Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 - Bài 18

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa, hôm nay tiết mục Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị. Chúng tôi đang trình bày về những nguyên tắc của Kinh Thánh chúng ta cần áp dụng để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu. Trong quyển sách tựa đề “Mười Giới Răn cho Hôn Nhân,” Mục sư Ed Young trình bày Mười Điều vợ chồng cần áp dụng để có một hôn nhân hạnh phúc. Trong thời gian qua, chúng tôi đã trình bày bốn nguyên tắc, đó là: (1) Không ích kỷ, nhưng quan tâm đến phúc lợi của người phối ngẫu. (2) Dứt khoát khỏi những thói quen và ràng buộc của đời sống độc thân. (3) Hết lòng giúp nhau tránh cám dỗ về tình dục, (4) Dành thì giờ trò chuyện để vợ chồng hiểu nhau, thông cảm và tâm đầu ý hiệp với nhau.

Như chúng tôi đã trình bày, để vợ chồng hiểu đúng ý nhau khi hai người trao đổi hay trò chuyện với nhau, chúng ta cần làm hai điều: (1) Nói ra đúng điều mình muốn nói, nói cách rõ ràng không úp mở và sẵn sàng lắng nghe khi người kia nói. (2) Tìm hiểu xem người phối ngẫu có đặc điểm gì khi đối thoại. Kỳ trước chúng tôi đã trình bày điểm thứ nhất nên hôm nay xin nói đến điểm thứ hai.

2. Tìm hiểu để biết người phối ngẫu có đặc điểm gì khi đối thoại

Mỗi người chúng ta đều có cách suy nghĩ và nói năng khác nhau, tùy theo bản tính cũng như ảnh hưởng của môi trường sống và tùy cách chúng ta được dạy dỗ trong gia đình. Dù nguyên tắc chung là khi trò chuyện, vợ chồng cần nói thật, nói rõ điều mình suy nghĩ và muốn nói. Tuy nhiên, mỗi người có một cách nói và suy nghĩ khác nhau, vì vậy, để hiểu người bạn đời, chúng ta cần biết đặc điểm của người đó trong đối thoại.

Có ông chồng kia mỗi khi vợ đề nghị điều gì mà ông đồng ý thì ông im lặng không phản ứng cũng không phản đối. Sau nhiều năm tháng, người vợ này mới hiểu rằng mỗi khi bà nhờ chồng làm gì hay đề nghị điều gì mà ông im lặng, không nói gì, bà biết là ông đã đồng ý và ông sẽ làm. Nhưng cũng có những người khi im lặng có nghĩa là không đồng ý, dù người đó không phản đối gì cả. Những người bản tính đơn sơ thì vợ hay chồng nói mấy câu thì chỉ hiểu đúng mấy câu đó, không thắc mắc hay hiểu thêm, đoán thêm ý gì khác đằng sau những gì mình nghe. Đối với những người này, nếu vợ hay chồng muốn điều gì mà không nói thẳng nhưng nói xa nói gần hay nói quanh, người đó sẽ không bao giờ hiểu được. Ngược lại, cũng có những người trí óc quá nhạy bén, khi vợ hay chồng nói nửa câu là đã biết người đó muốn nói gì, hoặc chỉ nói một điều mà đã hiểu thêm ba bốn điều khác nữa, và rồi bày tỏ phản ứng ngay.

Đây là lý do khiến đối thoại dễ có nan đề. Vì vậy, chúng ta cần biết vợ/chồng mình là người suy nghĩ nhanh hay chậm, đơn sơ hay phức tạp, hầu chúng ta có thể hiểu nhau, biết ý nhau và không hiểu lầm hay phiền giận nhau qua cách nói năng.

Các nhà tâm lý học nghiên cứu về cách nói và suy nghĩ của phái nam và nữ và đưa ra kết luận như sau: Phái nam và phái nữ có rất nhiều khác biệt trong cách đối thoại mà chúng ta cần biết để hiểu nhau, chấp nhận nhau và thông cảm nhau.

Nhìn chung, nam nữ khác nhau như sau:

 

1. Phái nữ sống nhiều về tình cảm và cảm xúc còn phái nam sống theo lý trí nhiều hơn. Vì thế các bà dễ buồn dễ khóc, còn các ông có vẻ như khô khan, không tình cảm.

2. Khi nói, các bà thường dùng ngôn từ để diễn đạt cảm xúc, còn các ông dùng ngôn từ để diễn đạt tư tưởng và chia xẻ thông tin.

3. Khi nghe, các bà không chỉ nghe lời nói và cách nói nhưng cũng để ý đến những yếu tố liên quan đến cảm xúc. Các ông chỉ nghe để tiếp thu tin tức hay dữ kiện chứ không để ý đến cảm xúc.

4. Các bà thường tự ái và dễ động lòng hơn các ông, khi ai nói gì các bà thường nghĩ là nói mình, đụng chạm đến mình. Các ông ít tự ái hơn nên không nghĩ là người ta nói mình, vì thế lời nói của người khác ít đụng đến các ông. Một bằng chứng về điều này là khi nghe Mục sư giảng, các bà dễ cảm động và muốn thực hành Lời Chúa để sửa đổi những sai sót của mình. Các ông cũng nghe Lời Chúa nhưng lời đó ít đụng đến tấm lòng của các ông, vì thế không có tác dụng mấy đối với các ông.

5. Các bà thường để ý đến tiểu tiết và những gì cụ thể, các ông thì chú ý đến nguyên tắc chung và những điều có tính cách trừu tượng như tư tưởng, triết thuyết, v.v...

6. Tâm trí các ông giống như tủ đựng hồ sơ, khi gặp nan đề các ông đem cất vào đó, chờ khi nào thuận tiện hay có thì giờ mới đem ra giải quyết. Tâm trí các bà thì ngược lại, giống như cái máy điện toán, khi gặp nan đề, tâm trí các bà làm việc không ngừng cho đến khi nào nan đề được giải quyết mới thôi. Đây là lý do khiến các bà khi có chuyện lo nghĩ hay bị mất ngủ; trong khi đó các ông, dù nan đề lớn bao nhiêu vẫn có thể ngủ dễ dàng.

7. Khi có chuyện không hay xảy ra, các bà cảm thấy khó chịu và ân hận, nghĩ đó là lỗi của mình. Các ông thì phản ứng trước những chuyện không hay bằng sự bực bội và tức giận.

8. Các ông thường giữ vững lập trường, một khi đã nói ra không muốn thay đổi, các bà thì hay thay đổi.

9. Các ông thường hay quên những gì đã nói hay đã nghe, các bà thì nhớ kỹ và nhớ lâu.

10. Các bà thích dự vào việc của người khác: người trong xóm, trong cộng đồng, nhà thờ, trường học. Các ông thích đứng ngoài quan sát, bàn bạc và thẩm định vấn đề.

11. Các bà nói nhiều vì muốn bày tỏ điều mình suy nghĩ bằng lời nói. Các ông ít nói vì không có nhu cầu nói ra những gì mình đang suy nghĩ trong trí.

12. Các bà không che giấu cảm tình hay cảm xúc nhưng biểu lộ ra cách dễ dàng; các ông thường che giấu, không để lộ cảm tình hay cảm xúc, ngoại trừ những cảm xúc giận dữ hay bực bội.

13. Các bà thường vừa suy nghĩ vừa nói ra những gì mình nghĩ. Các ông thì suy nghĩ và nói thầm trong trí. Vì thế khi đã nêu ý kiến, các bà tiếp tục đổi ý. Các ông, khi nêu ý kiến, đó là điều đã quyết định vì thế không muốn thay đổi nữa.

14. Các bà thường mềm mại, khi có lỗi sẵn sàng nhận lỗi và sửa đổi. Các ông thường bực tức khi biết mình có lỗi và ít muốn nhận lỗi.

15. Các bà hay nói lòng vòng, các ông đi thẳng vào vấn đề. Các bà nói dài dòng, các ông nói vắn tắt.

16. Phái nữ có tài ăn nói hơn phái nam, các bà thường nói giỏi và nói hay hơn các ông.

17. Các bà có thể làm hai ba việc cùng một lúc. Ví dụ vừa nói điện thoại, vừa nấu ăn, trông chừng con, và rửa chén cùng một lúc. Hầu hết các ông chỉ có thể chú ý vào một việc, không thể làm hai ba việc một lúc. Vì thế, khi chồng đang bận công việc gì, các bà không nên nói những chuyện quan trọng vì lúc đó chồng sẽ không chú ý nghe.

18. Các ông thích ngồi lại kể ra những thành tích của mình hoặc để hoàn thành một công tác cụ thể. Các bà thì thích ngồi lại chia xẻ tâm tình, xây dựng tình thân, tạo mối quan hệ với người chung quanh.

19. Các bà nghĩ rằng khi mình nói đi nói lại nhiều lần về một vấn đề thì chồng sẽ nghe rõ và không quên, trong khi đó các ông rất khó chịu khi vợ nói nhiều lần, và cho là vợ có tính hay càu nhàu.

20. Các bà thích nói chuyện, cần nói ra những gì mình suy nghĩ và mong được chồng lắng nghe; các ông hầu hết không cần nói mà cũng không muốn nghe, không kiên nhẫn lắng nghe.

Đó là những khác biệt giữa nam và nữ trong cách suy nghĩ và diễn đạt điều mình suy nghĩ.

Dù là nam hay nữ, chúng ta cần thực hành nguyên tắc đối thoại mà Kinh Thánh dạy, đó là “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận, vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (Thư Gia-cơ 1:19-20) (còn tiếp)

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành