Mẹ Chồng và Nàng Dâu - Bài 12

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Có một bà mẹ kia có đông con nhưng bà thương đứa con trai út hơn hết, vì trước khi đứa con sinh ra, chồng bà qua đời một cách đột ngột, để lại cho bà bao nhiêu thương tiếc, còn đứa con không bao giờ được biết mặt cha. Từ đó, đứa con trai út là nguồn an ủi cho bà. Không những là người bù đắp cho bà tình thương của chồng nhưng cũng là niềm hãnh diện của bà vì cậu ngoan ngoãn, học giỏi, và luôn luôn vâng lời mẹ. Bà xem con như là lẽ sống, là một phần của cuộc đời mình. Thời gian trôi qua, cậu con út khôn lớn và có người yêu, bà mẹ buồn lắm nhưng biết đây là điều phải đến, cũng là điều bà phải chấp nhận nên bà vui vẻ lo việc cưới hỏi cho con. Sau đám cưới, bà mẹ sống chung với vợ chồng con và tiếp tục chăm sóc cho con tất cả mọi sự. Dưới mắt người chung quanh, chàng thanh niên này là một người đã khôn lớn, có gia đình riêng, có nghề nghiệp tốt, và có chỗ đứng trong xã hội. Nhưng đối với mẹ anh, anh vẫn chỉ là đứa con trai cưng bé bỏng cần được mẹ chăm sóc. Vợ anh không được tự do lo cho chồng nhưng phải làm theo mọi điều bà dặn bảo. Mỗi khi bà làm những điều hơi quá đáng, chẳng hạn như đoán bệnh cho anh rồi mua thuốc bắt anh uống, hoặc mua quần áo cho anh, buộc anh phải mặc, vợ anh không đồng ý, và nói: "Mẹ ơi chắc nhà con không phải bị đau như vậy đâu hoặc: nhà con không thích những quần áo đó đâu!" thì bà nói: "Tôi sinh ra con tôi, nuôi nó từ nhỏ đến lớn, tôi phải biết nó hơn cô chứ!" Mỗi khi bà nói như thế, cô con dâu không thể làm gì khác hơn là vâng theo ý bà. Không những chăm sóc cho con từng miếng ăn thức uống, cái quần cái áo, bà mẹ này cũng muốn con quyết định mọi việc theo ý bà. Mỗi khi có chuyện cần giải quyết, người con trai phải hỏi ý mẹ và làm theo ý mẹ chứ không dám bàn với vợ. Thưa quý thính giả, đây là hình ảnh tiêu biểu của một người mẹ không muốn cho con lìa khỏi mình để tự lập, và gia đình này không sớm thì muộn sẽ có nhiều nan đề.

Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi có trình bày ba nguyên tắc cha mẹ cần áp dụng trong mối quan hệ với con, để khi con cái đã trưởng thành và có gia đình riêng, có thể lìa khỏi sự ràng buộc của cha mẹ một cách nhẹ nhàng. Những nguyên tắc đó là: (1) Cha mẹ thay đổi từ vai trò bậc thầy, khuyên bảo chỉ dạy con đến chỗ sẵn sàng học hỏi những điều mới lạ nơi con. (2) Thay đổi từ vai trò nắm quyền trên đời sống con sang vai trò làm người hướng dẫn và cố vấn cho con. (3) Thay đổi từ chỗ khuyên dạy con đến chỗ trao đổi ý kiến với con. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi đã trình bày điểm đầu tiên là thay đổi từ vai trò bậc thầy dạy bảo con đến chỗ sẵn sàng học hỏi nơi con nên hôm nay xin trình bày hai điểm còn lại sau đây:

Nguyên tắc 2: Thay đổi từ vai trò nắm quyền kiểm soát con sang vai trò hướng dẫn và cố vấn.

Khi con chúng ta còn nhỏ, các em cần biết rằng cha mẹ là người có thẩm quyền trong gia đình. Là con, các em có bổn phận vâng lời cha mẹ và ở dưới sự kiểm soát của cha mẹ. Tuy nhiên, khi con bắt đầu khôn lớn, khi các em bước vào tuổi mười tám, hai mươi, chúng ta cần thay đổi cách dạy, để con thấy rằng cha mẹ công nhận sự trưởng thành của con, bớt dần sự kiểm soát và nắm quyền trên con và bắt đầu cho con nhiều tự do hơn trong những quyết định riêng của con. Nếu khi con đã trên hai mươi tuổi, cha mẹ xem con là người trưởng thành, không ra lệnh, sai bảo điều này điều kia nhưng chỉ làm người cố vấn, hướng dẫn; con sẽ cảm thấy thoải mái, sẽ không ngại ở gần cha mẹ và sẵn sàng hỏi ý kiến cha mẹ trong những vấn đề quan trọng. Theo lời Kinh Thánh dạy, dù đã lớn khôn, con cái vẫn cần vâng theo sự chỉ dạy và hướng dẫn của cha mẹ. Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước dạy như sau: "Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con," "Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên dạy của một người cha, khá chú ý vào, hầu cho biết sự thông sáng," "Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu (Châm Ngôn 1:8; 4:1 & 23:22). Nếu cha mẹ tôn trọng con khi con đã khôn lớn, thông cảm và chấp nhận ý kiến của con, con cái sẽ sẵn sàng vâng theo lời hướng dẫn, chỉ bảo của cha mẹ.

Có nhiều bậc cha mẹ dù con đã khôn lớn, có gia đình riêng, đã làm cha làm mẹ, nhưng vẫn xem con như những đứa con nít, không biết gì. Họ vẫn nắm quyền kiểm soát con và muốn con làm theo ý mình trong mọi sự. Mỗi khi con không làm đúng như điều họ trông mong, họ tức giận, la mắng nặng lời, không một chút tôn trọng con. Cách cư xử đó sẽ khiến con cái buồn giận, nản lòng, do đó sẽ tìm cách lánh xa cha mẹ và không muốn vâng lời cha mẹ. Là những bậc cha mẹ thức thời, chúng ta cần công nhận sự trưởng thành của con cái và cho con được tự do quyết định cho chính mình. Đức Chúa Trời, Người Cha thiêng liêng của chúng ta, là Đấng toàn thiện, toàn hảo, quyền năng, Chúa biết rõ tất cả mọi sự, nhưng Ngài chỉ hướng dẫn và khuyên dạy chúng ta, Chúa không bắt buộc chúng ta làm theo ý Ngài hay đi theo chương trình Ngài đã định. Nếu Đức Chúa Trời, là Đấng toàn tri toàn năng, mà còn cho chúng ta quyền tự do lựa chọn thì chúng ta, những con người bất toàn, với nhiều giới hạn trong sự hiểu biết, không nên lấy quyền làm cha mẹ buộc con cái làm theo ý mình. Sau khi chuyển từ vai trò làm chủ, kiểm soát con đến vai trò hướng dẫn con, cha mẹ sẽ bước đến vai trò kế tiếp, đó là làm người cố vấn cho con.

Người hướng dẫn là người chỉ cho người khác những điều phải làm, còn người cố vấn, cũng góp ý nhưng khác ở chỗ là người cố vấn chỉ nói lên ý kiến của mình khi người kia hỏi. Trong giai đoạn này, chúng ta để cho con tự quyết định những vấn đề riêng tư. Nếu con hỏi ý cha mẹ, cha mẹ sẽ cho con biết cha mẹ nghĩ gì, có ý kiến gì về vấn đề của con. Nhiều người sợ rằng nếu để con tự quyết định, con sẽ quyết định sai và rồi thất bại hay hỏng việc, vì thế cứ quyết định giùm con mãi. Thật ra, nếu cha mẹ cứ tiếp tục quyết định mọi việc cho con, là hàm ý không công nhận con đã khôn lớn. Hơn nữa, nếu cha mẹ không cho con tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, con sẽ không có kinh nghiệm trong đời và sẽ khó nên người trưởng thành. Vì lý do đó, nhiều khi chúng ta cần để cho con quyết định theo ý của chúng, nếu quyết định thiếu khôn ngoan, con cái sẽ học kinh nghiệm và lần sau sẽ quyết định khôn ngoan hơn. Dĩ nhiên đây là trong trường hợp những việc không nguy hiểm đến tính mạng hay nguy hại cho cả cuộc đời. Khi con đã khôn lớn, chúng ta chỉ góp ý, hướng dẫn, chứ không ra lệnh hay sai bảo, và nhất là chúng ta có thể cầu nguyện cho con, để con biết rõ ý Chúa trong những quyết định quan trọng.

Nguyên tắc 3: Thay đổi từ chỗ khuyên dạy đến chỗ trao đổi ý kiến và hỏi ý con về vấn đề của cha mẹ.

Khi con còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều, cha mẹ cần chỉ dạy con từng li từng tí. Khi con bắt đầu khôn lớn, hiểu biết, có nhiều điều cha mẹ không cần khuyên bảo, vì con đã có đủ hiểu biết. Khi con cái chúng ta đã ra đời, đã thành nhân, cha mẹ nên đối xử với con theo nguyên tắc hỗ tương, nghĩa là không chỉ nói cho con biết điều con nên làm nhưng cũng hỏi ý con về những vấn đề của cha mẹ. Trong đời sống ngày nay, có những vấn đề mà nếu hỏi ý con cái, chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ, rộng rãi hơn và nhờ đó sẽ có quyết định khôn ngoan hơn. Quý vị có bao giờ hỏi ý con cái về những vấn đề quan trọng không? Khi được cha mẹ tin cậy và hỏi ý kiến, con em chúng ta sẽ rất thích. Thích vì thấy cha mẹ tin cậy mình, vì mình được góp phần trong quyết định của cha mẹ và nhất là thấy cha mẹ không xem mình là trẻ con nữa. Tinh thần hỗ tương, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau sẽ giúp cũng cố mối quan hệ giữa cha mẹ với những người con đã trưởng thành. Ví dụ khi định thay đổi công việc, chỗ ở, hoặc có những tính toán quan trọng về vấn đề tiền bạc, mua bán, mà cha mẹ hỏi ý những đứa con trưởng thành, các con sẽ giúp chúng ta có thêm ý kiến, có cái nhìn đầy đủ hơn và cũng giúp con cảm thấy gần với cha mẹ hơn.

Tiến sĩ Norman Wright mô tả vai trò làm cha mẹ với hình ảnh người làm vườn. Ông nói, khi trồng một cái cây, trách nhiệm của chúng ta là chăm sóc cái cây đó bằng cách tưới nước, bón phân và rồi để cho nó tự lớn lên, tự phát triển theo điều mà Đức Chúa Trời đã định. Người làm vườn dù nhiều khôn ngoan và kinh nghiệm, không thể bắt cái cây ra hoa ra trái trong thời điểm mình muốn, cũng không thể bảo cây ổi ra trái cam hay cây mận ra trái bưởi. Cũng thế, cha mẹ tuy là người sinh ra con nhưng không thể ép buộc con cái làm theo ý mình hay trở nên người mà cha mẹ muốn. Cha mẹ cần để cho con phát triển tự nhiên theo khả năng Chúa ban và trở nên người Chúa muốn. Cha mẹ cũng không thể nắm giữ con cho mình mãi mãi. Hai nguyên tắc sau đây của Thánh Kinh là điều chúng ta cần ghi nhớ: (1) Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó" Châm Ngôn 22:6, và: (2) Vậy nên, người đàn ông phải lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, hai người cùng nên một thịt" (Ê-phê-sô 5:31). Nói ngắn gọn, hai nguyên tắc đó là: cha mẹ cần hướng dẫn những đứa con nhỏ trong con đường mà Chúa đã định, và khi con khôn lớn, đến tuổi tự lập, chúng ta phải để cho con tách rời khỏi quyền kiểm soát của cha mẹ. Có như thế con mới trưởng thành và gia đình con mới hạnh phúc.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành