Damascus

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Tình hình bất an tại Trung Đông, đặc biệt tại Syria và Ai-cập đã đưa những địa danh của vùng nầy lên đầu các bản tin. Cairo, thủ đô Ai-cập và Damascus thủ đô Syria được nhắc đến hầu như mỗi ngày từ đầu năm đến nay vì tình hình chính trị và quân sự tại những nơi nầy. Khoảng 2,000 năm trước, một biến động quan trọng đã xảy ra tại Damascus, lúc đó ít người biết đến. Ngày nay nhiều người biết đến biến động nầy hơn vì nó đã ảnh hưởng đến đời sống của hàng tỉ người trên thế giới. Tôi muốn nói đến việc quy đạo của Thánh Phao-lô xảy ra trên đường đến Damascus vào khoảng năm 45 sau công nguyên. Câu chuyện quy đạo của Thánh Phao-lô được ghi lại ba lần trong Kinh Thánh. Một lần do bác sĩ Lu-ca ký thuật, hai lần kia do chính Phao-lô kể lại.

Phao-lô là người theo Do-thái giáo và khi đạo của Chúa bắt đầu bộc phát tại Jerusalem, ông là một trong những người chủ trương chống lại đạo Chúa. Chính Phao-lô đã đích thân đến với giáo quyền tại Jerusalem xin thư giới thiệu đến các nhà hội Do-thái giáo ở Damascus, Syria để nếu gặp người nào thuộc về Đạo, bất kể nam nữ thì bắt trói giải về Jerusalem. Đang khi trên đường đến Damascus để làm việc nầy, Phao-lô đã đối diện với Chúa Giê-xu một cách đặc biệt và cuộc đời của ông từ đó đã hoàn toàn thay đổi. Kinh Thánh ghi lại việc Thánh Phao-lô đối diện với Chúa Giê-xu như sau. Trước khi tin nhận Chúa, tên Do-thái của Thánh Phao-lô là Sau-lơ. Kinh Thánh ghi:

Khi Sau-lơ đang đi đến gần thành Đa-mách (tức là Damascus), thình lình có ánh sáng từ trời chiếu lòa chung quanh ông. Ông té xuống đất và nghe có tiếng phán với mình: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Chúa phán: “Ta chính là Giê-xu mà ngươi đang bắt bớ!” (Công vụ 9:3-4)

Mắt của Phao-lô bị mù sau khi đối diện với Chúa và người ta đã phải dẫn ông vào Damascus. Tại đây ông được một môn đệ của Chúa Giê-xu tên là A-na-nia đến cầu nguyện cho ông. Sau khi cầu nguyện, Phao-lô được sáng mắt. Đời sống của ông được thay đổi và chỉ sau một vài ngày, ông trở thành nhân chứng cho Chúa Giê-xu, loan báo cho mọi người biết Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, Đấng cứu rỗi nhân loại.

Chân lý của Phúc Âm được ghi lại đầy đủ rõ ràng trong các sách Phúc Âm về cuộc đời và cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Còn Thánh Phao-lô, sau khi tin nhận Chúa, được Chúa mạc khải, đã đúc kết và hệ thống hóa tất cả những giáo lý căn bản trong các lá thư gửi cho các Hội Thánh trong vùng Tiểu Á và Âu châu trong thế kỷ thứ nhất. Đây là phần chính của Thánh Kinh Tân Ước. Những điểm căn bản của Đạo Chúa được ghi lại trong các lá thư của Thánh Phao-lô và những phần khác của Kinh Thánh Tân Ước như sau:

 

1. Mọi người đều có tội

Trong lá thư gửi cho Hội Thánh tại Rô-ma, Thánh Phao-lô viết:

Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời (Thư Rô-ma 3:23)

Phúc Âm bắt đầu với vấn đề tội lỗi của con người. Nếu con người không có tội thì Phúc Âm không cần thiết. Phúc Âm là tin mừng đến từ Đức Chúa Trời cho thấy vấn đề tội lỗi của con người được giải quyết qua cái chết thay thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ba chương đầu của Thư Rô-ma, sứ đồ Phao-lô chỉ nói về vấn đề tội lỗi của con người và ông kết luận: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời.” Thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời chẳng những nói đến việc không còn phản ánh vinh quang Thiên Chúa nhưng cũng cho thấy tương giao giữa con người với Thiên Chúa bị cắt đứt. Kinh Thánh gọi đó là sự chết. Và đó cũng là điểm thứ hai của Phúc Âm:

2. Hậu quả của tội lỗi là sự chết

Cũng trong lá thư gửi cho Hội Thánh Rô-ma, Phao-lô viết:

Tiền công của tội lỗi là sự chết (Thư Rô-ma 6:23)

Người đi làm thì lãnh lương còn người phạm tội thì lãnh sự chết. Nói khác đi, hậu quả tất nhiên là sự chết. Đây là sự chết tâm linh, nói đến sự phân cách giữa Đức Chúa Trời và con người. Ý nghĩa của đời sống nằm trong mối tương giao với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng con người. Đời sống không có ý nghĩa khi không có Chúa trong đời sống. Mọi khổ đau và nan đề của con người đến từ chỗ con người bị phân cách khỏi Thiên Chúa. Thật ra mọi tôn giáo và niềm tin trên đời đều đồng ý với hai điểm đầu tiên của Phúc Âm, chỉ diễn đạt dưới những danh từ và ngôn ngữ khác mà thôi. Chính vì vậy mà con người tự cổ chí kim đều đi tìm một phương pháp để được tha tội, để được cứu rỗi, để được giải thoát. Và đây chính là điểm thứ ba của Phúc Âm. Đây là điểm khó chấp nhận nhất. Điểm thứ ba của sứ điệp Phúc Âm là:

3. Không ai có thể cứu rỗi nhân loại

Sứ đồ Phi-e-rơ khi bị đem ra xét xử trước giáo quyền Do-thái vì rao giảng Phúc Âm, đã khẳng định như sau:

Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác vì ở dưới trời chẳng có Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu (Công vụ 4:12)

Sứ đồ Phi-e-rơ tuyên bố lời nầy không phải vì ngạo mạn hay kiêu căng nhưng là cho thấy một chân lý muôn đời. Nếu mọi người đều có tội thì ai là người vô tội để cứu người có tội. Cùng là tù nhân với nhau, con người không thể hủy bỏ bản án hay người nầy phóng thích người kia được. Con người vì đều là tội nhân nên không ai có thể cứu ai được cả! Từ đây đưa đến điểm thứ tư của Phúc Âm, đó là:

4. Chúa Giê-xu là con đường duy nhất đem con người trở lại với Đức Chúa Trời

Chúa Giê-xu tuyên bố:

Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha (Phúc Âm Giăng 14:6)

Chúa Giê-xu là con đường duy nhất vì Chúa Giê-xu là con người duy nhất vô tội, mang bản án thế cho con người, chịu chết vì tội của con người mới có thể xóa bản án của Đức Chúa Trời dành cho con người. Phúc Âm là chương trình Đức Chúa Trời dùng để cứu rỗi nhân loại chỉ còn cần điều cuối cùng để hoàn thành, đó là đáp ứng của con người. Điểm thứ năm của sứ điệp Phúc Âm là:

5. Đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ đem đến cứu rỗi và giải thoát

Kinh Thánh dạy:

Bất cứ ai tiếp nhận Ngài tức là tin Danh Ngài thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời (Phúc Âm Giăng 1:12a)

Tin Chúa Giê-xu nghĩa là nhận mình là tội nhân, công nhận cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết thay thế cho mình và ký thác đời sống cho Chúa. Thể hiện đức tin đó trong một lời cầu nguyện sẽ nối lại mối tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Ngài.