Thế Vận Hội Sochi

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Thế Vận Hội Mùa Đông tại Sochi đã kết thúc sau hơn hai tuần lễ tranh tài. Dù thắng hay bại, mọi người đều ra về trong cảm xúc bùi ngùi. Ban tổ chức, các lực sĩ cũng như người tham dự đều đồng ý với nhau là trong hơn hai tuần lễ của kỳ Thế Vận, mọi người cảm thấy gần lại với nhau hơn dù là trong những cuộc tranh đua đầy căng thẳng. Có thể nói thể thao đã kéo mọi người lại gần với nhau hơn trong hai tuần lễ ngắn ngủi mặc cho những tranh chấp không ngừng khắp nơi trên thế giới. Nhiều năm trước khi Hoa Kỳ và Trung Quốc còn là hai quốc gia thù địch tổng thống Nixon và Mao Trạch Đông đã có thể ngồi lại với nhau qua mối quan hệ ngoại giao được gọi là “ngoại giao bóng bàn” lúc bấy giờ khi hai nước bắt đầu xích lại gần nhau qua những trận bóng bàn giao hữu. Chẳng những thể thao, những ngành nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, điện ảnh cũng đã là những phương tiện được dùng để đem con người lại gần nhau, xóa đi những ngăn cách.

Một trong những ngăn cách của con người là ngăn cách giữa Đức Chúa Trời và con người. Con người được Đức Chúa Trời tạo dựng nhưng vì tẻ tách theo đường riêng của mình nên đã tạo một khoảng cách vô cùng rộng lớn giữa Trời với người. Đó là khoảng cách tội lỗi. Tội lỗi đã khiến cho con người bị cách ly với Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời thánh khiết không thể chấp nhận tội lỗi. Đức Chúa Trời yêu thương không bao giờ muốn có khoảng cách đó nên Ngài đã có một đường lối đem con người trở lại với Ngài. Đây không phải là con đường thể thao hay nghệ thuật nhưng là con đường cứu rỗi qua Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời nhưng đã sinh ra làm một người như chúng ta để có thể mang tội thay cho chúng ta. Án phạt tội lỗi lẽ ra chúng ta phải gánh chịu thì Chúa Giê-xu đã gánh thế cho chúng ta. Chúa gánh thế qua cái chết của Ngài trên thập giá. Mọi đòi hỏi của công lý Đức Chúa Trời đã được thỏa mãn qua cái chết của Chúa Giê-xu. Như vậy cái chết hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập giá là con đường đem Đức Chúa Trời và con người gần lại với nhau.

Trong lá thư gởi cho các tín hữu trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô viết:

Trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, anh em là người trước kia xa cách, bây giờ đã được gần gũi nhờ máu của Chúa Cứu Thế vì Ngài là sự bình an của chúng ta… phá đổ bức tường ngăn cách (Thư Ê-phê-sô 2:13-14)

Có một bức tường ngăn cách giữa Đức Chúa Trời và con người do tội lỗi gây ra. Chúa Giê-xu đã giáng sinh chịu chết để phá đổ bức tường ngăn cách đó. “Anh em là người trước kia xa cách, bây giờ đã được gần gũi nhờ máu của Chúa Cứu Thế” là như vậy. Máu của Chúa nói đến cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá. Nhờ máu của Chúa đổ ra chuộc tội cho chúng ta mà chúng ta có thể đến gần với Đức Chúa Trời. Trong chiến tranh, người ta nói đến việc “mở con đường máu” hàm ý một lối thoát nguy hiểm đến tính mạng, một sống một chết. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá thật sự là “con đường máu,” con đường được mở ra bằng chính máu của Ngài. Nhờ máu đó con đường trở về với Đức Chúa Trời được mở ra, ngăn cách giữa con người tội lỗi và Đức Chúa Trời thánh khiết được xóa bỏ. Khi chúng ta trở về với Đức Chúa Trời, ngăn cách giữa chúng ta với Chúa không còn, chúng ta có mối tương giao thân mật, gần gũi với Chúa. Chúng ta có sự sống của Chúa, tận hưởng Chúa trong đời sống tạm ở trần gian nầy và sống mãi mãi mãi với Chúa trong Nước đời đời của Ngài.

Đó là Phúc Âm, là Tin Mừng chúng tôi loan báo cho quý vị. Chúng tôi làm nhiệm vụ loan báo nhưng tiếp nhận hay khước từ là quyền tự do của mỗi người. Tiếp nhận, chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn tha thứ của Chúa, được sống gần gũi với Chúa, được kinh nghiệm một đời sống sung mãn và có ý nghĩa trong Chúa. Khước từ, chúng ta sẽ tiếp tục sống theo đường riêng của mình, sẽ không thật sự có bình an trong tâm hồn, không tìm thấy ý nghĩa đích thực cho đời sống và sẽ không có hy vọng gì trong cõi vĩnh hằng. Niềm tin nơi Chúa Giê-xu không phải là một thứ trang sức tôn giáo cho đời sống, cũng không phải là chiếc bùa hộ mạng nhưng niềm tin nơi Chúa Giê-xu là giải pháp cho đời sống, là cẩm nang cho đời sống. Chúng ta sống trên trần gian nầy với bao nhiêu thách thức phải đương đầu mỗi ngày. Mỗi ngày chúng ta có bao nhiêu là quyết định: sống như thế nào, xử sự ra sao với bản thân, với người thân trong gia đình, với bạn bè, với công ăn việc làm… Đến cuối ngày ngồi lại, chúng ta được gì và chúng ta có gì?

Đời sống không thể chỉ là những ngày kéo lê trên trần gian nầy, làm ăn, sinh sống, có thể có một vài cuộc giải trí, nghỉ ngơi để đến cuối đời, nghỉ hưu, bệnh tật và chết? Đời sống chỉ có vậy thôi sao? Và rồi bên kia cõi chết là gì? Nếu không được tha thứ, nếu không có mối tương giao với Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng chúng ta thì đời sống sau cái chết là một viễn tượng hãi hùng kéo dài suốt cả cõi vĩnh hằng.

Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giáng sinh chịu chết vì tội của chúng ta chỉ với một mục đích duy nhất là đem chúng ta trở lại với người cha thân yêu là Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng chúng ta. Đời sống chúng ta sẽ không có ý nghĩa gì cả cho đến khi chúng ta quay trở lại với Người Cha thân yêu đó. Tôi thường nhắc lời cầu nguyện của Thánh Augustine từ nhiều thế kỷ trước. Đây là kinh nghiệm của chính ông và cũng phải là kinh nghiệm của mỗi chúng ta.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa cho nên linh hồn chúng con sẽ không bao giờ được an nghỉ cho đến khi chúng con an nghỉ nơi chính Chúa

“Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa cho nên linh hồn chúng con sẽ không bao giờ được an nghỉ cho đến khi chúng con an nghỉ nơi chính Chúa.” Thiên Chúa đã tạo dựng quý vị cho Ngài nhưng quý vị có mối quan hệ gì với Chúa không? Quý vị đang gần với Chúa hay đang xa cách Ngài? Con người dùng những phương tiện thể thao, nghệ thuật để có thể tiến lại gần nhau hơn dù chỉ trong một thời gian ngắn. Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu, giáng trần chịu chết vì tội của chúng ta để đem chúng ta trở lại, gần gũi với Chúa mãi mãi. Chúng ta có tiến gần đến với Chúa hay vẫn cứ tiếp tục sống xa cách Ngài?

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành