Chúa Rửa Chân Cho Môn Đệ

Print

Chúng ta đang sống trong mùa chay. Mùa kỷ niệm những đau thương, khổ nạn Chúa Giê-xu đã gánh chịu vì chúng ta. Câu chuyện Phúc Âm hôm nay sẽ nói về một sự việc xảy ra trước ngày Chúa chịu khổ nạn. Chúa Giê-xu thường truyền những lời giáo huấn dưới hình thức những câu chuyện ngắn gọn gọi là ẩn dụ hay ví dụ. Những câu chuyện như người gieo giống, người con hoang đàng hay người Sa-ma-ri nhân lành mà chúng tôi đã trình bày trong những câu chuyện Phúc Âm trước đây. Một trong những lời dạy cuối của Chúa Giê-xu, Chúa cũng dạy bằng một ví dụ nhưng thay vì kể câu chuyện, Chúa Giê-xu đóng vai người trong câu chuyện nầy. Đó là câu chuyện Chúa rửa chân cho các môn đệ. Câu chuyện được ghi lại trong Phúc Âm Giăng chương thứ 13 như sau:

Trước ngày lễ Vượt Qua, Đức Chúa Giê-xu biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng. Đang bữa ăn tối (Ma quỷ đã để mưu phản Ngài vào lòng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt con trai Si-môn), Đức Chúa Giê-xu biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình sẽ về với Đức Chúa Trời. Nên đứng dậy khỏi bàn. Cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn đã vấn mà lau chân cho. Sau khi đã rửa chân cho môn đồ, Ngài mặc áo lại, đoạn ngồi vào bàn mà phán rằng: Các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng? Các ngươi gọi Ta bằng thầy bằng Chúa; Các ngươi nói phải, vì ta thật vậy. Vậy nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi , thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau, vì Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi. Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo (Phúc Âm Giăng chương 13:1-5; 12-15; 17)

Câu chuyện Chúa Giê-xu rửa chân cho các môn đệ của Ngài trước ngày lễ Vượt Qua là một ví dụ. Là phương pháp thính thị Chúa Giê-xu dạy cho môn sinh của Ngài và cũng là bài học cho chúng ta hôm nay. Bài học đó là học yêu thương và phục vụ.

Đức Chúa Giê-xu yêu thương và phục vụ như Đức Chúa Trời yêu thương và phục vụ. Chúng ta biết điều nầy bởi vì Kinh Thánh dạy rằng, “Đức Chúa Giê-xu biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình và mình sẽ về với Đức Chúa Trời nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho.” Đức Chúa Giê-xu biết Ngài là Đức Chúa Trời, quyền năng ở trong tay Ngài và trong ý thức đó, Chúa cúi xuống rửa chân cho môn đệ. Rửa chân cho người khác là một công việc hèn hạ chỉ dành cho nô lệ, nhưng để bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta và để cho thấy Ngài chính là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-xu đã làm điều nầy. Sau khi làm công tác đó, Chúa đã hỏi các môn đệ: “Các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng?” Và Chúa đã trả lời cũng như giải thích cho chúng ta hiểu. Có ít nhất là ba bài học cho chúng ta:

Phục vụ

Chúa Giê-xu phán: “Nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau.” Bản tính thông thường của con người chúng ta là đòi hỏi quyền lợi và muốn người khác phục vụ mình hơn là phục vụ người khác. Nếu có chức tước hay quyền hành thì chúng ta lại còn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng Tạo Hóa nhưng Chúa đã làm công việc của một nô lệ để dạy chúng ta bài học phục vụ. Chúa phán: “Ta đến không phải để người khác phục vụ nhưng để phục vụ người khác và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” Sự phục vụ cao cả nhất của Chúa Giê-xu là hy sinh chính sự sống của Ngài để chuộc tội cho chúng ta. Tội lỗi đòi hỏi hình phạt và Chúa Giê-xu đã gánh chịu hình phạt thế cho chúng ta khi Ngài chịu chết trên thập tự giá. Đó là cao điểm của Mùa Chay và đó chính là mục đích của Chúa Giê-xu khi đến thế gian nầy. Người ta sinh ra là để sống nhưng Chúa Giê-xu sinh ra là để chết! Chúa Giê-xu chết là hoàn thành mục đích của Ngài khi đến trần gian. Chúa sinh ra là để phục vụ, là chịu chết, Chúa muốn chúng ta cũng phục vụ lẫn nhau như vậy. Nhưng phục vụ là gì? Bài học thứ hai cho chúng ta biết phục vụ là gì.

Tâm tình

Đức Chúa Giê-xu phán: “Vì Ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.” “Làm như Ta đã làm cho các ngươi” là theo cùng một tâm tình. Tâm tình của Chúa Giê-xu là tâm tình yêu thương và khiêm nhường. Chúng ta biết đây là tâm tình yêu thương và khiêm nhường bởi vì trước khi rửa chân cho các môn đệ, Thánh Kinh cho biết, “Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng.” Động chơ thúc đẩy Chúa Giê-xu phục vụ là tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Có người đã nói, “Ta có thể phục vụ mà không yêu nhưng không thể yêu mà không phục vụ!” Có những người làm công tác từ thiện mà trong lòng thiếu tình thương, có thể vì đã làm đi làm lại mãi khiến cho việc làm trở nên quá bình thường. Đó là phục vụ mà không yêu thương. Nhưng nếu có tình thương thật, chúng ta sẽ phục vụ hết lòng trong mọi hoàn cảnh. Làm bất cứ điều gì, câu hỏi chúng ta cần đặt ra là: Động cơ nào thúc đẩy tôi làm việc nầy? Tại sao tôi làm? Nếu không làm vì tình thương, việc làm của chúng ta dù lớn đến đâu cũng không có giá trị như lời Thánh Kinh đã dạy: “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó lại bỏ thân mình để chịu đốt nhưng không có tình yêu thương thì điều đó chẳng ích chi cho tôi!” Chúng ta cần noi gương Chúa Giê-xu hết lòng phục vụ vì tình thương chứ không phải vì bất cứ một động cơ nào khác. Cuối cùng chúng ta thấy bài học Chúa dạy là bài học phải đáp ứng.

Đáp ứng

Chúa Giê-xu phán: “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo.” Hạnh phúc không phải là hiểu biết nhưng là thực hành. Chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm ân phúc của Chúa khi chúng ta thực hành, làm theo Lời Chúa dạy. Thực hành lời Chúa dạy chẳng những trên bình diện phục vụ nhưng trên mọi khía cạnh khác của đời sống và khía cạnh đầu tiên ảnh hưởng đến mọi khía cạnh khác là vấn đế cứu rỗi của chúng ta. Trước khi có thể noi gương phục vụ của Chúa, chúng ta cần tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa, để cho Ngài ngự trị tâm hồn. Chỉ với sức mạnh tái tạo của Chúa trong tâm hồn chúng ta mới có đủ ân sủng sống một đời sống yêu thương và phục vụ như Chúa.

Bài học của chúng ta trong Mùa Chay là bài học phục vụ, nhưng trước khi có thể phục vụ, chúng ta cần phải được tha tội và cứu rỗi, cần được Chúa giải thoát chúng ta khỏi gông cùm của tội lỗi. Chúa Giê-xu đã đến trần gian để chịu chết và sống lại với mục đích duy nhất là giải thoát chúng ta khỏi sức mạnh của tội lỗi. Chúng ta cần thực hành Lời Chúa, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài để tội lỗi được thanh tẩy trước khi có thể sống đời sống phục vụ như Chúa đã nêu gương và giúp chúng ta sống đời sống phục vụ để đem hạnh phúc đến cho mọi người. Tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa mới là kỷ niệm Mùa Chay cách đích thực vì cái chết của Chúa sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không tiếp nhận. Bạn đã tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa Giê-xu đã thực hiện qua cái chết của Ngài trên thập tự giá hay chưa? Mời bạn liên lạc với Chúng tôi để hiểu rõ hơn về ơn cứu rỗi Chúa dành cho Bạn.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành