Cha và Con Trai - Bài 2

Print

Chúng ta thường nghe các bà vợ than phiền là chồng mình chẳng bao giờ để lộ tình cảm. Ngoại trừ những lúc nóng giận, còn ngoài ra, vợ con ít khi nào biết các ông buồn hay vui; lo lắng, sợ hãi hay sung sướng, thỏa nguyện. Có những ông chồng chẳng bao giờ biểu lộ tình thương đối với người trong gia đình, dù là đối với vợ con, là những người gần với các ông hơn hết. Câu mà nhiều người con thường nói là: “Tôi biết cha tôi thương tôi nhưng ông không bao giờ nói với tôi lời yêu thương. Lúc nào ông cũng nghiêm nghị, lạnh lùng. Tôi cũng thương cha nhưng ít khi nào dám đến gần nói chuyện với cha.” Người thì nói: Tôi thương cha tôi lắm nhưng không dám nói ra vì không biết ông sẽ phản ứng như thế nào!” Tại sao với mẹ chúng ta cảm nhận được tình thương và sự gần gũi còn với cha hầu hết chúng ta đều sợ, không dám đến gần, dù biết là cha cũng thương mình? Lý do là vì người mẹ bày tỏ tình thương cách rõ ràng, tự nhiên, trong khi đó cha, đặc biệt là những người cha trong các thế hệ trước, ít khi nào có cử chỉ hay lời nói bày tỏ lòng thương yêu đối với vợ con.

Suốt bao nhiêu thế hệ qua, không những trong văn hóa của người Việt chúng ta mà trong nhiều văn hóa khác trên thế giới người ta thường quan niệm rằng làm cha thì phải nghiêm khắc, cứng rắn, khô khan, phải nghiêm nghị để con cái nể sợ và người trong gia đình kính trọng. Vì quan niệm đó mà các ông ít khi nào để lộ tình cảm hay cảm xúc của mình, ngoại trừ cảm xúc bực bội và giận dữ. Chính vì thế mà các ông thường xa cách với vợ con, không có mối quan hệ thân thương, gần gũi với người trong gia đình, là những người trông mong nhận được tình thương của các ông.

Khi nói về cảm xúc của các ông cha, Tiến sĩ Norman Wright viết: “Có thể nói, một trong những công tác quan trọng của người cha đối với con, cũng là công tác thường bị quên lãng, đó là giúp con nhận ra cảm xúc của mình và bày tỏ cho người chung quanh biết.” Thật ra, các ông cha lắm khi cũng không nhận ra cảm xúc của chính mình và cũng không biết biểu lộ những cảm xúc đó như thế nào. Nếu ông cha nào có thể giúp con trai nhận biết những cảm xúc của mình và biết cách bày tỏ những cảm xúc đó khi các em còn nhỏ là các ông đã cho con một món quà quý, vì nó sẽ giúp các em phát triển thành một người quân bình. Khi con trai bắt đầu biết nói, tức là vào khoảng hai ba tuổi, là lúc người cha cần ở gần, trò chuyện với con, chỉ cho con thấy những cảm xúc buồn, lo, sợ hãi có nghĩa là gì và con nên làm gì trước những cảm xúc đó. Đây là lúc chúng ta có thể giúp con hiểu những cảm xúc khác nhau và giúp con biết nên biểu lộ những cảm xúc đó thế nào cho thích hợp.

Chúng ta thường nghe cha mẹ, nhất là các ông cha bảo con trai phải làm ngơ hoặc bỏ qua những cảm xúc của mình. Khi các em té đau cha nói: “Con trai phải anh hùng, té như vậy có đau gì đâu!” Khi các em buồn và khóc, chúng ta bảo: “Con trai không có khóc, nước mắt là của đàn bà con gái, mình là đàn ông con trai không có khóc!” Khi chúng ta nói với các em những lời như thế là hàm ý rằng, đàn ông con trai không được có cảm xúc, có cảm xúc là ủy mị, yếu đuối. Làm con trai phải mạnh, phải can đảm, không sợ, không lo, không buồn. Vì sự dạy dỗ đó, hầu hết các em trai lớn lên không bày tỏ cảm xúc, cũng không biểu lộ tình cảm đối với người chung quanh. Khi có gia đình, các em trở thành những người chồng người cha không biết bày tỏ tình yêu thương trìu mến đối với vợ, không biết ôm ấp vỗ về con cái hay nói những lời yêu thương ngọt ngào với con.

Người con trai cần cha giúp các em đụng đến phần tình cảm của mình. Dù đã có mẹ chấp nhận và thông cảm với cảm xúc của các em nhưng các em cũng cần được cha chấp nhận cách rõ ràng, vì các em thường muốn giống cha, muốn làm những gì cha cho phép. Người cha có thể giúp con nhận biết cảm xúc của mình bằng cách chú ý lắng nghe khi con chia xẻ những chuyện buồn vui; nghe và thông cảm, chứ không nên nói: “Chuyện đó có gì đáng buồn đâu, trong đời con còn nhiều chuyện buồn hơn nữa.” Nhiều người khi thấy con khóc vì một chuyện nhỏ nhặt cha mẹ thường nói: “Khóc làm gì uổng nước mắt vậy, để dành nước mắt đó mai mốt khóc cha khóc mẹ!” Nếu cha mẹ nói với con trai những lời như thế các em sẽ hiểu rằng biểu lộ cảm xúc cách tự nhiên là điều không được chấp nhận; vì thế các em sẽ thu vào cái vỏ của mình, che giấu tất cả tình cảm cũng như cảm xúc và sống như những con người khô khan, không có tình cảm, không biểu lộ cảm xúc của mình mà cũng không thông cảm với cảm xúc của người chung quanh.

Khi đứa con trai buồn vì một chuyện gì , người cha có thể giúp con sống thật với chính mình bằng cách cho phép con buồn, không ngăn cản hay xem thường chuyện buồn của con. Người cha cũng cần nói cho con biết rằng cảm xúc buồn đó rồi sẽ hết, vì không ai giận, buồn hay lo sợ mãi mãi. Người cha cũng có thể nói với con: ba cũng có lúc buồn, có lúc sợ như vậy, nên ba hiểu, ba thông cảm với con. Thường thường các ông chỉ biểu lộ sự giận dữ, bực dọc hay bất bình nên con cái cảm thấy như đó là cảm xúc duy nhất cha mình có, và các em cũng chỉ quen biểu lộ những cảm xúc mạnh mẽ đó. Khi người cha nói cho con biết rằng mình cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc lo sợ, và từng hồi từng lúc biểu lộ những cảm xúc đó cách tự nhiên rõ ràng, sẽ giúp đứa con nhìn thấy cha mình là con người toàn diện, bình thường, có nhiều tình cảm chứ không phải chỉ là người nóng nảy giận dữ, hung tợn.

Một thanh niên nọ mô tả cha của anh như sau:

Cha tôi giống như một quyển sách mở ra cho mọi người đọc. Khi có cảm xúc gì trong lòng là ông bày tỏ ra ngay, vì thế anh em chúng tôi không phải đoán. Nếu ông đang buồn, lo, đang giận, sợ, hay đang vui vẻ, thích thú một điều gì, anh em chúng tôi biết ngay. Cách cha bày tỏ cảm xúc dạy chúng tôi rằng mình là con người bằng xương bằng thịt, dù nam hay nữ cũng có cảm xúc và được phép biểu lộ những cảm xúc đó mà không sợ người chung quanh cười chê.

Một người con trai khác nói về cha mình như sau:

Cha tôi thường biểu lộ cảm xúc qua hành động nhưng hơn thế nữa, ông nói ra cho chúng tôi biết. Khi cha tôi nổi giận, ông nói thật là ông đang giận nhưng ông không đổ lỗi cho người khác, ông không nói là vì chúng tôi mà ông nổi giận nhưng nhận rằng tính ông dễ giận. Tôi cũng nhiều lần thấy cha tôi khóc, chẳng hạn như khi bà nội tôi qua đời, khi mẹ tôi bất ngờ ngã bệnh. Cha tôi không che giấu cảm xúc của mình. Tôi thích nhất là khi nghe cha nói: Hôm nay ba vui quá, ba cảm thấy niềm vui của Chúa tràn đầy trong lòng, hoặc ông nói: Ba cảm ơn Chúa đã hướng dẫn ba cách đặc biệt trong công việc này. Ba tôi là người ít nói nhưng ông không ngại nói lên cảm xúc của mình. Tôi thấy gần gũi cha tôi làm sao. Tôi cảm tạ Chúa cho tôi có một người cha cởi mở như thế.

Một người con trai khác chia xẻ cảm nghĩ về cha như sau:

Cha tôi thường biểu lộ cảm xúc bằng nhiều cách khác nhau. Khi vui mặt ông hớn hở, rạng rỡ; khi buồn ông yên lặng không nói; khi có chuyện lo lắng ông lăng xăng làm chuyện này chuyện kia. Nhưng tôi không quên được khi ông nói với tôi: Con trai của ba, ba thương con lắm, Chúa đã ban phước cho ba cách đặc biệt từ khi con chào đời!

Quý vị có biểu lộ những tình cảm vui buồn của mình và nói với con cái những lời ngọt ngào yêu thương như thế không? Các con của quý vị, đặc biệt là những đứa con trai, đang mong chờ được nghe, được thấy tình thương của cha biểu lộ qua hành động và lời nói. Chúng ta hãy yêu như Chúa đã yêu chúng ta. Khi Đức Chúa Trời yêu con người Ngài đã bày tỏ tình yêu đó cách cụ thể, rõ ràng. Thánh Kinh dạy như sau:

Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống (I Giăng 4:9)

Chúng tôi chia xẻ những điều này để chúng ta thấy tình cảm của người chồng người cha trong gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ trên niềm vui của vợ con, đặc biệt là ảnh hưởng trên nếp sống tình cảm của con trai sau này. Ước mong rằng những điều chúng tôi trình bày sẽ giúp quý vị nhìn thấy vị trí quan trọng của mình trong cuộc đời con cái, đặc biệt là trong sự phát triển và trưởng thành của những đứa con trai mà Chúa đã ban cho quý vị (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành