Yêu Đến Cùng

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Khoảng thời gian 40 ngày trước lễ Phục Sinh hằng năm, không tính những ngày Chúa Nhật. Khoảng thời gian nầy được gọi là Mùa Chay. Chay không nhằm nhấn mạnh ý nghĩa chay tịnh nhưng hàm ý nhắc chúng ta dành thì giờ suy niệm về ý nghĩa sự chết của Chúa Giê-xu. Cái chết của Chúa Giê-xu là trọng tâm của Phúc Âm vì nhờ sự chết của Chúa mà nhân loại được giải thoát, được cứu rỗi. Tôn giáo nào cũng ca tụng hay đề cao đời sống và sự nghiệp của giáo chủ mình nhưng người tin Chúa luôn luôn được nhắc nhở về sự chết của Chúa và cũng có bổn phận phải loan báo sự chết của Chúa cho tới lúc Chúa trở lại. Một trong những thánh lễ của hội thánh là lễ Tiệc Thánh. Ðây là bữa tiệc Chúa Giê-xu thiết lập không ngoài mục đích nhắc nhở các môn đệ của Ngài và chúng ta hôm nay về ý nghĩa cái chết của Chúa Giê-xu.

Ngày nay theo truyền thống của con người, ý nghĩa Mùa Chay trở nên lệch lạc có khi còn làm cho người khác hiểu lầm qua những tập tục quái dị như của những người dân Nam Mỹ trong dịp Mardi Gras. Nhưng ý nghĩa đích thực của Mùa Chay là gì? Từ nay đến lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ cùng nhau trở về với Phúc Âm, với Lời của Chúa để học biết quan hệ giữa cái chết của Chúa Giê-xu và cuộc đời chúng ta. Cả bốn sách Phúc Âm đã dành phần lớn ghi lại câu chuyện trong tuần lễ cuối của Chúa Giê-xu: tuần lễ khổ nạn và chịu chết của Chúa. Chúng ta sẽ cùng nhau đọc Phúc Âm Giăng mô tả lại những chi tiết trong tuần lễ chót của Chúa Giê-xu. Phúc Âm Giăng chương 13 ghi lại như sau:

Trước ngày lễ Vượt Qua, Ðức Chúa Giê-xu biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Ðức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng. Ðang bữa ăn tối (ma quỉ đã để mưu phản Ngài vào lòng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt con trai Si-môn), Ðức Chúa Jêsus biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình sẽ về với Ðức Chúa Trời, nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho... Sau khi đã rửa chân cho môn đồ, Ngài mặc áo lại; đoạn ngồi vào bàn mà phán rằng: Các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng? Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; Các ngươi nói phải, vì ta thật vậy. Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi (Phúc Âm Giăng 13:1-5; 12-15)

Ðó là phần Thánh Kinh ghi lại câu chuyện Chúa Giê-xu rửa chân cho các môn đệ của Ngài trước lúc Chúa bị phản bội và bị bắt. Ðây là câu chuyện giúp chúng ta hiểu được sứ mạng của Chúa Giê-xu trên trần gian và ý nghĩa cái chết của Chúa. Trước hết chúng ta thấy thời điểm cái chết của Chúa Giê-xu trùng hợp với ngày Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Lễ Vượt Qua là ngày người Do-thái kỷ niệm việc họ được giải phóng khỏi Ai-cập. Lễ nầy có tên là lễ Vượt Qua bởi vì trong đêm người Do-thái ra khỏi Ai-cập, thiên sứ của Chúa đã đến hủy diệt những trưởng nam của người Ai-cập. Và để thiên sứ của Chúa có thể phân biệt nhà nào là nhà của người Do-thái và đi vượt qua, con dân Chúa được lệnh phải giết một con chiên và dùng huyết của nó bôi trên cửa để làm dấu.

Ðó không phải chỉ là dấu hiệu cho lúc đó nhưng là một biểu tượng, một lời tiên tri cho việc Chúa Giê-xu phải chịu chết, đổ máu của Ngài ra để chuộc tội cho nhân loại. Chúa Giê-xu được gọi là "Chiên Con của Ðức Chúa Trời, Ðấng cất tội lỗi của thế gian đi." Vì vậy mở đầu câu chuyện nầy, chúng ta đọc thấy rằng: "Trước ngày lễ Vượt Qua, Ðức Chúa Giê-xu biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Ðức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng." Chúa Giê-xu là Ðấng vô tội, Ngài không phải chịu chết, nhưng vì tội của nhân loại Chúa phải đến thế giới nầy chịu chết thế cho chúng ta. Và điều đó nằm trong chương trình và thời điểm của Thiên Chúa nên Kinh Thánh ghi rằng "Chúa Giê-xu biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Ðức Chúa Cha đến rồi." Trong khung cảnh đó, Kinh Thánh cho biết: "Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng." Câu nầy cho thấy tình yêu đời đời Chúa dành cho chúng ta.

Tình yêu là một trong những điều cần nhất để sống trên đời. Ai cũng cần tình yêu, cần yêu và cần được yêu. Có thể có người cho rằng mình không cần tình yêu, cũng có người lại nghĩ rằng trên đời nầy chẳng có ai yêu mình. Cả hai ý nghĩ đó đều sai. Chúng ta ai cũng cần tình yêu và dù cho chúng ta nghĩ rằng chẳng có ai yêu mình, chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn luôn yêu thương con người chúng ta. Và chẳng những yêu, Kinh Thánh cho biết "Ngài yêu cho đến cuối cùng" nghĩa là tình yêu của Ngài không thay đổi và cũng không có gì so sánh được. Chúa yêu cho đến cuối cùng và cho đến tột cùng, tột đỉnh. Phúc Âm của Chúa Giê-xu đến với quý vị hôm nay là thể hiện của tình yêu đó. Kinh Thánh cho biết "Ðức Chúa Trời yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một của Ngài."

Thế giới sẽ cùng nhau kỷ niệm sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu trong tháng tới đây, nhưng kỷ niệm của con người sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không được nối kết với tình yêu của Chúa. Chúa Giê-xu đã đến vì yêu thương chúng ta, chết thay cho chúng ta, nhưng chúng ta đã xử sự với Ngài như thế nào?

Ðức Chúa Giê-xu đã làm gì trong thời điểm đó? Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-xu đã "đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho..." Rửa chân cho người khác là công tác của nô lệ, nhưng để dạy cho các môn đệ bài học phục vụ, Chúa Giê-xu đã đích thân làm công tác hèn hạ nhất. Sau khi rửa chân cho họ, Chúa phán: "Các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng? Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; các ngươi nói phải, vì ta thật vậy. Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi."

Trong Mùa Chay nầy, điều đáng cho chúng ta suy nghĩ là tình yêu của Chúa. Tình yêu đời đời Thiên Chúa dành cho con người và tình yêu đó đã được thể hiện cách cụ thể qua công tác rửa chân. Và Chúa Giê-xu phán: "Các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau." Phục vụ nhau là điều không ai muốn làm vì phục vụ là đặt mình vào chỗ hèn kém. Nhưng Chúa Giê-xu cho thấy tình yêu thật là tình yêu phục vụ. Kinh Thánh day: "Chúa đã đến không phải để cho người ta phục vụ Ngài nhưng để phục vụ người ta và làm giá cứu chuộc nhiều người."

Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu phục vụ, là tình yêu cứu chuộc. Chúng ta hãy tự hỏi mình đã biết đến tình yêu đó chưa? Có cảm nhận tình yêu đó không ? Và chúng ta đáp ứng như thế nào trước tình yêu của Thiên Chúa? Hãy nhớ lời Kinh Thánh dạy: "Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng." Chúa yêu chúng ta cho đến cùng, cho đến tột đỉnh. Còn tình yêu của chúng ta đối với Chúa như thế nào? Cách tốt nhất để đáp ứng lại tình yêu của Thiên Chúa chính là tiếp nhận tình yêu đó. Nhận rằng Chúa đã đến thế gian nầy vì yêu chúng ta, gánh tội và chết thế cho chúng ta. Mùa Chay năm nay có ý nghĩa gì hay không ở chỗ chúng ta đáp ứng như thế nào trước tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành