngày nay chúng ta không còn xử án Chúa vì Chúa đã mang bản án thế cho chúng ta nhưng chúng ta xử sự với Chúa ra sao? Đối xử với Ngài như thế nào? Chúa Giê-xu là Đấng vô tội đã gánh chịu mọi tội lỗi vì chúng ta, chúng ta bày tỏ quyết định nào với Chúa? Đối với Chúa Giê-xu, hoặc là chúng ta tiếp nhận Chúa hoặc là chúng ta khước từ Ngài, chúng ta không thể có thái độ trung dung.

Tiếp nhận Chúa nghĩa là nhận Ngài chính là Đấng Tạo Hóa toàn năng đã bằng lòng mang thân xác con người, mang tội thế cho con người, chịu chết vì tội của chúng ta và sau ba ngày Chúa đã sống lại, về trời và sẽ trở lại đem chúng ta về trong Nước của Ngài. Niềm tin nơi Chúa sẽ tạo cho chúng ta một hướng đi trong đời sống, một lý tưởng để sống. Chúng ta sống theo lời dạy của Ngài, biết kính Chúa, yêu người, sống hài hòa với mọi người trong một cộng đồng, xã hội tốt đẹp ở trần gian và hướng về tương lai vĩnh cửu ở thiên đàng.

Một mặt, chúng ta có thể tin nhận Chúa và tiếp nhận Ngài như vậy. Mặt khác, với ý chí tự do, chúng ta vẫn có thể khước từ Ngài, cho rằng Ngài cũng chỉ là một giáo chủ như bao nhiêu giáo chủ khác. Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do quyết định nhưng sau khi quyết định, chúng ta không thể lựa chọn kết quả của những gì mình đã quyết định. Lời Chúa khẳng định: "Ai tin Đức Chúa Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì sẽ không thấy sự sống đâu nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ ở trên người đó." Cơn phẫn nộ của Chúa ở trên chúng ta không phải vì Chúa tàn ác nhưng vì chúng ta đã quyết định sai lầm và Thiên Chúa không thể đi ngược lại với bản tính công bình thánh khiết của Ngài. Đức yêu thương của Chúa đã thể hiệ ;n trong việc Chúa Giê-xu chịu chết thế vì tội của chúng ta trên thập giá và đức thánh khiết của Ngài không thể không hình phạt con người tội lỗi. Thiên Chúa giống như ngọn lửa. Lửa sưởi ấm nhưng lửa cũng đốt cháy, tùy cách chúng ta xử sự với lửa.

Hôm nay, Thiên Chúa cũng đang đặt trước mặt quý vị hai con đường, hai quyết định. Quý vị chọn con đường nào? Quý vị quyết định như thế nào? Nhận rằng Chúa đã chết vì tội của mình và đặt trọn lòng tin nơi Chúa hay tiếp tục khước từ Chúa để rồi sẽ mãi mãi hư vong nơi hỏa ngục? Quyết định của chúng ta hôm nay sẽ lựa chọn nơi ở đời đời của chúng ta sau nầy và hướng đi mỗi ngày của cuộc đời nơi dương thế.

Đối với Chúa Giê-xu, quý vị xử sự như thế nào? Tiếp nhận hay khước từ? Đừng như người xưa khước từ Chúa hay biết chân lý mà vẫn phủ nhận để rồi phải ân hận mãi mãi. Hôm nay tin mừng đến với quý vị, hãy tiếp nhận tin mừng để được tha tội. Khước từ sẽ đưa chúng ta vão cõi chết. Bạn quyết định như thế nào?

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành