Mẹ Chồng và Nàng Dâu - Bài 11

Print

Để hiểu tại sao các bậc cha mẹ, nhất là các bà mẹ, khó chấp nhận con trai xa lìa mình để xây dựng gia đình mới, chúng ta hãy nhìn vào mối dây ràng buộc giữa mẹ và con trai. Nếu quan sát trong các gia đình, chúng ta sẽ thấy bà mẹ thường hay trò chuyện, làm việc chung với con gái và có vẻ gần với con gái hơn con trai vì mẹ con có nhiều điểm chung, có những sở thích và nhu cầu giống nhau. Tuy nhiên, nói về sự sâu đậm của tình mẫu tử thì hầu hết các bà thương con trai hơn con gái và có khuynh hướng muốn nắm giữ con trai hơn. Trước hết vì các bà nghĩ rằng con trai mới thật là con của mình, sau này khi già yếu cô đơn, mình sẽ nhờ con trai hơn là con gái. Hơn nữa, nhiều người quan niệm rằng con trai mới là người có trách nhiệm đối với cha mẹ, còn con gái phải lo cho chồng và gia đình chồng. Khi sống chung với con trai các bà cũng không ngại vì nghĩ nhà của con cũng như nhà mình. Vì những suy nghĩ đó, các bà mẹ thường khó chấp nhận con trai lìa khỏi gia đình để tự lập.

Có một bà mẹ kia, sau khi con trai cưới vợ và ra riêng, bà cứ liên lạc, thăm hỏi mỗi ngày. Một người bạn thấy vậy nói: "Con trai bà đã có vợ rồi, sao bà còn chăm sóc hoài vậy?" Bà trả lời: "Tại sao khi con tôi có vợ, tôi không được lo cho nó nữa? Là mẹ mà không lo cho con sao được! Dù bao nhiêu tuổi nó vẫn là con của tôi và dù nó có vợ, tôi vẫn là mẹ nó, không ai có thể cấm tôi chăm sóc con tôi!" Lý luận của bà mẹ này nói lên tâm trạng của rất nhiều các bà mẹ có con trai mới lập gia đình. Thường các bà không muốn con rời xa mình, nhất là nếu người mẹ không có một hôn nhân hạnh phúc, bị chồng phụ bạc hay chồng chết sớm, hoặc những bà mẹ có ít con. Đặc biệt là những bà chỉ có một đứa con trai duy nhất, khi con lớn các bà thường lo sợ ngày phải xa con, và không muốn lìa xa con.

Một người con dâu nọ than với bạn như sau: "Mẹ chồng tôi xen vào đời sống gia đình tôi nhiều quá. Lúc chúng tôi mới cưới, bà cho phép hai vợ chồng dọn ra riêng, mọi người thấy vậy bảo là tôi may mắn và khen bà là thức thời, thông cảm với thế hệ trẻ. Nhưng không ai biết là bà gọi điện thoại cho chồng tôi mỗi ngày, hỏi hôm nay đi đâu, làm gì, bữa nay vợ nấu món gì? Khi gọi đến bà chỉ muốn nói chuyện với chồng tôi mà cũng không bao giờ hỏi đến tôi. Mỗi tuần bà nấu thức ăn mang đến hai ba lần. Bà nấu những món chồng tôi thích, nói rằng bà biết anh ấy nhớ những món này vì tôi không nấu được. Mấy năm sau, vợ chồng chúng tôi mua nhà, bà đến xem xét, phê bình điều này điều nọ, không hề có một lời khen. Khoảng một tuần sau bà trở lại, mang theo khăn bàn, tranh ảnh, bình hoa, màn cửa, nói là để giúp chúng tôi trang hoàng nhà mới. Tôi rất biết ơn về lòng quan tâm của mẹ chồng đối với gia đình chúng tôi nhưng điều khó là, những gì bà chọn để trang hoàng nhà mới của chúng tôi hợp với sở thích của bà và ý bà chứ không đúng với điều tôi muốn. Bà cũng không hỏi xem tôi thích màu gì, có thích những gì bà chọn hay bà trang hoàng như thế có được không? Không, bà cụ tự ý trang hoàng sắp xếp mọi thứ, làm như bà là người chủ căn nhà. Chúng tôi có hai đứa con, bà cụ rất thương cháu và thích đến chơi với cháu, nhưng mỗi khi đến, bà chiều hai đứa bé quá đáng, những gì chúng tôi nói không được thì bà nói là được và bà hầu như dạy các cháu ngược lại những gì chúng tôi đã dạy. Tôi buồn quá mà không biết làm sao, nếu nói thì bà sẽ giận, và khi bà giận thì tôi là người khổ hơn hết.

Quý vị nghĩ gì về nan đề của gia đình này? Thật ra, chúng ta phải nhận rằng, dù bà mẹ kia thương con và có ý tốt là muốn giúp con, bà đã đi quá giới hạn của mình. Như chúng tôi chia xẻ trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, bước đầu tiên để có một hôn nhân hạnh phúc là: "Người nam phải lìa cha mẹ." Để gia đình của đôi vợ chồng mới thật sự là một đơn vị gia đình mới, người chồng mới, cũng như người vợ mới, phải độc lập đối với gia đình cha mẹ. Đây không phải là lời khuyên của một vĩ nhân hay bậc thánh hiền nào nhưng là mạng lệnh của Đức Chúa Trời, Đấng đã thiết lập hôn nhân. Không những đôi vợ chồng mới phải lìa cha mẹ để bắt đầu đời sống riêng nhưng cha mẹ, nhất là bà mẹ cần phải vui vẻ cho phép con và khuyến khích con tách rời khỏi mình để tự lập. Đây là điều khó cho nhiều bậc cha mẹ nhưng rất cần thiết cho đôi vợ chồng mới và đúng theo mạng lệnh của Chúa. Nếu một bà mẹ, dù gần con đến đâu, nhưng khi con có vợ, bằng lòng bước lui, nhường vị trí gần gũi nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời con cho người con dâu, nếu bà mẹ làm được như thế, đó là người thật sự thương con. Tình thương thường đi kèm với hy sinh, hy sinh cho phúc lợi của người mình thương. Khi hy sinh cho con như thế, chúng ta không mất tình thương của con nhưng con sẽ biết ơn và sẽ thương cha mẹ nhiều hơn. Lời Chúa dạy rằng: "Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh," "cho thì có phúc hơn là nhận" (Công vụ 20:35). Khi chúng ta sẵn sàng hy sinh và ban cho, chúng ta sẽ được lại bội phần hơn.

Trong quyển Người Đàn Bà Thứ Hai Trong Hôn Nhân của Bạn, tiến sĩ Norman Wright cho biết, để việc con lìa cha mẹ được nhẹ nhàng, tốt đẹp, khi con đã trưởng thành, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cần thay đổi theo ba nguyên tắc sau: (1) Thay đổi từ vai trò bậc thầy khuyên dạy, chỉ bảo đến chỗ sẵn sàng học hỏi nơi con. (2) Thay đổi từ vai trò nắm quyền sang vai trò người hướng dẫn và cố vấn. (3) Thay đổi từ chỗ khuyên dạy con đến chỗ trao đổi ý kiến với con.

Nguyên tắc 1: Thay đổi từ vai trò khuyên dạy chỉ bảo đến chỗ sẵn sàng học hỏi nơi con

Nguyên tắc đầu tiên chúng ta cần áp dụng để khi con rời gia đình, cha mẹ không quá đau buồn là, cha mẹ chuyển từ vai trò bậc thầy của con, người dạy dỗ con sang vai trò làm người sẵn sàng học hỏi nơi con. Khi con cái chúng ta khôn lớn các em thu thập nhiều điều mới lạ ở trường, trong sách vở, qua các phương tiện truyền thông, kỹ thuật hiện đại, cũng như khi giao tiếp với người chung quanh. Các em rất muốn chia xẻ những điều mới lạ đó với cha mẹ. Có những điều con thu thập chúng ta thích, có điều chúng ta sẽ không thích; có những điều con nói chúng ta chấp nhận được, có những điều chúng ta sẽ thấy khó chấp nhận. Nhưng, để có mối quan hệ tốt đẹp với những đứa con đã trưởng thành, cha mẹ cần mở rộng cái nhìn của mình về đời sống và thế giới chung quanh, sẵn sàng học hỏi nơi con những điều mới lạ. Nếu cha mẹ cứ khư khư với quan niệm "trứng không thể khôn hơn vịt", và cho rằng con cái không thể nào hiểu biết hơn cha mẹ, là chúng ta đẩy con xa cha mẹ và sẽ đau buồn khi thấy con có thể tự lo tự lập, tự quyết định, chứ không vâng theo ý của cha mẹ nữa.

Các bậc cha mẹ thường có niềm hãnh diện riêng của mình, và ít ai muốn nhận rằng ý của con hay hơn, đề nghị của con tốt hơn. Rất khó cho cha mẹ chấp nhận rằng những điều mình vẫn suy nghĩ và vẫn làm từ trước đến nay không còn đúng nữa và cần được sửa đổi. Không ai muốn người khác chỉ ra chỗ sai của mình, nhất là khi người chỉ ra là những đứa con mà chúng ta sinh ra. Tuy nhiên, khi cha mẹ bằng lòng hạ mình, học hỏi những điều hay, điều mới lạ nơi con, chứng tỏ cha mẹ là người trưởng thành, có đầu óc cầu tiến, không hẹp hòi, bảo thủ. Và đây là bước giúp cho giữa cha mẹ và những người con trưởng thành có mối quan hệ tốt đẹp. Khi cha mẹ thành thật nói với con rằng điều con nói là hay, là tốt, là điều cha mẹ chưa bao giờ biết, là chúng ta cho con thấy rằng chúng ta là người cởi mở, thức thời, sẵn sàng thay đổi khi cần thay đổi. Có thể nói, sự kiện thế hệ lớn tuổi không chấp nhận những hiểu biết và ý kiến mới lạ của thế hệ trẻ tuổi là một trong những nguyên nhân khiến đất nước chúng ta chậm tiến.

Ông Norman Wright cho biết, để khi con trai từ giã gia đình để tự lập người mẹ sẽ không quá đau buồn, người mẹ không nên có mối quan hệ quá gần với con và tùy thuộc nơi con quá nhiều về mặt tình cảm. Khi con bắt đầu là một cậu bé con, người mẹ nên trao trách nhiệm gần con và dạy con cho người cha. Đây cũng là điều sẽ có ảnh hưởng tốt cho đứa con sau này. Không những không quá gần với con trai, người mẹ cũng cần để cho con phát triển tự nhiên, theo tâm tính và khả năng Chúa ban cho, đừng ép con theo khuôn mẫu mình muốn hay trông mong con làm trọn ước mơ của mình. Nếu người mẹ ép con theo ý mình, làm trọn giấc mơ của mình, hoặc ràng buộc con quá nhiều, đứa con sẽ là trở thành nhu nhược hoặc sẽ phản loạn và tìm cách tách rời khỏi mẹ sớm. Quan hệ cha mẹ và con cái là một kinh nghiệm đặc biệt cho chúng ta học hỏi nhưng cũng là một thách thức chúng ta phải đối diện. Khi đứa con trai còn nhỏ, cha mẹ là thẩm quyền con phải vâng theo, và là người kiểm soát mọi việc cho con. Nhưng theo với thời gian và sự khôn lớn của con, cha mẹ cần giảm bớt dần thẩm quyền và sự kiểm soát của mình, mỗi khi một ít, và cuối cùng, khi con khôn lớn, chúng ta chuyển thẩm quyền cho con, để con có thể tự lo tự lập. Mục tiêu của người làm cha mẹ là hướng dẫn và nuôi dạy con thế nào để khi khôn lớn con sẽ trưởng thành, tự lập, không tùy thuộc cha mẹ nữa. Có người đã nói, nuôi con cũng giống như thả diều, khi diều cần bay cao mà chúng ta giữ lại, không nới dây cho diều bay cao, nó sẽ bứt đứt dây mà bay mất đi hoặc là rơi xuống đất một cách thảm thương.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành