Hôn Nhân Bền Lâu - Bài 10

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Có hai vợ chồng kia thấy mình suốt mấy năm qua quá bận rộn, không có thì giờ nghỉ ngơi, cũng không có thì giờ cho con cái, nên định mùa hè này sẽ nghỉ làm hai tuần để đưa gia đình đi chơi. Hai vợ chồng đều đồng ý là mình cần nghỉ, nhưng khi bàn đến chuyện nghỉ để đi đâu, làm gì, thì lại không đồng ý với nhau.

Ông chồng muốn đi cắm trại, bà vợ muốn về thăm cha mẹ. Bà vợ nói rằng đưa các con về thăm ông bà được một công hai chuyện, vừa nghỉ ngơi vừa thăm các cụ, sợ khi khác không có dịp về thăm. Ông chồng không đồng ý. Ông nói rằng khi nào cần thăm thì về thăm, còn những ngày nghỉ hè là của gia đình, đừng gộp chung hai việc vào với nhau.

Ông cũng phàn nàn là về thăm gia đình không nghỉ ngơi được vì nhà lúc nào cũng đông đúc, ồn ào. Ông lại cứ phải ngồi hằng giờ đồng hồ để nghe ông bà cụ kể chuyện cũ. Không những thế, mỗi lần về đó bà vợ ông phải lo nấu nướng, phải giải quyết những nan đề giữa bố mẹ và các em nên hai vợ chồng không có thì giờ riêng với nhau. Cuối cùng, ông chồng nhất quyết là ông chỉ muốn đưa gia đình đến một nơi mát mẻ, yên tĩnh để cắm trại. Đối với ông đó mới thật là nghỉ hè.

Bà vợ không đồng ý. Bà nói rằng mỗi lần gia đình đi cắm trại bà phải lo lắng quá nhiều nên thêm mệt chứ chẳng được nghỉ ngơi gì cả. Bà phải chuẩn bị quần áo, thức ăn cho suốt mấy tuần, rồi còn phải đem đầy đủ thuốc men và đồ dùng cho mỗi người. Hễ đi càng xa và càng lâu thì bà càng thêm mệt vì phải tính toán và chuẩn bị quá nhiều thứ. Đã thế, mỗi khi đi cắm trại về, bà thường hay bị bệnh vì ở ngoài trời thiếu tiện nghi, bị mất ngủ vì lạnh, v.v... Theo ý bà vợ, cách nghỉ hè thoải mái và ít tốn kém nhất là về thăm gia đình.

Hai vợ chồng người nào cũng cho ý của mình là đúng nên không ai nghe theo ý của ai. Cuối cùng, chuyến nghỉ hè vừa mới dự tính đã phải hủy bỏ!

Trong đời sống vợ chồng, chúng ta luôn phải đối diện với những quyết định chung, lớn hoặc nhỏ. Vì vợ chồng có cái nhìn khác nhau, nhu cầu và sở thích khác nhau nên thường có những ý kiến khác nhau. Trong trường hợp đó, chúng ta phải quyết định như thế nào và theo ý của người nào để tránh bất hòa hay phiền giận nhau? Đây là lúc chúng ta cần đến tinh thần vâng phục. Nhưng ai vâng phục ai?

Chúng ta thường nghe câu: “Phu xướng phụ tùy”, nghĩa là chồng nói vợ nghe. Nhưng còn khi vợ nói thì sao? Nếu lúc nào và trong việc gì vợ cũng phải nghe lời chồng, còn chồng không phải nghe vợ thì gia đình có thật hạnh phúc không? Có thể nói, không một phong tục, văn hóa hay sách vở nào của con người dạy chúng ta những tiêu chuẩn sống cao đẹp và thực tế như những tiêu chuẩn của Kinh Thánh. Vì thế chúng ta sẽ nhìn vào lời Kinh Thánh dạy để biết vợ chồng phải cư xử với nhau như thế nào để đời sống được hạnh phúc.

 

Thực tế mà nói, bí quyết để có một đời sống bình an và hạnh phúc gồm có ba bước đơn giản như sau:

1 Tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu và dâng cuộc đời cho Chúa làm Chủ.

2 Đọc và học Kinh Thánh để biết những nguyên tắc sống đạo Chúa dạy.

3 Thực hành Lời Chúa dạy, sống với người chung quanh trong tinh thần khiêm nhường, yêu thương và nghĩ đến phúc lợi của nhau.

Khi chúng ta đặt lòng tin nơi Chúa, học lời Chúa trong Kinh Thánh và sẵn sàng vâng theo Lời Chúa dạy, Chúa sẽ giúp chúng ta áp dụng những lời dạy cao đẹp đó vào đời sống. Lúc đó đời sống chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ kinh nghiệm được niềm vui, bình an và hạnh phúc, dù trong hoàn cảnh nào. Chúa Cứu Thế dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). “Mọi điều ấy” tức là tất cả những nhu cầu trong đời sống.

Kính sợ Chúa mà vâng phục nhau

Trong thư gởi cho các tín hữu tại thành Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy, hãy giữ cho khéo về cách ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan.” Một trong những cách cư xử khôn ngoan mà thánh Phao-lô nêu tiếp theo đó là: “Hãy kính sợ Chúa Cứu Thế mà VÂNG PHỤC NHAU” (Ê-phê-sô 5:15, 21).

Trong gia đình, khi vợ chồng kính sợ Chúa mà vâng phục nhau có nghĩa là chồng nói vợ nghe và vợ nói chồng nghe. Chúng ta đều biết câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.” Đây là điều ai cũng biết nhưng có mấy ai áp dụng được. Vốn là con người ích kỷ, lúc nào chúng ta cũng thấy ý của mình là hay, là đúng, và muốn người khác nghe theo, chứ ít có ai sẵn sàng nghe theo ý người khác. Trong gia đình, thường thường vợ không muốn nghe lời chồng mà chồng cũng bỏ ngoài tai ý kiến hay lời nói của vợ. Chính vì vợ chồng thiếu tinh thần vâng phục lẫn nhau mà nhiều gia đình có những nan đề không giải quyết được.

Ý nghĩa của vâng phục

Về tinh thần vâng phục trong hôn nhân, Thánh Kinh dạy: “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa; vì chồng là đầu vợ, khác nào Chúa Cứu Thế là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh. Ấy vậy, như Hội Thánh phục dưới Chúa Cứu Thế, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự” (Ê-phê-sô 5:22-24).

Có lẽ các ông rất thích lời dạy này của Thánh Kinh, vì Chúa truyền rõ ràng rằng, “vợ phải vâng phục chồng trong mọi sự.” Có ông chồng kia, khi biết câu Kinh Thánh này thì nói với vợ: “Bà thấy chưa, Chúa biểu bà phải vâng phục tôi trong mọi sự, vì vậy bà đừng có cãi lời tôi nữa.” Tuy nhiên, không phải vì Chúa phán “vợ phải vâng phục chồng” nên các ông có toàn quyền trên vợ, muốn sai bảo hay đòi hỏi gì cũng được. Vì Lời Chúa cũng dạy: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:25).

Chúa Cứu Thế không bao giờ đòi hỏi Hội Thánh, tức là người tin Chúa, phải vâng phục Ngài một cách vô lý. Chẳng hạn như Chúa không bảo chúng ta làm những điều sai quấy hay những điều quá sức mình. Chúa cũng không đòi hỏi Hội Thánh phải vâng phục Chúa để thỏa đáp những yêu cầu ích kỷ của Ngài. Trái lại, Chúa muốn chúng ta vâng phục Ngài trong những điều mang lại lợi ích cho chúng ta, vì Ngài yêu chúng ta và muốn đời sống chúng ta được hạnh phúc. Chúa cũng không bao giờ bắt buộc người nào phải vâng phục Ngài. Thật ra, nếu muốn vợ vâng phục mình như vâng phục Chúa, các ông cần trước hết noi gương Chúa, đối xử với vợ cách yêu thương, hy sinh cho vợ như Chúa đã hy sinh cho Hội Thánh.

Trong bất cứ mối liên hệ nào, yếu tố vâng phục cũng rất quan trọng. Khi chúng ta sống chung hay làm việc chung với nhau, phải có thứ tự trên dưới. Người này phải phục người kia thì mới đưa đến sự hòa hợp tốt đẹp. Trong hôn nhân cũng vậy, vợ phải vâng phục chồng vì chồng là chủ gia đình, là người chịu trách nhiệm trước mặt Chúa để hướng dẫn vợ con. Nếu người vợ nào không để chồng làm chủ gia đình nhưng muốn cầm quyền trên chồng hay muốn ngang bằng chồng, gia đình đó sẽ bị xáo trộn.

Có nhiều bà vợ thường hay lấn quyền chồng. Các bà vợ này đồng ý rằng chồng là cái đầu của gia đình nhưng lại muốn làm cái cổ để xoay cái đầu đó theo ý mình. Người làm như thế là chưa sống đúng với vai trò của người làm vợ.

Khi Chúa truyền: “Vợ phải vâng phục chồng,” không có nghĩa là người đàn bà có giá trị kém người đàn ông. Vì Kinh Thánh cũng dạy rằng “Sự chia rẽ, kỳ thị ... giữa nam và nữ đã chấm dứt, vì chúng ta đều hợp nhất trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Ga-la-ti 3:28, BDY). Trong gia đình của người làm theo Lời Chúa dạy không có vấn đề chồng chúa vợ tôi hoặc vợ lấn quyền chồng, nhưng cả hai đều kính sợ Chúa mà vâng phục nhau. Lúc thì chồng nói vợ nghe, lúc thì vợ nói chồng nghe. Có như thế mới giữ được hòa khí trong gia đình.

Tại Sao Vâng Phục?

Theo văn hóa cổ truyền Á đông, người chồng chiếm địa vị độc tôn trong gia đình. Nếu gặp trường hợp người chồng không yêu thương vợ, người đó sẽ không nghĩ đến phúc lợi của vợ. Những ông chồng sống theo truyền thống cũ thường bắt vợ phải vâng lời mình tuyệt đối và chiều theo ý mình trong mọi việc. Nhiều khi các bà phải sống trong uất hận buồn tủi vì có người chồng quá ích kỷ và khó tính.

Có ông buộc vợ phải vâng lời mình, làm những chuyện tội lỗi, sai quấy. Có người ép vợ phải chấp nhận việc chia xẻ tình yêu của chồng với những người đàn bà khác. Cũng có những ông chồng chung thủy với vợ nhưng quá nghiêm khắc và độc tài, không cho vợ góp ý trong bất cứ vấn đề gì. Có những người chồng đối với vợ chẳng khác gì một lãnh tụ độc tài và bà vợ chỉ là một người nô lệ hay người tù chung thân. Một gia đình như thế không thể có hạnh phúc.

Khi tạo dựng loài người, Đức Chúa Trời ban cho người nam và người nữ những khả năng khác nhau để chu toàn những trách nhiệm khác nhau. Trong hôn nhân, vợ chồng luôn luôn cần đến nhau. Có người so sánh vai trò người chồng và người vợ trong gia đình với vai trò của người giám đốc và người quản lý trong một hãng xưởng. Người giám đốc hoạch định mục tiêu, quyết định những việc lớn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Người quản lý thi hành mục tiêu của vị giám đốc, nhưng được tự do sắp đặt và tổ chức công việc trong hãng. Cả hai người đều cố gắng để đem lại thịnh vượng cho hãng và phúc lợi cho tất cả nhân viên.

Đời sống gia đình cũng tương tự như vậy, người chồng quyết định những việc chính và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Trong khi đó người vợ theo ý chồng, sắp đặt và quản lý công việc trong nhà sao cho tốt đẹp. Cả hai vợ chồng cùng có một mục tiêu chung là mang lại thịnh vượng cho gia đình và phúc lợi cho người trong gia đình.

Chồng nên hỏi ý kiến vợ trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống chung, để không trở thành độc tài độc đoán. Hơn nữa, vợ chồng thường có cái nhìn khác nhau và những hiểu biết khác nhau trong nhiều vấn đề. Nếu hỏi ý nhau, chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề cách rõ ràng và đầy đủ hơn, nhờ đó quyết định của chúng ta sẽ khôn ngoan hơn. Tuy nhiên, khi đụng đến những vấn đề thuộc lãnh vực sở trường của các bà, các ông không nên xen vào. Ngược lại, các bà cũng không nên xen vào những lãnh vực sở trường của các ông.

Người vợ yêu chồng sẽ không làm điều gì đi ngược với ý kiến hay ước muốn của chồng. Trái lại, người đó sẽ thuận phục chồng và giúp chồng gây dựng hạnh phúc chung. Cũng thế, người chồng thật lòng yêu vợ cũng không đòi hỏi vợ vâng phục trong những điều gây thiệt hại cho vợ hay cho hạnh phúc chung. Khi chồng tôn trọng ý kiến của vợ, người vợ sẽ sẵn sàng vâng phục. Khi vâng phục chồng, người vợ sẽ thấy mình được che chở, bảo bọc; sẽ được chồng tin cậy và sẽ có nhiều cơ hội giúp chồng hơn. Nếu vợ chồng vâng phục nhau, tôn trọng ý kiến của nhau, đời sống gia đình sẽ nhẹ nhàng và thoải mái (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành