Mẹ Chồng và Nàng Dâu - Bài 8

Print

Anh Tiến năm nay đã hơn bốn mươi tuổi. Anh lập gia đình đã lâu nhưng mẹ anh lúc nào cũng muốn cầm quyền trên anh. Mẹ anh thương con nhưng bà rất khó với con và hay la mắng con. Bất cứ làm việc gì và dù cố gắng bao nhiêu, anh Tiến cũng không thể làm cho mẹ vui lòng. Lớn lên trong sự nghiêm khắc của mẹ, anh cũng trở thành khó khăn với chính mình. Bây giờ, dù làm được việc tốt, hay thành công, anh cũng không bằng lòng với chính mình. Riêng đối với mẹ, mỗi khi bà cụ buồn hay đau ốm, anh cảm thấy trách nhiệm đó đè nặng trên anh, mà bà cụ lại hay than với anh. Bà sống với hai người con gái tại một tiểu bang khá xa. Mỗi lần đến tết bà gọi điện thoại cho biết bà sẽ đến thăm và ở lại ăn tết với gia đình anh. Bà thường chọn ngày rồi báo cho biết bà sẽ đến ngày nào, lúc mấy giờ để anh ra phi trường đón. Điều đặc biệt là bà thích đến vào giữa tuần, trong giờ làm việc, và dù biết con phải đi làm, bà nói thẳng rằng bà chỉ muốn anh đón chứ không muốn vợ anh đón bà.

Khi mẹ gọi báo tin sẽ đến chơi, nếu anh Tiến ngạc nhiên hay trả lời ngập ngừng, bà cụ nói ngay: "Con không muốn mẹ tới thì thôi, năm nay mẹ ở nhà ăn Tết một mình cũng được." Hoặc nói: "Con không thể bỏ vài giờ đồng hồ để đi đón bà mẹ già bệnh hoạn của con sao?" "Con cái gì mà quý hóa quá, bây giờ mẹ mới biết con có thương mẹ hay không." Khi đến thăm vợ chồng con, bà thường dặn: "Con biết là mẹ nhiều bệnh lắm, nhớ nhắc con vợ của con nấu cho mẹ thì đừng có cho muối hay bột ngọt, mẹ không ăn được những thứ đó. Tụi bay cũng nên tập ăn uống cẩn thận đi là vừa, cái gì cũng ăn rồi là khổ thân đó." Nghỉ đến những lời trên, dù mẹ chưa đến mà anh Tiến đã cảm thấy ngao ngán. Anh thương mẹ và sẵn sàng làm tất cả cho mẹ vui, nhưng hầu như mẹ anh không muốn vui. Lúc nào bà cũng buồn than và bao giờ bà cũng nhìn thấy khuyết điểm của anh. Tiến không dám nói hay làm gì trái ý mẹ, anh cố gắng chiều mẹ trong mọi việc; nhưng dù anh cố gắng bao nhiêu, bà vẫn không vui, còn anh thì chỉ thấy nặng nề buồn chán thêm.

Đây là tiêu biểu về mẫu bà mẹ thứ năm mà chúng tôi trình bày trong câu chuyện gia đình kỳ trước: mẫu người mẹ này độc tài, khó tính, hay chỉ trích con cái và muốn con dù bao nhiêu tuổi vẫn ở dưới quyền của mẹ. Những bà mẹ khó tính và hay chỉ trích con có một khả năng đặc biệt trong việc nhìn thấy lỗi của con. Bà không chỉ thấy những lỗi trước mắt mà cũng thấy những lỗi tiềm ẩn mà người khác không thấy, và một khi nhìn thấy khuyết điểm của con, bà phải sửa ngay, bất kể là con đang ở đâu và có ai chung quanh. Bà không cần biết sự sửa dạy của bà sẽ làm con xấu hổ hay đau đớn như thế nào. Những bà mẹ này muốn cho mọi người biết là dù con bà đã lớn, bà vẫn có quyền trên con; dù trong thực tế lắm khi bà không có khả năng hay phẩm tính của một người lãnh đạo. Một điểm nổi bật khác nơi các bà mẹ độc tài và hay chỉ trích con là khi con trai bắt đầu có bạn gái, dù là người con gái nào, bà cũng nhìn thấy vô số khuyết điểm nơi người đó. Bà có sẵn trong trí tiêu chuẩn của người xứng đáng với con trai của bà, và theo tiêu chuẩn đó, có lẽ không người con gái nào xứng đáng làm con dâu của bà. Các nhà tâm lý học cho biết, những bà mẹ hay chỉ trích con và khó khăn với con là người có một nhu cầu đặc biệt trong quan hệ với người chung quanh. Các bà thường sợ hãi, lo lắng, không bình an và không bằng lòng với chính mình. Những bà mẹ này cần tình thương và cần nương tựa vào chồng con. Cần nhưng lại làm như mình không cần ai cả, yếu đuối nhưng lại muốn tỏ ra là mình mạnh mẽ. Những bà mẹ này thường hay la lối to tiếng, dễ nóng giận và gây gổ với mọi người. Cách nói năng và cử chỉ cứng rắn đó chỉ là cách để bà che giấu con người thật, bất an, đau đớn; để không ai đến gần và thấy rõ con người yếu đuối của mình.

Tiến sĩ Norman Wright, trong quyển sách tựa đề: "Người đàn bà thứ hai trong hôn nhân của bạn" cho biết, nếu một bà mẹ nuôi dạy con trai trong những đường hướng sau đây, thì con trai và người vợ tương lai có thể phải đối diện với khó khăn trong hôn nhân và trong quan hệ với bà mẹ chồng.

1. Nói cho con trai biết, con là niềm vui, là phần thưởng duy nhất của mẹ trong tất cả những đau khổ, khó khăn mà mẹ phải chịu suốt cả cuộc đời.

2. Lúc nào cũng khen con, ca ngợi con, cưng chiều và bao phủ con trong tình thương một cách quá đáng, đến nỗi khiến con thấy ngột ngạt.

3. Dạy con rằng khi con lớn và trưởng thành rồi, con sẽ làm những việc lớn lao đặc biệt cho mẹ để đền đáp công ơn của mẹ.

4. Bảo bọc chăm lo cho con mọi việc, để con không bao giờ phải thất vọng hay buồn phiền.

5. Gieo trong tâm trí con tư tưởng sai lầm rằng, mọi người phải cho con làm bất cứ điều gì con muốn, vì con sẽ trở thành một người đặc biệt, làm những điều đặc biệt trong đời.

6. Ngăn cản con tự quyết định cho mình nhưng muốn con hỏi ý mẹ và trông chờ sự đồng ý của mẹ trong mọi quyết định.

7. Không sửa phạt rõ ràng khi con làm lỗi nhưng dùng những phương cách lơ lửng, lờ mờ để điều khiển con.

8. Khiến con nghĩ rằng vì những mục tiêu lớn lao trong cuộc đời, con không nên để ý đến phái nữ, nghĩa là không nên có bạn gái.

9. Tạo trong con niềm tin tưởng rằng mẹ sẽ cung ứng cho con tất cả mọi điều con cần để mẹ con mình gắn bó với nhau mãi mãi.

10. Cho con cảm thấy rằng mẹ có toàn quyền trên đời sống con và con mang ơn mẹ tất cả mọi sự vì mẹ là người đã sinh ra con và cung cấp mọi nhu cầu cho con.

11. Qua lời nói và hành động, cho con thấy rằng cung ứng những nhu cầu căn bản cho con là một gánh nặng lớn đối với mẹ.
12. Bày tỏ sự bất bình và lo lắng khi con có vẻ thân với một người nào.

13. Cho con thấy rằng không những trong hiện tại nhưng cả cuộc đời con phải mang ơn mẹ mãi mãi.

Những cách đối xử và dạy dỗ con trai trong đường hướng trên nhằm cho con thấy rằng con mang ơn mẹ tất cả mọi sự và con là người duy nhất đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mẹ. Đây là một gánh nặng quá lớn mà người mẹ đặt trên vai con. Những người đã trưởng thành hay thành công trong đời cũng không thể làm trọn những điều trông mong này của mẹ. Những bà mẹ dạy con theo mẫu mực trên sẽ tạo ra những đứa con trai hèn yếu, vừa sợ vừa muốn cầm quyền trên phái nữ.

Những bà mẹ đòi hỏi sự toàn hảo nơi con cái

Chúng ta đã biết về năm mẫu người mẹ để lại ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống con trai. Thứ nhất là những bà mẹ cứng rắn, nắm quyền trong gia đình. Thứ hai là những bà mẹ quá cưng chiều con trai. Thứ ba là những bà mẹ quá yếu đuối, lúc nào cũng tùy thuộc vào con. Thứ tư là những bà mẹ tự làm khổ mình và thứ năm là những bà mẹ độc tài, khó tính, lúc nào cũng chỉ trích con. Mẫu người mẹ thứ sáu, để lại ảnh hưởng tai hại trên đời sống con là những người đòi hỏi sự toàn hảo nơi con, đặc biệt là con trai. Các bà mẹ này trông mong nơi con một điều không thực tế, đó là muốn con toàn hảo trong mọi mặt. Các bà rất giỏi trong việc tìm thấy lỗi của con, hầu như họ có một nhu cầu không bao giờ thỏa mãn là nhu cầu chỉ ra khuyết điểm của con, và khi thấy điều sai sót của con, dù nhỏ đến đâu, họ cũng phải chỉ ra và sửa sai ngay. Nếu có ai nói sao bà khó với con cái, bà sẽ bào chữa: "Tôi chỉ muốn giúp để mai mốt nó khỏi bị những vấp váp lớn hơn, đau đớn hơn." Hoặc nói với con: "Thương con mẹ mới nói ra những điều này để giúp con." Nhưng sự thật là những tổn thương con phải chịu vì lời chỉ trích của mẹ đem lại nhiều tai hại hơn là ích lợi. Trước những thất bại hay lầm lỡ của con, bà mẹ này thường nói thế nào để con xấu hổ, bị tổn thương và vì áp lực của mẹ mà phải thay đổi. Điều đáng thương là, đứa con trở thành người để bà trút hết những bực dọc và che giấu những bất toàn của chính bà. Những đứa con bị mẹ chỉ trích và sửa sai thường xuyên sẽ ngại không dám làm gì cả. Vì biết nếu mình làm sẽ không đúng, không toàn hảo như mẹ mong muốn nên người con làm việc gì cũng chần chừ, trì hoãn, dần dần trở thành người có tính hay chần chừ và không làm nên việc gì. Người mẹ đòi hỏi sự toàn hảo nơi con không chỉ dùng lời nói để con khiếp sợ nhưng cũng trừng mắt, cau mày và lắm khi dùng sự im lặng đầy đe dọa để con thấy sự bất bình của mình.

Đức Chúa Trời ban cho chúng ta gia đình để người trong gia đình yêu thương nhau, trò chuyện với nhau, hầu hiểu nhau, thông cảm và nâng đỡ nhau. Chúa không muốn cha mẹ dùng sự im lặng để đe dọa, trừng phạt con cái hay con cái dùng lời nói để làm tổn thương cha mẹ. Chúng ta cần noi theo nguyên tắc sống và cư xử cao đẹp sau đây của Thánh Kinh: "Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến. Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy" (Ê-phê-sô 4:29 & 31-32) (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành