Nô Lệ Cho Tội Lỗi

Print

Ngày thứ Hai vừa qua là ngày lễ của các vị tổng thống, kỷ niệm sinh nhật của hai vị tổng thống nổi tiếng của Hoa Kỳ là George Washing ton và Abraham Lincoln. Washington là vị tổng thống đầu tiên của Mỹ còn Lincoln là vị tổng thống thứ 16 là người có công trong việc bãi bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ. Ngày 1 tháng giêng năm 1863, đang khi cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ vẫn còn đang tiếp diễn, tổng thống Lincoln đã ban hành một lệnh hành chánh đặc biệt dưới tên gọi Tuyên Ngôn Giải Phóng (Emancipation Proclamation) công bố phóng thích nô lệ trong mười tiểu bang đang chống lại chính quyền liên bang lúc bấy giờ tức là cho khoảng hơn 3 triệu người nô lệ.

Phóng thích nghĩa là thả ra và bỏ đi mang ý nghĩa tự do cho những người nô lệ. Ngày nay chế độ nô lệ không còn trên thế giới tuy nhiên những hình thức nô lệ khác lại càng kinh khủng hơn nhiều. Có những người bị bắt làm nô lệ tình dục, cũng có những tổ chức bắt người làm việc cơ cực, không một chút tự do không khác gì nô lệ. Nhưng rõ ràng hơn cả là bao nhiêu người đang làm nô lệ cho tội lỗi mà không hay biết. Chúa Giê-xu phán dạy trong Phúc Âm:

Ai phạm tội là nô lệ cho tội lỗi (Phúc Âm Giăng 8:34)

Hai ý nghĩa quan trọng trong vấn đề nô lệ là sở hữu và phục vụ. Trong chế độ nô lệ, người nô lệ là vật sở hữu của chủ, người chủ muốn sử dụng như thế nào tùy ý, người nô lệ không có quyền gì trên đời sống của mình. Nô lệ cũng mang ý nghĩa phục vụ, phải làm việc mà không được hưởng một quyền lợi nào. Chắc chắn là không ai trong chúng ta muốn làm nô lệ cả, nhưng như Lời Chúa dạy, “Ai phạm tội là nô lệ cho tội lỗi!” nói như vậy nghĩa là khi chúng ta phạm tội, tội lỗi là ông chủ điều khiển, sai khiến chúng ta, bắt chúng ta làm những điều mà chúng ta không muốn. Sứ đồ Phao-lô sống như một thánh nhân nhưng đã phải thú nhận như sau:

Tôi không hiểu điều mình làm vì tôi không làm điều mình muốn mà lại làm điều mình ghét… Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác bám theo tôi! (Thư Rô-ma 7:15, 21)

Đây cũng là kinh nghiệm của mỗi chúng ta khi phạm tội. Chúng ta muốn sống một đời sống tốt lành nhưng tội lỗi cứ vấn vương chúng ta mãi. Sứ đồ Phao-lô đã phải thốt lên:

Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể hay chết nầy? (Thư Rô-ma 7:24)

Nhưng ngay sau đó, ông đã tìm thấy lời giải đáp cho chính mình như sau:

Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa chúng ta! (Thư Rô-ma 7:25)

Sứ đồ Phao-lô đã tìm thấy lời giải đáp trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa Giê-xu đã giải quyết vấn đề nô lệ cho tội lỗi của chúng ta như thế nào? Một nô lệ muốn được phóng thích cần có lệnh ân xá của chủ hoặc có người bỏ tiền chuộc người đó ra rồi phóng thích. Đó là điều Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta. Chúa Giê-xu đã chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và phóng thích chúng ta. Giá Chúa Giê-xu phải trả để chuộc chúng ta là cái chết của Ngài trên thập giá. Tội lỗi đòi hỏi bản án chết và Chúa Giê-xu đã chịu chết thay cho chúng ta, chết thế chỗ cho chúng ta để chúng ta không còn phải chết, không còn phải làm nô lệ cho tội lỗi nữa! Để được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội, chúng ta chỉ cần có đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, tin rằng Chúa đã chết vì tội của mình. Đức tin nơi Chúa Giê-xu giống như người đưa tay ra tiếp nhận món quà người khác trao tặng chúng ta. Có người trao quà mà chúng ta không đưa tay ra nhận quà thì món quà không lợi ích gì. Cũng vậy, Chúa Giê-xu đã đổ máu vô tội của Ngài trên thập giá để chuộc tội cho chúng ta mà chúng ta không tiếp nhận thì cái chết của Chúa Giê-xu cũng không có ý nghĩa gì cho chúng ta. Bước đầu tiên để kinh nghiệm sự giải phóng khỏi ách nô lệ của tội là công nhận mình là tội nhân, không thể làm gì để tự cứu và công nhận cái chết thay thế của Chúa Giê-xu trên thập giá cho mình, chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn cứu rỗi, ơn cứu chuộc của Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta không dừng lại tại đó. Đời sống chúng ta không dừng lại sau khi tin nhận Chúa. Chúng ta vẫn tiếp tục sống trên trần gian đầy tội lỗi và tiếp tục bị ma quỷ tấn công, kéo chúng ta trở lại con đường tội lỗi cũ. Nhiều người đã được Chúa cứu, được giải phóng khỏi ách nô lệ của tội lỗi nhưng rồi đã để cho những tật hư thói xấu, những thói quen tội lỗi cũ trở lại và dù không hoàn toàn làm nô lệ cho tội nhưng cũng nhiều lần để cho tội lỗi khống chế và đã không sống đúng theo điều mình muốn. Sứ đồ Phao-lô đã cảnh cáo những người có khuynh hướng quay trở lại đời sống cũ như sau:

Chúa Cứu Thế đã giải phóng để chúng ta được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa! (Thư Ga-la-ti 5:1)

Sứ đồ Phao-lô cũng cho chúng ta một bí quyết để không trở lại con đường tội lỗi cũ như sau. Ông khuyên chúng ta:

Anh em đã từng hiến chi thể mình làm nô lệ cho sự ô uế và sự gian ác chất chồng thể nào, thì bây giờ, hãy hiến chi thể mình làm làm nô lệ cho sự công chính để được thánh hóa thể ấy (Thư Rô-ma 6:19)

Lý luận của sứ đồ Phao-lô như thế nầy: khi làm nô lệ cho ai, chúng ta phải phục tùng người đó, làm những gì người đó sai khiến. Nếu chúng ta đã từng làm nô lệ cho tội và bị tội lỗi sai khiến như thế nào thì bây giờ chúng ta hãy hiến mình làm nô lệ cho Chúa như vậy. Làm nô lệ cho tội đưa đến khổ đau và hư vong nhưng làm nô lệ cho Chúa sẽ đem chúng ta đến thánh thiện và hạnh phúc. Chính vì vậy trong mỗi lá thư gửi cho các Hội Thánh trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô luôn luôn nhận mình là nô lệ của Chúa Giê-xu. Có thể nói như thế nầy, nếu chúng ta không làm nô lệ cho Chúa, chúng ta sẽ làm nô lệ cho ma quỷ, cho tội lỗi, cho những tật hư thói xấu và mọi điều gian ác khác. Sứ đồ Phao-lô kết luận:

Anh em đã được giải phóng khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời thì kết quả mà anh em được là sự thánh hóa và cuối cùng được sự sống đời đời (Thư Rô-ma 6:22)

Chúa Giê-xu phán:

Ai phạm tội là nô lệ cho tội lỗi (Phúc Âm Giăng 8:34)

Quý vị có đang làm nô lệ cho tội lỗi không? Quý vị đã được giải phóng khỏi tội lỗi chưa? Chúa Giê-xu đã hy sinh mạng sống của Ngài trên thập giá, đổ máu vô tội của Ngài để chuộc tội cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần lấy đức tin, tiếp nhận ơn cứu rỗi cho mình, chúng ta sẽ được thanh tẩy khỏi tội lỗi và được giải phóng khỏi tội lỗi. Và từ chỗ làm nô lệ cho tội, chúng ta làm nô lệ cho Chúa để sống một đời sống thánh khiết, vui tươi và thỏa lòng. Quý vị đang làm nô lệ cho ai? Cho tội lỗi hay cho Chúa Giê-xu là Đấng đã giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi?

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành