Em Tôi

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Gia đình tôi có tất cả 11 chị em, 9 gái, 2 trai. Tôi đã từng viết về má tôi, về ba tôi, nhưng chưa hề viết về Quang, em trai thứ nhì. Trong ký ức của tôi, Quang là đứa em đã cùng tôi đi qua một đoạn đời nhiều biến động và thay đổi, qua đó tôi đã học thêm được những điều về cuộc đời muôn mặt.

Mỗi lần tháng Tư về, lại có nhiều điều nhắc đến biến cố tháng Tư của quê hương, biến cố đã ảnh hưởng đến tất cả mọi cuộc đời, mọi lứa tuổi, ở bất cứ xó xỉnh nào trên một quê hương nhiều mến thương mà cũng quá nhiều đau khổ, tôi lại nhớ đến Quang. Năm 1975 đó, Quang 15 tuổi. Em không còn muốn học nữa, trở thành học sinh cá biệt, chống đối, rồi sau một vài năm, hoàn cảnh đẩy đưa, Quang nghỉ học về Sài-gòn sinh sống để tìm phương tiện và cơ hội vượt biên. Vài dòng tôi viết không đủ để gom hết những tranh chiến, những tức tưởi, những tiếng cười lẫn tiếng khóc của một giai đoạn thanh xuân lồng trong một thời cuộc nghiệt ngã. Nhiều lần Quang đã vượt biên, một lần bị bắt rồi trốn tù trở về, tôi không còn nhìn ra Quang nữa, đầu trọc, đen đủi, xanh xao. Sau gần 12 lần vượt biên (có thể nhiều hơn nữa) không thành, Quang dường như muốn bỏ ý định đó, quyết tâm ở lại, làm ăn và chờ anh chị bảo lãnh...

Thế nhưng một hôm Quang đưa tôi xem lá thư của một người bạn gái mới đi bảo lãnh từ xa gửi về, tỏ ý mong chờ mình, nỗi lo lắng chụp phủ tôi... Cho đến một buổi tối không quên, Quang nói với tôi: Ngày mai em đi. Tôi hoảng hốt: Quang đã đi bao nhiêu lần rồi mà không được thì phải nghĩ lại, Chúa không cho. Tại sao phải đổi mạng để tìm một điều mình không biết chắc? Quang nhìn tôi cười: Thì chết là cùng! Rồi ngày mai, một buổi sáng cuối tháng Tư năm 1985, em lên đường, tươi cười ngồi gọn gàng sau chiếc xe gắn máy của người bạn đưa đến chỗ hẹn.

Quang đi nhiều tháng rồi mà không có tin gì. Tôi trông ngóng có ai đó đến nhà cho tôi mấy giòng chữ thân yêu của Quang để tôi được sung sướng chồng nốt số tiền cho hành trình của em. Anh chị tôi bên Mỹ cũng nghe ngóng tin tức, hỏi thăm người quen từ các trại tị nạn mà Quang vẫn bặt vô âm tín. Tôi cầu nguyện xin Chúa cho con được biết tin tức của Quang, và ban cho con đủ sức để chịu đựng điều xấu nhất. Tôi không chịu nỗi khi nghĩ đến cảnh sống của một người trong suốt mấy tháng liền không liên lạc được với người thân yêu, sống dập vùi đâu đó, trong cái cơ khổ không tả được của thân xác, tinh thần và tình cảm. Khoảng hai tuần sau lời cầu nguyện đó, khi đang dọn dẹp sau bữa ăn tối, tôi nghe tin tức đài BBC, bản tin về thuyền nhân Việt Nam bị nạn, có số đăng ký của chiếc tàu, có ngày giờ, có địa điểm xuất phát do một người duy nhất trên tàu sống sót thuật lại. Bản tin còn thuật lại cảnh hãi hùng khi hải tặc cướp tàu. Tôi khóc! Ba tôi nằm phòng bên kia cũng cùng nghe bản tin ấy. Tôi khóc! Còn ba tôi thì sao? Má tôi thì sao? Chị em tôi thì sao? Lại sắp đến ngày đám cưới của em gái tôi, chị của Quang? Nhà tôi cũng nghe bản tin ấy, ôm lấy tôi không nói được lời nào. Chín mươi chín phần trăm là chuyến đi của Quang rồi.

Trong bữa ăn sáng hôm sau, ba tôi nói, giọng nghe như bâng quơ nhưng ắp đầy nước mắt: Đêm qua có một bản tin về vượt biên. Ba nhìn tôi với một dấu hỏi trong ánh mắt, có phải ba muốn trong câu trả lời của tôi may ra có chi tiết nào đó làm thay đổi được số phận của đứa con trai yêu dấu? Tôi trả lời dạ con có nghe, rồi đứng vội khỏi bàn ăn, chạy xuống bếp mặc cho nước mắt ràn rụa. Tôi ra mở cửa tiệm, người chị họ của tôi, có hai con trai cùng đi trên chuyến tàu đó đến hỏi tôi: Hôm qua em có nghe đài BBC không? Tôi gật đầu, chị nói, đúng là chuyến đó! Giọng chị khô cứng, ánh nhìn xa xăm. Mọi sự đều trở nên thừa thãi xung quanh chúng tôi. Chị lặng thinh trong giây lát rồi quày quả đi.

Tôi ngồi dựa lưng vào vách, thẫn thờ kêu Chúa ôi! và nghĩ đến hai đứa con trai của chị, nghĩ đến tâm hồn vỡ tan của người mẹ. Mọi người đều nghe bản tin đó. Bao nhiêu người như chúng tôi đang đối diện với một sự thật mà cầu mong đó chỉ là một cơn ác mộng. Thế là xong! Một cuộc đời tươi trẻ đã kết thúc trên biển cả. Quang đã ra đi, không bao giờ trở lại và cũng không bao giờ đến được nơi mình muốn. Tôi xin Chúa ban cho tôi sức mạnh để chịu đựng. Cho ba má tôi, cho chị em tôi, kẻ xa người gần niềm an ủi từ nơi Ngài. Cả gia đình tôi yên lặng, không ai hỏi, không ai bàn bạc một lời. Má tôi từ Đà-lạt xuống dự đám cưới con gái, tôi luôn tránh những lúc má muốn nói chuyện riêng, vì tôi biết điều má muốn hỏi. Câu hỏi ấy nung nấu mãi trong lòng má và trong cái câm lặng ấy má cũng ngầm hiểu rằng câu trả lời đã có, nhưng ai sẽ trả lời và trả lời thế nào? Tôi thương má kinh khủng, nỗi thương sắc bén đã trở thành niềm đau trong tôi.

Khi tôi còn bé, đứa em kế đau nặng qua đời, tôi khóc nhiều, má an ủi tôi Em con đang ở thiên đàng với Chúa, thiên sứ tiếp đón nó đi rồi, đừng buồn. Khi nào có tiếng kèn thiên sứ thổi, nó sẽ sống lại. Rồi tháng Chín, 1975, đứa em út được tiêm cho mũi chích ngừa dịch hạch, về nhà mắc ngay chứng bệnh đó qua đời vài ngày sau. Má tôi lại yên ủi cả nhà: Chúa có chương trình cho nó, các con phải bình tĩnh. Có người bảo phải kiện. Mà kiện ai lúc bấy giờ, luật pháp ở đâu mà kiện? Nhưng lần này, má sẽ thế nào? Má đã hỏi khi tôi không thể tránh má được nữa, lúc tôi đang ủi quần áo. Má ngồi xuống bên tôi, Sao Quang đi lâu rồi mà chưa có tin hở con? Tôi trả lời mà không dám nhìn má, Phải chờ chứ biết sao bây giờ má? Tôi nói trong hơi thở ra khó khăn để cầm lại nước mắt, có lẽ má hiểu, nếu má ngồi thêm chắc cả hai sẽ khóc. Má đứng dậy ra khỏi phòng, tôi lén nhìn theo má, trong bóng dáng ấy, có một cái gì hiu hắt quá! Cho đến khi sau đám cưới của đứa em gái, cả gia đình quây quần lại, nắm tay nhau cầu nguyện, tôi thu hết can đảm Chúa cho, chính thức cho cả nhà biết việc gì đã xảy ra cho Quang, và cầu nguyện thiết tha xin Chúa Thánh Linh, là Thần An Ủi, xin an ủi cả gia đình, nhất là ba má, Đức Thánh Linh ôi, xin cho gia đình con kinh nghiệm được sự an ủi của Ngài. Thật, Chúa đã lau ráo nước mắt, đã yên ủi một cách lạ lùng. Đau buồn còn đó, nhưng sự bình an lạ lùng từ thiên đàng tràn ngập tâm hồn chúng tôi.

Kể từ đó, mỗi lần nhìn thấy biển, nỗi buồn thương trong tôi dâng lên hun hút, xa xăm như chân trời bên kia bờ. Tôi nhớ Quang, tôi thương em đã không đạt được điều mình muốn dù có đầy quyết tâm. Tôi suy nghĩ triền miên về cuộc đời của Quang trong những năm tháng sau đó, nhưng chưa bao giờ đạt được câu trả lời đầy trọn, Chúa cũng đã nói rồi ngày nay tôi biết chưa hết, đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.

Tết năm đó, tôi nhớ mình đã làm chứng trước Hội Thánh Thị Nghè về những suy nghĩ riêng tư trong biến cố đau buồn đó của gia đình. Sau bài làm chứng, một thanh niên đã đến cám ơn tôi, bảo rằng Cám ơn chị đã cho em một yếu tố để quyết định. Tôi cám ơn Chúa! Tôi thấy tiếc một điều cho Quang, Quang chưa dâng những khả năng của mình cho Chúa, Quang chưa biết để Chúa sử dụng cuộc đời mình, nên hoàn cảnh cứ làm em khắc khoải. Quang loay hoay tìm giải đáp cho cuộc đời mình mà không biết rằng chỉ khi nào phó mình trong tay Chúa em mới tìm được giải đáp. Tôi nhớ khi Quang làm có tiền em mua ngay một hộp kẹo Mỹ thật đắt đem về nhà khoe: Chị thấy không, có tiền thì ở Việt Nam cũng có thể ăn được kẹo Mỹ. Em vẫn quan niệm rằng tiền bạc giải quyết được mọi vấn đề.

Từ khi biết không còn có thể nào gặp Quang trên cuộc đời này, tôi không dám nghe nhạc Clayderman như tôi vẫn thường nghe mỗi tối trước khi đi ngủ. Quang chơi guitar rất hay! Hầu hết là những bài của Clayderman. Tiếng đàn như tiếng lòng Quang tâm sự. Những buổi tối cúp điện, không làm gì được, Quang đàn trong bóng tối, tiếng đàn thắm thiết đó từ sau ngày Quang đi đã trở thành tiếng khóc trong tôi.

Đã bao nhiêu năm qua rồi, có nhiều điều đã được, có nhiều điều đã mất, nhưng không làm sao tôi có thể quên điều mất mát đó trong cuộc đời: đó là một đứa em chưa gặp được điều mình tìm kiếm. Bây giờ, ở bên Chúa, Quang đã hiểu rất rõ ý nghĩa của những lời sâu sắc và thực tiễn trong Gia-cơ 4:15: "Ví bằng Chúa muốn và tôi còn sống..."

Bà Nguyễn Đăng Minh
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành