Cơn Đau Chuyển Dạ

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Hai danh từ chúng ta nghe hầu như mỗi ngày trong các bản tin gần đây là Ebola và ISIS. Cả hai đều đem lại hãi hùng và lo sợ cho người nghe. Ebolanói đến bệnh dịch dễ lây lan và chưa có thuốc chữa đã làm cho hàng ngàn người chết tại Tây Phi và ISIS nói đến lực lượng Hồi giáo với những giết chóc tàn bạo mà Hoa Kỳ và đồng minh chưa biết làm thế nào để ngăn chận. Chiến tranh và bệnh dịch là hai điều Kinh Thánh đã nhắc đến hai ngàn năm qua trong sách cuối cùng của Kinh Thánh là sách Khải Huyền như sau:

Tôi nhìn xem khi Chiên Con mở ấn thứ nhất trong bảy ấn và tôi nghe một trong bốn sinh vật nói tiếng như sấm rằng: “Hãy đến!” Tôi nhìn xem, kìa là một con ngựa trắng. Người cưỡi ngựa có một cây cung và được ban cho một mão triều thiên. Người đi ra như một người chinh phục và chiến thắng. Khi Chiên Con mở ấn thứ nhì, tôi nghe sinh vật thứ nhì nói rằng: “Hãy đến!” Một con ngựa khác màu hồng hiện ra. Người cưỡi ngựa được quyền cất sự hòa bình khỏi mặt đất để người ta giết hại lẫn nhau; người cũng được ban cho một thanh gươm lớn. Khi Chiên Con mở ấn thứ ba, tôi nghe sinh vật thứ ba bảo: “Hãy đến!” Tôi nhìn xem, kìa là một con ngựa ô. Người cưỡi ngựa tay cầm chiếc cân. Tôi nghe dường như có tiếng ở giữa bốn sinh vật nói rằng: “Một đơ-ni-êmột đấu lúa mì; một đơ-ni-ê ba đấu lúa mạch; nhưng dầu và rượu thì chớ động đến.” Khi Chiên Con mở ấn thứ tư, tôi nghe sinh vật thứ tư nói: “Hãy đến!” 8 Tôi nhìn xem, kìa là một con ngựa xanh xám. Người cưỡi ngựa tên là Sự Chết, và Âm phủtheo sau nó. Họ được quyền trên một phần tư đất để giết bằng gươm giáo, dịch bệnh và các thú dữ trên đất (Khải Huyền 6:1-8)

Đó là hình ảnh bốn người cỡi ngựa được Kinh Thánh mô tả trong sách Khải Huyền. Bốn người cỡi ngựa nầy tượng trưng cho xâm lăng, chiến tranh, đói kém và dịch bệnh và đó cũng chính là những điều đang xảy ra trên thế giới, đặc biệt là chiến tranh và bệnh dịch. Đây là những hiện tượng của ngày cuối cùng mà Kinh Thánh đã nói đến từ lâu. Dĩ nhiên trong lịch sử nhân loại cũng đã từng có chiến tranh và dịch bệnh nhưng chưa bao giờ mà mức độ của những sự việc nầy gia tăng như hiện nay nhất là trong thế kỷ thứ 21 nầy, lúc mà con người văn minh tiến bộ nhất thì chiến tranh và bệnh dịch vẫn là mối đe dọa to lớn nhất.

Lời giải thích cho những sự việc nầy là những sự việc nầy xảy ra để làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã nói đến từ trước về những ngày cuối cùng trong lịch sử nhân loại. Sứ điệp Phúc Âm hay Tin Mừng chúng tôi loan báo cho quý vị hằng tuần là sứ điệp về Chúa Giê-xu. Ngài là Đấng đã giáng sinh, chịu chết, phục sinh, thăng thiên và sẽ trở lại để nghênh đón con cái của Ngài. Đó là hy vọng của Phúc Âm. Đó là hy vọng của người tin Chúa. Nếu niềm tin của chúng ta chỉ có giá trị trên trần gian nầy mà thôi thì chúng ta thật là những con người khốn khổ. Nhưng niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giê-xu chẳng những giúp chúng ta vui sống trên trần gian nầy nhưng cũng ban cho chúng ta một hy vọng chắc chắn ở đời sau. Chúng ta biết mình sống trên đời nầy để làm gì và chết rồi chúng ta sẽ đi về đâu. Những hiện tượng chiến tranh và bệnh dịch là những dấu báo hiệu về ngày Chúa Giê-xu trở lại đã gần như lời Chúa đã nói từ trước. Chúa Giê-xu phán:

Các con sẽ nghe về chiến tranh và tin đồn về chiến tranh. Hãy thận trọng, đừng bối rối! Vì việc nầy phải xảy ra, nhưng chưa phải là cuối cùng đâu. Vì dân nầy sẽ nổi lên nghịch với dân khác, nước nọ chống đối nước kia; đói kém, động đất sẽ xảy ra ở nhiều nơi. Tất cả những điều nầy chỉ là khởi đầu của các cơn đau chuyển dạ. Khi ấy, người ta sẽ nộp các con, khiến các con bị hoạn nạn và giết chết các con; các con sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Ta.Bấy giờ, nhiều người sẽ vấp ngã, phản bội nhau, thù ghét nhau. Nhiều kẻ tiên tri giả sẽ xuất hiện và lừa gạt nhiều người. Và vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội dần. Nhưng ai bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời sẽ được rao giảng khắp đất để làm chứng cho muôn dân; bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến (Phúc Âm Ma-thi-ơ 24:6-14)

Đó là lời phán của Chúa Giê-xu về ngày cuối cùng. Chúng ta để ý thấy Chúa dùng một chữ rất đặc biệt để mô tả về những hiện tượng trong ngày cuối cùng. Chúa dùng chữ “cơn đau chuyển dạ” để nói về những điều xảy ra trước khi Chúa trở lại. Các sản phụ biết rất rõ về “cơn đau chuyển dạ” nầy. Ai sinh con cũng đều kinh nghiệm những cơn đau quặn thắt lúc sinh con và Chúa Giê-xu dùng điều đó để ví sánh với những hiện tượng xảy ra trước lúc Chúa tái lâm. Điểm giống nhau giữa cơn đau của các sản phụ và ngày Chúa trở lại là sự việc chắc chắn sẽ xảy ra. Sản phụ bị đau khi chuyển dạ báo cho biết đứa bé sắp ra đời. Cũng vậy, những sự việc xảy ra trên thế giới như chiến tranh và dịch bệnh là dấu hiệu rõ ràng về ngày Chúa Giê-xu trở lại trần gian. Sứ đồ Phao-lô cũng đã nói với các tín hữu trong thế kỷ thứ nhất điều tương tự. Ông viết:

Khi người ta nói: “Hòa bình và an ninh” thì sự hủy diệt bất thần ập đến, như cơn đau chuyển dạ xảy đến cho người phụ nữ mang thai, họ không sao tránh khỏi (Thư I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3)

Sản phụ chắc chắn sẽ sinh con sau cơn đau chuyển dạ thể nào thì cũng vậy, Chúa Giê-xu chắc chắn sẽ trở lại sau những hiện tượng báo trước mà thế giới đang kinh nghiệm, đặc biệt là chiến tranh và bệnh dịch mà Ebola và ISIS là hai điều rõ ràng. Nhưng quan trọng hơn cả, Chúa Giê-xu phán:

Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời sẽ được rao giảng khắp đất để làm chứng cho muôn dân; bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến (Phúc Âm Ma-thi-ơ 24:14)

Theo lời dạy nầy, Chúa Giê-xu chỉ trở lại sau khi tất cả mọi người trên thế giới nầy được nghe Phúc Âm của Chúa. Đó là một trong những lý do thúc đẩy chúng tôi thường xuyên loan báo Tin Mừng cứu rỗi để không một ai có thể nói rằng tôi chưa bao giờ được nghe Phúc Âm của Chúa Giê-xu. Phúc Âm được loan báo là để cho mọi người tiếp nhận và kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Ước mong quý vị mở rộng tâm hồn đón nhận để ngày Chúa Giê-xu trở lại mau đến với chúng ta và chấm dứt mọi khổ đau, bệnh tật và chiến tranh của trần gian tội lỗi nầy.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành