Mẹ Chồng và Nàng Dâu - Bài 13

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Có hai ông bà cụ kia, sau gần mười năm chờ đợi đã được đoàn tụ với con tại Mỹ. Trong thời gian chuẩn bị, ông bà nôn nao, sung sướng, trông cho mau đến ngày được gặp lại đứa con trai duy nhất sau bao nhiêu năm xa cách. Nhưng khi gặp lại con và sống với vợ chồng con khoảng một tháng, ông bà cụ muốn trở về Việt Nam. Lý do là vì đứa con trai bây giờ đã có vợ và sau mười năm sống xa cha mẹ anh hầu như không còn tình thương đối với cha mẹ. Ông bà cụ ở trong nhà con mà lúc nào cũng sợ sệt, không dám làm gì cả. Bàn ghế, đồ đạc trong nhà quá sang trọng, ông bà không dám đụng đến; các máy móc thì quá to lớn và tân tiến, ông bà không dám sử dụng. Người con dâu mỗi ngày dặn ông bà cụ lấy thức ăn có sẵn trong tủ lạnh hâm lại chứ đừng nấu, sợ nấu nước mắm, hành tỏi hôi nhà. Đã vậy, mỗi tuần ông bà cụ còn phải tắm cho con chó của hai vợ chồng. Tắm rồi, phải giữ nó ngoài sân mấy tiếng đồng hồ, sợ làm ướt thảm, v.v... Ông bà cụ thương con và là người hiểu biết, sống chung với con nhưng không làm chủ gia đình con. Thấy vợ chồng con ngày nào cũng đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về, ông bà sẵn sàng làm những việc vặt vãnh trong nhà để giúp con. Ông bà cụ cẩn thận để không làm phiền con, nhưng sau một thời gian, cả con dâu lẫn con trai đều có vẻ không vui về sự có mặt của ông bà. Cuối cùng, ông bà cụ đã quay trở về quê hương.

Thưa quý vị, đây là điều xảy ra khi những người con có gia đình không đối xử tốt đẹp với các bậc sinh thành. Ngược lại, cũng không thiếu những trường hợp cha mẹ không ứng xử phải lẽ với những đứa con đã khôn lớn và đã có gia đình riêng, vì thế đôi bên không có mối quan hệ tốt đẹp.

Trong các Câu Chuyện Gia Đình gần đây chúng tôi có đề cập đến mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Chúng tôi đã trình bày nguyên nhân và phân tích tâm lý từng người, hôm nay xin nêu những điều chúng ta có thể làm để có thể giảm bớt nan đề trong mối quan hệ giữa hai nhân vật đặc biệt này.

1. Độc lập với cha mẹ khi có gia đình riêng

Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời phán: "Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Theo lời dạy này, khi con có gia đình riêng, cha mẹ nên cho phép con lìa khỏi cha mẹ. "Lìa cha mẹ" chỉ có nghĩa là không tùy thuộc cha mẹ về mặt kinh tế, tình cảm và những quyết định riêng của hai vợ chồng. Tuy nhiên, con cái lúc nào cũng phải giữ lòng yêu thương, hiếu thảo đối với cha mẹ. Trong trường hợp hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, cha mẹ già yếu, hoặc gia đình quá đơn chiếc, người con đã lập gia đình có thể sống chung với cha mẹ, nhưng gia đình mới của con vẫn là một đơn vị riêng biệt. Cha mẹ không làm chủ gia đình con và vợ chồng con không ở dưới quyền của cha mẹ. Dù trong hoàn cảnh nào, đôi vợ chồng trẻ cần tỏ lòng yêu thương và hiếu thảo đối với cha mẹ, đừng làm điều gì khiến cha mẹ phải buồn tủi.

2. Đôi bên tôn trọng nhau

Khi con đã có gia đình riêng, dù ở xa hay gần, ở riêng hay ở chung, cha mẹ cũng cần tôn trọng con. Chúng ta tôn trọng con vì con đã khôn lớn và trưởng thành, vì con đã làm chồng làm vợ, và là chủ gia đình riêng của con. Cha mẹ không chỉ tôn trọng gia đình con mà cũng tôn trọng ý kiến và quyết định của vợ chồng con. Ngoại trừ khi con có những quyết định sai lầm, nguy hiểm, còn thì cha mẹ không nên chen vào những quyết định hay dự tính của vợ chồng con. Nếu con hỏi ý cha mẹ, đó là điều tốt. Nếu con không hỏi, cha mẹ chỉ cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn con chứ không lấy quyền làm cha mẹ tạo áp lực hay buộc con quyết định theo ý mình. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tôn trọng sự riêng tư của gia đình con. Mỗi ngày vợ chồng con đi đâu, làm gì; tiền lương mỗi tháng bao nhiêu, chi dùng tiền bạc như thế nào, v.v... nói cho cha mẹ biết hay không là tùy ý con. Tương tự như thế, con cái cũng cần tôn trọng sự riêng tư và thoải mái của cha mẹ, đừng làm gánh nặng cho cha mẹ về mặt tài chánh hay tình cảm. Dù cha mẹ lúc nào cũng thương con và sẵn sàng hy sinh để giúp con, chúng ta không nên lợi dụng tình thương của cha mẹ, khiến cha mẹ phải tiếp tục lo lắng cho chúng ta hoặc lo cho con cái của chúng ta. Nếu cha mẹ còn khỏe và xem việc giữ cháu là niềm vui, chúng ta có thể nhờ cha mẹ giúp, nhưng cũng cần có giới hạn, vì các cụ đã vất vả cả đời, đây là lúc cần được nghỉ ngơi, đi đây đó để vui hưởng tuổi già. Dù cha mẹ sẵn sàng giúp, đừng bao giờ để cha mẹ cảm thấy mình có trách nhiệm phải giúp con, không giúp không được.

3. Bày tỏ tình thương yêu đối với nhau

Tục ngữ có câu "nước mắt chảy xuống," hàm ý rằng cha mẹ lúc nào cũng thương con còn tình thương con dành cho cha mẹ thường có điều kiện và giới hạn. Lý do một phần là vì đôi vợ chồng trẻ bận rộn với con cái và thường dồn hết tình thương cho con. Tuy đây là điều tự nhiên nhưng là con, chúng ta cần quan tâm, bày tỏ tình thương yêu đối với cha mẹ để cha mẹ không thấy mình bị lãng quên. Khi một người lập gia đình thường vui với hạnh phúc mới và quên, không nghĩ đến cha mẹ nữa, khiến cha mẹ lắm khi tự hỏi, không biết con có thương mình không? Cha mẹ nào cũng muốn con cái lớn lên có gia đình riêng và được hạnh phúc, nhưng những thay đổi khi con lập gia đình thường để lại nhiều lưu luyến, tiếc nhớ trong lòng cha mẹ. Vì lý do đó, đôi vợ chồng trẻ cần tế nhị, bày tỏ tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đối với cha mẹ. Nếu ở xa nhớ gọi điện thoại hỏi thăm hoặc viết thư thường xuyên. Đừng quên những ngày đặc biệt của cha mẹ như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, ngày Từ Mẫu, Phụ Thân ... và nhớ gởi quà chúc mừng. Dù bận rộn, cũng cố gắng dành thì giờ về thăm cha mẹ. Khi về thăm nhớ đem quà bánh và giúp những việc mà cha mẹ không làm được. Nếu đôi vợ chồng mới tế nhị, bày tỏ tình thương yêu với cha mẹ, cha mẹ sẽ vui và không nghĩ rằng vì con rể hay con dâu mà con đã quên mình. Khi con cái bày tỏ tình thương đối với gia đình cha mẹ hai bên, cách đồng đều và thành thật, mối quan hệ giữa hai thế hệ sẽ được tốt đẹp và điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tốt trên hạnh phúc của đôi vợ chồng mới.

4. Chủ tâm tạo mối quan hệ tốt đẹp

Trong bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần chủ tâm xây dựng thì mới có thể tốt đẹp. Đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con dâu với gia đình chồng, con rể với gia đình vợ, và nhất là giữa mẹ chồng và nàng dâu, vì đôi bên vốn không có tình yêu thương tự nhiên. Thánh Kinh dạy: "Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (Phi-líp 2:4). "Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau" (Ga-la-ti 6:2). "Hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau" (Ga-la-ti 5:13). Nếu chúng ta vâng Lời Chúa dạy, sống với nhau bằng tình thương yêu, quan tâm đến phúc lợi của người khác, chúng ta sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với gia đình vợ cũng như gia đình chồng. Để làm được điều này, chúng ta phải mất thì giờ và chú tâm suy nghĩ mới có thể biết nên làm gì hầu tạo sự gần gũi với gia đình đôi bên. Cha mẹ không nên đòi hỏi con cái dành thì giờ cho mình nhưng con cái thì cần tế nhị, quan tâm đến cha mẹ và dành thì giờ cho cha mẹ. Dành thì giờ thăm hỏi, trò chuyện với nhau là cách tốt nhất để tạo tình thân giữa đôi bên.

Có một bà mẹ kia, khi con trai mới cưới vợ bà cảm thấy ngăn cách với con dâu. Bà muốn gần gũi để tạo tình thân nhưng không biết làm thế nào, tình trạng này kéo dài suốt một năm. Một ngày nọ, người con dâu đến thăm bà và hỏi bà về những chuyện xưa cũ như: ngày bà còn độc thân, công việc bà làm khi còn trẻ và đời sống gia đình khi các con còn nhỏ. Bà mẹ chồng vừa kể chuyện vừa lấy hình những tấm hình cũ ra cho con dâu xem. Hai mẹ con nói chuyện suốt một buổi, cùng vui cười với nhau thật là thoải mái. Từ đó, mối quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp.

Nguyên tắc để nuôi dưỡng và duy trì một quan hệ tốt đẹp

Để kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quý vị mười nguyên tắc sau, nhằm giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và gia đình mới của con được tốt đẹp:

1. Đừng than phiền cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ. Mỗi gia đình có một lối sống khác nhau. Chúng ta cần chấp nhận và thích ứng. Than phiền không giải quyết vấn đề mà chỉ khiến cho sự ngăn cách giữa đôi bên thêm rộng lớn.

2. Trong những dịp đặc biệt, nhớ mời cha mẹ hai bên tham dự. Đừng thiên vị bên nào hay gần với bên nào hơn nhưng chăm sóc, thăm viếng và giúp đỡ hai bên đồng đều.

3. Khi có con cái, nhớ tạo cơ hội cho ông bà nội, ông bà ngoại được gần cháu.

4. Khi hai bên sui gia có nan đề, hay giữa mẹ chồng con dâu, mẹ vợ con rể có vấn đề, cố gắng đứng giữa giải hòa, đừng lên án hay bênh vực bên nào.

5. Tôn trọng sự riêng tư của đôi bên. Cha mẹ không chen vào những vấn đề riêng của vợ chồng con, con cái cũng không xen vào những chuyện riêng tư của cha mẹ.

6. Khi cha mẹ đôi bên có điều gì quá đáng, nên tìm dịp nói ra, nhưng nói cách ôn hòa và lễ độ.

7. Nếu mẹ chồng nàng dâu có sở thích nào giống nhau, hãy tạo cơ hội gần gũi, làm việc chung với nhau.

8. Khi vợ chồng có nan đề, đừng đổ lỗi cho cha mẹ bên nào nhưng cố gắng tìm cách giải quyết với nhau.

9. Đừng có thành kiến với gia đình bên nào, nhưng hãy tin rằng theo thời gian và tùy cách cư xử của chính mình, mối quan hệ giữa đôi bên sẽ tăng trưởng và tốt đẹp.

10. Sống theo nguyên tắc Lời Chúa dạy: "Hết sức khiêm cung, hiền từ, nhẫn nại nhường nhịn nhau trong tình yêu thương" (Ê-phê-sô 4:2).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành