Bầu Cử 2012

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Tại Hoa Kỳ, cứ mỗi bốn năm lại có một kỳ bầu cử tổng thống và trong năm nay, từ bây giờ đến tháng 11, chúng ta sẽ sống trong mùa bầu cử với những cuộc vận động tranh cử, những buổi tranh luận chính trị, những cuộc thăm dò ý kiến. Không khí chính trị tại Hoa Kỳ rộn ràng nhất mỗi bốn năm trong mùa nầy. Người dân Hoa Kỳ được quyền chọn người lãnh đạo cho đất nước và trên một phương diện cũng là người lãnh đạo thế giới vì Hoa Kỳ là một cường quốc, mọi quyết định đều có ảnh hưởng đến những nước khác.

Trong lịch sử chính trị, thế giới đã trải qua nhiều thời kỳ. Từ thời đại tù trưởng của những bộ lạc, đến tướng lãnh hay vua chúa của những thành phố lớn, rồi đến vua của một nước, một giống dân. Từ những lãnh tụ địa phương, những vị sứ quân, nhiều quốc gia đã được thành lập sống dưới những thể chế quân chủ, cho đến khi ý thức dân chủ thành hình, đưa đến hiện trạng chính trị ngày nay. Dĩ nhiên bên cạnh đó chúng ta cũng thấy những chế độ độc tài quân phiệt hay đảng trị hay cá nhân... Nói chung, mỗi nước đều có những thể chế, hình thức chính trị khác nhau. Nếu được hỏi thể chế hay hình thức chính trị nào là hay nhất, đúng nhất, mỗi chúng ta chắc sẽ có những ý kiến khác nhau. Nhưng trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay, tôi muốn nói về một thể chế đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Đơn giản hóa vấn đề, chúng ta có thể nói lịch sử chính trị thế giới trải qua ít nhất là ba thời kỳ: thần quyền, vương quyền và dân quyền. Thần quyền nói đến sự cai trị trực tiếp của Đấng thần linh mà con người tin tưởng. Vương quyền nói đến sự cai trị của vua thường là cha truyền con nối. Ngay trong vương quyền chúng ta cũng thấy sự tham dự trực tiếp của yếu tố thần quyền khi những vị vua ở Đông phương kể mình là thiên tử, là con của Trời đặt để cai trị trần gian. Thế giới Tây phương trong thời kỳ quân chủ cũng đặt vai trò tôn giáo ở một địa vị quan trọng. Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, dù là hình thức vương quyền hay quân chủ cũng thường lấy người dân làm gốc hay nói khác đi, họ thật sự theo chế độ dân chủ. Sống ở thời đại nầy mà nếu chúng ta nói đến vương quyền hay quân chủ nghe thật lỗi thời, nhưng hôm nay chúng tôi muốn nói đến một chế độ vương quyền tuyệt đối mà nếu thật sự sống theo đường lối nầy, chúng ta sẽ kinh nghiệm được hài hòa và hạnh phúc.

 

Chế độ vương quyền tuyệt đối chúng tôi nói đến ở đây là Nước của Đức Chúa Trời hay vương quốc của Thiên Chúa. Khi Đức Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ của Ngài trên trần gian nầy, lời giảng đầu tiên của Chúa là: "Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Mừng." Chúa Giê-xu thường dùng danh từ "nước Đức Chúa Trời" hay "nước Trời" hay "nước thiên đàng" để mô tả lãnh vực cai trị của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết những yếu tố tạo thành một nước là lãnh thổ, dân tộc và chính quyền. Một nước hay một vương quốc phải bao gồm những yếu tố đó. Trong vương quốc của Đức Chúa Trời lãnh thổ của Ngài bao gồm toàn thế giới và toàn cõi vũ trụ vì thế giới và toàn cõi vũ trụ là do Thiên Chúa tạo dựng. Trong bài thuyết giảng cho người Athens, Thánh Phao-lô dạy: "Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó... Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống cho muôn vật mọi loài." Dù chúng ta công nhận thẩm quyền của Thiên Chúa hay không, Chúa vẫn là chủ tể của trời đất và muôn vật mọi loài. Trong ý nghĩa đó, Thiên Chúa là vua và chúng ta phải thần phục Ngài. Tuy nhiên không phải mọi người đều thần phục Thiên Chúa và tôn Ngài là vua. Thánh Kinh cho thấy rõ điều nầy. Trong lá thư gởi cho những người ở La-mã ngày xưa, sứ đồ Phao-lô viết: "Điều gì có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ... từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy khi người ta xem xét công việc của Ngài. Họ dẫu biết Đức Chúa Trời mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời và không tạ ơn Ngài nữa. Họ đã đổi vinh hiển Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát hoặc của điểu, thú, côn trùng." Dù con người không tôn thờ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa và luôn luôn trông mong, chờ đợi con người quay bước trở lại với Ngài.

Một yếu tố khác của một quốc gia là dân tộc. Thiên Chúa chẳng những tạo dựng thế giới, nhưng Ngài cũng dựng nên muôn vật mọi loài. Chúng ta là thần dân của Ngài. Thần dân có bổn phận phải thần phục vua của mình, nhưng con người với ý chí tự do do Thiên Chúa ban cho đã tự chọn con đường riêng, con đường độc lập, tách rời khỏi chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Con người ngày nay tiến bộ vượt bực trên mọi lãnh vực nhưng khi phủ nhận Thiên Chúa, con người lại trở thành ngu dại trong những điều con người tưởng là mình khôn. Nhìn vào nếp sống của người ngày nay và thời xưa, chúng ta thấy rõ điều đó. Cuộc sống ngày nay tiến bộ hơn xưa rất nhiều, nhưng trong nếp sống sa đọa, tội lỗi, chiến tranh, cả hai thế giới thật chẳng có gì khác nhau cả. Thần phục Thiên Chúa, tôn thờ Ngài là Cha, là Đấng dựng nên muôn vật mọi loài, chẳng những là điều phải làm, nên làm nhưng cũng là bổn phận của con người. Vì vậy lời kêu gọi đầu tiên của Chúa Giê-xu khi Chúa rao giảng Phúc Âm là phải ăn năn. Ăn năn nghĩa là cải tà quy chánh, là quay bước, đổi hướng, là không tiếp tục sống theo con đường phản loạn, chống nghịch lại Thiên Chúa nữa, nhưng thần phục Thiên Chúa,nhận Ngài là Cha, là vua của đời sống.

Yếu tố thứ ba trong một vương quốc là chính quyền hay thẩm quyền. Một quốc gia không thể chỉ có lãnh thổ hay dân tộc nhưng phải có chính quyền, có người cai trị. Thế giới nầy là của Thiên Chúa, chúng ta là thần dân của Ngài nhưng chúng ta có chịu tuân phục thẩm quyền của Ngài hay không? Chính trong ý nghĩa thẩm quyền mà Chúa Giê-xu gọi nước của Ngài là vương quốc của Thiên Chúa hay Nước Trời. Trong vương quốc của Thiên Chúa hay Nước Trời, con người chúng ta thuận phục dưới quyền cai trị của Thiên Chúa, chúng ta để cho Ngài làm chủ đời sống. Trong ý nghĩa thần phục đó, chúng ta là con dân của Chúa, là người sống trong vương quốc của Ngài. Một trong những lời dạy quan trọng của Chúa Giê-xu là lời dạy sau đây. Chúa bảo chúng ta đừng quá lo lắng về cơm ăn áo mặc, nhưng ưu tiên số một của đời sống là phải đeo đuổi tìm kiếm Nước Chúa. Lời dạy đó như sau: "Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa." Khi bảo chúng ta phải tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, Chúa muốn chúng ta trao phó đời sống vào tay Thiên Chúa, để cho Ngài cai trị. Nói khác đi, chúng ta phải thần phục Chúa, tôn thờ Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Ông Trời, là Chủ Tể của trời đất để bước vào mối tương giao, hài hòa với Thiên Chúa. Chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta phải quay trở lại với Cha của chúng ta.

Ngày nay, nếu Chúa Giê-xu đến trần gian nầy, Chúa cũng sẽ chỉ rao giảng một lời tương tự: "Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần, hãy ăn năn và tin Tin Mừng." Nước Đức Chúa Trời đã đến gần hàm ý quyền cai trị của Chúa sắp đến lúc được thực hiện. Con người có thể tiếp tục khước từ Chúa nhưng vương quốc Ngài vẫn ở đó và chính Chúa sẽ cầm quyền cai trị. Khi Chúa Giê-xu trở lại trần gian để cai trị, nếu khước từ, chúng ta sẽ không tránh khỏi án phạt. Đây là lúc dịp tiện đang còn ở với chúng ta, chúng ta cần tiếp nhận Tin Mừng cho chính mình. Tin Mừng đó là Chúa Giê-xu đã giáng trần gánh thế tội và chịu chết thay cho chúng ta. Ăn năn, từ bỏ con đường tội lỗi, quay trở lại với Chúa là quyết định khôn ngoan mà chúng ta sẽ không bao giờ phải ân hận.

Trong hai tháng sắp đến đây, chúng ta sẽ nghe nhiều bài diễn văn chính trị, xem nhiều quảng cáo vận động tranh cử, đọc nhiều con số dự đoán và thăm dò ý kiến của cuộc bầu cử tổng thống. Bên cạnh những ồn ào của mùa bầu cử, tôi mời Bạn lắng lòng nghe tiếng gọi êm dịu của Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng đã tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, hơi thở và ơn cứu rỗi. Chúng ta có thể theo một thể chế chính trị nào đó tùy theo nước chúng ta đang sống nhưng trong cuộc sống tâm linh, thể chế chúng ta cần đeo đuổi chính là chế độ thần quyền, tức là công nhận thẩm quyền của Thiên Chúa trên đời sống chúng ta, để cho Ngài hướng dẫn và dìu dắt. Trong quyền cai trị của Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm được tất cả ân phúc và sung mãn của một cuộc sống đầy ý nghĩa. Chúa Giê-xu phán: "Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa!" Tìm kiếm nước Chúa, để cho Ngài cai trị và hướng dẫn đời sống phải là ưu tiên số một của đời sống chúng ta.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành