Mẹ Chồng và Nàng Dâu - Bài 9

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Những tuần qua chúng tôi nói về những mẫu người mẹ để lại ảnh hưởng tiêu cực trên con trai, hôm nay chúng tôi xin nói về đặc điểm của mối quan hệ tốt đẹp giữa mẹ và con trai. Theo tiến sĩ Norman Wright, trong quyển "Người Đàn Bà Thứ Hai trong Hôn Nhân của Bạn," người mẹ và con trai có một quan hệ tốt đẹp khi quan hệ đó có sự quân bình, tức là có gắn bó yêu thương nhưng cũng có giới hạn rõ ràng. Gắn bó là nói đến tình thương yêu đậm đà ràng buộc mẹ và con, còn giới hạn là nói đến sự cách biệt cần thiết giữa mẹ với con. Mối quan hệ nào cũng cần có gắn bó thương yêu nhưng cũng cần có giới hạn. Con người chúng ta do Đức Chúa Trời tạo dựng là con người tình cảm. Đức Chúa Trời phán: "Loài người ở một mình không tốt," vì chúng ta cần tình thương và sự gần gũi của người chung quanh. Tuy nhiên, mỗi chúng ta cũng là một cá thể riêng biệt, cần có những điều, những chỗ riêng cho chính mình. Dù mẹ con hay cha con gần nhau và thương nhau nhiều bao nhiêu, giữa đôi bên cũng cần có một khoảng cách. Đây là khoảng cách cần thiết, để giúp cho tình cảm mẹ con và cha con thêm bền chặt.

Cha mẹ cũng như con cái, ai cũng có những điều riêng tư, riêng biệt. Có những việc của mẹ con không cần biết đến, có những việc của con mẹ cũng không cần biết. Tương tự như thế, có những nan đề mẹ không nên nói với con và mẹ cũng phải chấp nhận cái thực tế là, có những vấn đề của con mà mẹ không thể biết, dĩ nhiên đây là khi đứa con đã đến tuổi khôn lớn và hiểu biết. Mối quan hệ giữa mẹ với con trai được tốt đẹp là khi mẹ con có sự thân thương, gần gũi, có thể chia xẻ tâm tình với nhau và thông cảm nhau, nhưng vẫn tôn trọng những điều tiêng tư của mỗi người. Đặc biệt là tôn trọng ý kiến và quyết định của mỗi người trong những vấn đề có tính cách cá nhân.

Một thanh niên nọ than với vị lãnh đạo tinh thần như sau:

Tôi năm nay đã 27 tuổi nhưng mẹ tôi không cho tôi một chút tự do nào. Lúc nào bà cũng theo dõi đời sống tôi. Mỗi lần tôi đi đâu, làm gì, với ai, bà đều hỏi cặn kẽ. Bạn tôi đến nhà nói chuyện gì với tôi bà cũng muốn biết, thư từ gởi đến đề tên tôi bà tự động mở ra đọc, có khi tôi nói điện thoại, bà nghe lén. Lắm lúc bà hỏi tôi những chuyện quá riêng tư, tôi không nói thì bà giận, bảo rằng tôi không thành thật với bà và không tin cậy bà. Tôi đã gần ba mươi tuổi mà mẹ tôi cứ muốn quyết định mọi việc cho tôi và muốn tôi làm theo ý bà. Tôi thương mẹ nhưng tôi cũng cần có đời sống riêng, tôi không biết phải làm sao bây giờ!

Đây là một quan hệ mẹ con thiếu quân bình, có gắn bó nhưng thiếu giới hạn. Có những bà mẹ buộc con trai phải chọn ngành học, chọn bạn bè, kể cả chọn bạn gái, theo ý mẹ. Có người buộc con phải ăn uống, ăn mặc cũng như để kiểu tóc theo ý mẹ. Có người quyết định con phải đi loại xe nào, trong phòng treo những hình ảnh nào. Khi con lập gia đình, mẹ cũng quyết định con mua nhà ở đâu, trong khu vực nào, lúc nào thì phải có con, v.v... Những người con trai này, dù đã có thể tự lập về nhiều mặt, vẫn ở dưới quyền kiểm soát của mẹ.

Làm thế nào để biết quan hệ giữa chúng ta với con cái là một quan hệ quân bình, chúng ta gần con nhưng cũng đặt giới hạn và tôn trọng con? Mời quý vị nhìn vào những dấu hiệu sau đây thì sẽ rõ. Nếu chúng ta ứng xử theo những điều mô tả sau đây là mối quan hệ giữa chúng ta với con cái không được quân bình cho lắm:

1. Khi con bắt đầu có những quyết định để tự lập như đi học xa, đi làm xa hay dọn ra riêng, cha mẹ cảm thấy như bị con ruồng bỏ, nghĩ rằng con không yêu thương và không hiếu thảo với cha mẹ.

2. Cha mẹ lo lắng, bực bội khi thấy mình không còn kiểm soát con được nữa, chẳng hạn như kiểm soát giờ giấc, bạn bè, tiền bạc của con, những nơi con đi, những việc con làm. Nếu cha mẹ cảm thấy buồn giận khi con dần dần tự lập là mối quan hệ với con thiếu quân bình.

3. Khi con bất đồng ý kiến với cha mẹ, cha mẹ cho là con bất hiếu, là không yêu thương kính nể cha mẹ, dù ý của con là khôn ngoan và hợp lý chứ không có gì là sai quấy.

4. Lúc nào cũng chiều ý con, không dám nói hay làm gì trái ý con vì sợ con giận, hoặc là nổi giận lên khi thấy con giận cha mẹ. Điều này nói lên nỗi lo sợ của cha mẹ khi không kiểm soát được cảm xúc của con và sợ con không thương mình nữa.

5. Cha mẹ thường khen ngợi sự mềm mỏng của con cái, nhất là khi con chiều ý cha mẹ để giữ hòa khí trong gia đình, nhưng không bao giờ khen hay khuyến khích con tự quyết định, tự lo, tự lập.

6. Cha mẹ đánh đập hay mắng chửi con nặng lời khi con phạm lỗi hoặc không làm vừa lòng cha mẹ.

7. Trong gia đình con cái luôn cảm thấy có trách nhiệm về niềm vui và hạnh phúc của cha mẹ vì thế phải luôn luôn cố gắng làm cho cha mẹ vui, nếu không sẽ thấy như mình có lỗi với cha mẹ.

8. Cha mẹ tìm cách che chở để con không lãnh chịu hậu quả của những việc sai quấy của mình.

9. Cha mẹ không nhất quán và nhất trí khi đặt luật lệ, giới hạn cho con vâng theo.

10. Dù con đã khôn lớn và tự lập, cha mẹ tiếp tục lo cho con và chịu trách nhiệm về đời sống của con.

Khi cha mẹ không đặt giới hạn rõ ràng cho con cái, sẽ gặp nhiều nan đề sau này. Những người con trai trong gia đình lớn lên có thể là những người không có ý chí, ai bảo gì cũng nghe theo; không dám làm ngược lại ý người khác, vì lúc nào cũng muốn làm vừa lòng mọi người. Có người thì không dám nghĩ đến nhu cầu của mình, có mặc cảm tội lỗi khi làm điều mình cần hay thích. Có người thì nhu nhược, yếu đuối, không dám tự quyết định điều gì, nhưng để người khác quyết định và chịu trách nhiệm về những gì xảy ra cho chính mình. Nói tóm lại, khi cha mẹ gắn bó, gần gũi với con quá đáng sẽ tạo ra những đứa con không trưởng thành, thiếu ý chí và tinh thần trách nhiệm.

Như vậy, để tránh tạo ra những đứa con, đặc biệt là con trai không trưởng thành, chúng ta cần làm gì để có những giới hạn lành mạnh, tốt đẹp? Sau đây là những giới hạn chúng ta cần đặt ra:

1. Cho phép con cái nói lên ý kiến và cảm nghĩ riêng của chúng. Khuyến khích hoặc tạo cơ hội để con chia xẻ cảm nghĩ, ý kiến hay quan niệm riêng của mình.

2. Cho con thấy rằng nếu con có ý kiến hay suy nghĩ khác với cha mẹ cũng không sao, sẽ không bị cha mẹ khiển trách hay lên án, vì mọi người có thể học hỏi lẫn nhau khi có cái nhìn và ý kiến khác nhau.

3. Khuyến khích con cũng biết nghĩ đến chính mình và quyết định cho chính mình chứ đừng việc gì cũng phải nghĩ đến cha mẹ. Cho con thấy rằng cha mẹ tin là con đã có đủ khả năng và khôn ngoan để quyết định cho chính mình.

4. Giúp con phát hiện tài năng và ân tứ Chúa ban cho, phát triển những tài năng đó và sử dụng tối đa. Không ngăn cản con dù khi những tài năng con có không đúng với điều cha mẹ mong ước.

5. Cho phép con bày tỏ cảm xúc, dù là những cảm xúc tiêu cực như buồn giận, bất bình, thất vọng... nhưng bày tỏ cách ôn hòa, nhẹ nhàng để không gây tổn thương cho người chung quanh hay chính mình.

6. Đặt ra những giới hạn, kỷ luật rõ ràng và hợp lý cho con cái tuân theo, nhưng không dùng sự đe dọa để khiến con vì sợ hãi hay mặc cảm tội lỗi phải vâng theo.

7. Cho con được tự do quyết định và chọn lựa theo sự trưởng thành và tuổi tác của con, với sự hướng dẫn của cha mẹ, chứ không quyết định giùm cho con hay ép buộc con quyết định theo ý của cha mẹ.

8. Khi con không đồng ý hay không làm theo điều cha mẹ mong muốn, cha mẹ không giận dữ nhưng sẵn sàng xét lại vấn đề và nếu được, tôn trọng ý kiến của con.

Người tin Chúa cư xử, hành động và quyết định mọi việc theo tiêu chuẩn lời Chúa dạy. Cũng thế, những giới hạn chúng ta đặt ra cho con cái và người trong gia đình cũng như những điều cha mẹ khuyến khích hoặc cho phép con cái làm cũng phải nằm trong giới hạn của Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Khi con đứng trước những quyết định đi ngược với lời Chúa, cha mẹ cần giải thích, hướng dẫn và cảnh cáo rõ ràng cho con biết. Một trong những nguyên tắc sống chúng ta cần đặt cho con cái và cho chính mình là: "Chớ dập tắt Thánh Linh, chớ khinh dể các lời tiên tri. Hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy, bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19-22).

Khi con đã khôn lớn, cha mẹ cần tôn trọng con và cho con tự lập. Nếu cha mẹ không cho con tự lo, tự lập; không nói năng, cư xử với con như người lớn, giới hạn giữa cha mẹ và con cái đã bị vi phạm. Khi chúng ta giữ quân bình trong mối quan hệ cha con và mẹ con, gắn bó yêu thương con nhưng cũng đặt giới hạn và tôn trọng con, con cái lớn lên sẽ khôn ngoan, tự tin, đặc biệt là những đứa con trai, sẽ có tinh thần tự trọng, tự lập; có tinh thần trách nhiệm, khôn ngoan khi đứng trước những quyết định quan trọng. Ngược lại, nếu con đã khôn lớn mà cha mẹ cứ tiếp tục nắm giữ, điều khiển, áp chế, mắng nhiếc nặng lời và không cho con một chút tự do nào là chúng ta đã làm cho con buồn giận, nhụt chí, nản lòng (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành