Mẹ Chồng và Nàng Dâu - Bài 5

Print

Hôm nay chúng tôi xin trình bày thêm về những tâm lý phức tạp trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, với ước mong hai thế hệ này sẽ hiểu nhau, xích lại gần nhau hầu giúp cho mối quan hệ giữa đôi bên được nhẹ nhàng, tốt đẹp. Thưa quý vị, cuộc đời chúng ta tính từ ngày chào đời đến ngày từ giã cuộc đời thật chẳng được bao nhiêu năm. Rồi khi bước vào hôn nhân, khoảng thời gian vợ chồng sống bên nhau còn ngắn hơn nữa, nhưng ngắn ngủi hơn hết là những ngày chúng ta sống với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, vì khi chúng ta biết các cụ thì hầu hết các cụ đã đi qua hơn nửa cuộc đời. Vì thế, là thế hệ con cháu chúng ta cần sống và cư xử thế nào để những năm tháng cuối của cuộc đời các cụ được nhẹ nhàng vui thỏa.

Trở lại với vấn đề mẹ chồng nàng dâu, một người vợ trẻ nọ tâm sự với bạn như sau:

Vợ chồng em sống với nhau đã được năm năm. Chúng em yêu nhau và rất là hạnh phúc, nhưng có một điều làm em buồn là mẹ chồng em cứ xem chồng em như đứa con nhỏ của bà ngày nào. Anh ấy năm nay ba mươi hai tuổi, tự lo tự lập đã sáu bảy năm nay, nhưng đối với mẹ, anh ấy chỉ là đứa con nít. Ngày nào bà cũng gọi điện thoại đến nhắc nhớ ăn cái này, uống cái kia để giữ gìn sức khỏe; nhớ đổ xăng trong xe, nhớ mặc áo ấm cho khỏi bị cảm, nhớ đi nha sĩ, bác sĩ, v.v... Thỉnh thoảng bà hỏi anh có cần tiền không thì bà cho, và dù anh nói là không cần, bà cũng bỏ tiền vào túi lì-xì màu đỏ, đưa cho anh giống như cho quà mấy đứa bé con. Nói tóm lại, bà cụ hầu như không muốn chấp nhận cái thực tế là con trai của bà bây giờ đã có vợ và bà không còn phải chăm sóc những chuyện nhỏ nhặt như vậy nữa.

Nếu mẹ chồng em chỉ chăm sóc chồng em như thế thì em cũng không phiền bao nhiêu, nhưng bà lại có vẻ ganh tị với em. Khi em nấu một món gì đặc biệt, bà nói, "Tôi nấu món này ngon hơn nhiều," và bà mua đồ về nấu ngay để cho thấy là bà nấu ngon hơn. Khi em mua sắm cái gì cho chồng thì bà nói: "Cô không biết ý nó đâu, tôi là mẹ nó tôi mới biết", hoặc nói: "Tôi đẻ nó ra, nuôi từ nhỏ tới giờ nên tôi biết, cô làm sao biết ý nó được!" Không những thế, bà còn nói hay làm những điều để vợ chồng em hiểu lầm nhau, gây gổ với nhau. Em muốn sống hài hòa với bà mà hình như bà không muốn. Nhưng điều làm em buồn hơn hết là chồng em không thấy những điều này là không bình thường. Anh nói mẹ anh không có làm gì quá đáng cả, chỉ vì em không thương, không hiểu bà nên khó chịu với bà thôi!

Nghe tâm sự của cô vợ trẻ vừa rồi, có lẽ nhiều người hiểu và thông cảm ngay, vì quý vị đã từng hoặc đang ở trong hoàn cảnh tương tự như thế. Như chúng tôi chia xẻ trước đây, con cái là cơ nghiệp Đức Chúa Trời ban cho cha mẹ nhưng con cái không thuộc quyền sở hữu của cha mẹ dù cha mẹ thương con bao nhiêu và hy sinh cho con nhiều đến chừng nào. Con cái, cũng như mọi điều chúng ta có trong đời này, là thuộc quyền sở hữu của Chúa, chúng ta chỉ là người quản lý. Trách nhiệm của chúng ta là chăm sóc, gìn giữ và làm ích lợi cho Chúa. Đối với những đứa con Chúa ban, chúng ta có trách nhiệm yêu thương, nuôi nấng và dạy dỗ cho nên người. Khi con đã trưởng thành, chúng ta phải để con lìa khỏi cha mẹ để làm công việc Chúa giao, sống cuộc đời Chúa đã định và trở nên người hữu dụng cho Ngài.

Dù mẹ là người đầu tiên bước vào cuộc đời con, người đầu tiên có mối quan hệ mật thiết với con, bà mẹ cũng chỉ như là một thành viên trong toán chạy tiếp sức, khi đến đúng thời điểm thì phải trao cây "ba-ton" cho con để con chạy tiếp quãng đường còn lại. Gia đình là nơi duy nhất giúp cho sự chuyển tiếp này được thực hiện cách tốt đẹp. Trách nhiệm của người mẹ là chuẩn bị và giúp đỡ thế nào để những đứa con trai lớn lên sẽ hướng về cha và muốn giống cha thay vì hướng về mẹ và gắn liền với mẹ. Đây là một tiến trình mà kết quả phải là đứa con trai sẽ gần với cha hơn là gần với mẹ, giống cha thay vì giống mẹ. Các bà đừng sợ là con sẽ gần với cha và lìa xa mình. Dù thân với cha hay hợp với cha, đứa con trai không bao giờ vì cha mà cắt đứt mối quan hệ với mẹ, người cha chỉ là một yếu tố thêm vào chứ không thay thế mẹ. Tuy nhiên sẽ đến một thời điểm trong cuộc đời người con trai mà mối quan hệ với mẹ sẽ lu mờ dần, đó là lúc người con dần dần hướng tình cảm của mình về một người đàn bà khác. Người con vẫn thương mẹ nhưng mẹ không còn là người đáp ứng nhu cầu cho mình nữa. Đây là lúc người con trai có vợ và bà mẹ có con dâu, cũng là lúc đời sống dễ có nan đề vì sự níu kéo, tranh giành tình cảm giữa hai người đàn bà có chỗ đứng quan trọng trong đời sống người con trai.

Để thấy rõ ảnh hưởng của người mẹ trên con trai, mời quý vị cùng nhìn vào đời sống của một gia đình trong Kinh Thánh. Đặc điểm của gia đình này làø cha nhu nhược, mẹ nắm quyền; cha mẹ thương con không đồng đều và mẹ quá gần với con trai. Tất cả những điều đó đã đem lại chia rẽ và đau khổ cho mọi người trong gia đình. Đó là gia đình của Y-sác và Rê-bê-ca. Câu chuyện này được ghi trong sách Sáng thế ký, từ chương 25-27. Qua phần Thánh Kinh này, chúng ta biết về gia đình ông Y-sác như sau:

Đến năm sáu mươi tuổi ông Y-sác mới có con. Vợ chồng ông có hai đứa con trai sinh đôi, nhưng mỗi đứa một tính khác nhau. Ê-sau thì thích săn bắn nên hay vắng nhà, và biết nấu thịt rừng nên được cha thương, vì Y-sác thích ăn thịt rừng. Gia-cốp thì tính hiền lành, chỉ quanh quẩn ở nhà với mẹ nên được mẹ thương. Ông Y-sác hiền lành, nhu nhược nên bị vợ lấn lướt. Khi Y-sác đã già, mắt đã làng, bà Rê-be-ca là người quyết định tất cả mọi việc. Y-sác là con của Áp-ra-ham, người được Đức Chúa Trời chọn. Theo truyền thống trong gia đình, khi người cha sắp qua đời thì nhân danh Chúa, chúc phước cho con. Ông Y-sác muốn chúc phước cho con lớn là Ê-sau, là đứa ông thương, nhưng bà Rê-be-ca thì muốn Gia-cốp, con cưng của bà được cha chúc phước. Một hôm bà Rê-be-ca nghe chồng bảo Ê-sau vào rừng săn bắn, đem về nấu cho ông ăn rồi ông chúc phước cho. Khi Ê-sau đi rồi, bà bảo Gia-cốp bắt hai con dê làm thịt, chính bà nấu một món đặc biệt rồi bảo Gia-cốp giả làm anh, đem vào cho cha ăn để cha chúc phước. Gia-cốp nghe mưu tính của mẹ thì sợ, không dám làm theo, nhưng bà Rê-be-ca bảo con cứ vâng lời bà, và bảo đảm rằng nếu có điều gì không hay bà sẽ chịu hết. Cuối cùng, Gia-cốp đã vâng theo lời mẹ để lừa dối cha, gạt anh và cướp phước lành của anh.

Qua câu chuyện này chúng ta thấy bà mẹ của Gia-cốp là người có nhiều tham vọng lớn lao cho con trai của bà, và để đạt được những điều đó, bà đã không ngại bảo con làm điều gian dối, lừa gạt đứa con trai lớn và lừa dối người chồng mù lòa sắp chết. Lỗi lầm của bà Rê-be-ca là bà xem tình mẹ con nặng hơn tình vợ chồng. Bà điều khiển mọi người trong gia đình. Bà không còn tình thương đối với chồng, không vâng phục chồng, ép buộc con làm theo mưu tính gian dối của bà để đạt được điều bà mong ước. Bà không làm gương cho con. Kết quả là Ê-sau đau khổ vì bị em lường gạt, cướp phước lành của cha; hai anh em trở thành nghịch thù nhau. Vì sợ anh giết, Gia-cốp phải bỏ nhà đi trốn, bà Rê-be-ca còn lại, sống một mình và chết trong cô đơn. Đây là hình ảnh của người đàn bà cứng rắn, điều khiển chồng con. Những người như thế thường nắm quyền trên con, có nhiều ước vọng cho con và buộc con làm theo ý mình để đạt được những ước vọng đó, và vì thế thường tạo ra những đứa con trai yếu đuối, nhu nhược. Ngoài mẫu mực bà mẹ cứng rắn, không vâng phục chồng, những bà mẹ khác cũng có thể tạo nên những đứa con trai không trưởng thành và không quân bình trong đời sống tình cảm. Xin Chúa giúp chúng ta nhìn lại chính mình và cách chúng ta cư xử với chồng con hầu thấy khuyết điểm của mình và nhờ Chúa sửa đổi, để không vô tình để lại ảnh hưởng không tốt trên con cái, nhất là trên những đứa con trai yêu quý của chúng ta.

Những bà mẹ quá cưng con trai, lo cho con quá nhiều, quá đáng cũng tạo nên những đứa con không trưởng thành. Có những bà mẹ làm việc vất vả để có tiền sắm cho con tất cả những gì con đòi hỏi mà không dám chi dùng một đồng nào cho mình. Bất cứ điều gì con muốn là làm ngay, từ nấu ăn đến may vá, giặt giũ quần áo, kể cả những việc con có thể tự làm được. Những người chăm sóc con quá đáng như thế thường tạo ra những đứa con không có tinh thần trách nhiệm. Những đứa con trai đó lớn lên sẽ nghĩ rằng người nào thương mình thì phải phục vụ mình. Khi có vợ người đó sẽ không biết giúp vợ nhưng nghĩ rằng nếu vợ thương mình thì phải phục vụ mình như mẹ đã lo cho mình ngày trước. Những bà mẹ chăm sóc con quá đáng không cho con cơ hội học hỏi, thực tập để tự lo tự lập. Thay vì chỉ cho con cách làm một công việc gì đó, để khi không có mẹ bên cạnh con có thể làm được, những bà mẹ này thường làm hết cho con và cảm thấy sung sướng khi con cần đến mình. Kết quả là những người con trai này dù 40, 50 tuổi vẫn còn gắn liền với mẹ và cần mẹ giúp trong mọi việc. Họ trở thành những người đàn ông thiếu tự tin, không có nghị lực để đối phó với những khó khăn trong đời sống. Khi có vợ, họ thường là những người chồng khó tính, bắt nạt và ngược đãi vợ. Những bà mẹ xem con trai là niềm vui và lẽ sống của mình thường trông mong con đáp lại những gì mình đã làm cho con, vì thế khi thấy con chiều chuộng chăm sóc vợ, các bà sẽ dễ buồn giận, không chấp nhận vì cho rằng con đã phản bội mình. Trong khi đó mạng lệnh Chúa dành cho các ông chồng là: phải yêu vợ như chính thân mình, yêu vợ và hy sinh cho vợ như Chúa đã yêu và hy sinh cho hội thánh của Ngài.

Cầu xin Chúa giúp chúng ta tránh lỗi lầm của những bà mẹ này và nuôi dạy, chăm sóc con cách quân bình, để không tạo nên những đứa con hèn yếu, không trưởng thành và là gánh nặng cho người khác.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành