Ba Mươi Tháng Tư

Print

Nếu có ai hỏi, “Ngày 30 tháng 4 năm 1975 Bạn ở đâu? Bạn làm gì? Bạn còn nhớ không?” Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng nhớ. 30 tháng 4 chẳng những là biến cố của đất nước mà còn là biến cố của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Có thể nói không người Việt nào lại không bị ảnh hưởng của ngày nầy. Vì vậy nhắc đến 30 tháng 4 là nhắc đến kỷ niệm, nhắc đến đau xót, ân hận, tiếc nuối và nhiều tình cảm khác nữa. Báo chí truyền thanh, truyền hình, sách vở, chính trị gia, bình luận gia, những chuyên viên quân sự, những người ở cả hai bên của cuộc chiến, những người tham dự cuộc chiến và ngay cả những người không tham dự cuộc chiến đã nói quá nhiều về 30 tháng 4. Ai cũng nói về 30 tháng 4, nói đến kỷ niệm, nói đến những bài học trong quá khứ. Trong khi đó thì có người chủ trương rằng: “Đối với quá khứ ta nên ngã mũ, đối với tương lai ta nên xắn tay áo.” Dĩ nhiên ngã mũ đối quá khứ không có nghĩa là bỏ quên quá khứ nhưng chỉ có nghĩa là quá khứ có chỗ đứng của nó, ta nên ghi nhận để học những bài học nhưng đồng thời cũng nhớ rằng ta đang sống trong hiện tại và vẫn có một tương lai đang chờ đợi.

Thái độ chúng ta cần có là thái độ của một lữ khách trên đường đời, có lúc đi có lúc dừng nhưng vẫn nhớ rằng mình vẫn còn đích phải đến. Mục đích, mục tiêu ở cuối đường mới quan trọng. Quãng đời ta đi qua chẳng những là những chặng đường khác nhau của một hành trình quan trọng. Dừng lại để nghỉ chân, để nhìn về quá khứ là điều cần thiết, nhưng tiếp tục tiến bước là điều cần hơn. Một trong những người có kinh nghiệm trong vấn đề nầy là sứ đồ Phao-lô, một anh hùng đức tin. Cũng giống như người Việt chúng ta ngày nay, người Do-thái ngày xưa cũng bị tản lạc khắp nơi trên thế giới. Sứ đồ Phao-lô sinh trưởng ở nước ngoài nhưng lòng ông lúc nào cũng vọng về quê hương và sống cho quê hương đó. Cuộc đời ông cũng gặp nhiều gian truân, bị chống đối, bị hiểu lầm. Ông đã từng vượt biển bị đắm tàu, bị chính quyền coi như một tên tội phạm, nhưng trong một lá thư gởi cho các tín hữu thời đó ông đã viết những lời như sau. Ông nói:

Tôi vẫn đeo đuổi mục đích cao cả duy nhất, xoay lưng lại với quá khứ và nhanh chân tiến bước vào tương lai. Tôi cố gắng chạy đến đích để giật giải, tức là sự sống thiên thượng. Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta hướng về trời, qua con đường cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu (Thư Phi-líp 3:14)

Đó là những lời của Thánh Phao-lô ngày xưa. Cuộc đời của Phao-lô ngày xưa cũng như cuộc đời của chúng ta hôm nay cũng cần có một mục đích tương tự để đeo đuổi. Sống không có mục đích thì cuộc đời của chúng ta dù ở quê nhà hay ở xứ người cũng hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng để có thể đeo đuổi mục đích, có hai điều quan trọng chúng ta cần nhớ đó là phải biết quên quá khứ và biết nhắm vào tương lai. Quên quá khứ không có nghĩa là bỏ qua quá khứ nhưng chỉ có nghĩa là đừng quá chú trọng vào quá khứ, chỉ biết có quá khứ mà thôi. Thánh Phao-lô ngày xưa trước khi nói “xoay lưng lại với quá khứ,” ông đã có một quá khứ hào hùng không thể chê trách. Nhưng ngay cả với quá khứ hào hùng đó, ông cũng đã không dựa vào đó để tự mãn. Trái lại, ông coi mọi thành tích của mình như lỗ lã, để đạt cho được mục đích cuối cùng của đời sống, là được chính Chúa. Chúng ta cũng cần có những quá khứ cần gác sang một bên như vậy. Dù là quá khứ hào hùng hay đau khổ. Có quá khứ hào hùng mà cứ sống mãi với quá khứ đó, ta sẽ trở thành kiêu hãnh không bằng lòng với hiện tại và vì vậy mất đi tất cả những nhiệt huyết để tiến vào tương lai. Cũng tương tự như vậy với quá khứ đau buồn. Nếu cứ sống mãi với nó chúng ta sẽ sống mãi trong buồn nản chán chường và rốt cuộc cũng chẳng làm được gì. Chúng ta nên quên những điều đáng quên và hãy nhớ những điều cần nhớ. Thường thì chúng ta làm ngược lại, hay quên những điều cần nhớ và nhớ mãi những điều lẽ ra phải quên. Những đau buồn nối tiếc của quá khứ vẫn còn đó nhưng ta sẽ không làm được gì để thay đổi điều đã xảy ra. Ta cần dẹp những điều đó sang một bên, để mạnh tiến vào tương lai.

Trong khung cảnh của lời khuyên: “Quên những gì ở phía sau và hướng đến những gì ở trước mặt. Thánh Phao-lô đưa ra ít nhất ba bí quyết giúp ta có thể làm được việc đó:

Thỏa Lòng

Phao-lô viết:

Tôi đã học biết cách sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ, tôi đã trải qua những cơn túng ngặt hay là sống những ngày dư dật, tôi đã học được bí quyết nầy. Ở đâu và lúc nào, dù no hay đói, dù dư hay thiếu tôi vẫn luôn vui thỏa (Thư Phi-líp 4:11-12)

Vui thỏa hay thỏa lòng là bí quyết số một để sống hạnh phúc trên đời. Vấn đề ở đời nầy không phải là có nhiều hay ít nhưng là có thỏa lòng với những gì ta có hay không? Không thỏa lòng, ta sẽ cứ than thân trách phận dù sống ở đâu hay trong hoàn cảnh nào. Thỏa lòng, trái lại sẽ đem đến cho chúng ta niềm vui dù ở trong những hoàn cảnh thấy như bất hạnh. Song song với bí quyết thỏa lòng là bí quyết vui lòng.

Vui Lòng

Vui lòng, nói đúng hơn là giữ lòng vui. Dù đang bị giam trong tù, Phao-lô đã gởi thư bảo các tín hữu:

Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn! Tôi xin nhắc lại: Hãy vui mừng! (Thư Phi-líp 4:4)

Vui mừng hay niềm vui là điều phát xuất từ trong lòng, không tùy thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ta vẫn thường nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!” Câu nầy cho thấy rằng niềm vui nội tâm, những gì bên trong chúng ta mới quan trọng, ngoại cảnh không thể chi phối được. Ngược lại dù ta có đi tìm vui ở đâu đi nữa mà trong lòng không bình an, thiếu niềm vui, thì buồn vẫn hoàn buồn. Chính vì vậy mà Thánh Kinh dạy: “Hãy vui mừng trong Chúa.” Vui mừng trong Chúa là đeo đuổi tìm kiếm niềm vui thiên thượng, không phải cái vui tạm bợ chống phai tàn của trần gian.

Tin Cậy

Cùng với thỏa lòng và vui lòng, Thánh Phao-lô cũng cho ta thấy một bí quyết nữa để sống ở đời. Đó là thái độ nương cậy và tùy thuộc hoàn toàn nơi Thiên Chúa là Đấng quan phòng. Ông viết:

Đừng lo lắng chi cả nhưng trong mọi việc hãy cầu nguyện nài xin và cảm tạ trong khi trình bày các nhu cầu của mình cho Thiên Chúa. Sự bình an của Thiên Chúa mà con người không thể nào hiểu thấu, sẽ bảo vệ trí óc và tâm khảm anh em khi anh em tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu (Thư Phi-líp 4:6-7)

Biến cố 30 tháng 4 đã đem lại cho mỗi người Việt những đổi thay to lớn. Nhìn lại những đổi thay nầy, chúng ta phải công nhận rằng có bàn tay của Đấng Chủ Tể, nếu không sự việc đã không thể nào xảy ra như điều mà chúng ta đã chứng kiến. Thánh Kinh dạy:

Thiên Chúa thay đổi thời kỳ, mùa tiết, Ngài phế lập các vua và lãnh tụ các nước (Sách Đa-niên 2:21)

Mọi sự việc xảy ra đều ở trong tay Thiên Chúa, nếu Ngài không cho phép, sự việc không thể xảy ra được. Cũng trong ơn thần hựu và quan phòng đó mà chúng ta còn sống đến ngày hôm nay. Chúng ta không thể tính toán và tài sức chúng ta không thể vượt lên trên quyền tuyệt đối của Thiên Chúa. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta buông tay thụ động nhưng chỉ có nghĩa chúng ta ý thức quyền năng của Đấng tối cao và thuận phục, tin cậy Ngài.

39 năm đã qua, nhìn lại 39 năm nầy Bạn thấy những gì? Thay đổi, mất mát, đau thương, uất hận? Nhưng nhìn vào một mặt khác, chúng ta cũng thấy những dịp tiện, những thành quả, những chân lý mới khám phá và nhất là một cái nhìn mới vào đời sống. Trong cái mốc thời gian đặt biệt nầy, ta cần dừng lại để nhìn về quá khứ nhưng cũng đồng thời đừng quên còn một đoạn đường dài trước mặt đang chờ đợi chúng ta. Để có thể tiếp tục đi, chúng ta cần có một mục đích rõ ràng cho đời sống. Và trên đường đời đó, ta cần có niềm vui, cần thỏa lòng và cần có nghị lực hay sức mạnh để tiến bước. Nói tóm lại, vấn đề vẫn là vấn đề tinh thần. Chính yếu tố tinh thần giúp ta vượt trên những gian khổ của đời sống và giúp ta đạt đến bến bờ yên lành. Niềm tin nơi Chúa Cứu Thế, Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc nhân loại chính là lý tưởng giúp ta mạnh tiến trên đường đời. Nếu những người đeo đuổi những lý tưởng sai lầm còn dám sống chết cho lý tưởng sai lầm của mình, còn chúng ta có lý tưởng đúng, tại sao không đeo đuổi cho đến cùng? Thánh Phao-lô đã đi trước và dạy cho chúng ta một bài học vô cùng quý giá. Ông nói:

Tôi vẫn đeo đuổi mục đích cao cả duy nhất: quay lưng lại với quá khứ và nhanh chân tiến bước vào tương lai. Tôi cố gắng chạy đến đích để giật giải, tức là sự sống thiên thượng. Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta hướng về trời qua con đường cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu (Thư Phi-líp 3:14)

Sự sống thiên thượng và sự cứu chuộc qua Chúa Giê-xu là hai điều mà mỗi chúng ta cần đeo đuổi, tìm kiếm vì chỉ trong những giá trị đó chúng ta mới có thể vượt qua được những gian nan của đời sống và tìm thấy ý nghĩa đích thực cho đời sống. Mời Bạn cùng chúng tôi bước đi trên con đường đó, Bạn sẽ không bao giờ thất vọng đâu.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành