Hôn Nhân Bền Lâu - Bài 9

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Đến đây có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng vợ chồng cần phải tha thứ cho nhau thì mới có thể sống với nhau trong êm ấm lâu dài. Nhưng chúng ta tha thứ nhau như thế nào, và phải làm gì để sự tha thứ đó đem lại hữu ích cho cả đôi bên và giữ cho hôn nhân của chúng ta được vững bền?

Tha thứ chỉ có ý nghĩa và mang lại ích lợi khi có sự hiểu biết, thông cảm và thiện chí của đôi bên, của người có lỗi cũng như người tha lỗi. Khi chúng ta làm một điều lầm lỗi mà người phối ngẫu đã tha thứ, chúng ta phải làm sao cho xứng đáng với sự tha thứ đó. Có người đã nói, con người hơn loài vật không phải chỉ vì con người biết suy nghĩ nhưng vì con người biết ăn năn và tha thứ.

Để biết rõ về vấn đề tha thứ, chúng ta cần biết khi nào một người thật sự lầm lỗi và cần được tha thứ.

Tất cả những sự việc không hay xảy ra trong đời sống hằng ngày có thể xếp vào ba loại: (1) Những việc rủi ro xảy đến ngoài sự kiểm soát của chúng ta. (2) Những điều xảy ra mà ta có một phần trách nhiệm. (3) Những điều xảy ra mà ta hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chúng ta cần phân biệt mỗi trường hợp để có thể đối phó với từng hoàn cảnh và cư xử với nhau cho phải lẽ.

1. Những chuyện rủi ro xảy ra ngoài ý muốn, ta không kiểm soát được

 

Những chuyện rủi ro ngoài ý muốn như bị tai nạn xe cộ, tai nạn trong khi làm việc, bị thương tích, bị cướp, gặp thiên tai, v.v... Nếu gia đình chúng ta gặp những chuyện không may như thế, dù sự mất mát đó to lớn hay để lại hậu quả sâu đậm đến đâu, chúng ta cũng không nên đổ lỗi cho nhau hay trách cứ và phiền giận nhau. Đây là những chuyện xảy ra ngoài sự kiểm soát của chúng ta, vì thế không phải là lỗi của người nào. Trong trường hợp này, chúng ta không nên buộc tội, bắt lỗi hay đổ lỗi cho ai. Tiếng chúng ta thường nói nhưng không nên nói trong những trường hợp này là chữ “tại”: tại em, tại anh hay tại ông, tại bà.

Chẳng hạn hai vợ chồng mới sắm một chiếc xe, trong lúc bà vợ lái đi không may bị tông làm hư chiếc xe mới. Đây là chuyện rủi ro ngoài ý muốn, ông chồng không nên phiền trách, nổi giận hay cằn nhằn. Trái lại, các ông cần thông cảm với nỗi sợ hãi của vợ, an ủi và nói sao cho vợ không khổ tâm vì nghĩ mình có lỗi và không tự trách mình. Trong trường hợp này nếu vợ xin lỗi, người chồng nên nói: “Em không có lỗi gì cả, đó không phải lỗi của em.” Hoặc: “Em được bình yên vô sự là đáng mừng rồi!”

Những lời nói tế nhị và nhân từ như thế sẽ củng cố tình yêu vợ chồng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nó khiến người gặp tai nạn cảm thấy nhẹ nhàng, vui thỏa trong lòng vì thấy vợ hay chồng mình thật sự thông cảm và yêu thương mình. Nó cũng khiến người đó vui vì thấy rằng vợ/chồng mình không quý chuộng xe cộ hay những đồ vật vô tri giác hơn mình. Có nhiều ông chồng, khi vợ, con lái xe bị tai nạn làm hư xe thì phàn nàn, giận dữ, trách móc. Làm cho người gặp tai nạn không những mất tinh thần vì hoảng sợ, còn phải khổ tâm nghĩ rằng vì mình mà xe hư, gia đình xào xáo. Nếu chúng ta giận dữ, trách móc và đổ lỗi cho nhau, không làm cho sự việc tốt đẹp hơn mà chỉ làm khổ nhau thêm. Nỗi buồn giận sẽ chồng chất thêm lên trên những đau đớn và mất mát do rủi ro đưa đến, có thể làm gánh nặng của chúng ta nặng thêm và khiến gia đình đi đến chỗ sụp đổ.

Có một gia đình kia có bốn đứa con nhỏ. Một ngày Chúa nhật nọ khi người chồng dắt con đi nhà thờ, đứa con nhỏ vụt dứt tay cha, chạy băng qua đường và bị xe đụng. Đứa bé bị thương trên đầu và không đầy một năm sau thì qua đời. Đây là chuyện rủi ro, xảy ra ngoài sự kiểm soát của mọi người. Người chồng rất là ân hận và đau buồn. Tuy sự mất mát quá lớn nhưng bà vợ thông cảm với nỗi khổ tâm của chồng nên bà không bao giờ đổ lỗi cho ông hay phiền trách ông. Nhờ sống với nhau trong tinh thần bao dung và thông cảm, sự ra đi đột ngột của đứa con đã không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Trong khi đó, có nhiều gia đình, khi hoạn nạn xảy đến, vợ đổ lỗi cho chồng, chồng dằn vặt trách móc vợ. Hai vợ chồng không tha thứ cho nhau nên cuối cùng phải chia tay mỗi người một nơi. Những chuyện rủi ro vì thế đã đem lại thiệt hại gấp đôi gấp ba. Khi gia đình gặp hoạn nạn, rủi ro, nếu vợ chồng an ủi, nâng đỡ nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn và khó khăn đó không ảnh hưởng nhiều trên hạnh phúc gia đình.

2. Những chuyện xảy ra ngoài ý muốn nhưng ta có một phần trách nhiệm

Đây là những việc xảy ra vì chúng ta quên hay vô tình, vô ý, thiếu cẩn thận. Chẳng hạn như lái xe không đúng luật bị cảnh sát phạt, vì không cẩn thận làm mất tiền, hư hỏng đồ đạc, vô ý để con bị thương tích hay nguy hiểm đến tính mạng, v.v... Trong những trường hợp này người lầm lỗi có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, không phải người đó cố tình nên chúng ta cũng cần thông cảm, tha thứ và không nhắc lại lỗi lầm đó nữa.

Như chúng ta đã biết, cần có thiện chí của đôi bên thì sự tha thứ mới có ý nghĩa và mới mang lại ích lợi. Nói như thế có nghĩa là người có lỗi khi được tha thứ phải cẩn thận hơn để không phạm lại những lỗi lầm tương tự như thế nữa. Người tha thứ không nên nhắc lại lỗi lầm của người kia nhưng trái lại, nên làm những gì có thể làm được để giúp người kia cẩn thận hơn hoặc đừng quên, đừng vô ý nữa. Chúng ta cũng không nên vì lỗi lầm đó mà ngăn cấm hay tước mất quyền lợi của người có lỗi.

Nếu chồng vì tính hay quên mà làm hỏng việc, vợ nên nhắc nhở hay giúp cho chồng đừng quên nữa. Có người thấy chồng vẫn quên thì không nhắc, để hỏng việc một lần nữa cho đáng kiếp. Nếu vì sự bất cẩn của một người mà xảy ra thiệt hại cho gia đình, chúng ta cần tha thứ cho nhau, an ủi và thông cảm nhau. Khi một người đã nhận lỗi và ăn năn, chúng ta nên tránh nói hay làm điều gì khiến cho người đó thêm đau lòng.

Có một gia đình nọ có hai đứa con: hai tuổi và bốn tuổi. Một ngày kia đứa con nhỏ ở nhà với mẹ thì rủi ro ngã vào hồ bơi. Người ta vớt đứa bé lên kịp thời và cứu sống được nhưng bộ óc của em đã bị hỏng. Từ đó đời sống của đôi vợ chồng trẻ bị xáo trộn hoàn toàn. Hai vợ chồng phải mất nhiều thì giờ và thật nhiều vất vả mới có thể chăm sóc cho đứa con tàn tật. Người vợ rất khổ tâm, nói rằng vì mình mà con trở thành tàn tật. Tuy nhiên, ông chồng là người tốt, một mặt an ủi vợ, một mặt giúp vợ chăm sóc con. Nhờ đó hai vợ chồng chấp nhận ý Chúa và tiếp tục sống với nhau trong yêu thương.

Trong khi đó, theo quyển báo số đặc biệt tổng kết các tin tức trong năm 1994 của tuần báo Time, năm 1979 một tai nạn tương tự đã xảy ra cho O.J. Simpson và người vợ đầu tiên. Khi nghe tin đứa con gái ngã chết trong hồ bơi, Simpson la lên: “Bã đã giết chết con tôi rồi!” Simpson lên án vợ đã giết chết đứa con của hai người, và trong năm đó hai vợ chồng đã ly dị nhau!

Khi những chuyện rủi ro xảy đến ngoài ý muốn, chúng ta cần bỏ qua lỗi lầm của nhau. Đừng nhắc lại, đừng làm người có lỗi phải đau lòng, khổ tâm. Nếu chúng ta là người có trách nhiệm trong những rủi ro đó, chúng ta cũng phải tập tha thứ cho chính mình.

3. Những việc xảy ra mà ta hoàn toàn chịu trách nhiệm

Đây là những việc mà người có lỗi chủ động và cố tình làm, dù biết rằng sẽ mang lại tổn thương cho người thân yêu. Đây là những trường hợp khó tha thứ hơn cả. Làm sao ta có thể tha thứ cho người cố tình gây đau khổ cho mình? Đây là trường hợp những ông chồng say sưa, hút xách, nghiện ma túy, gây đau khổ cho vợ con. Những bà vợ mê cờ bạc hoặc xài tiền cách phung phí, gây nợ nần cho gia đình. Những ông chồng hung dữ cộc cằn, ngược đãi vợ, đánh đập vợ, hay những bà vợ xem thường chồng, mắng chửi chồng. Làm sao chúng ta có thể tha thứ cho những người như thế? Khó hơn nữa là phải tha thứ cho những người phạm tội ngoại tình,là người phản bội tình yêu của ta và làm cho ta đau đớn.

Trong những trường hợp này rất khó tha thứ, vì sự tổn thương người có lỗi gây ra cho ta quá lớn, quá sâu đậm. Tuy nhiên, Lời Chúa dạy chúng ta phải tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Khi Chúa tha thứ, Ngài không chỉ tha những tội nhỏ mà không tha những tội lớn. Chúa không chỉ tha những tội ta làm vì vô tình mà không tha những tội ta cố ý phạm. Khi tha thứ chúng ta, Chúa không những tha thứ hết nhưng Ngài còn quăng tội lỗi đó xa khỏi chúng ta. Thánh Kinh cho biết:

Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó và chẳng nhớ tội chúng nó nữa (Giê-rê-mi 31:34)

Và:

Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu (Thi Thiên 103:12)

Không những thế, Chúa cũng không nhớ lại tội lỗi của chúng ta nữa. Sách tiên tri Ê-sai ghi lời Chúa phán như sau:

Ấy chính ta, là Đấng vì mình ta mà xóa sự phạm tội ngươi, ta sẽ không nhớ đến tội lỗi ngươi nữa (Tiên tri 43:25)

Tuy nhiên điều kiện để được Chúa tha thứ là chúng ta phải xưng tội với Ngài, nghĩa là nhận rằng mình có tội, đã phạm tội với Ngài và cầu xin Ngài tha thứ. Không những thế, khi được tha thứ rồi chúng ta phải ăn năn, từ bỏ tội lỗi cũ thì sự tha thứ của Chúa mới có ý nghĩa, chúng ta mới được kể là vô tội trước mặt Ngài.

Tương tự như vậy, khi chúng ta cố tình làm những điều gây thiệt hại và đau buồn cho người phối ngẫu, nếu muốn được tha thứ, chúng ta phải trước hết nhận rằng những điều ta đã làm là sai quầy, là tội và xin người vợ người chồng tha thứ. Khi được tha thứ rồi, chúng ta cũng phải ăn năn, sửa đổi, từ bỏ việc làm sai quấy và trở lại con đường ngay lành. Có như thế sự tha thứ của người kia mới mang lại lợi ích cho gia đình chúng ta.

Có người lợi dụng lòng bao dung của người phối ngẫu, khi làm điều quấy được vợ hay chồng tha thứ rồi lại tiếp tục phạm tội nữa. Có người nói lời xin lỗi rất là dễ dàng nhưng không thành thật. Những người này dùng lời xin lỗi để trấn an và lừa dối người phối ngẫu, hoặc làm chiếc bình phong để che đậy tội lỗi của mình. Nếu chúng ta xin lỗi rồi không ăn năn từ bỏ nhưng tiếp tục trở lại con đường cũ, chúng ta không đáng được tha thứ và cũng sẽ không được Chúa tha thứ. Thánh Kinh dạy:

Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót (Châm Ngôn 28:13)

Có ông chồng kia phạm tội ngoại tình. Khi vợ biết được, ông chối bay. Nhưng sau đó vì có nhiều bằng chứng, không thể chối được nữa, ông bằng lòng nhận lỗi, xin lỗi vợ và thề thốt, hứa nguyện với vợ đủ mọi điều. Tuy nhiên, sau lưng vợ người chồng này vẫn tiếp tục ngoại tình. Khi biết chồng không ăn năn thật lòng, bà vợ buồn và giận lắm. Lúc đó ông chồng lại đổ lỗi cho vợ, bảo rằng tại bà không tin ông và không giúp ông nên ông chưa dứt khoát được. Đây là những người không thật lòng nhận lỗi, cũng không thật lòng ăn năn tội, vì thế sẽ không được tha thứ. Chúa Cứu Thế dạy:

Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ, và nếu họ ăn năn thì hãy tha thứ (Lu-ca 17:3)

Có những điều người khác làm mà chúng ta thật là khó quên và khó tha thứ. Nhưng theo Lời Chúa dạy, chúng ta phải tha thứ cho nhau. Tha thứ là quyết định của lý trí, là sự chọn lựa riêng của mỗi người và là cách cư xử của người đã nhận ơn tha thứ của Chúa. Tha thứ là quên mình chứ không tìm kiếm ích lợi cho chính mình. Là ban tự do cho người đáng bị hình phat, là thông cảm với người đã gây tổn thương cho ta.

Để có thể tha thứ cho người, lắm khi chúng ta phải dẹp bỏ tự ái, quên quyền lợi của mình, hạ mình khiêm nhường và sẵn sàng chịu thiệt thòi. Nhiều khi tha thứ thật khó chứ không dễ, nhưng khi chúng ta vượt lên trên bản ngã tầm thường và tha thứ cho người, chính ta sẽ kinh nghiệm được bình an và ơn lành của Chúa. Khi tha thứ cho người, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi những buồn phiền người đó gây ra cho ta. Tha thứ sẽ mang lại cho ta lòng nhẹ nhàng, bình an; giúp cho hôn nhân của ta được hạnh phúc và vững bền.

Tuy nhiên, có những lầm lỗi dù người phối ngẫu đã tha thứ nhưng hậu quả do tội lỗi đó mang đến chúng ta phải chấp nhận. Khi chồng đánh đập vợ hay vợ làm những điều gây tổn thương cho chồng, dù người bạn đời đã thật lòng tha thứ, sự tổn thương đó có khi không thể xóa nhòa hẳn. Tương tự như thế, những người không chung thủy với nhau nhưng phạm tội ngoại tình, dù đã ăn năn và đã được tha thứ, tình vợ chồng cũng khó có thể trở lại nguyên vẹn như lúc ban đầu. Vì tội lỗi có những hậu quả kinh khiếp như thế, chúng ta cần nhờ sức của Chúa để giữ đời sống trong sạch, cẩn thận loại bỏ lòng ích kỷ, tính nóng nảy và tránh xa cám dỗ để không phạm tội với Chúa và với người bạn đời.

Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Đời và trao phó cuộc đời cho Chúa làm Chủ, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự tha thứ của Ngài, nhờ đó chúng ta sẽ có thể tha thứ người khác. Sứ đồ Phao-lô dạy về vấn đề tha thứ như sau:

Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy (Cô-lô-se 3:13)

Trong một lá thư khác ông viết:

Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy (Ê-phê-sô 4:32)

Theo Lời dạy trên, chúng ta cần sống với nhau với lòng nhân từ và thương xót. Chúng ta phải thương nhau và tha thứ nhau như Chúa đã thương chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Một người có lòng nhân từ và thương xót sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác. Chúng ta phải kinh nghiệm ơn tha thứ của Chúa thì mới có thể tha thứ cho người khác.

Nguyên tắc sống mà Chúa Cứu Thế để lại cho chúng ta là:

Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót. Đừng đoán xét ai thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình (Phúc Âm Lu-ca 6:36-37)

(còn tiếp)

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành