Căn Bản Phúc Âm

Print

Ðạo của Chúa bao gồm nhiều giáo lý quan trọng, nhưng năm điểm sau đây là những điều căn bản:

I. Mọi người đều có tội

Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời (Rô-ma 3:23)

Tội không nhất thiết là phạm những điều kinh khủng như cướp của, giết người, tà dâm v.v... nhưng tội là KHÔNG ÐẠT ÐẾN TIÊU CHUẨN CỦA THIÊN CHÚA. Tiêu chuẩn nầy được trình bày trong Kinh Thánh như sau:

a.  Tội là trái luật pháp

Ai phạm tội tức là trái luật pháp và tội lỗi tức là trái luật pháp (I Giăng 3:4)

Câu Thánh Kinh nầy cho thấy người không tuân giữ luật của Chúa là tội nhân trước mặt Ngài. Luật của Chúa bao gồm mười điều, được ghi trong sách Xuất Ê-díp-tô-ký 20:3-17 như sau:

1. Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.

2. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình... Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó.

3. Ngươi chớ lấy Danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi mà làm chơi.

4. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.

5. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho.

6. Ngươi chớ giết người.

7. Ngươi chớ phạm tôi tà dâm.

8. Ngươi chớ trộm cướp.

9. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.

10. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.

Chúa Giê-xu đã tóm tắt 10 điều răn trên thành hai điều như sau:

“Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: NGƯƠI HÃY HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN, HẾT Ý MÀ YÊU MẾN CHÚA, LÀ ÐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: NGƯƠI HÃY YÊU KẺ LÂN CẬN NHƯ MÌNH. Hết thảy lụât pháp và lời tiên tri bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma-thi-ơ 22:37-40)

KÍNH CHÚA và YÊU NGƯỜI là hai mệnh lệnh con người phải tuân hành. Thiếu lòng kính Chúa và yêu người, chúng ta bị kể là tội nhân trước mặt Chúa.

b.  Tội là không làm theo điều mình tin

... Làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi (Rô-ma 14:23)

Chữ “đức tin”trong câu nầy nói đến điều mà trong thâm tâm chúng ta đã biết hay đã đồng ý. Nếu có một điều gì trong thâm tâm chúng ta đã biết là sai mà chúng ta vẫn cứ làm thì chúng ta bị kể là có tội trước mặt Chúa.

c.  Tội là biết điều lành mà không làm

Kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội (Gia-cơ 4:17)

Thường ở đời người ta chỉ kết án những người phạm lỗi, làm điều sai quấy, hay biết điều sai mà vẫn làm. Nhưng lời Chúa cho chúng ta thấy một tiêu chuẩn cao hơn: biết điều phải mà không làm thì đã bị kể là có tội trước mặt Chúa rồi.

II. Hậu quả của tội là sự chết

Tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Ðức Chúa Trời là sự sống đời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta (Rô-ma 6:23)

Chữ “tiền công” trong câu Thánh Kinh nầy nói về kết quả. Khi đi làm chúng ta được trả tiền như thế nào thì khi phạm tội chúng ta cũng nhận được kết quả do hành động tội lỗi của chúng ta như vậy. Kết quả đó là sự chết. Chết nghĩa là ngăn cách. Ðiều đau khổ và rùng rợn nhất trong sự chết là ngăn cách. Khi một người chết, chúng ta hoàn toàn bị ngăn cách với người đó. “tiền công của tội lỗi là sự chết” nghĩa là chúng ta bị phân cách với Thượng Ðế. Thượng Ðế thánh khiết không thể dung dưỡng tội lỗi. Chúng ta là con người có tội nên bị phân cách với Ngài. Dù đang sống, nhưng vì tội lỗi, trước mặt Chúa chúng ta bị kể như chết. Thánh Kinh dạy:”Anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình.” (Ê-phê-sô 2:1)

Vì bị phân cách khỏi Thượng Ðế nên đời sống con người không còn ý nghĩa, như cành cây lìa khỏi gốc, không còn sự sống. Ðó chính là nỗi thất vọng, niềm khắc khoải nơi con người và chính vì vậy, con người ở mọi thời đại đều đi tìm một con đường giải thoát.

III. Không ai cứu chúng ta được

Chẳng có sự cứu rỗi nào trong Ðấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu (Công-vụ 4:12)

Vấn đề căn bản của con người là tội lỗi và bị phân cách khỏi Thượng Ðế. Ý thức điều đó, con người đi tìm con đường giải thoát, hoặc bằng khổ tu, hoặc bằng những việc phước đức, hoặc vâng giữ một số giới răn... Tuy nhiên, tất cả đều là việc làm của con người, cố vươn lên Thượng Ðế cho nên không thể nào thành công. Con người, dù là bậc thánh nhân, cũng có tội và vì vậy không thể dùng việc làm của mình để chuộc tội. Việc lành của con người bị kể như chiếc áo bẩn trước mặt Thượng Ðế: “Mọi việc công bình của chúng tôi như áo bẩn” (Ê-sai 64:6) Con người không thể tự cứu mình nên dĩ nhiên không thể cứu ai khác.

IV. Chúa Giê-xu là giải pháp duy nhất

Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ta là đường đi, lẻ thật và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha. (Giăng 14:6)

Ðây là điểm quan trọng nhất của Phúc Âm mà nhiều người thấy khó chấp nhận. Ðạo nào cũng tốt, tôn giáo nào cũng dạy người ta làm điều lành, tại sao Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là con đường duy nhất? Chúa Giê-xu là con đường duy nhất vì những lý do sau:

1.  Chúa Giê-xu là Thượng Ðế. Ðiểm khác biệt giữa Chúa Giê-xu và các giáo chủ khác là Chúa Giê-xu chính là Thượng Ðế còn các giáo chủ khác chỉ là người. Chúa Giê-xu là Thượng Ðế cũng có nghĩa là Ðấng vô tội. Chỉ Ðấng vô tội mới có thể chịu chết thế cho con người có tội.

2.  Chúa Giê-xu chịu chết. Các giáo chủ khác chỉ hướng dẫn hay dạy cho con người về con đường giải thoát còn Chúa Giê-xu chính là giải pháp. Chúa Giê-xu vô tội nhưng Ngài đã chịu chết như một tội nhân để thay thế và chuộc tội cho chúng ta. Xưa nay chưa có một giáo chủ nào chịu chết để cứu nhân loại cả.

3.  Chúa Giê-xu sống lại. Chúa Giê-xu cũng là vị Giáo Chủ duy nhất đã chiến thắng tử thần. Chúa chẳng những đã chết vì tội của nhân loại, Ngài cũng đã sống lại.

V. Tin Chúa Giê-xu sẽ được cứu

Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời là ban cho những kẻ tin Danh Ngài (Giăng:12)

Mọi người đều có tội, có tội thì phải chết, không ai cứu chúng ta được, Chúa Giê-xu là con đường duy nhất, tất cả những điều nầy đưa đến việc chúng ta phải tin Chúa để được cứu. Chữ “tin” bao gồm những ý nghĩa sau:

1.  Chấp nhận. Tin Chúa Giê-xu nghĩa là nhận Chúa Giê-xu là Thượng Ðế, Ðấng vô tội chịu chết cho chúng ta.

2.  Ký thác. Tin cũng bao gồm nghĩa ký thác, nghĩa là giao trọn đời sống vào tay Chúa, để cho Chúa điều khiển.

3.  Cam kết. Tin Chúa cũng hàm ý cam kết suốt đời theo Chúa, không từ bỏ Ngài.

4.  Tôn thờ. Nhiều người tin Chúa Giê-xu đã chịu chết để cứu họ, nhưng lại không để cho Chúa làm Chủ đời sống. Tin cũng có nghĩa là tôn thờ, để Chúa ở địa vị độc tôn trong đời sống.

Trong câu Kinh Thánh trên, Chúa hứa người nào tin Chúa sẽ được quyền làm con của Chúa. Con người do Thượng Ðế tạo dựng nên đương nhiên là con của Ngài, nhưng khi phạm tội, quyền làm con đó đã mất. Ðặt lòng tin nơi Chúa, chúng ta được phục hồi quyền đó.

Ðồng ý với bốn điểm đầu và làm điều thứ năm, nghĩa là đặt lòng tin nơi Chúa, chúng ta được làm con của Chúa và được hưởng tất cả những quyền lợi của một người con đó là được tha thứ, cứu rỗi và giải thoát.