Đối Thoại Trong Hôn Nhân - Bài 12

Print

Cách đây không lâu, có hai vợ chồng kia về thăm gia đình ở Việt Nam. Khi hai vợ chồng trở lại Hoa Kỳ, một số bạn bè ngày trước ở cùng quê muốn đến thăm để hỏi tin tức gia đình và bà con ở quê nhà. Nghe vậy, hai vợ chồng bèn nấu một bữa cơm và mời bạn đến để có nhiều thì giờ trò chuyện với nhau. Sau bữa ăn, mọi người ngồi lại trong phòng khách để xem hình ảnh quê hương và nghe hai vợ chồng người bạn kể chuyến chuyến đi của mình.

Bà vợ hăng hái bắt đầu nói. Nhưng bà kể không theo thứ tự đầu đuôi rõ ràng và đi vào nhiều chi tiết tỉ mỉ không cần thiết. Thấy vậy ông chồng ngắt ngang và nói: "Bà nói không có thứ tự lớp lang gì hết, để tôi kể cho." Thế rồi ông chồng tuần tự kể cho bạn nghe hai ông bà đi thăm những đâu, gặp những người nào, thành phố bây giờ ra sao.

Trong khi ông chồng nói, bà vợ ngồi nghe nhưng có vẻ sốt ruột lắm. Cứ vài phút bà lại chen vào sửa lại lời chồng cho chính xác hơn. Chẳng hạn ông nói: "Chúng tôi đi taxi từ phi trường về đến nhà mất chừng nửa tiếng đồng hồ", bà vợ ngắt lời và nói: chỉ có 25 phút thôi! Ông chồng thấy chi tiết đó không quan trọng nhưng cũng sửa lại theo lời vợ: "Vâng, dù đường sá kẹt xe lắm nhưng về đến nhà cũng mau. Một lát sau, khi ông nói: Ba ngày sau, tức là thứ Sáu chúng tôi đi ra Đà Nẵng. Bà vợ lại chen vào: "Ông lộn rồi, thứ Bảy mình mới đi! Tại vì mấy người bà con năn nỉ ở lại thêm một ngày nữa." Ông chồng có vẻ bực nhưng cứ lờ đi và kể tiếp.

Cứ mỗi lần ông nói đến những chi tiết nhỏ nhặt, nhắc đến tên người hay nói những gì liên quan đến con số là bà vợ ngắt lời và sửa lại ngay. Có lúc hai vợ chồng ngưng hẳn câu chuyện và cãi nhau vì không đồng ý về những chi tiết đó. Thấy vợ cứ ngắt lời và sửa mình hoài, ông chồng giận quá nên nói: "Bà nhớ giỏi hơn tôi thì bà kể đi, chớ làm gì cứ ngắt lời tôi hoài vậy!" Khi ông nói như vậy thì bà vợ mới thôi ngắt lời và để yên cho chồng nói.

Trong suốt câu chuyện người chồng kể, bà vợ đã chen vào và sửa lời chồng ít nhất là 10 lần. Nhiều người có tính giống như vậy, không thể yên lặng nghe nhưng lúc nào cũng muốn nói. Một nhà tâm lý nọ nói rằng, bản tính tự nhiên của con người là muốn nói chứ không muốn nghe. Đối với đa số chúng ta, nói dễ hơn là yên lặng nghe. Trong việc lớn cũng như việc nhỏ, chúng ta thường muốn phát biểu ý kiến, muốn nói ra điều mình suy nghĩ, mơ ước, muốn nói lên quan điểm của mình cho người khác biết chứ ít có ai muốn yên lặng nghe ý kiến và quan điểm của người khác. Có người nói rằng, bí quyết để tập được tính chú ý nghe và tránh được bệnh hay ngắt lời là ngậm miệng chặt lại trong khi đang nghe.

Có nhiều lý do khiến ta không thể chú ý nghe khi người khác nói, nhất là nếu người đang nói là vợ, chồng hay con cái, là những người chúng ta không cần giữ lịch sự hay xã giao nữa.

1. Vì lo suy nghĩ câu trả lời

Khi người phối ngẫu nói, chúng ta không nghe đầy đủ, rõ ràng điều người đó muốn nói vì tâm trí chúng ta đang bận suy nghĩ để tìm câu trả lời. Câu trả lời đó có thể là để giải thích, phủ nhận, chống chế, phân bua, bào chữa. Cũng có thể là cho thấy ý kiến của mình hay hơn, đúng hơn. Có hai vợ chồng kia, hễ bà vợ nói điều gì ông chồng cũng không đồng ý. Khi thì ông phủ nhận, khi thì ông chống chế, và thường thường là ông không hiểu ý vợ muốn nói. Vì có mặc cảm, ông nghĩ là bà vợ ông lúc nào cũng cho là bà khôn ngoan hơn, hiểu biết nhiều hơn ông. Vì thế, khi bà đưa ý kiến hay nói về một vấn đề gì ông cũng muốn chứng tỏ là ông nói đúng hơn hoặc biết rõ hơn.

2. Vì tự ái

Người có nhiều tự ái khi vợ hay chồng nói điều gì hơi tiêu cực một chút là nghĩ rằng người đó chê mình hay đổ lỗi cho mình. Vì tự ái, chúng ta không thể nghe đầy đủ những gì người khác muốn nói. Không những thế, khi người đó bắt đầu nói là chúng ta đã thấy khó chịu, lo sợ và không muốn nghe.

Ví dụ khi chồng đi làm về, bà vợ hỏi: Anh có gọi điện thoại lấy hẹn bác sĩ cho con chưa? Ông chồng nghĩ là vợ trách mình sao không lo cho con hay là trách mình hay quên nên không nghe câu hỏi của vợ, cũng không trả lời đúng câu hỏi đó nhưng lại nói với vẻ bực bội: "Bữa nay ở sở công việc làm không kịp, anh không có một phút nào rảnh để gọi điện thoại cho ai hết!" Bà vợ nói: "Em có trách anh gì đâu, em chỉ hỏi là anh lấy hẹn với bác sĩ cho con chưa, nếu chưa thì bây giờ em gọi." Nhiều khi chỉ một việc nhỏ nhưng nếu vợ hay chồng là người nhiều tự ái hay nhiều mặc cảm, cũng có thể đi đến chỗ cãi nhau hoặc giận nhau.

3. Cho là mình đã biết rồi

Có nhiều người sau một thời gian sống bên cạnh người bạn đời, biết một ít về người đó thì nghĩ là mình đã biết tất cả về người đó rồi. Vì thế không cần nghe những gì người đó nói nữa. Nếu chúng ta nghĩ rằng mình đã biết bà vợ hay ông chồng của mình quá đủ rồi, đến nỗi không cần nghe nữa người đó nói nữa thì chúng ta là người quá tự tin và thiếu cởi mở. Thái độ không cần nghe cũng đã biết rồi của chúng ta sẽ khiến người kia chán, không muốn nói nữa, vì có nói cũng vô ích.

Có hai vợ chồng kia thường hay giận nhau vì ông chồng cứ khoe là ông đoán được ý nghĩ của vợ trước khi bà nói ra. Một ngày nọ gần cuối tháng, bà vợ hỏi chồng: "Anh ơi, trong công mình còn tiền không?" Ông chồng trả lời: Hỏi làm gì vậy? Chắc mấy bà chị lại rủ en đi mua sắm chớ gì? Thôi bà ơi, quần áo giày dép chất đầy nhà rồi, không có mua gì nữa hết!" Bà vợ tức quá rơm rớm nước mắt nói: "Em có định đi mua sắm gì đâu? Em chỉ hỏi để xem mình có thể gởi ít tiền về nhà tháng này không? Ông chồng thấy vợ sắp khóc nên hơi ân hận dịu giọng hỏi: "Sao tự nhiên em lại muốn gởi tiền về nhà, có chuyện gì hay sao?" Lúc đó bà vợ mới vừa khóc vừa nói: Em mới nghe tin ba đau nặng phải đưa vô nhà thương!" Nếu người chồng kia không bén nhạy thay đổi thái độ, hoặc nếu người vợ có tính hay giận thì hai vợ chồng đã mất cơ hội hiểu nhau và nâng đỡ nhau trong lúc có chuyện lo buồn.

4. Vì những lo lắng hay cảm xúc trong lòng

Khi trong lòng có chuyện lo lắng, chúng ta cũng khó có thể tập trung tư tưởng để mà lắng nghe. Nếu biết vợ hay chồng đang lo lắng một điều gì hay đang bận tâm suy nghĩ việc gì, chúng ta không nên làm người đó bận tâm thêm về những chuyện khác ít quan trọng hơn, hoặc chưa cần bàn đến. Chẳng hạn như chồng đang lo học bài để mai thi, chúng ta không nên phàn nàn chuyện tiền bạc hay chuyện con cái nhưng nên chờ chồng thi xong hẵng nói.

Có khi chúng ta không thể chú ý nghe vì điều người kia nói khơi lại trong lòng ta một cảm xúc nào đó. Cảm xúc đó có thể là buồn, vui, nhớ thương, giận dữ hay ân hận, hối tiếc. Khi những cảm xúc đó tràn đến quá mạnh, chúng ta không thể chú ý lắng nghe. Một bà mẹ kia mất đứa con gái khi con mới 18 tuổi. Dù chuyện đau thương này xảy ra đã nhiều năm nhưng mỗi khi nghe bạn bè nói chuyện về con gái của họ, bà không thể nào chú ý nghe vì bà lại nhớ đến con và lại khóc.

Có người nói rằng nghe nan đề của người khác dễ hơn là nghe nan đề của vợ hay chồng mình, vì khi nghe nan đề của người thân, cảm xúc chúng ta bị lôi cuốn vào nên có có thể nghe một cách khách quan được. Có những vợ chồng có nhiều nan đề cần nói ra để đả thông tư tưởng hoặc để giải thích những hiểu lầm nhưng không thế nào nói với nhau được. Hễ nói đến vấn đề đó là người này nổi giận la lối hoặc người kia buồn tủi khóc lóc. Trong trường hợp đó, chúng ta cần xét lại cảm xúc của mình và cố gắng kềm chế những cảm xúc đó. Nếu không những chuyện cần nói sẽ không bao giờ nói ra được. Hoặc nếu cần, chúng ta nên mời một người mà vợ chồng tin cậy cùng nghe trong cuộc đối thoại để giúp ta ngăn chận những cảm xúc bất lợi đó.

Có bà vợ kia, khi biết chồng gian díu với người khác, bà muốn hỏi thẳng chồng để ông nhận tội chứ không thể chối nữa. Nhưng bà đã không dám nói. Chẳng những vì bà biết chồng sẽ không nghe nhưng cũng vì khi nghĩ đến những lời phải nói là bà đã run lên và thấy nghẹn trong cổ. Cuối cùng, bà đã mời cha mẹ chồng đến để trình bày mọi chuyện. Trước mặt những người lớn tuổi và có thẩm quyền, bà thấy an tâm hơn và cũng dễ kềm chế cảm xúc của mình hơn.

Thưa quý vị, chúng tôi vừa trình bày bốn lý do khiến chúng ta không thể chú ý nghe khi người khác có điều muốn nói. Bốn lý do đó là: (1) vì tính thiếu kiên nhẫn, hay ngắt lời. (2) vì chúng ta lo suy nghĩ câu trả lời để phân bua, chống chế, bào chữa. (3) Vì tự ái, luôn luôn nghĩ là người kia sẽ phê bình, chê trách hoặc đổ lỗi cho chúng ta. (4) Vì tính hay võ đoán, cho là không cần nghe mình đã biết rồi. (5) Vì những lo lắng hay cảm xúc trong lòng. Trong câu chuyện gia đình kỳ tới, chúng tôi sẽ trình bày những lý do khác khiến chúng ta không thể chú ý lắng nghe, mời quý vị nhớ đón nghe.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành