Mẹ Chồng và Nàng Dâu - Bài 14

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Cảm tạ Chúa cho chúng tôi lại được đến với quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của chương trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong thời gian gần đây, chúng tôi có trình bày loạt bài "Mẹ Chồng Nàng Dâu", để kết thúc đề tài này, hôm nay chúng tôi xin trình bày về một quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp được ghi lại trong Thánh Kinh Cựu Ước, trong một sách gọi là sách Ru-tơ. Sách Ru-tơ ghi lại câu chuyện về bà Na-ô-mi và hai người con dâu.

Qua câu chuyện này chúng ta được biết, vì quê hương bị nạn đói, vợ chồng bà Na-ô-mi đến vùng Mô-áp lánh nạn. Đến đó một thời gian thì chồng bà qua đời, để lại bà và hai người con trai. Sau đó hai người con trai lấy vợ. Nhưng mười năm sau hai người con trai đó cũng chết, để lại bà Na-ô-mi và hai người con dâu, tức là trong gia đình có ba người đàn bà không chồng không con. Sau đó, bà Na-ô-mi nghe tin quê hương đã qua nạn đói nên bà định đem hai người con dâu trở về. Nhưng khi đi dọc đường, bà đổi ý và nói với hai nàng: "Mỗi con hãy trở về nhà cha mẹ mình đi, cầu xin Chúa lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người chết của chúng ta và đã đãi chính mình ta! Nguyện Chúa ban cho hai con được bình yên nơi nhà chồng mới! Rồi bà ôm hôn hai nàng, còn hai nàng khóc và nói: chúng con sẽ đi với mẹ đến quê hương của mẹ" (Ru-tơ 1:8-10). Cuối cùng một người con dâu vâng lời, hôn từ biệt bà trở về nhà cha mẹ, còn người kia quyết tâm đi theo bà. Chi tiết này cho thấy bà Na-ô-mi và hai người con dâu có mối quan hệ thật tốt đẹp. Tuy là mẹ chồng nàng dâu nhưng giữa họ có một tình thương yêu đậm đà. Nếu phân tích câu chuyện, chúng ta thấy bà Na-ô-mi và hai người con dâu yêu thương nhau là vì những lý do sau đây:

1. Bà Na-ô-mi đối xử với con dâu bằng tình thương yêu chân thật

Hành động và lời nói của bà Na-ô-mi cho thấy điều đó. Bà có quyền đem hai người con dâu trở về quê hương để hầu hạ chăm sóc bà trong tuổi già cô đơn, vì hai nàng thuộc quyền sở hữu của bà, bà cần hai nàng vì bà không còn ai khác. Nhưng bà quyết định cho hai nàng tự do và bảo trở về nhà cha mẹ. Không những thế, bà còn khuyến khích hai nàng lấy chồng khác và cầu xin Chúa ban phước cho hai nàng trong gia đình mới. Bà không nói cách hờn giỗi hay cay đắng nhưng thật lòng mong muốn hai cô con dâu không phải sống cảnh góa bụa cô đơn như bà. Thánh Kinh ghi lời bà nói như sau: "Hỡi hai con gái ta, hãy trở về, đi với mẹ làm chi? Mẹ há còn những con trai trong lòng có thể làm chồng chúng con sao? Hỡi hai con gái ta, hãy trở về đi đi!"

2. Bà Na-ô-mi không ích kỷ, không nghĩ đến nỗi khổ của mình

Dù trong hoàn cảnh đau khổ và tuyệt vọng, bà Na-ô-mi đã không nghĩ đến nỗi khổ của mình nhưng nghĩ đến hạnh phúc của hai người con dâu. Thật ra, bà không xem hai nàng là con dâu nhưng xem như con gái. Đây là điều nổi bật trong cách cư xử của bà Na-ô-mi. Khi một người có tình thương và nghĩ đến phúc lợi của người khác, người đó sẽ nhận được tình thương của người chung quanh. Đặc biệt là trong trường hợp mẹ chồng nàng dâu. Nếu bà mẹ chồng thương con dâu và đối xử với con dâu cách độ lượng, cao đẹp, trừ những trường hợp ngoại lệ, còn thường là các bà sẽ được con dâu yêu thương lại và xem như mẹ ruột.

3. Hai nàng dâu cũng yêu thương mẹ chồng

Lý do thứ ba khiến quan hệ giữa bà Na-ô-mi và hai người con dâu được tốt đẹp là hai nàng cũng yêu thương bà. Tình yêu bao giờ cũng phải có hai chiều. Nếu chúng ta không ban cho tình yêu thì sẽ không nhận được tình yêu. Trái lại, nếu chúng ta lấy tình thương yêu đối xử với mọi người, kể cả những người khó thương, chúng ta sẽ nhận được tình thương dư dật. Chúng ta biết hai người con dâu của bà Na-ô-mi yêu thương bà vì chính bà nói lên điều đó. Khi bảo hai người trở về nhà cha mẹ, bà nói: "Cầu Chúa lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người chết của chúng ta và đã đãi chính mình ta" (Ru-tơ 1:8b). Hai nàng dâu của bà không chỉ tử tế yêu thương bà khi cả ba người đã trở thành những góa phụ cô đơn, nhưng hai nàng cũng đối xử tốt đẹp với chồng của họ tức là hai con trai của bà. Oït-ba và Ru-tơ là hai nàng dâu ngoan hiền không chỉ vì họ được mẹ chồng thương yêu nhưng cũng vì họ kính sợ Chúa, sống theo lời Chúa dạy. Hai nàng muốn giữ lòng trung thành với nhà chồng, dù chồng đã chết. Ngoài ra, có một yếu tố khác khiến ba mẹ con thông cảm với nhau và muốn sống bên nhau, đó là họ ở trong cùng một cảnh ngộ. Có lẽ sau khi chồng chết và sống với bà Na-ô-mi trong cảnh góa bụa, hai nàng đã hiểu bà, thương bà, xem bà như mẹ ruột nên bây giờ không muốn lìa xa bà.

Trong hai nàng dâu, Ru-tơ là người đặc biệt hơn, nàng thương mẹ chồng và quyết tâm theo bà cho đến cuối cùng. Khi nàng dâu lớn đã vâng lời mẹ chồng, từ giã bà trở về nhà cha mẹ, Na-ô-mi nói với Ru-tơ: "Nầy, chị con đã trở về quê hương và theo thần của nó, con hãy trở về theo nó đi!" Nhưng Ru-tơ thưa: "Xin chớ nài con phân rẽ mẹ, vì mẹ đi đâu con sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, con sẽ ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con; Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con. Mẹ thác nơi nào, con muốn thác và được chôn nơi đó. Nếu có điều chi khác hơn sự chết phân cách con khỏi mẹ, nguyện Chúa Hằng Hữu giáng họa cho con!" (1:16). Câu trả lời của Ru-tơ nói lên tình thương yêu chân thật và keo sơn của nàng đối với mẹ chồng. Có lẽ Ru-tơ đã nhìn thấy nơi bà Na-ô-mi không những là người mẹ yêu thương nhưng cũng là người bạn và là người hướng dẫn tinh thần mà nàng không thể xa lìa. Điều quý hơn nữa là Ru-tơ không chỉ nói cho mẹ chồng vui lòng nhưng nàng thật tâm muốn theo bà. Câu trả lời của Ru-tơ cho thấy rằng không một điều gì trên đời này có thể tách rời nàng với người mẹ chồng mà nàng yêu thương.

Ngày nay trong lễ cưới nhiều nơi thường cho cô dâu chú rể nhắc lại câu nói của nàng Ru-tơ để hai người nói lên lời hứa nguyện với nhau và bày tỏ lòng cam kết đối với nhau. Chẳng hạn, cô dâu nói với chú rể: "Anh đi đâu em sẽ theo đó, anh ở nơi nào em sẽ ở nơi đó. Dân tộc của anh là dân tộc của em, Đức Chúa Trời của anh cũng là Đức Chúa Trời của em. Anh chết nơi nào em muốn được chết và chôn nơi đó. Chỉ có cái chết mới chấm dứt cuộc hôn nhân của chúng ta." Và chú rể cũng hứa nguyện lời tương tự như thế với cô dâu. Một tác giả nọ đã viết: "Từ xưa đến nay không một câu chuyện tình nào có thể ví sánh với chuyện tình của nàng dâu Mô-áp với bà mẹ chồng Do Thái mà Thánh Kinh đã ghi lại. Tình yêu nàng Ru-tơ dành cho mẹ chồng tinh khiết như vàng ròng và mạnh như sự chết. Không điều gì có thể dập tắt tình yêu đó, và lời tuyên xưng tình yêu của Ru-tơ là lời tuyên xưng đẹp nhất trên đời. Nàng Ru-tơ đã nói với bà mẹ chồng lời hứa nguyện yêu thương và trung thành. Đây là lời hứa của người biết nghĩ đến người khác chứ không vì một lợi ích riêng nào cho mình.

Trong thực tế chúng ta ít thấy mối quan hệ thân thương giữa một người với gia đình nhà chồng hay gia đình vợ. Trái lại, chúng ta thường nghe hoặc thấy những chuyện đau lòng giữa người này với người kia, nhất là giữa mẹ chồng với nàng dâu. Trong nhiều gia đình, lắm khi giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái hoặc giữa anh chị em ruột thịt với nhau, mối quan hệ cũng không tốt đẹp. Bao nhiêu người sống chung dưới một mái nhà nhưng không nhìn mặt nhau, không nói chuyện với nhau. Lắm khi vì ganh tị hoặc tham lam mà người trong gia đình sẵn sàng làm hại nhau hoặc gây đau khổ cho nhau.

Có lẽ chúng ta cần nhìn lại chính mình, xem chúng ta có tâm tình yêu thương và hy sinh như bà Na-ô-mi và nàng dâu Ru-tơ không? Nếu có con cái đã lớn, đã lập gia đình, chúng ta đối xử với con dâu, con rể như thế nào, có ngọt ngào, tế nhị và thương yêu không? Nhiều người thường lấy chuyện nàng Ru-tơ để khuyên dạy con dâu phải yêu thương và trung thành với mẹ chồng mà quên rằng sở dĩ nàng Ru-tơ ngoan hiền như thế phần lớn cũng là vì nàng có một bà mẹ chồng thương yêu, tế nhị. Thật ra, nếu chúng ta sống với mọi người bằng tình yêu thương, lòng tôn kính, sẵn sàng nhường nhịn và tha thứ cho nhau, mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh sẽ tốt đẹp. Thánh Kinh dạy: "Chớ làm điều chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa" (Phi-líp 2:3 4). Nguyện xin Chúa giúp chúng ta thực hành nguyên tắc sống cao đẹp của Kinh Thánh để mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh được tốt đẹp và đời sống chúng ta tràn ngập bình an và hạnh phúc.

 

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành