Đổi Giờ

Print

Mỗi năm vào tháng Ba, chúng ta lại vặn đồng hồ lên một giờ với mục đích là tiết kiệm khoảng thời gian có ánh sáng mặt trời (Daylight Saving Time). Đây là điều mà các nước trong vùng ôn đới thường làm hằng hăm để có thêm giờ vào buổi chiều cho các sinh hoạt ngoài trời vào mùa Xuân và mùa Hè. Đề nghị vặn đồng hồ lên một giờ vào Mùa Xuân và Mùa Hè là ý kiến của một nhà khảo cứu côn trùng và thiên văn người Tân-tây-lan, ông George Vernon Hudson vào năm 1895 nhưng đến năm 1916 việc đổi giờ nầy mới được áp dụng lần đầu tiên tại hai nước ở Âu châu. Hiện nay một số nước trên thế giới vẫn áp dụng chương trình đổi giờ hàng năm. Một số nước khác thì ngày nay không áp dụng nữa. Một số nước thì từ trước đến nay không bao giờ áp dụng việc đổi giờ nầy. Tại Hoa-kỳ, hai tiểu bang không áp dụng việc đổi giờ hàng năm là Arizona và Hawaii. Phần lãnh thổ tự trị của người Navajo ở Arizona thì lại theo việc đổi giờ hàng năm.

Nói chung, sở dĩ có việc đổi giờ là vì người ta muốn có thêm thì giờ vào buổi tối vì thì giờ có ánh sáng mặt trời vào mùa Xuân và mùa Hạ nhiều hơn mùa Thu và mùa Đông. Câu tục ngữ: “Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng Mười chưa cười đã tối” nói lên cùng một ý nghĩa. Một ngày bao giờ cũng có 24 giờ, mùa Đông cũng như mùa Hè, nhưng thời gian có ánh sáng mặt trời mỗi mùa dài ngắn khác nhau. Chính vì vậy mà việc đổi giờ mới có ý nghĩa. Người ta có thể đổi giờ để thấy như ngày dài hơn, nhưng ngày vẫn vậy, không có gì thay đổi. Nếu thay đổi được thì giờ hay thời gian, có lẽ con người đã không chỉ đổi một giờ đồng hồ nhưng sẽ đổi để cho đời sống kéo dài lâu hơn, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu dạy:

Có ai trong các con nhờ lo lắng mà làm cho cuộc đời mình dài thêm một khoảnh khắc không? (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:27)

Câu trả lời là không! Không ai trong chúng ta nhờ lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm được dù chỉ là một vài giây phút ngắn ngủi. Thời gian và đời người là hai điều không nằm trong tay con người nhưng trong tay Thiên Chúa là Đấng tạo dựng chúng ta. Đấng ban cho chúng ta sự sống, hơi thở và thời gian sống trên trần gian nầy. Tác giả Thánh Vịnh 139 viết:

Số các ngày định cho con đã biên vào sổ Chúa khi chưa có một ngày nào trong các ngày ấy (Thánh Vịnh 139:16)

Lịch sử Do-thái có một vị vua tên là Ê-xê-chia. Vị vua nầy đau nặng, sắp chết và ông đã cầu nguyện xin Chúa cho ông sống. Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của vị vua nầy, chữa bệnh cho ông và cho vị vua nầy sống thêm mười lăm năm nữa. Câu chuyện nầy cho thấy mỗi một năm tháng sống trên trần gian nầy là ơn lành Thiên Chúa ban cho con người chúng ta. Có thể nói một ngày chúng ta còn sống trên trần gian nầy là một ngày Thiên Chúa còn gia hạn cho chúng ta để sống. Nếu ý thức rằng đời sống không nằm trong tay của mình thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải biết sống. Biết sống nghĩa là biết mình từ đâu đến? Sống trên trần gian nầy để làm gì? Và chết rồi chúng ta sẽ đi về đâu?

Bất cứ điều gì hiện hữu cũng phải có nguồn gốc. Nguồn gốc con người chúng ta là Thiên Chúa, là Đức Chúa Trời, là Đấng tạo dựng chúng ta. Sự sống, hơi thở và mọi điều chúng ta có đến từ Thiên Chúa. Chúng ta đến từ Đức Chúa Trời cho nên điều chúng ta phải làm là tôn thờ Ngài. Không tôn thờ Thiên Chúa là chúng ta đã gạt bỏ nguồn gốc của chúng ta. Người xưa nói: “Cây có cội, nước có nguồn.” Nguồn cội của con người chúng ta là Đức Chúa Trời quyền năng, cầm quyền trên toàn cõi vũ trụ. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta với hình ảnh của Ngài cho nên chúng ta có thể suy tư, lý luận và quyết định. Con người đã quyết định khước từ Thiên Chúa, từ bỏ nguồn gốc của mình cho nên đã tự đưa mình vào chỗ hư vong bởi vì một khi khước từ Thiên Chúa, chúng ta sống theo đường lối riêng của mình, không đúng với đường lối của Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, đặt chúng ta trên trần gian nầy với một mục đích rõ ràng đó là làm rạng Danh Thiên Chúa và tận hưởng Ngài. Vì không sống đúng với mục đích đó cho nên con người đã tự gặt hái cho mình tất cả những ê chề đau đớn trong đời sống. Đời sống không ý nghĩa vì chúng ta không sống theo mục đích của Đức Chúa Trời. Từ chỗ từ bỏ Đức Chúa Trời, kết quả sau cùng của đời sống là hư vong, chết mất đời đời nơi hỏa ngục. Địa ngục là nơi được tạo dựng cho ma quỷ không phải cho con người. Nhưng vì phạm tội, chống lại Đức Chúa Trời cho nên con người phải chịu cùng chung số phận sau khi từ giã cõi đời nầy. Đời sống không phải chỉ là vài mươi năm hay 100 năm đi nữa trên trần gian nầy mà thôi. Đời sống là cả cõi vĩnh hằng mà số phận của chúng ta được quyết định khi chúng ta sống trên đời nầy. Trước mặt chúng ta bao giờ cũng có hai con đường cho chúng ta lựa chọn. Con đường sống và con đường chết. Chúa Giê-xu dạy:

Hãy vào cửa hẹp vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hủy diệt, người vào đó thì nhiều. Còn cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, người tìm thấy được thì ít (Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:13-14)

Hai cánh cửa, hai con đường là để cho chúng ta lựa chọn, quý vị chọn con đường nào? Con đường theo Chúa hay con đường khước từ Chúa? Chúng ta có thể lựa chọn bất cứ con đường nào nhưng không thể chọn điểm đến. Một bên dẫn đến hủy diệt, một bên dẫn đến sự sống.

Chúng ta đang nói về vấn đề thời gian. Thời gian của chúng ta trên trần gian nầy có giới hạn còn thời gian của cõi đời sau là vô tận, là đời đời, là vĩnh hằng. Ai trong chúng ta khi lựa chọn điều gì cũng muốn lựa chọn điều có giá trị lâu dài. Nếu thật sự ý thức được giá trị vĩnh cửu của cõi đời sau, chúng ta phải chọn con đường cứu rỗi qua Chúa Giê-xu trên cõi đời nầy. Đó là con đường dẫn chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu phán:

Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha (Phúc Âm Giăng 14:6)

Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta và chúng ta chỉ có thể trở về với Ngài qua con đường cứu rỗi của Chúa Giê-xu là Đấng đã chịu chết thay cho chúng ta trên cây thập tự, đổ máu của Ngài ra để cứu chuộc chúng ta. Sự sống chúng ta đang có là món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nếu thật sự biết ơn Chúa, thật sự trở về với cội nguồn chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa qua con đường cứu rỗi của Chúa Giê-xu. Số các ngày định cho mỗi người chúng ta trên trần gian nầy đã được an bài nhưng số phận đời đời của chúng ta là tùy nơi quyết định của mỗi người chúng ta. Người ta có thể đổi giờ lên xuống hằng năm cho phù hợp với mỗi mùa nhưng không ai có thể thay đổi thời gian của đời sống và nhất là không thay đổi được số phận của mình một khi đã quyết định. Quý vị quyết định tiếp nhận hay khước từ? Thiên Chúa là Người Cha thương yêu lúc nào cũng trông mong chờ đợi mỗi người con lạc lối quay bước trở về. Quý vị có muốn trở về Nhà Cha hôm nay không?

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành