An Nghỉ

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Lễ Chiến Sĩ Trận Vong, Memorial Day hằng năm, đánh dấu cho mùa nghỉ hè tại Hoa Kỳ. Người Mỹ làm việc nhiều nhưng khi nghỉ thì cũng thật sự nghỉ. Người ta hoạch định nhiều chương trình nghỉ hè cho gia đình cũng như bản thân. Tuy nhiên cũng có những người quanh năm suốt tháng chỉ lo làm ăn, không biết nghỉ là gì. Cũng có người vì nhu cầu sinh sống, không có thì giờ để nghỉ. Nhưng dù là nghỉ hay không, cái an nghỉ chúng ta cần có là sự an nghỉ của tâm hồn. Khi tâm hồn chúng ta được an nghỉ thì cho bận rộn đến đâu hay cho dù cho ta không có thì giờ ngơi nghỉ đi nữa, ta vẫn có bình an trong tâm hồn và vui sống. Để thật sự được an nghỉ, chúng ta cần dừng lại, tìm cho ra nguyên nhân tại sao chúng ta không được an nghỉ và rồi từ đó đi tìm phương pháp để được an nghỉ.

Chúa Cứu Thế Giê-xu khi đến trần gian nầy biết rõ an nghỉ là nhu cầu lớn của con người, vì vậy Chúa đã phán:

Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường nên hãy gánh lấy ách của Ta và học theo ta thì linh hồn các người sẽ được an nghỉ vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng" (Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:28-29).

Đây là một trong những lời kêu gọi êm dịu Chúa Giê-xu dành cho chúng ta và những người đáp ứng lời kêu gọi nầy đều đã kinh nghiệm an nghỉ thật sự nơi Ngài. Hai nhóm người Chúa Giê-xu kêu gọi đến với Ngài là: (1) Những người mệt mỏi. (2) Những người gánh nặng. Ai trong chúng ta cũng có những mệt mỏi thể xác cũng như tinh thần. Người cần đến với Chúa để được an nghỉ là mỗi một chúng ta. Chúa cũng bảo những người gánh nặng hãy đến với Chúa. Gánh nặng đây có thể là gánh nặng thể xác, nói đến những công việc nặng nhọc chúng ta phải làm. Cũng có thể là những gánh nặng tinh thần, gánh nặng về tiền bạc, tình cảm, gia đình. Những gánh nặng có thể vì người khác nhưng cũng có thể là do chính chúng ta tạo ra. Trong lời kêu gọi của Chúa Giê-xu, Chúa đặc biệt nói đến những người đang mang gánh nặng về tôn giáo, nói đến những luật lệ, lễ nghi mà người ta phải tuân hành để mong được giải thoát.

Nhưng dù là ai, lời kêu gọi là hãy đến với Chúa. Tại sao đến với Chúa ta lại được an nghỉ? Chúa phán: "Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường nên hãy gánh lấy ách của Ta và học theo ta thì linh hồn các người sẽ được an nghỉ vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng." Hai điều chúng ta cần làm khi đến với Chúa là mang lấy ách của Chúa và học theo Chúa. Khi đến với Chúa và làm theo hai điều đó, ta sẽ kinh nghiệm được an nghỉ. Ách như chúng ta đã biết là vật nặng đặt lên lưng con vật để bắt nó làm những công việc nặng nhọc như cày bừa, kéo xe, v.v... Cái ách cũng thường dùng để chỉ những gì đè nặng trên con người mà chúng ta cần được thoát ra. Chúng ta nói đến ách nô lệ, ách ngoại xâm, v.v... Tại sao Chúa Giê-xu hứa an nghỉ mà lại bảo người ta mang ách của Chúa? Chúa nói thêm: "Ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng." Tại sao "ách" lại có thể dễ chịu và "gánh" lại nhẹ nhàng? Chữ "dễ chịu" cũng có thể dịch là vừa vặn, sít sao, không làm cho người mang khó chịu. Vấn đề là như thế nầy: Ai trong chúng ta, không cách nầy cũng cách khác cũng đều đang mang một cái ách hay một gánh nặng nào đó. Những cái ách và gánh nặng đó khiến cho ta mệt mỏi và và nặng nhọc. Khi đến với Chúa, Chúa sẽ cất gánh nặng tội lỗi khỏi chúng ta và Ngài đặt trên chúng ta cái ách của Ngài, cái ách được mô tả là dễ chịu.

Cái ách như chúng ta đã biết nhằm để hướng dẫn vật mang ách đi theo ý mình. Ách vì vậy nói đến thái độ thuận phục, vâng lời. Khi chúng ta đặt mình thuận phục Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự êm dịu, dễ dàng trong sự hướng dẫn của Chúa. Sống trên đời nầy, mỗi chúng ta đều có những gánh nặng phải mang nhưng lắm khi là không cần thiết hay có khi những nguyên nhân, những chủ nhân ông đặt ách trên chúng ta là những cái ách nặng nề, ta không mang nổi và vì vậy khiến cho đời sống mệt mỏi, nặng nề. Chúa Giê-xu là Đấng tạo dựng chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và biết nhu cầu của chúng ta. Thuận phục, vâng lời Chúa ta sẽ kinh nghiệm một đời sống yên tĩnh, ngọt ngào, không còn nặng gánh ưu tư.

Và đó chính là điều Chúa bảo chúng ta học theo Chúa. Học theo Chúa là làm môn đệ Chúa, đi theo Ngài, sống giống như Chúa đã sống. Chúa phán: Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường nên hãy học theo Ta. Đang khi trần gian bon chen, chèn ép nhau, đè bẹp lên nhau để sống. Ai cũng tranh đấu và muốn vượt hơn người và vì vậy mà cứ mãi nặng gánh lo âu. Chúa Giê-xu chính là Thiên Chúa nhưng Ngài đã đến trần gian làm một người nhu mì, khiêm tốn. Chúa bảo hãy học lấy Chúa, sống giống như Chúa, chúng ta sẽ được an nghỉ.

Cuối cùng, chúng ta thấy rằng cái an nghỉ Chúa hứa ban cho chúng ta là sự an nghỉ trong tâm hồn. Có những người nghỉ ngơi luôn nhưng không bao giờ được an nghỉ vì linh hồn họ chưa được an nghỉ. Sự an nghỉ chúng ta cần có là sự an nghỉ trong tâm hồn. Có người cho rằng nếu mình có điều nầy hay đạt được điều nọ chẳng hạn thì mình sẽ an nghỉ, nhưng thực tế cho thấy ta chỉ có thể an nghỉ khi linh hồn chúng ta an nghỉ. Vì vậy sự an nghỉ Chúa hứa ban cho chúng ta là sự an nghỉ tâm linh, trong mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Thánh Augustine đã cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho chính Chúa cho nên linh hồn chúng con sẽ không bao giờ an nghỉ cho đến khi nào chúng con an nghỉ trong Chúa."

Mùa hè nầy nhiều người sẽ đi nghỉ, quý vị và tôi, chúng ta cũng cần nghỉ ngơi. Nhưng sự an nghỉ trên hết chúng ta cần có là sự an nghỉ của linh hồn, của mối tương giao giữa con người với Đấng đã tạo dựng chúng ta. Quý vị đã có sự an nghỉ đó chưa? Chúng ta sẽ không bao giờ thật sự được an nghỉ cho đến khi chúng ta thuận phục Chúa, đến với Ngài, mang lấy ách của Chúa và học theo Ngài. Tiếng phán của Chúa Giê-xu 2,000 năm trước vẫn còn giá trị và hiệu nghiệm cho những ai đáp ứng lại tiếng mời gọi của Ngài. Chúa phán: "Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các người được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường nên hãy gánh lấy ách của Ta và học theo ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng." Quý vị có đến với Chúa hôm nay, thuận phục Ngài để kinh nghiệm sự an nghỉ cho tâm hồn của mình không? Chúng tôi mời quý vị liên lạc với chúng tôi để biết làm thế nào để đến với Chúa.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành