Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 32)

Print

Kính thưa quý thính giả, để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, chúng ta cần biết những nguyên tắc  Chúa dạy trong Kinh Thánh và áp dụng vào đời sống. Trong các Câu Chuyện Gia Ðình gần đây chúng tôi có trình bày về những nguyên tắc chúng ta cần áp dụng trong hôn nhân, gồm có:

(1) Không ích kỷ nhưng quan tâm đến phúc lợi của người phối ngẫu

(2) Dứt khoát với những ràng buộc và kỷ niệm của thời độc thân

(3) Vợ chồng quyết tâm giúp nhau tránh cám dỗ về mặt tình dục

(4) Dành thì giờ trò chuyện với nhau thường xuyên

(5) Cư xử khôn ngoan để bất hòa giữa vợ chồng đem lại cảm thông và hiệp một

 

Hôm nay chúng tôi xin trình bày nguyên tắc 6:

 

Cẩn thận về tiền bạc để không sa vào nợ nần

 

Theo ý quý vị, tiền bạc có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình không? Những người trẻ đang yêu có lẽ nói rằng tiền bạc không quan trọng, vợ chồng có thể sống trong túp lều tranh với hai quả tim vàng là đủ hạnh phúc rồi. Nhưng, có lẽ người khác thì nói: phải có tiền bạc dư dả thì gia đình mới hạnh phúc, nghèo thiếu không thể nào hạnh phúc được. Thật ra, không thể nói nhiều tiền hay ít tiền sẽ có hạnh phúc vì hạnh phúc trong hôn nhân không tùy ở tiền bạc vật chất chúng ta có nhưng tùy ở cái nhìn của chúng ta đối với tiền bạc và cách chúng ta sử dụng tiền bạc. Có người đã nói: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu,” hàm ý rằng nếu chúng ta làm chủ đồng tiền, không để nó điều khiển, nhưng sử dụng cách khôn ngoan, tiền bạc sẽ đem lại ích lợi cho đời sống. Ngược lại nếu chúng ta để đồng tiền điều khiển, quyết định mọi chi tiết của đời sống, chúng ta sẽ gặt lấy đau khổ và bất hạnh. Dù sao chúng ta phải đồng ý rằng tiền bạc có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Ðã biết bao nhiêu vợ chồng ly dị nhau vì tiền bạc: vì thiếu tiền hay có quá nhiều tiền, vì làm ăn thất bại, vì không biết quản lý tiền bạc, vì nợ nần chồng chất, vì mải mê kiếm tiền không dành thì giờ cho nhau, hoặc vì có quá nhiều tiền nên sinh ra những tật hư thói xấu, v.v…  Cái nhìnđối với tiền bạc cũng như cách chúng  tasử dụng tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến niềm vui, bình an và hạnh phúc của gia đình chúng ta. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy: “Lòng tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác.” (I Ti-mô-thê 6:10).

 

Sau đây là những nguyên tắc Kinh Thánh dạy về tiền bạc chúng ta cần áp dụng:

 

1. Người tin Chúa là quản gia trong Nhà Chúa

 

Chúng ta có trách nhiệm quản lý những điều Chúa ban cho trên đời tạm này. Những điều Chúa ban cho chúng ta trong đời này gồm có: sự sống, con cái, ân tứ, khả năng và vật chất (tiền bạc và tài sản). Nhưng chúng ta không sở hữu những điều đó nhưng chỉ là người quản gia, được Chúa giao cho trách nhiệm quản lý. Sứ đồ Phi-e-rơ dạy: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Ðức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 4:10). Và điều Chúa trông mong nơi người quản lý là phải trung tín, sứ đồ Phao-lô khuyên: “Ðiều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành” (I Cô-rinh-tô 4:2). Là người quản gia của Chúa, chúng ta có trách nhiệm sử dụng những điều Chúa ban như thế nào để đem lại lợi ích cho Nhà Chúa, cho Vương Quốc của Ngài. Áp dụng nguyên tắc này, nếu được Chúa cho giàu có, chúng ta không ích kỷ, chi dùng tiền bạc đó cho riêng mình và gia đình mình nhưng sẽ dâng hiến cho công việc Chúa và chia xẻ với người thiếu thốn. Người tin Chúa không xem trọng tiền bạc, cũng không lo lắng về tiền bạc nhưng sống như lời Chúa dạy: “Các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì? mặc gì? Vì mọi điều đó các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Ðức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:31-33). Áp dụng Lời Chúa, chúng ta không than van lo lắng khi gặp thiếu thốn nhưng cứ trung tín tìm kiếm Chúa, học Lời Chúa, hầu việc Ngài vì biết rằng Chúa biết rõ nhu cầu của chúng ta và Ngài sẽ cung ứng đầy đủ.

 

Chúng ta không nên xem tiền bạc là điều quan trọng nhất trong đời, không dành tất cả thì giờ sức lực đi làm kiếm tiền. Chúa Giê-xu cảnh cáo những người xem tiền bạc là mục tiêu, là cứu cánh của đời sống với lời như sau: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Ðức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa” (ma-môn là thần tiền) (Ma-thi-ơ 6:24). Chúa làm Chủ tất cả mọi điều, chúng ta chỉ là người quản lý, trung tín làm lợi cho Chúa với những tài sản, tiền bạc Chúa ban. Chúng ta cần sử dụng đời sống, ân tứ, tiền bạc cùng mọi điều Chúa ban cho trong đời tạm này để mang lại lợi ích cho Chúa, giúp đỡ người chung quanh, để khi gặp Chúa, chúng ta được Chúa khen thưởng là đầy tớ ngay lành, và trung tín. Chúng ta là người quản  gia, quản lý tài vật Chúa ban.

 

2. Chúng ta trung tín dâng hiến cho công việc Chúa

Như đã trình bày, dù chúng ta phải làm việc trong hãng xưởng, ngoài đồng ruộng hay đi buôn bán vất vả mới có số thu nhập để cung ứng những điều cần yếu cho gia đình nhưng chúng ta biết rằng tất cả mọi điều chúng ta có đều đến từ Chúa và thuộc về Chúa. Nếu Chúa không ban cho sức khỏe, trí óc khôn ngoan và cơ hội để làm việc thì chúng ta sẽ không có gì cả. Vì thế, là người quản gia trung tín của Chúa, chúng ta cần dâng hiến tiền bạc cho công việc Chúa. Kinh Thánh Cựu Ước dạy chúng ta dâng hiến một phần mười lợi tức của mình cho công việc Nhà Chúa. Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta một tiêu chuẩn dâng hiến khác, sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều, Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng: vì Ðức Chúa Trời yêu kẻ dâng hiến cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 9:6-7). Ðịnh luật của Chúa là ai gieo nhiều sẽ gặt nhiều, ai gieo ít sẽ gặt ít, người nào dâng hiến cho Chúa nhiều, dâng hiến cách rộng rãi sẽ nhận được ơn phước dư dật, về mọi mặt, vì Chúa yêu những người dâng hiến cách rộng rãi, vui vẻ và tự nguyện.

 

3. Làm ngân sách gia đình

Nếu muốn đời sống vợ chồng tránh được những khó khăn lo lắng vì nợ nần, thiếu thốn, chúng ta cần làm ngân sách gia đình. Nói cách đơn giản, chúng ta cần biết sử dụng tiền bạc trong phạm vi khả năng của mình, chi dùng tiền bạc vào những việc chính đáng và cần thiết. Gia đình nào cũng cần có ngân sách rõ ràng để không chi dùng tiền bạc cách thiếu tự chế, thiếu khôn ngoan, nhất là không chạy theo quảng cáo, không mua sắm vì đua đòi với bạn bè.

 

Một vị mục sư nọ đề nghị chúng ta làm ngân sách theo tiêu chuẩn như sau:

Trước hết, chúng ta để ra 1/10 số thu nhập hằng tháng để dâng cho Chúa, phần đó là của Chúa, thuộc về Chúa. Trong 9 phần còn lại, 6 phần chúng ta chi dùng cho những nhu cầu căn bản trong gia đình: thức ăn, quần áo, thuốc men, tiền nhà, tiền xăng, tiền xe, 2 phần còn lại chúng ta dành ra để trả những món nợ đang có và phần cuối cùng chúng ta đầu tư hay gởi vào nhà băng để được lời và để phòng khi gặp chuyện bất trắc.

 

Dĩ nhiên, người khôn ngoan sẽ không bao giờ chi dùng quá số tiền thu nhập hằng tháng vì như vậy chắc chắn sẽ không tránh khỏi nợ nần. Chúng ta không chi dùng hết tiền mình kiếm được mỗi tháng, nhưng luôn luôn để dành lại một phần, để trả nợ những món nợ đang có và để phòng khi gặp chuyện cần thiết và cấp bách, làm như vậy, khi có nhu cầu bất ngờ chúng ta sẽ có tiền chi dùng chứ không phải đi vay mượn. Lời Chúa trong sách Châm Ngôn khuyên chúng ta cần học theo loài kiến. Tác giả viết: “Con kiến dù là loài yếu ớt nhưng biết lo dự trữ thức ăn trong mùa hạ.” (Châm Ngôn 30:25)(còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành