Đối Tượng Cảm Tạ

Print

Chúng ta đang sống trong Mùa Cảm Tạ và trong câu chuyện Phúc Âm lần trước, chúng ta đã nói đến lý do cảm tạ hay tại sao cảm tạ. Vua Đa-vít đã cảm tạ Chúa về ơn tha thứ của Ngài vì biết rằng không nhờ ơn tha thứ, con người chúng ta không thể giao tiếp với Thiên Chúa thánh khiết. Sau lý do cảm tạ, chúng ta thấy đối tượng cảm tạ, hay cảm tạ ai? Ông mô tả Chúa Hằng Hữu là Đấng chúng ta cảm tạ với những đặc tính sau:

Thiên Chúa Công Minh

Ông viết:

Chúa Hằng Hữu thi hành công bình và ngay thẳng cho mọi người bị hà hiếp.

Một số người có thể sẽ không đồng ý với lời cảm tạ nầy vì cho rằng Thiên Chúa không công bình. Công bình làm sao được khi có người giàu người nghèo, công bình làm sao được khi có người đau khổ người sung sướng, công bình làm sao được khi tội ác gia tăng, người ác không bị hình phạt mà lại còn được hưng thịnh trong khi người lành cứ chịu đau khổ mãi?

Có ít nhất là ba câu trả lời cho vấn đề nầy:

Vấn đề chúng ta đang nói là vấn đề niềm tin và Thánh Kinh dạy không có đức tin thi không thế nào sống vừa lòng Chúa được. Chúng ta phải chấp nhận tính chất thiện hảo của Chúa và sống với lòng biết ơn Ngài vì biết rằng sẽ đến lúc có thưởng phạt công minh. Dựa vào lòng tin đó chúng ta mới có thể sống vui và thỏa mãn, không phải thụ động phó mặc cuộc đời, nhắm mắt đưa chân nhưng là tin tưởng tuyệt đối vào một Thiên Chúa toàn năng và công minh.

Thiên Chúa Mạc Khải

Lời cảm tạ tiếp theo của tác giả cho chúng ta thấy về Đấng Thượng Đế toàn năng và công bình đó. Ông viết:

Ngài bày tỏ cho Mai-sen đường lối Ngài và cho Y-sơ-ra-ên biết các công việc Ngài.

Câu nầy cho thấy Thiên Chúa là Đấng mạc khải, soi sáng đường đi nước bước cho con người. Mai-sen là lãnh tụ của người Do-thái và Y-sơ-ra-ên là tuyển dân của Chúa. Thiên Chúa chẳng những đã mạc khải cho Mai-sen và hướng dẫn con dân Chúa nhưng Ngài cũng đã mạc khải và soi sáng cho mỗi chúng ta. Thánh Kinh cho biết:

Điều gì có thể biết được về Thiên Chúa thì đã trình bày ra cho họ. Thiên Chúa đã tỏ điều đó cho họ rồi. Những điều trọn lành của Thiên Chúa dù mắt không thấy được thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ trước mắt khi người ta xem xét công việc của Ngài (Thư Rô-ma 1:19-20).

Thiên Chúa đã mạc khải chính Ngài qua vũ trụ thiên nhiên, qua hoàn cảnh, qua dòng lịch sử của nhân loại. Con người không thể nói rằng mình không biết Chúa là ai hay Chúa đã làm gì. Người xưa đã nói, "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên." Khi nói về những yếu tố đưa đến thành công, "thiên thời" là yếu tố đầu tiên, trước khi nói đến địa lợi và nhân hòa. Thiên Chúa đã thật sự tham dự vào đời sống của con người vậy mà con người cứ tiếp tục khước từ Ngài.

Thiên Chúa Yêu Thương

Thiên Chúa công minh, Thiên Chúa mạc khải, nhưng điều tác giả cảm tạ Chúa nhiều hơn cả là đức yêu thương của Ngài. Vua Đa-vít viết:

Chúa Hằng Hữu có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy gian ác của chúng tôi. Vì hễ các tầng trời cao trên đất bao nhiêu thì lòng nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu. Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu thì Ngài đã đem tội lỗi chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu. Chúa Hằng Hữu thương xót kẻ kính sợ Ngài khác nào cha thương xót con cái mình vậy.

Hãy quên đi tất cả những điều khác và tập trung vào lòng nhân của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đáng nên cảm tạ Ngài mãi mãi. Chúng ta thường có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa. Chúng ta thường nghĩ đến Ngài như một hung thần, sẵn sàng giáng họa xuống cho con người. Nhưng không phải như vậy, Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Ngài là Đấng có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy nhân từ. Hãy suy nghĩ đến bốn điều đó và áp dụng vào bản thân chúng ta, chúng ta mới thấy được tình thương bao la của Thiên Chúa. Hãy tự hỏi, bao nhiêu lần chúng ta bày tỏ lòng thương xót hay làm ơn cho người khác; chúng ta dễ giận dữ hay đầy lòng nhân? Hãy đặt câu hỏi nầy, nếu Thiên Chúa xử sự với chúng ta như cách chúng ta xử sự với người khác thì ta sẽ như thế nào? Hãy nhớ Chúa thương xót, hay làm ơn, chậm giận và đầy nhân từ để rồi cảm tạ Ngài.

Tình yêu của Thiên Chúa đã thể hiện trong việc Chúa Cứu Thế giáng trần, mang tội của chúng ta, chịu chết thế cho chúng ta. Những câu tiếp theo cho thấy Chúa không bắt tội luôn luôn, không báo trả theo tội của chúng ta và đem tội chúng ta xa chúng ta như hai phương trời cách biệt. Những lời cảm tạ nầy cho thấy tội lỗi là một vấn đề nghiêm trọng nhưng vì tình thương Thiên chúa sẵn sàng xóa bỏ để nối lại tương giao với con người nhưng với một điều kiện. Điều kiện đó là kính sợ Chúa. Chúa phán:

Các tầng trời cao trên đất bao nhiêu thì lòng nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu.

Lời Chúa cũng dạy:

Chúa Hằng Hữu thương xót kẻ kính sợ Ngài khác nào cha thương xót con cái mình vậy.

Chúa có lòng nhân, Chúa thương xót nhưng còn chúng ta thì sao? Chúng ta có kính sợ Ngài không? Kính sợ là ý thức sự hiện diện của Ngài trong đời sống và sống trong ý thức đó. Nói khác đi, sống với lòng tin và làm theo lời Chúa dạy.

Con người chúng ta thường vô ơn vì thường chỉ sống cho mình, chỉ biết có mình. Chúng ta cần có một cái nhìn rộng rãi hơn. Nhìn lên để thấy Thiên Chúa đầy tình thương, nhìn lại mình đầy tội lỗi mà Chúa vẫn thương và nhìn chung quanh để thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người và rồi sống với lòng biết ơn.

Vẫn chưa hết, chúng ta cần có cái nhìn xa, nhìn vào cả cuộc đời của mình để thấy cuộc đời thật ngắn ngủi và mong manh. Thánh Vịnh 103, bài thơ vua Đa-vít ca ngợi Thiên Chúa tiếp tục với câu:

Chúa biết chúng tôi nắn nên bới giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất. Đời loài ngươi như cây cỏ, người sinh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng. Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chắng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa.

Thiên Chúa thương chúng ta vì biết thân phận của chúng ta. Chúng ta cũng cần biết đến thân phận của mình để sống với tinh thần cảm tạ. Nhiều câu nói đã trở thành sáo ngữ nhưng là sự thật ở đời. Những sự thật đó là con người là cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Điều nầy cho thấy đời sống con người chẳng có giá trị gì nếu chỉ có thân xác và chỉ lo cho thân xác mà thôi. Đời sống con người cũng mong manh như cỏ hoa nơi đồng nội. Mỗi ngày, mỗi tuần chúng ta nghe bao nhiêu đời sống qua đi, bao nhiêu sự nghiệp lẫy lùng phút chốc rồi cũng chẳng còn.

Duy chỉ còn một điều, nhà thơ Đa-vít viết tiếp:

Nhưng lòng nhân từ của Chúa Hằng Hữu hằng có đời đời cho những người kính sợ Ngài tức là cho người nào giữ giao ước Ngài.

Đời sống thay đổi nhưng Chúa không thay đổi và lòng nhân của Chúa chẳng bao giờ đổi thay. Và Chúa chỉ đòi hỏi nơi con người một điều, đó là kính sợ Chúa. Bài thánh vịnh nhắc đi nhắc lại ba lần lòng kính sợ Chúa của con người. Kính sợ là tin có Chúa và sống với lòng tin đó.

Mùa Cảm Tạ là mùa bày tỏ lòng biết ơn. Để thật sự biết ơn, chúng ta phải biết nhìn lên Thiên Chúa và ý thức những ơn lành Ngài dành cho mình. Hãy biết Chúa công bình, nhân từ, đầy tình thương. Hãy nhớ cuộc đời ngắn ngủi mong manh. Chỉ cần nhớ hai điều đó là cũng đủ cho chúng ta sống mỗi ngày với lòng biết ơn và tinh thần cảm tạ

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành