Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 33)

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Chúng tôi đang trình bày về Mười Nguyên Tắc giúp ta có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu. Nếu quý vị muốn biết những nguyên tắc hay bí quyết chúng tôi đã trình bày trước đây, xin liên lạc với chúng tôi theo số điện thoại sẽ thông báo ở cuối giờ phát thanh, chúng tôi sẽ gởi đến quý vị. Hôm nay chúng tôi xin nói thêm về nguyên tắc thứ 6, cũng là điều rất cần trong đời sống vợ chồng. Đó là: Cẩn thận về mặt tiền bạc để không sa vào nợ nần. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng tôi trình bày một số nguyên tắc Kinh Thánh dạy về tiền bạc, vật chất như:

  • Người tin Chúa là quản gia của Chúa, phải trung tín quản lý những điều Chúa ban để đem lại ích lợi cho Chúa và làm rạng Danh Chúa
  • Chúng ta cần dâng hiến rộng rãi và trung tín vào công việc Chúa
  • Mỗi gia đình cần làm ngân sách chi thu để sử dụng tiền bạc chừng mực, theo khả năng mình có

Có một nguy cơ mà tất cả mọi người trên trần gian, nhất là những người sống trong xã hội tư bản, vật chất như chúng ta hiện sống, nguy cơ đó là lòng tham lam, lòng ham mê vật chất. Có lẽ chúng ta cần định nghĩa “tham lam” là gì. Tham lam là muốn có những gì người khác có và muốn lấy về cho mình những gì thuộc quyền sở hữu của người khác.  Đối với tiêu chuẩn của đời, có tư tưởng tham lam hay lòng ham muốn không bị kể là tội, không luật pháp nào trừng phạt người có lòng tham. Không những thế, giới doanh thương thường dùng các hình thức quảng cáo hấp dẫn để khơi dậy sự ham muốn trong lòng người, để chúng ta phải ham thích và mua những món hàng ta thấy trên quảng cáo, lắm khi mua những điều, những vật dụng chúng ta không thật sự cần. Kinh Thánh cảnh cáo nghiêm trọng tội tham lam. Theo Kinh Thánh dạy, tham lam là phạm giới răn của Chúa. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng!” Lòng tham là căn nguyên của vô số tội lỗi. Để hôn nhân được hạnh phúc, đời sống bình an, chúng ta cần loại bỏ lòng tham muốn, thay vào đó, chúng ta tập thỏa lòng với những gì Chúa ban cho và sống với lòng biết ơn Ngài.

Giới răn thứ Mười trong bảng Mười Giới Răn, Chúa phán:

Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bị lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi (Xuất Ai-cập ký 20:17)

Đức Chúa Trời đặt giới răn về tội tham lam vào cuối cùng trong bảng Mười Giới Răn vì Chúa biết do lòng tham thúc đẩy mà con người phạm những giới răn khác. Vì tham lam, chúng ta chối bỏ Chúa, không tôn Ngài lên trên hết trong đời sống, đó là phạm Điều Răn Thứ Nhất. Giới Răn Thứ Hai dạy chúng ta “Chớ thờ hình tượng,” và sứ đồ Phao-lô cho biết, tham lam là thờ hình tượng. Khi tham muốn điều gì, chúng ta thấy điều đó là quan trọng nhất trong đời, lúc nào cũng nghĩ đến, chúng ta dành hết thì giờ sức lực để đạt được, chúng ta xem điều đó như thần tượng, mục tiêu của cuộc đời. Tương tự như thế, nhiều người vì tham lợi, quyền, sẵn sàng chối Chúa, nói phạm đến Danh Chúa, tức là phạm Giới Răn thứ Ba. Biết bao nhiêu người vì muốn có thêm một ít tiền, không tôn trọng ngày thánh, không biệt riêng ngày thánh để thờ phượng Chúa, tức là không vâng giữ Điều Răn Thứ Tư. Và nhìn vào những nan đề, những tội lỗi trong xã hội, chúng ta phải đồng ý rằng vì tham lam, người ta không hiếu kính cha mẹ, giết người, phạm tội ngoại tình, tội trộm cắp và tội làm chứng dối. Con người phạm tất cả các giới răn của Chúa chỉ vì một động cơ duy nhất, đó là lòng tham. Cầu xin Chúa giúp chúng ta loại bỏ lòng tham ra khỏi tâm trí cũng như đời sống, để chúng ta không ham muốn điều người khác có hay những gì thuộc quyền sở hữu của người khác.

Phương thuốc để chữa trị hay diệt trừ lòng tham là thỏa nguyện, bằng lòng với những gì mình có. Sứ đồ Phao-lô dạy như sau:

Lòng tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng, còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy giị, ngã trong nhiều tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng lòng tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nĩ mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn (I Ti-mô-thê 6:6-10)

Lời dạy của Sứ đồ Phao-lô nêu lên hai điều căn bản:

  • Lòng thỏa nguyện là điều vô cùng ích lợi
  • Lòng tham tiền bạc là điều vô cùng nguy hiểm, đó là cội rễ, là căn nguyên của mọi điều ác

Lòng tham có thể khiến con người làm bất cứ điều ác nào để đạt được điều mình tham muốn. Lòng tham cũng có thể khiến chúng ta bội đạo, mất ơn cứu rỗi và chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Trong một thư khác, sứ đồ Phao-lô cảnh cáo: “Tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng” (Cô-lô-se 3:5). Người tin Chúa thờ Chúa chứ không thờ hình tượng, nhưng khi tham muốn điều gì, chúng ta sẽ bị cám dỗ xem điều đó quan trọng hơn Chúa. Tham lam là điều nguy hiểm có thể khiến gia đình chúng ta sa vào nợ nần, mất bình an hạnh phúc, cũng có thể khiến ta mất sự cứu rỗi và mất sự sống đời đời, vì vậy chúng ta cần nhờ Chúa trừ bỏ lòng tham ra khỏi đời sống. Để có thể loại bỏ lòng tham, tác giả quyển Mười Giới Răn Cho Hôn Nhânđề nghị chúng ta áp dụng những điều sau:

1. Khi thấy vật gì đẹp chỉ thán phục, khen chứ không muốn có hay lấy về cho riêng mình

Khi thấy những món hàng bày bán ngoài phố chợ, thấy những người ăn mặc sang trọng, đeo nữ trang đắt tiền, đi xe mới, chúng ta có thể trầm trồ và khen chứ đừng mơ ước mình có những điều đó, nhất là đừng buồn hay mặc cảm khi thấy mình không thể có những điều đó. Vợ chồng nào học được bí quyết chỉ ngắm nhìn và khen chứ không ham muốn sẽ đỡ bị sa vào nợ nần. Mỗi khi thấy những vật dụng bày bán ngoài phố, nếu chúng ta tự nhủ: mình đã đầy đủ rồi, không cần phải có thêm những vật này mới hạnh phúc hay mới sống được, chúng ta sẽ tránh được lòng ham muốn, nhờ đó sẽ không mua và không bị mắc nợ. Các nhà doanh thương không muốn chúng ta áp dụng nguyên tắc này, vì vậy họ tạo điều kiện cho chúng ta mua sắm cách dễ dàng, mua trước trả sau, trả mỗi tháng một ít, v.v... để rồi chúng ta bị nợ nần chồng chất, không gỡ ra được. Dù vậy, nếu có kỷ luật bản thân, chúng ta chỉ mua sắm những gì mình cần chứ không mua những gì mình thích, lúc đó gia đình chúng ta sẽ không vướng vào nợ nần, nhờ đó đời sống được yên vui, nhẹ nhàng.

2. Tập ban cho, san sẻ điều mình có

Chung quanh chúng ta bao giờ cũng có người nghèo khổ thiếu thốn hơn chúng ta, hãy nghĩ đến những người đó và giúp họ bằng cách chia xẻ điều mình có. Sứ đồ Phao-lô nói, “Chính Chúa Giê-xu đã phán: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công vụ 20:3). Khi ban cho, ngoài ơn phước thấy mình đem lại niềm vui cho người thiếu thốn, chúng ta sẽ bớt đi tính ích kỷ, muốn thâu đoạt cho mình, cũng không thèm muốn mơ ước những gì người khác có, và phước lớn hơn nữa là gia đình chúng ta không bị nợ nần. Để thực hành điều này và để được hưởng phước khi ban cho, giúp đỡ người khác, chúng tôi đề nghị quý vị nhìn lại tủ áo quần và những vật dụng mình có trong nhà. Khi nhìn lại, kiểm lại, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều áo quần, vật dụng còn tốt, dùng được nhưng lâu nay chúng ta để đó chứ không cần đến. Chúng ta có thể đem những áo quần, vật dụng cho các cơ quan thiện nguyện, để họ chia xẻ cho những người đang cần. Làm như thế nhà cửa chúng ta sẽ gọn gàng ngăn nắp hơn và nhiều người ngoài kia sẽ vui vì nhận được những điều gia đình họ đang cần, còn chúng ta sẽ thấy vui vì mình đem ơn phước và niềm vui đến cho người khác.

3. Dâng hiến rộng rãi cho công việc Chúa

Sứ đồ Phao-lô dạy: “Hãy nhớ rằng ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người nên quyên góp tùy theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hoặc do ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng” (Thư II Cô-rinh-tô 9:6-7). Con dân Chúa có trách nhiệm đóng góp tài chánh để phát triển Nước Chúa. Dù hoàn cảnh kinh tế như thế nào, nếu thật sự yêu Chúa và quan tâm đến công việc Chúa, chúng ta đều có thể dâng hiến vào công việc Nhà Chúa. Chúng ta không dâng để được Chúa ban phước nhưng vì biết ơn Chúa và quan tâm đến linh hồn người chưa biết Chúa, chúng ta sẵn sàng dâng lại một phần tiền bạc, vật chất Chúa ban cho để mở mang vương quốc của Ngài (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành