Mẹ Chồng và Nàng Dâu - Bài 10

Print

Có một bà mẹ kia, lo chuẩn bị đám cưới cho con trai. Trước ngày cưới, gia đình đôi bên gặp nhau lần chót để bàn lại những chi tiết cho lễ cưới. Khi mọi người đang lăng xăng làm việc, mẹ chú rể gọi con ra và nói: "Con trai của mẹ, mẹ mừng là ngày nay con đã nên người. Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho con và mẹ thấy sự hy sinh đó cũng thật là xứng đáng. Trước khi con vui với hạnh phúc của gia đình mới, mẹ muốn con nhớ rằng vợ của con sẽ không bao giờ có thể làm cho con tất cả những gì mà mẹ đã làm cho con. Thật ra, không một người đàn bà nào trên đời này có thể lo cho con như mẹ đã lo, vì vậy mẹ mong con sẽ không bao giờ quên mẹ, không bao giờ quên sự hy sinh của mẹ." Sau đó bà đến bên cô con dâu mới và nói: "Con này, mẹ biết con sẽ không thể nào làm trọn hết những gì chồng con trông mong nơi một người vợ. Nhưng mà con phải luôn luôn cố gắng làm cho chồng vui lòng, và bất cứ khi nào con cần mẹ giúp, cho mẹ biết, mẹ sẽ đến ngay."

Đó là câu chuyện có thật đã được Tiến sĩ Norman Wright ghi lại trong quyển Người Đàn Bà Thứ Hai trong Hôn Nhân của Bạn. Đây thật là những lời đe dọa, thách thức, nói lên tấm lòng của một bà mẹ thương con cách ích kỷ. Bà mẹ chồng này chắn chắn sẽ không vui khi thấy con trai hạnh phúc, cũng sẽ không vui nếu con dâu không cần đến sự giúp đỡ của bà. Lời nói của bà đã tạo nên sự căng thẳng giữa bà và con dâu ngay từ buổi đầu.

Thưa quý vị, là cha mẹ chúng ta thương con và muốn con được hạnh phúc, nhưng khi con đã lớn và chuẩn bị bước vào hôn nhân, cha mẹ, nhất là người mẹ, thường buồn vì cảm thấy như mình đã mất con. Đây là một tâm lý bình thường vàø cần được thông cảm. Tuy nhiên, nếu khi con đã có gia đình mà vì buồn, cha mẹ nắm giữ con lại hoặc vì sợ cha mẹ buồn mà con không dám rời cha mẹ, sẽ đưa đến nhiều điều không tốt cho hạnh phúc của gia đình mới. Đây cũng là lý do khiến bao nhiêu nan đề đã xảy ra giữa con dâu với gia đình chồng, con rể với gia đình vợ, và lắm khi chính vì đó mà hôn nhân đổ vỡ.

Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời phán: "Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt" (Sáng thế ký 2:24). Mạng lệnh này được Chúa Cứu Thế Giê-xu nhắc lại khi Ngài dạy về hôn nhân (Ma-thi-ơ 19:4-5), và sau đó, khi dạy về bổn phận vợ chồng, sứ đồ Phao-lô lại nói đến một lần nữa (Ê-phê-sô 5:31). Một mạng lệnh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nói lên tầm quan trọng của nó. Theo mạng lệnh này, khi lập gia đình, người nam phải lìa cha mẹ để kết hợp với vợ, lúc đó hai vợ chồng sẽ nên một. Đây là điều kiện cơ bản để có một hôn nhân hạnh phúc. Thường thường chúng ta sống và ứng xử theo văn hóa mà mình đã hấp thụ. Tuy nhiên, văn hóa là sản phẩm của con người nên không toàn hảo. Văn hóa Đông phương cũng như Tây phương, có nhiều điều hay nhưng cũng không thiếu những điều cần được sửa đổi hay loại bỏ. Ví dụ, trong văn hóa Tây phương cá nhân được đề cao, nên con cái nói chung được cha mẹ tôn trọng, khi đến tuổi trưởng thành được tự do tách rời khỏi cha mẹ để tự lập. Nhưng nhiều khi vì quá tự lập và sống theo cá nhân chủ nghĩa, con cái hầu như chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng mà không quan tâm và không hiếu thảo với cha mẹ, để cha mẹ phải sống trong cô đơn, buồn tủi.

Văn hóa Đông phương thì nhấn mạnh về đời sống đại gia đình và chữ hiếu được đề cao vì thế con cái lớn lên biết ơn cha mẹ và biết tỏ lòng hiếu kính cha mẹ. Ông bà cha mẹ thường không sợ cô đơn vì có con cháu quan tâm chăm sóc. Tuy nhiên, lắm khi vì chữ hiếu và tình đại gia đình được chú trọng, con cái không được phép tách rời khỏi cha mẹ để tự lập, hoặc cha mẹ không chấp nhận cho con tự lập. Có những gia đình dù con đã 40, 50 tuổi cha mẹ vẫn nắm quyền điều khiển, lúc nào và việc gì con cái cũng phải tùy thuộc cha mẹ, khiến cho đời sống con trở nên bất hạnh. Vì thế, để có đời sống quân bình và hạnh phúc, không mất tình gia đình mà cũng không ai bị gò bó, chúng ta cần sống theo nguyên tắc của Lời Chúa dạy.

Theo Lời Chúa dạy, khi một người lập gia đình có ba bước cần xảy ra, theo thứ tự như sau: Bước đầu tiên là người đó phải lìa cha mẹ để tự lập. "Lìa" cha mẹ không có nghĩa là cắt đứt tình cảm với cha mẹ hay là không yêu thương và không quan tâm đến cha mẹ nữa. "Lìa" cha mẹ chỉ có nghĩa là người con đã trưởng thành, nên cần bước ra, đứng trên chân mình, tự lo tự lập để lãnh trách nhiệm trong gia đình mới. Một khi đã tự lập, người đó mới có thể bước đến bước thứ hai là gắn bó với vợ hay với chồng và bước cuối cùng là hai vợ chồng kết hợp làm một. Nếu một người không rời cha mẹ khi lập gia đình, người đó sẽ không thể gắn bó với người phối ngẫu và do đó hai vợ chồng không thể kết hợp làm một cách trọn vẹn. Và khi hai vợ chồng không kết hợp làm một về mọi mặt, xung đột hoặc phân rẽ sẽ dễ dàng xảy ra. Chúa Giê-xu phán: "Vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi, vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hợp" (Ma-thi-ơ 19:6). Khi nghe lời dạy này, chúng ta thường nghĩ, người phân rẽ vợ chồng là những người không đứng đắn chen vào cám dỗ người vợ hay người chồng phạm tội ngoại tình và vì thế phá hỏng hạnh phúc của vợ chồng. Chúng ta ít khi nào nghĩ rằng cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình cũng có thể phân rẽ vợ chồng. Thật ra, ít khi nào cha mẹ cố tình phân rẽ vợ chồng con và gây đau khổ cho con, nhưng nếu con đã có gia đình riêng mà cha mẹ không cho con tách rời hoặc tiếp tục làm chủ điều khiển gia đình con là cha mẹ đã vô tình tạo điều kiện để gia đình con bị phân rẽ.

Khi cha mẹ không chấp nhận gia đình mới của con là một đơn vị độc lập, khi cha mẹ hay anh chị em xen vào những quyết định hay công việc riêng của hai vợ chồng, hoặc cha mẹ đòi hỏi con phải dành cho mình tình thương, thì giờ, sự chăm sóc quá đáng hoặc kiểm soát tiền bạc, nhà cửa, con cái của con là cha mẹ đã tạo sự phân rẽ giữa vợ chồng con. Đức Chúa Trời ban con cái để chúng ta nuôi dạy nên người trưởng thành, hữu ích cho Chúa và người chung quanh. Chúa không ban con cái để cha mẹ nắm giữ suốt đời, con cái cũng không phải là sở hữu của cha mẹ. Khi con đã khôn lớn chúng ta phải cho con lìa cha mẹ để bắt đầu đời sống riêng, xây dựng gia đình riêng. Theo lời Kinh Thánh dạy, chỉ vợ chồng phải ràng buộc với nhau suốt đời, còn con cái không ràng buộc với cha mẹ suốt đời nhưng lớn lên sẽ có đời sống riêng. Nếu không sống theo nguyên tắc lời Chúa dạy, gia đình chúng ta sẽ không tránh khỏi những xáo trộn, khó khăn. Đây không phải là truyền thống của văn hóa nào nhưng là lời dạy của Đức Chúa Trời, Đấng đã thiết lập hôn nhân.

Thường thường các bà mẹ là người gần với con nên ràng buộc nhiều với con và muốn nắm giữ con hơn người cha. Vì lý do đó người mẹ dễ đau buồn, không chấp nhận con từ giã mình để vui với hạnh phúc mới. Cũng chính vì thế giữa bà mẹ và con dâu, con rể thường có nan đề hơn là giữa các ông với con dâu hay con rể. Thường thường, cha mẹ chấp nhận sự kiện con gái phải về sống với gia đình chồng, nhưng con trai ra riêng, không sống chung với cha mẹ là điều có người ngày nay vẫn còn thấy khó chấp nhận. Nếu chúng ta thật sự thương con trai và muốn con được hạnh phúc, hãy yêu thương chấp nhận con dâu và vui vẻ cho phép vợ chồng con rời cha mẹ để xây dựng gia đình mới.

Trong một đám cưới nọ, sau buổi lễ trong nhà thờ là tiệc cưới. Khi tiệc cưới sắp tàn, cô dâu chú rể chuẩn bị từ giã mọi người. Lúc đó người ta thấy bà mẹ chú rể chạy đến trên tay cầm một tờ giấy, tay kia cầm cây viết. Bà đến bên con trai và nói: "Mẹ biết con đến giờ phải đi nhưng việc này quan trọng nên xin con nán lại vài phút. Rồi bà đưa tờ giấy cho con và nói: "Con ký vào đây, mẹ đã ký rồi." Người con trai hơi ngạc nhiên, cầm tờ giấy đọc rồi mỉm cười và ký tên vào. Bà mẹ cũng đưa một tờ giấy tương tự cho cô con dâu, rưng rưng nước mắt bà nói: "Con cũng ký vào đây, tờ này của hai đứa con, ký rồi giữ luôn. Từ trước đến nay mẹ là người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời con trai của mẹ, nhưng hôm nay với tờ giấy này, mẹ muốn hai con và mọi người biết là mẹ trao vị trí đó cho con, từ nay trở đi con là người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời của con trai mẹ. Xin Chúa ban phước cho gia đình mới của hai con." Đôi vợ chồng mới ôm bà mẹ hôn, cô con dâu khóc, con trai của bà cũng khóc, nhưng là những giọt nước mắt vui mừng, thông cảm. Bà mẹ này thật là can đảm, thương con và nghĩ đến hạnh phúc của con, bà sẵn sàng cho con tách rời khỏi bà để xây dựng hạnh phúc riêng. Hành động đầy yêu thương và hy sinh của bà mẹ chồng này sẽ giúp bà và con dâu có mối quan hệ tốt đẹp. Vì bằng lòng để cho con lìa xa chứ không nắm giữ con, bà không mất con trai mà còn được thêm người con dâu. Lời Chúa cũng cho chúng ta nguyên tắc tương tự trong những vấn đề khác. Đó là những gì chúng ta cố gắng nắm giữ cho mình thì sẽ mất, nhưng khi chúng ta sẵn sàng ban cho và chia xẻ, chúng ta không mất nhưng được lại gấp nhiều lần hơn. Ước mong chúng ta sẽ vâng theo những nguyên tắc Chúa dạy để đời sống chúng ta và con cháu chúng ta sẽ được sống trong yên vui và hạnh phúc.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành