Đối Thoại Trong Hôn Nhân - Bài 11

Print

Nguyên tắc đối thoại quan trọng nhất mà Thánh Kinh đã để lại cho chúng ta. Nguyên tắc đó là: "Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận." Để sự đối thoại giữa vợ chồng cũng như giữa chúng ta với người chung quanh được tốt đẹp, chúng ta không có một bí quyết nào khác hơn là thực hành lời Chúa dạy: Mau nghe, chậm nói, chậm giận. Có người nói rằng Đức Chúa Trời muốn con người nghe nhiều và nói ít, vì Ngài cho mỗi người hai cái tai để làm một việc là nghe, nhưng chỉ có một cái miệng để làm hai việc là ăn và nói.

Thường thường, khi một người than với chúng ta một câu là người đó muốn chia xẻ với chúng ta một điều gì sâu xa hơn, đằng sau lời than đó. Lời than chỉ là mở đầu của câu chuyện hoặc để lấy sự chú ý của chúng ta. Tuy nhiên vì chúng ta thường không mau nghe, chậm nói nhưng lại mau nói chậm nghe nên phản ứng thông thường của chúng ta khi nghe lời than của người khác là chúng ta lại cũng than về một chuyện gì đó của mình.

Dưới đây là những mẩu đối thoại chúng ta thường nghe: Một người than với bạn: "Con tôi lúc này ham chơi quá, không lo học hành thành ra điểm cứ tụt dần. Tôi buồn quá mà nói không được!" Người bạn đáp: "Ồ, con nhỏ tôi cũng vậy, tối ngày cứ xin đi chơi với bạn hoài!" Hoặc là nói: Con tôi thì không có bạn bè nhiều, nó chăm học lắm!" Và rồi thao thao bất tuyệt nói về con của mình. Một ví dụ khác: Hai người bạn lâu ngày mới gặp lại nhau, một người than: "Lúc này sao tôi khó ngủ mà hay mệt mỏi trong người quá, chắc tại lớn tuổi rồi nên ngày càng yếu!" Người kia liền đáp: "Tôi cũng vậy, lúc này hay nhức mỏi, làm việc một chút là thấy mệt rồi!" Hoặc người đó nói: "Chị còn trẻ quá mà lớn tuổi gì, tôi đây mới già nè," và rồi nói luôn một hơi về bao nhiêu nan đề của mình.

Khi gặp những trường hợp như vậy, người bắt đầu câu chuyện sẽ chán, không muốn nói nữa hoặc chờ cho người kia dứt lời lại nói tiếp vấn đề của mình. Và cứ như thế câu chuyện tiếp tục, người này nói xong thì người kia nói. Mỗi người chỉ nói về chuyện của mình. Trong khi người này nói người kia không chú ý nghe nhưng chỉ suy nghĩ điều mình sẽ nói. Đó không thể gọi là đối thoại vì hai người thay phiên nhau nói mà không người nào thật sự lắng nghe.

Người biết lắng nghe là người biết đặt câu hỏi thế nào để người kia có thể nói lên điều mình muốn nói. Khi hai người thật sự đối thoại, câu chuyện không chỉ xoay quanh những dữ kiện ở bề mặt, nhưng sẽ đụng đến tình cảm, cảm xúc, suy tư, lo lắng hay niềm vui, nỗi buồn, niềm hãnh diện, nỗi vui sướng trong lòng, v.v... Chúng ta thật sự đối thoại khi người nghe hy sinh thì giờ chú ý nghe để người nói có thể nói hết những điều muốn nói. Kết quả là người nói cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vì trút được ưu tư trong lòng, vì đã có người hiểu và thông cảm với mình.

Nếu chúng ta không mau nghe chậm nói nhưng mau nói và chậm nghe, chúng ta sẽ mất những cơ hội nghe tâm tình của người khác để có thể an ủi và giúp đỡ họ. Để có thể thấy rõ điều này, chúng tôi xin chia xẻ với quý vị một câu chuyện có thật sau đây. Câu chuyện này xảy ra vào năm khoảng 1965, tại một thành phố nhỏ trên vùng cao nguyên. Có một người đàn bà nọ, tạm gọi là bà Mai, ngày ngày ra chợ bán hàng. Bà là người tin Chúa rất tốt và có lòng thương người. Mỗi khi có thì giờ, bà hay thăm hỏi và lắng nghe tâm tình của bạn bè thân quen nên nhiều người thích đến tâm sự với bà. Những lúc cần, bà cũng dùng Kinh Thánh hoặc kinh nghiệm cá nhân để giúp ý kiến cho những người gặp chuyện nan giải hoặc an ủi những người gặp hoạn nạn khó khăn. Không những thế bà cũng hay giúp đỡ vật chất cho những người thiếu thốn.

Một ngày nọ, trong lúc bà Mai đang bận rộn bán hàng thì có một người bạn đến chơi. Bà Mai nhìn người bạn chào thì thấy bà bạn của mình sao hôm nay có vẻ buồn quá. Nhưng vì bận lo bán hàng, bà Mai chỉ hỏi thăm qua loa vài câu rồi tiếp tục bán. Bà định khi khách đi hết sẽ hỏi thăm nhiều hơn. Người bạn của bà Mai cứ ngồi yên lặng chờ chứ không nói gì. Một lát sau, khách hàng không bớt đi mà lại đến tới tấp. Bà Mai nói với bạn: "Chị chờ tôi một chút nhen." Rồi tiếp tục bán hàng. Khi bán xong cho người khách cuối cùng, bà Mai nhìn lại chỗ người bạn ngỗi lúc nãy thì thấy bà đã đi mất rồi. Bà Mai hơi ân hận trong lòng nhưng nghĩ có lẽ bạn mình thấy chờ lâu mất thì giờ nên đi mua sắm gì đó một lát sẽ trở lại.

Nhưng bà Mai chờ mãi cho đến chiều tối cũng không thấy người bạn trở lại. Bà dọn hàng rồi ra về, thầm nghĩ sáng mai thế nào bà bạn đó cũng trở lại, chắc bà ấy lại có chuyện buồn chồng con gì đây. Nhưng rồi ngày hôm sau bà Mai trông ngóng mãi mà không thấy người bạn trở lại. Sang ngày thứ ba bà Mai cũng có ý trông nữa mà cũng không thấy. Đến chiều hôm đó, lúc bà sắp dọn hàng đi về thì cô con gái của người bạn đến. Cô gái ôm mặt khóc và nói: Bác ơi, mẹ cháu chết rồi!" Bà Mai bàng hoàng không tin. Khi hỏi lại thì được biết là người bạn của bà mới khám phá ra chồng có vợ bé nên buồn khóc cả tuần qua và cuối cùng đã uống thuốc độc tự tử! Bà Mai không bao giờ quên sự việc đó và bao nhiêu năm sau bà vẫn còn ân hận. Bà tin rằng hôm người bạn ra chợ chắc là muốn nói chuyện với bà, nhưng chờ mãi không được đã bỏ về. Nếu bà Mai có thì giờ lắng nghe và an ủi thì chắc người bạn của bà đã không chết.

Khi một người than với chúng ta về một điều gì, không nhất thiết là người đó cần câu giải đáp nhưng thường là chỉ muốn nói ra cho vơi bớt nỗi buồn trong lòng hoặc muốn có người thông cảm với mình. Khi có chuyện buồn phiền lo lắng mà không có người để chia xẻ, chúng ta thấy nỗi lo buồn đó như gia tăng và đè nặng trong lòng nhưng khi có người để chia xẻ, nỗi buồn đó sẽ vơi đi, dù cho người đó chỉ yên lặng nghe chứ không thể làm gì để giúp ta.

Cách đây mấy năm, có một người nọ đăng lời quảng cáo sau đây trên báo và được rất nhiều người đáp ứng. Lời quảng cáo đó nói rằng: Nếu quý vị có chuyện cần nói mà không biết chia xẻ với ai, quý vị có thể gọi số điện thoại dưới đây, chúng tôi sẽ nghe tâm sự của quý vị. Cứ mỗi 15 phút chúng tôi chỉ lấy 10 Đô-la mà thôi. Khi lời quảng cáo đó đưa ra, bao nhiêu người đã gọi đến. Những người này nói rằng họ sẵn sàng tốn 10 đồng để được nói lên điều họ muốn nói, vì đó là cách giúp cho tinh thần họ bớt căng thẳng, cho nỗi lo buồn được vơi đi. Và thưa quý vị, 50% những người gọi điện thoại để tâm sự với người xa lạ này không phải là người sống cô đơn một mình hay không có bạn bè thân thiết. Họ sống với gia đình, với vợ, chồng và con cái nhưng những người đó hoặc là quá bận rộn không có thì giờ nghe tâm sự của họ, hoặc là những người đó không muốn nghe và không biết lắng nghe!

Khi một người than về sức khoẻ của mình, có thể là người đó mới được bác sĩ cho biết mình bị một chứng bệnh nguy hiểm. Khi một người than thiếu thốn, chưa hẳn là người đó muốn mượn tiền hay cần chúng ta giúp đỡ. Trái lại, có thể lắm là người đó gặp khó khăn trong vấn đề chi dùng tiền bạc vì vợ chồng không đồng ý với nhau hoặc vì người chồng, người vợ của người đó mê cờ bạc. Cũng có thể là người đó mới mất việc hay làm ăn thất bại. Nếu chúng ta không biết cách lắng nghe, chúng ta sẽ không giúp họ được, nếu chúng ta võ đoán sẽ đoán sai. Chỉ có một cách chúng ta có thể làm mà không sợ sai lầm đó là yên lặng lắng nghe. Dĩ nhiên là cũng có những người có tính hay than, lúc nào cũng than hay không có gì đáng than cũng than. Đối với những người đó chúng ta chỉ nói chuyện một vài lần là biết rồi. Nhưng có một điều chúng ta cũng cần ghi nhớ, đó là khi người khác tin cậy tâm sự với chúng ta, chúng ta cũng phải tôn trọng mà giữ kín những điều đó chứ đừng đem nói với người khác.

Trong quan hệ vợ chồng, lắng nghe tâm tình của nhau lại còn quan trọng hơn. Khi người vợ hay người chồng bắt đầu nói một điều gì, chúng ta đừng võ đoán, ngắt lời hay bảo đừng nói nữa. Điều tốt nhất và khôn ngoan nhất là chúng ta hãy chú ý nghe. Vừa nghe vừa hỏi để người đó có thể nói thêm, nói hết những điều muốn nói. Nếu đã là vợ chồng mà không thể chia xẻ tâm tình với nhau hay không muốn lắng nghe tâm tình của nhau không những là một thiếu sót lớn nhưng còn là điều nguy hiểm. Trước hết, nếu không biết tâm tình của nhau, chúng ta không thể hiểu nhau, cũng không thể an ủi và nâng đỡ nhau. Điều đó sẽ khiến vợ chồng dần dần thấy xa cách. Thứ hai nữa, nếu chúng ta không lắng nghe tâm sự của người bạn đời của mình, một người thứ ba sẽ nghe và sẽ biết những chuyện riêng tư trong gia đình chúng ta. Nguy hiểm hơn nữa là, người thứ ba đó có thể trở thành người bạn tri kỷ của vợ, chồng chúng ta. Nếu đó là một người khác phái, có thể trở thành tình nhân của vợ hay chồng chúng ta một cách dễ dàng. Đây là điều đã và đang xảy ra cho nhiều gia đình và cũng có thể xảy ra cho gia đình chúng ta nếu vợ chồng chúng ta không dành thì giờ trò chuyện với nhau thường xuyên.

Một số bà vợ thường than rằng trong nhà tôi chỉ có ông chồng tôi có quyền nói. Khi ổng nói là mọi người phải nghe. Đúng như vậy, có những ông chồng không những độc tài nhưng cũng rất là vô tình, không để ý đến cảm xúc hay ước muốn của vợ con. Những người đó chẳng bao giờ hỏi han hay nói chuyện với vợ với con. Có những ông chồng, ông cha quá nóng nảy hoặc quá lạnh lùng nghiêm khắc, vợ con chẳng bao giờ dám đến gần trò chuyện. Khi cần biết điều gì phải đoán chừng hoặc dò hỏi cách gián tiếp. Điều khó là những người chồng, người cha đó không thấy sự thiếu đối thoại giữa ình vời vợ con là điều bất thường hay là một khuyết điểm cần được sửa đổi. Lắm khi chính đời sống người đó quá cứng rắn và khô khan. Người đó sống không tình cảm, không tình yêu, cũng không thấy có điều gì cần phải tâm sự với ai.

Ngược lại, cũng có những người chồng người vợ nói quá nhiều khiến người kia nhức đầu nên phải tìm cách tránh đi nơi khác hoặc không muốn nói gì cả. Điều khổ là người nói nhiều thường không biết hoặc không nhận là mình nói nhiều. Để biết mình có nói nhiều hay không, chúng ta thử để máy ghi âm chạy trong bữa ăn chính của cả nhà hay trong lúc gia đình có mặt đông đủ, rồi sau đó nghe lại thì sẽ biết. Tuy nhiên, nếu quý vị bực bội vì có người vợ hay người chồng nói nhiều, khoan vội trách người đó nhưng hãy xét lại cách nghe của mình. Có thể lắm là người đó vốn không phải là người nói nhiều nhưng vì mỗi khi có điều muốn nói không có ai chú ý nghe. Tình trạng đó kéo dài hết ngày nầy sang ngày khác, khiến người đó bất mãn, thấy mình phải nói nhiều, nói đi nói lại những chuyện cần nói để người phối ngẫu chú ý và vì thế trở thành nói nhiều. Cũng có người dù biết vợ hay chồng không lắng nghe nhưng cũng cứ nói vì không nói không chịu được. Có khi nói lải nhải một mình cho vơi bớt những bực bội hay buồn phiền trong lòng. Trường hợp này thường xảy ra cho các bà nhiều hơn các ông.

Tuy nhiên, nếu người vợ, người chồng của chúng ta không giống như ngày chúng ta mới gặp nhưng bây giờ trở thành câm lặng hoặc nói quá nhiều có thể lắm đó là lỗi của chúng ta, nhất là vì chúng ta không chịu lắng nghe. Nếu đúng như thế, chúng ta cần sửa đổi cách nghe của mình và quấy tâm áp dụng nguyên tắc Chúa dạy: "Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận."

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành