Chuyện Lứa Đôi - Bài 5

Print

Thói quen

Khi định lập gia đình với một người, bạn cũng cần để ý xem người đó có những thói quen gì. Thói quen của một người là điều rất khó thay đổi, vì thế ta thường phải sống với những thói quen đó suốt đời. Nếu người bạn yêu nghiện cần sa ma túy, thích hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, v.v... Bạn nên xét lại quyết định của mình vì đó là những thói hư tật xấu vô cùng tai hại. Nếu người đó thích la cà nơi hàng quán, lang thang ngoài đường phố, thích đi nhậu nhẹt với bạn bè, thích đi chơi khuya, mê xem ti-vi, thường đọc những sách báo không đứng đắn, xem những phim ảnh không lành mạnh... Những thói quen đó sẽ có ảnh hưởng tai hại trên hạnh phúc gia đình.

Nếu người bạn yêu thường tiêu xài tiền bạc cách phung phí, thích làm việc tùy hứng, bốc đồng, không có tinh thần kỷ luật, v.v... Đây cũng là những thói quen không tốt, cần được bàn thảo với nhau và sửa đổi trước khi hai người bước vào đời sống vợ chồng.

Đời sống gia đình là đời sống có trật tự và nhiều giới hạn. Người này phải nghĩ đến phúc lợi của người kia. Kinh Thánh dạy: Vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng là một mà thôi. Và: "Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình nhưng phải nghĩ đến lợi của kẻ khác nữa" (Phi-líp 2:4).

Nếu chúng ta đem vào đời sống vợ chồng những thói xấu của người độc thân, chúng ta sẽ gây khó khăn cho gia đình mới. Nhất là khi có con cái, chúng ta cần có đời sống quân bình và kỷ luật để làm gương cho con. Nếu người yêu của bạn có những thói xấu bạn không thể chấp nhận và người đó không chịu sửa đổi, có lẽ bạn cần phải suy nghĩ thật cẩn thận về quyết định lập gia đình với người đó.

Ngoài ra, người yêu của bạn cũng có thể có những thói quen tuy khác với bạn nhưng vô hại. Ví dụ người đó thích ngủ sớm và dậy sớm, còn bạn thích thức khuya và ngủ dậy trễ. Người đó có thói quen sau bữa ăn phải dọn dẹp ngay còn bạn thích từ từ nghỉ ngơi một lát rồi mới dọn dẹp, v.v... Trong trường hợp này, hai người nên nói chuyện với nhau để thông cảm nhau. Có những thói quen cần sửa đổi và cần nhiều kiên nhẫn để sửa đổi, nhưng cũng có những thói quen có thể chấp nhận được. Bạn cần cầu xin Chúa giúp bạn phân biệt những điều này và giúp bạn biết mình có thể chấp nhận điều nào và chấp nhận đến mức độ nào.

Cũng có khi người yêu của bạn có những thói quen tốt. Chẳng hạn như người đó có thói quen dậy sớm mỗi buổi sáng đọc Kinh Thánh, cầu nguyện. Thích tập thể dục, ăn uống điều độ, thích sưu tầm sách báo để học hỏi v.v... Trong trường hợp này, bạn nên để ý, khen ngợi và bắt chước.

 

Ngoài ra, có những điều nhỏ nhặt khác bạn cần để ý để biết rõ người mình yêu. Ví dụ, nếu người đó sẵn sàng thay đổi chương trình đã định để đưa bạn đi chơi, sẵn sàng bỏ giờ học, giờ làm việc hay sẵn sàng thất hứa với người khác để chiều ý bạn thì bạn phải cẩn thận. Đó có thể là người không có kỷ luật và không biết sắp đặt thứ tự ưu tiên trong đời sống.

Những người như thế thường không biết lãnh đạo gia đình hay sắp đặt công việc trong gia đình. Đó cũng có thể là người không đáng tin cậy lắm. Vì nếu bây giờ người đó có thể thất hứa với người khác để chiều bạn thì một ngày kia cũng có thể thất hứa với bạn để chiều theo ý của người khác.

Quan niệm và triết lý sống

Tính tình là điều quan trọng nhưng quan niệm sống hay triết lý sống của một người cũng quan trọng không kém. Để biết điều này, bạn cần chia xẻ với người yêu về những vấn đề thực tế trong đời sống hằng ngày. Chẳng hạn như chia xẻ về sở thích, cách suy nghĩ và cách làm việc của mỗi người. Nếu người yêu của bạn có tính tự lập, không thích nhờ vả người khác, đó thường là người có tinh thần trách nhiệm và tinh thần tự trọng. Nếu là người siêng năng làm việc và hăng hái giúp đỡ người chung quanh, đó là người sẽ chia xẻ với bạn gánh nặng trong gia đình chứ không lười biếng, chờ bạn phục vụ.

Nếu người bạn yêu là người kính sợ Chúa và có quan niệm sống cao đẹp, đó sẽ là người chồng tốt, người vợ hiền. Nếu là người có tình thương đối với người chung quanh, sẵn sàng phục vụ và giúp đỡ người khác, không bắt nạt người cô thế và không lợi dụng tình yêu của bạn, đó là người sẽ sống với bạn trong tình thương yêu chân thật, sẽ chăm sóc và bảo vệ bạn vì là người biết nghĩ đến phúc lợi của người khác.

Nếu người yêu không giữ lời hứa với bạn nhưng không cảm thấy áy náy, khó chịu hoặc thường nói với bạn những điều không thật, bạn hãy cẩn thận, vì đó có thể là người không tốt, không đáng cho bạn tin cậy. Có thể người đó không yêu bạn thật lòng và biết đâu sẽ lừa dối bạn hoặc phản bội tình yêu của bạn sau này. Nếu người bạn yêu đặt Chúa lên trên hết trong đời sống, không xem trọng đồng tiền, nhưng trái lại, xem nhu cầu tâm linh quan trọng hơn vật chất, đó là người bạn đáng yêu, đáng quý.

Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu xem người yêu của mình có tinh thần trọng nam khinh nữ hay theo chủ trương nam nữ bình quyền. Những quan niệm hay triết lý sống này cũng rất quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng đến cách người đó cư xử với bạn sau này. Nếu đó là người quen sống trong khung cảnh chồng chúa vợ tôi của gia đình cha mẹ, hai người nên nói chuyện với nhau và nên đồng ý với nhau rằng sẽ lấy tiêu chuẩn Chúa dạy trong Kinh Thánh làm căn bản cho gia đình mình.

Cách cư xử với người thân trong gia đình

Cách người yêu của bạn đối xử với người thân trong gia đình cũng là điều bạn cần để ý. Nếu người bạn yêu không tử tế với anh chị em trong gia đình, sẵn sàng làm tổn thương người thân để chiều bạn thì sau này người đó có thể cũng sẽ làm tổn thương bạn để chiều người khác.

Nếu người đó đối xử keo kiệt với anh em chị em của mình, cũng sẽ keo kiệt với bạn. Nếu đó là người không có lòng nhân, không tha thứ lỗi lầm của người trong gia đình, cũng sẽ đối xử với bạn như thế trong đời sống vợ chồng. Nếu người đó hay chỉ trích và nói xấu cha mẹ hay anh chị em của mình, đó là người thiếu lòng bao dung, cũng sẽ cư xử hẹp hòi và cay nghiệt với bạn sau này.

Nếu người bạn trai của bạn cộc cằn với em út, vô lễ với cha mẹ, người đó có thể sẽ là một ông chồng vũ phu. Nếu người đó không yêu thương, kính nể cha mẹ và không tôn trọng ý kiến của cha mẹ; sau này, trong đời sống vợ chồng, người đó có lẽ sẽ đối xử với bạn tương tự như vậy. Nếu người đó chỉ chiều bạn và chăm sóc bạn mà không sẵn sàng giúp đỡ anh em chị em của mình, có thể đó không thật sự là người tốt.

Có một chàng trai kia tặng cho người yêu một món quà thật đắt tiền và nói như vầy, để lấy lòng người yêu: "Em biết không, yêu em nhiều lắm anh mới tặng em món quà này. Từ trước đến giờ anh chưa tặng quà cho ai cả, ngay cả mẹ anh, anh cũng chưa bao giờ tặng một món quà nào." Cô gái về kể cho mẹ nghe, bà mẹ của cô nói: "Con ơi, nếu đối với mẹ nó mà nó tệ như vậy thì nó không phải là một người tốt đâu con!" Sau đó một thời gian, cô con gái mới thấy làø mẹ nói đúng.

Nếu người yêu của bạn có mối quan hệ quá chặt chẽ với cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình, bạn cũng phải lưu ý. Người đó có lẽ sẽ không thể lìa cha mẹ và anh chị em trong gia đình để kết hợp làm một với bạn trong đời sống vợ chồng như Lời Chúa dạy.

Có hai bạn trẻ kia, quen nhau được khoảng ba tháng thì tình bạn trở thành tình yêu. Chàng trai là người tin Chúa nên cố gắng đưa cô bạn gái đi nhà thờ để giới thiệu Chúa cho nàng. Sau một thời gian ngắn, không hiểu vì sao, cô gái bằng lòng tin Chúa. Và chỉ khoảng ba tháng sau hai người quyết định làm đám cưới. Từ ngày quen nhau đến ngày cưới chỉ vừa tròn một năm. Hai người chưa thật sự biết nhau và biết rất ít về gia đình của nhau.

Sau đám cưới một thời gian ngắn, cả hai đều vỡ mộng và thất vọng. Chàng thấy người vợ của mình còn ràng buộc quá nhiều với gia đình cha mẹ. Lúc nào cũng đòi về thăm cha mẹ, có chuyện gì cũng nói với cha mẹ. Còn nàng thì thất vọng khi thấy người chồng của mình vừa thiếu kém sức khoẻ vừa không có công ăn việc làm vững chắc.

Từ chỗ thất vọng đi đến chỗ chán nhau không xa. Chỉ khoảng hai năm sau, đôi vợ chồng trẻ đã nghĩ đến hai chữ ly dị! Đây thật là một trường hợp đáng tiếc, chỉ vì cả hai bên đã quá vội vàng, không tìm hiểu nhau đến nơi đến chốn trước khi quyết định lấy nhau (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành