Mùa Chay

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Khoảng thời gian 40 ngày kể từ ngày thứ Tư 18 tháng 2 vừa qua cho đến Chúa Nhật Phục sinh thường được gọi là Mùa Chay. Đây là khoảng thời gian chúng ta đặc biệt hướng về Chúa Cứu Thế và suy niệm về những nỗi thương khó Ngài đã gánh chịu vì nhân loại. Nếu để ý quý vị sẽ thấy rằng những người tin Chúa nhấn mạnh và nhắc đến cái chết của Chúa Giê-xu rất nhiều. Tại sao vậy? Có thể nói sự chết của Chúa Giê-xu là trọng tâm của Phúc Âm. Thánh Phao-lô ngày xưa đã nói: Tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em tôi chẳng biết điều gì khác ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu và Chúa Cứu Thế Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự. Tại sao cái chết của Chúa Giê-xu trên cây thập tự lại quan trọng như vậy? Để có thể hiểu được vấn đề, chúng ta phải hiểu rõ toàn bộ chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Nói đến chương trình cứu rỗi cũng có nghĩa là chúng ta mặc nhiên công nhận nhu cầu cứu rỗi, hay nói khác đi con người chúng ta cần được cứu rỗi, cần được giải thoát. Nói đến cứu rỗi hay giải thoát hàm ý được cứu hay được giải thoát khỏi một điều gì đó. Một người chết đuối được người khác cứu sống, chúng ta nói người đó được cứu khỏi nước. Một đất nước bị người nước khác đến chiếm đóng rồi có người đứng lên đánh đuổi ngoại nhân, chúng ta nói đất nước đó được cứu khỏi nạn ngoại xâm. Một bác sĩ có thể cứu bệnh nhân thoát chết, một tay hào hiệp có thể cứu người khỏi cảnh nợ nần túng quẫn... Nói tóm lại, được cứu là được cứu ra khỏi một hoàn cảnh đặc biệt nào đó.

Chúa Giê-xu đã chịu chết để cứu con người là cứu con người ra khỏi tội. Tội là gốc rễ của vấn đề. Vì tội mà con người bị phân cách khỏi Đức Chúa Trời và vì bị phân cách khỏi Đức Chúa Trời mà con người sống trong đau khổ. Chỉ khi nào con người được liên kết trở lại với Đức Chúa Trời, vấn đề của con người mới được giải quyết. Con người tội lỗi, Đức Chúa Trời thánh khiết, vì vậy không thể liên kết với nhau được. Do đó Đức Chúa Trời phải có giải pháp để giải quyết vấn đề cho con người. Giải pháp đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu phải giáng trần làm người, mang tội lỗi của con người, chịu chết thế cho con người. Cái chết của Chúa Giê-xu vì vậy là điều thiết yếu vô cùng để giải thoát con người khỏi vòng tội lỗi. Nói đúng hơn, cái chết của Chúa Giê-xu là phương cách duy nhất để giải quyết vấn đề của con người và đó là Phúc Âm, đó là tin mừng cứu rỗi.

Thánh Phao-lô đã tóm tắt thông điệp Phúc Âm bằng một lời ngắn gọn như sau: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trần gian để cứu vớt kẻ có tội, đó là lời chắc chắn đáng đem lòng tin trọn vẹn mà tiếp nhận. Thưa quý thính giả, chính vì vậy mà hàng tuần trên đài phát thanh nầy chúng tôi rao truyền thông điệp Phúc Âm của Chúa Cứu Thế để mọi người biết mà tiếp nhận. Thông điệp đó là Chúa Giê-xu đã giáng trần chịu chết vì tội của nhân loại. Chính vì vậy mà chẳng những mỗi năm vào Mùa Chay mà mỗi ngày trong đời sống chúng tôi muốn rao báo tin mừng cứu rỗi của Chúa Cứu Thế cho mọi người đều biết để tiếp nhận và được giải thoát.

Bạn có thấy rằng con người chúng ta đang làm nô lệ cho tội lỗi không? Ta thường làm những điều xấu mình không muốn và những điều tốt ta muốn làm ta không làm nổi. Đây cũng là kinh nghiệm của Thánh Phao-lô ngày xưa khi ông kêu lên rằng: Khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể đưa tôi đến chỗ chết nầy? Thánh Phao-lô cũng như con người mọi thời đại đều phải vật lộn tranh đấu với tội lỗi và thấy rằng mình không thể thắng hơn được cho đến khi nào mình nhờ đến một sức mạnh lớn hơn mình. Sức mạnh đó là sức mạnh của Chúa Giê-xu, sức mạnh đến từ sự chết của Ngài.

Tại sao sức mạnh lại đến từ sự chết? Sức mạnh đến từ sự chết bởi vì chết là hình phạt hay bản án con người phải nhận khi phạm tội. Chúa Giê-xu đã lãnh hình phạt thế cho chúng ta, chúng ta không còn chết nữa nhưng mang lấy sự sống của Chúa Cứu Thế.

Có hai điều khác nữa chúng ta cần phải biết để hiểu được vấn đề nầy dễ dàng hơn. Hai điều đó là: (1) Chết nghĩa là gì? (2) Sự khác biệt giữa sự chết thể xác và sự chết tâm linh.

Theo ý Bạn, chết nghĩa là gì? Mỗi lần dự một đám tang hay trong gia đình có người chết, nỗi hãi hùng lớn nhất là gì? Nỗi hãi hùng lớn nhất chính là sự phân cách giữa người ra đi và người ở lại. Khi một người nằm xuống, vẫn thân xác đó, vẫn khuôn mặt đó, vẫn y phục đó nhưng ta thấy xa cách làm sao. Giữa ta và người đó là hai thế giới khác biệt. Thưa quý vị, khi Thánh Kinh nói đến sự chết cũng nói đến sự phân cách tương tự. Đối với Đức Chúa Trời, chết có nghĩa là bị phân cách với Ngài, và đó là sự chết tâm linh. Sự chết thể xác là chúng ta nhắm mắt tắt hơi, không còn sự sống trong thân xác, hồn lìa khỏi xác. Còn sự chết tâm linh là bị phân cách khỏi nguồn sống là Thiên Chúa. Chính vì bị ngăn cách khỏi nguồn sống mà đời sống chúng ta trở nên đau khổ, bất hạnh. Như một cành cây lìa gốc, ta không còn nhận được sự sống của Thiên Chúa và do đó đời sống trở nên khô khan, vô nghĩa.

Thiên Chúa biết tình trạng chết mất của nhân loại như vậy cho nên Ngài đã thiết lập phương cách để giải thoát và cứu rỗi nhân loại. Phương cách đó là để cho Chúa Giê-xu mang hình phạt và chịu chết thế cho chúng ta. Tại sao Thiên Chúa phải sai Chúa Giê-xu giáng trần chịu chết để cứu rỗi nhân loại như vậy làm gì cho phiền phức? Nếu Chúa là Đấng quyền năng tại sao Chúa không từ trời đưa tay ra cứu rỗi nhân loại có phải là khỏe hơn không? Theo suy luận của con người chúng ta thấy như phiền phức thật, nhưng chúng ta phải đặt mình trong chỗ của Thiên Chúa mới thấy rõ vấn đề. Chúng ta phải biết rằng Thiên Chúa là Đấng yêu thương muốn giải thoát và cứu rỗi nhân loại, nhưng đồng thời Ngài cũng là Đức Chúa Trời thánh khiết, không thể dung dưỡng tội lỗi. Đức Chúa Trời giống như lửa. Lửa sưởi ấm, giúp ta nấu nướng nhưng lửa cũng thiêu đốt, cho tay vào lửa thì bị phỏng. Đức Chúa Trời không thể đi ngược lại bản tính thánh khiết của Ngài. Nếu lửa không thiêu đốt thì lửa không còn là lửa nữa. Tuy nhiên đồng thời với bản tính thánh khiết đó, Thiên Chúa cũng là Đấng yêu thương. Vì thánh khiết Chúa phải hình phạt tội lỗi nhưng vì lòng yêu thương, Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi chốn trầm luân. Làm thế nào để dung hòa hay giải quyết được vấn đề? Giải pháp của Đức Chúa Trời vì vậy là: tội thì phải phạt cho đúng với công lý nhưng Chúa đã nhận hình phạt thế cho chúng ta cho đúng với tình thương.

Chính vì vậy mà Chúa Giê-xu đã giáng trần mang thân xác con người, chịu hình phạt thế cho con người để con người có thể được tương giao với Đức Chúa Trời trở lại, mối quan hệ được nối kết, sự sống được nối liền, chúng ta có sự sống của Chúa và đời sống có ý nghĩa.

Bây giờ Bạn đã thấy được tại sao cái chết của Chúa Giê-xu lại quan trọng và chúng tôi thường nhắc đến cái hết của Ngài rồi phải không? Thánh Kinh dạy: Không đổ máu cũng sẽ không có tha thứ. Máu đây là máu của Chúa Giê-xu phải đổ ra vì tội của chúng ta. Nhờ cái chết thay thế của Chúa, chúng ta mới nhận được ơn tha thứ của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ Đức Chúa Trời chí công phải hình phạt tội lỗi nhưng cũng là Đức Chúa Trời chí nhân muốn cứu rỗi con người. Thiên Chúa đã làm tất cả để cứu chúng ta nhưng chúng ta cũng phải làm phần của mình, đó là giang tay ra tiếp nhận món quà cứu rỗi của Thiên Chúa. Lời Chúa dạy: Ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền làm con Thiên Chúa là ban cho những người tin Danh Ngài. Chúng ta là con Thiên Chúa vì đã được Ngài tạo dựng nhưng vì xa lìa Thiên Chúa, quay lưng lại với Ngài, không tôn thờ Ngài nên quyềmn làm con của chúng ta đã mất. Chỉ khi nào chúng ta ăn năn tội, quay trở lại với Chúa chúng ta mới nhận lại được quyền làm con và tận hưởng ân phúc Ngài dành cho chúng ta.

Từ nay đến lễ Phục Sinh quý vị sẽ nghe chúng tôi nhắc mãi về cái chết của Chúa Giê-xu. Chúng tôi nhắc mãi vì cái chết của Chúa là vì Bạn và vì tôi. Chúa đã chết để chúng ta được sống. Chúa đã chết để chuộc tội cho chúng ta, chết thay cho chúng ta.

Đối với Đức Chúa Trời, Ngài đang dành thì giờ cho chúng ta quay trở lại với Ngài và chương trình phát thanh nầy là một trong những tiếng nói Đức Chúa Trời đang dùng để kêu gọi Bạn đến với Ngài. Ước mong Bạn nghe được tiếng mời gọi của Chúa, quay trở lại với Chúa, đặt lòng tin nơi Ngài để tìm thấy ý nghĩa cho đời sống, để cái chết của Chúa không trở nên vô ích. Chúa phán:

Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được an nghỉ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:28)

Mời Bạn quay trở lại với Chúa hôm nay để kinh nghiệm ơn tha thứ và cứu rỗi của Ngài. Bạn có thể liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau để hiểu rỗ thêm về ơn tha thứ và Phúc Âm của Chúa.


Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành