Hôn Nhân Bền Lâu - Bài 15

Print

Mỗi năm chúng ta đều được mời dự nhiều đám cưới. Đám cưới là một dịp vui, chúng ta đến dự để mừng cho hai họ, chung vui với cô dâu chú rể và cũng để chứng kiến lời hứa nguyện hai người trao đổi cho nhau. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nếu kiểm điểm lại, chúng ta sẽ thấy gần đây một số những đôi vợ chồng chúng ta mới đi dự đám cưới ngày nào nay đã bỏ nhau. Không những thế, con số này ngày càng gia tăng. Bộ áo cưới của những đôi vợ chồng đó vẫn còn mới, cuộn video ngày cưới có lẽ chưa có dịp xem lại, những tấm hình chụp trong ngày cưới chưa có thì giờ sắp xếp vào sách, nhưng bây giờ họ đã đưa nhau ra tòa ly dị!

Trước thảm cảnh đó, chúng ta cần xét lại số thì giờ, tiền bạc và công sức chúng ta bỏ ra để chuẩn bị cho ngày cưới. Có lẽ chúng ta cần tập tổ chức lễ cưới đơn giản hơn để có thể chú trọng nhiều hơn vào việc giúp cô dâu chú rể chuẩn bị cho cuộc sống chung sau ngày cưới. Nhất là chuẩn bị về mặt tinh thần.

4. Vì những thay đổi trong môi trường sống

Có người không giữ lòng chung thủy với người phối ngẫu vì những thay đổi trong môi trường sống. Ngày trước, quan hệ giữa những người khác phái mà không phải là vợ chồng hay bà con ruột thịt thường bị người chung quanh dòm ngó và phê phán. Ngày nay, trong xã hội tự do, những quan hệ đó không còn là điều cho mọi người quan tâm nữa. Những người bạn khác phái trong sở, trong trường, trong cộng đồng được tự do tiếp xúc, liên lạc, giao du với nhau và có nhiều cơ hội đi riêng với nhau. Vì thế, những tình cảm không chính đáng có nhiều cơ hội nẩy nở.

Các bà vợ Việt Nam ngày xưa hầu hết ở trong nhà, lo việc nhà, ít khi nào quen biết những người đàn ông xa lạ, chẳng mấy ai có bạn trai. Ngày nay vì nhu cầu kinh tế, các bà phải đi làm nên có cơ hội tiếp xúc với những người đàn ông khác. Đây là điều mà nếu không cẩn thận, sẽ trở thành vô cùng nguy hiểm.

 

Có người không chung thủy với người bạn đời vì những thay đổi trong đời sống. Chẳng hạn như từ chỗ quá nghèo trở nên giàu, hay từ chỗ khổ cực trở nên sung sướng. Những điều đó khiến vợ chồng thay đổi mà quên đi tình yêu ban đầu. Có người vì những thành công hay thất bại trong đời sống mà bội lời giao ước.

Đời sống ở xứ người thật là bận rộn. Sáng ra cả vợ lẫn chồng đều đi làm, mỗi người đi một ngả, lo một công việc khác nhau. Trong nhiều gia đình vợ đi làm ban ngày, chồng đi làm ban đêm, không ai biết rõ công việc của ai. Nhiều khi chúng ta cũng không biết hết những người bạn của vợ hay chồng mình. Khi đi làm chúng ta được nhiều tự do: tự do về giờ giấc, tiền bạc, tự do trong cách giao du với bạn bè. Và khi tiếp xúc, làm việc chung với những người bạn khác phái hết ngày này sang ngày khác, tình bạn xã giao sẽ trở thành tình thân thương và trở thành tình yêu lúc nào chúng ta không hay.

5. Vì những cám dỗ trong đời sống

Đối với những người có một hôn nhân không hạnh phúc, sự tiếp xúc gần gũi với những người bạn khác phái sẽ dễ dàng trở thành những tình cảm đậm đà và nguy hiểm. Những người có ông chồng hay bà vợ quá khô khan, cộc cằn, thiếu tế nhị, không bao giờ biểu lộ tình yêu cách cụ thể, những người này khi gặp một người vui vẻ, tế nhị sẽ dễ có cảm tình với người đó. Nếu vợ chồng không trò chuyện với nhau, không chia xẻ tâm tình và không có sự gần gũi thông cảm, khi ra ngoài gặp một người khác phái săn đón thăm hỏi, chúng ta sẽ cảm động, sung sướng nên dễ mềm lòng và hướng tình cảm của mình về người đó.

Có một ông chồng nọ, yêu vợ thương con, chăm chỉ làm lụng để cung cấp những nhu cầu hằng ngày cho gia đình. Mỗi tháng ông đem tiền về giao hết cho vợ quản lý. Đời sống gia đình rất bình thản, vật chất đầy đủ, nhà cửa sang trọng, con cái muốn gì cũng có. Chỉ có một điều là vì quá bận rộn nên vợ chồng ít có dịp trò chuyện với nhau. Hơn nữa, bà vợ có tính hay than, than mệt, than thiếu, than khổ. Mỗi khi vợ chồng gặp nhau bà vợ hay càu nhàu chuyện này chuyện kia chứ ít khi nào hỏi thăm chồng hay lắng nghe chồng nói.

Trong khi đó ở sở người chồng thường làm việc chung với một số phụ nữ. Những người đàn bà này nhỏ nhẹ, vui vẻ và tế nhị. Đặc biệt có một thiếu phụ nọ làm chung với ông chồng khá lâu, hai người nói chuyện rất hợp. Lúc đầu chỉ nói chuyện công việc, những chuyện vu vơ trong sở. Dần dần hỏi thăm nhau về đời sống gia đình, con cái. Nhân một lần hai người cùng quên mang thức ăn nên rủ nhau đi ăn trưa. Bạn bè cùng sở đi ăn với nhau là chuyện thông thường và tự nhiên. Nhưng khi đi ăn trưa với nhau lần đầu đó, hai người đã có dịp chia xẻ tâm tình. Cả hai đều thấy lòng nhẹ nhàng khi có người lắng nghe tâm sự của mình, vì thế họ hẹn nhau đi ăn thường xuyên hơn để có dịp nói chuyện thêm.

Ngoài ra, trong sở thường tổ chức mừng sinh nhật của nhân viên chung mỗi tháng một lần nên mọi người đều biết sinh nhật của nhau. Chẳng lẽ biết sinh nhật của nhau mà không gởi thiệp. Vì thế, đến ngày sinh nhật hai người gởi thiệp cho nhau, với những lời chúc của tình bạn trong sáng. Rồi những dịp Tết và Giáng Sinh, chẳng lẽ không tặng nhau một món quà nhỏ, vì trong sở rất nhiều người tặng quà cho nhau. Ông chồng đàng hoàng kia cũng như người bạn gái đứng đắn nọ, cũng mua quà tặng cho nhau. Không ai nghĩ mình làm điều gì sai quấy. Nhưng càng ngày hai người càng gặp nhau thường xuyên hơn, trò chuyện với nhau nhiều hơn.

Dần dần họ thấy thích những giờ ở sở hơn là những giờ ở nhà với gia đình. Những dịp nghỉ lễ, những ngày cuối tuần họ thấy sao quá dài, chỉ mong đến thứ hai đi làm để được gặp nhau. Trong khi đó bà vợ trong gia đình kia vẫn tiếp tục phàn nàn, than van, đòi chồng mua cho mình cái này, sắm cho con cái kia. Người chồng trong gia đình nọ sau bữa cơm tối vẫn xem ti-vi, đọc báo. Cuối tuần vẫn đi câu cá hay họp mặt với những bạn bè cũ. Hạnh phúc của hai gia đình đã bắt đầu rạn nứt mà không ai hay biết.

Không bao lâu sau, hai người biết rằng mình đã vướng vào tình yêu, một tình yêu không chính đáng. Nhưng thay vì ăn năn, từ bỏ để tránh tội ngoại tình, tránh đổ vỡ cho gia đình, hai người lý luận rằng mình phải sống thật với chính mình. Họ tự biện minh rằng Chúa cũng không muốn họ phải khổ, hoặc cứ tiếp tục sống trong giả dối. Vì thế cuối cùng hai người quyết định bỏ vợ, bỏ chồng để lấy nhau.

Nguy hiểm của tội ngoại tình là ở chỗ nó không đến ồ ạt, cũng không báo trước nhưng đến cách nhẹ nhàng, êm ái. Thấm dần vào trong tâm tư ý tưởng, trong cả con người chúng ta. Một khi nó tràn đến, chúng ta khó có thể xua đuổi nó đi. Một khi đã vướng vào, rất khó gỡ.

Về những nguy hiểm của người phạm tội ngoại tình, tác giả sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước gởi đến chúng ta lời nhắn nhủ sau đây:

Há có người nào để lửa trong lòng mình mà áo người lại chẳng bị cháy sao? Há có ai đi trên than lửa hực mà chân mình lại chẳng bị phồng chăng? Kẻ nào đi tới cùng vợ người lân cận mình cũng vậy. Phàm ai đụng đến nàng ắt chẳng được khỏi bị phạt... Người nào phạm tội ngoại tình với người đàn bà, tất vô tâm vô trí. Ai làm như vậy khiến linh hồn mình bị hư mất. Người ấy sẽ bị thương tích và khinh bỉ, sự sỉ nhục người sẽ chẳng bôi mất đi (Châm Ngôn 6:27-33)

Mỗi cuộc hôn nhân tan vỡ đều có những hoàn cảnh, những lý do riêng của nó, nhưng tựu trung chỉ có hai lý do chính: (1) Vì chúng ta không giữ lời cam kết chung thủy với nhau. (2) Vì không quyết tâm vượt mọi khó khăn, gạt mọi cám dỗ để sống với nhau cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành