Bất Hòa Trong Hôn Nhân (Bài 6)

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

 

Quý vị và người phối ngẫu có bao giờ cãi nhau hay buồn giận nhau không? Chắc hẳn là có, hoặc nhiều hoặc ít vợ chồng nào cũng có lúc bất đồng ý kiến với nhau và buồn giận nhau. Trong Câu Chuyện Gia Đình các tuần qua, chúng tôi đã chia xẻ những điều như: Bất hòa giữa vợ chồng là điều bình thường, ít ai có thể tránh được. Vợ chồng bất đồng ý kiến với nhau vì hoàn cảnh bên ngoài như đau ốm, thiếu thốn về vật chất, vì sự can dự của gia đình hai bên, vì con cái, vì đời sống quá bận rộn và căng thẳng. Vợ chồng cũng có thể bất đồng ý kiến với nhau vì những yếu tố bên trong như vì hai người khác biệt nhau: Có cái nhìn khác nhau về những vấn đề trong đời sống, có tiêu chuẩn sống khác nhau, mục tiêu và ý thích khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, nhu cầu khác nhau và nhất là vì tính tình khác nhau.

Bất hòa vì vợ chồng có tính tình khác nhau

Nói về tính tình khác nhau chúng tôi nhớ đến hai vợ chồng kia thương nhau nhưng cứ lục đục với nhau hoài. Lý do là vì hai vợ chồng có tính tình trái ngược nhau. Người vợ thì tự tin, lạc quan, vui vẻ với mọi người, có cái nhìn tích cực về chính mình. Trong khi đó người chồng thì ngược lại, lúc nào cũng mặc cảm, bi quan, chuyện gì cũng e ngại, không dám làm, chỉ thích ở một mình, không muốn tiếp xúc với ai. Lúc đầu những khác biệt đó thu hút hai người đến với nhau nhưng sau khi sống chung một thời gian, người vợ cảm thấy mệt mỏi, vì cứ phải nâng đỡ, khích lệ chồng. Chị có cảm tưởng như mình là mẹ của chồng chớ không phải là vợ. Người chồng thì vì mặc cảm nên ngày càng khó khăn với vợ, nắm giữ và điều khiển mọi việc vợ làm; lúc nào cũng nghĩ là vợ xem thường mình. Không những thế, người chồng còn nghi ngờ và lo sợ là vợ sẽ có người khác và không thương mình nữa. Vì tính tình khác nhau như thế, hai vợ chồng rầy rà nhau thường xuyên.

Thật ra, vợ chồng tính tình khác nhau là chuyện đương nhiên, hay nói đúng hơn, chính vì khác nhau mà trong buổi ban đầu chúng ta đến với nhau và yêu nhau. Nhưng khi chung đụng trong đời sống hằng ngày, tính tình khác nhau dễ khiến vợ chồng bất hòa hay bất đồng ý kiến. Ví dụ, nếu một người có tính dè dặt, e ngại, điều gì không thích hay không bằng lòng thì giữ trong lòng chứ không nói ra. Người kia thì trái lại, vì tính bộc trực và hay nói thẳng, nên điều gì không vừa ý thì biểu lộ ngay bằng lời nói hoặc cử chỉ. Sự khác biệt này sẽ dễ khiến vợ chồng phiền giận nhau. Người này sẽ bảo người kia sao chuyện gì cũng nóng nảy, phản ứng ngay; còn người kia sẽ phiền vì người nọ tại sao có chuyện gì cứ giữ trong lòng chứ không nói ra, nên không ai hiểu được. Một ví dụ khác, vợ là người nghiêm túc và cẩn thận, còn chồng thì xuề xòa, dễ dãi, ai làm gì cũng chấp nhận. Hai vợ chồng có tính khác nhau như thế sẽ bất đồng ý kiến với nhau trong nhiều vấn đề, như trong việc dạy con, cách ăn uống, cách sử dụng thì giờ, tiền bạc, cách giao tiếp với bạn bè. Người dễ dãi thường không có lập trường trong khi người nghiêm túc hơn thì có mục tiêu và lập trường rõ ràng. Vì lý do đó hai vợ chồng sẽ có những phản ứng và quyết định khác nhau trước nhiều vấn đề. Chúng ta cần biết tính tình vợ chồng mình khác nhau như thế nào để hiểu tại sao mỗi người có những phản ứng hay quyết định khác nhau trước nhiều vấn đề.

Trong một tài liệu Dự Bị Hôn Nhân, Tiến sĩ Norman Wright cho biết, bất hòa giữa vợ chồng có những điều đáng cho chúng ta để ý như sau: (1) Bất hòa giữa vợ chồng có thể là dấu hiệu của một nan đề khác lớn hơn. (2) Nếu không biết cách giải quyết, bất hòa nhỏ có thể thành lớn và khiến hôn nhân gãy đổ. (3) Bất hòa có thể là cơ hội để vợ chồng hiểu nhau và yêu nhau hơn.

 

1. Bất hòa giữa vợ chồng có thể là dấu hiệu của một nan đề khác lớn hơn

Khi bất hòa xảy ra quá thường xuyên, nghĩa là bất cứ lúc nào và trong vấn đề gì vợ chồng cũng cãi nhau hoặc buồn giận nhau, chúng ta cần quan tâm đặc biệt, vì đó không phải là điều bình thường nữa. Đây là dấu hiệu cho thấy giữa hai người có một nan đề nghiêm trọng. Nan đề đó có thể là bệnh tật, nợ nần, thất bại trong công việc. Cũng có thể là một người hay cả hai vợ chồng đang đối diện với những áp lực trong việc làm, nan đề trong quan hệ với người chung quanh, mà không thể nói ra. Cũng có thể vì vợ chồng quá bận rộn với những trách nhiệm khác, không còn thì giờ cho nhau, một trong hai người cảm thấy mình bị bỏ quên, không được chăm sóc như lúc ban đầu. Cũng có thể vì vợ chồng phải sống chung với người ngoài, đời sống thiếu riêng tư, không tự do, thoải mái. Tuy nhiên, một trong những điều nguy hiểm hơn cả mà chúng ta cần biết, đó là khi vợ chồng rầy rà nhau luôn luôn hoặc một người thay đổi, trở thành khó tính, khó chịu, có thể lắm là người vợ hay người chồng đã ngã vào cám dỗ như cờ bạc, nghiện ngập, sắc dục, v.v... Khi một người phạm tội mà muốn che giấu người chung quanh tinh thần thường căng thẳng nên hay tự ái, dễ động lòng, dễ bực bội phiền giận. Nguyên do là vì người đó mang mặc cảm tội lỗi, trong lòng không bình an. Bao nhiêu người khi ngã vào ngoại tình trở thành khó tính, khó chịu; khiến gia đình luôn có chuyện xào xáo, vợ chồng to tiếng với nhau. Tất cả những điều vừa kể đều có thể là nguyên nhân gây ra bất hòa giữa vợ chồng. Vì lý do đó, khi thấy giữa vợ chồng có chuyện bất hòa thường xuyên, về những chuyện không đáng, chúng ta cần dành thì giờ nói chuyện với nhau để tìm ra nguyên nhân và tìm cách giải quyết nan đề. Có thể chúng ta phải giảm bớt giờ làm việc, giảm bớt trách nhiệm với người thân trong gia đình; cần chăm sóc sức khỏe, đi bác sĩ chữa bệnh, hoặc phải chịu tốn kém dọn ra riêng để giữ hạnh phúc cho gia đình. Nếu lý do khiến vợ chồng bất hòa là ngoại tình hay nghiện ngập, chúng ta cần nhiều thì giờ chia xẻ với nhau, cần nói chuyện với vị hướng dẫn tinh thần hoặc những người chuyên về tư vấn gia đình để được giúp đỡ. Nếu chúng ta làm ngơ như không có nan đề gì và tiếp tục lo công việc hằng ngày, hoặc tiếp tục che giấu nhau, nan đề sẽ ngày càng nghiêm trọng và có thể đến lúc không cứu chữa được nữa.

Có nhiều vợ chồng khi có nan đề không nói cho nhau biết vì không quen nói thật với nhau. Cũng có người vì hấp thụ nguyên tắc một nhịn chín lành, có điều gì xảy ra cũng im lặng chịu đựng, để giữ thể diện hoặc giữ hòa khí trong gia đình. Đối với những bất hòa nhỏ nhặt chúng ta có thể nhịn nhưng với những bất hòa lớn, gây ra vì những vấn đề nghiêm trọng, sâu xa, chúng ta cần thẳng thắn đối diện và tìm cách giải quyết tận gốc rễ, nếu không vợ chồng có thể đẩy nhau vào tội lỗi và hôn nhân sẽ khó vững bền.

2. Nếu không biết cách giải quyết, bất hòa có thể khiến hôn nhân đổ vỡ

Khi vợ chồng có điều bất hòa với nhau, chúng ta cần thành thật nói lên cảm nghĩ và ý kiến của mình, nhưng nói với thái độ ôn hòa, nhỏ nhẹ. Chúng ta cũng cần tha thứ cho nhau và tìm cách giải quyết nan đề để tránh những bất hòa tương tự xảy ra. Nếu vợ chồng không nói ra nhưng cứ giữ trong lòng, những phiền giận đó sẽ gia tăng, trở thành những nan đề to lớn, không giải quyết được. Bất hòa cũng có thể đâm rễ trong lòng chúng ta, khiến chúng ta trở thành cay đắng với nhau, sự ngăn cách giữa vợ chồng sẽ ngày càng sâu đậm. Lúc đó vợ chồng khó tha thứ nhau, không thể thành thật đối diện nhau để giải quyết nan đề. Từ đó có thể đưa đến đổ vỡ hoặc vợ chồng vẫn sống bên nhau nhưng như là hai người xa lạ. Lời Chúa dạy: Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời; đừng để rễ cay đắng mọc ra gây rối và do đó làm ô uế nhiều người (Hê-bơ-rơ 12:15, Bản Dịch Mới).

3. Bất hòa có thể là cơ hội giúp củng cố tình yêu vợ chồng

Đây là cái nhìn tích cực vào vấn đề. Có người nói rằng, bất hòa cũng giống như coat mìn, nếu dùng đúng chỗ sẽ giúp ta tháo gỡ những chướng ngại lớn lao trong đời sống, trái lại nếu dùng sai chỗ và với tinh thần thiếu xây dựng, nó có thể phá hủy cuộc đời chúng ta. Những người trưởng thành và khôn ngoan thường đối diện bất hòa cách thành thật, bình tĩnh và cởi mở hơn là những người không trưởng thành. Nếu vợ chồng sống với nhau thiếu yêu thương chân thật mà chỉ có ích kỷ, ganh tị và kiêu ngạo, bất hòa giữa hai người sẽ khó giải quyết và có thể đưa đến những hậu quả tai hại. Trái lại, nếu vợ chồng thật lòng yêu thương nhau và quyết tâm mang lại hạnh phúc cho nhau, khi gặp bất hòa hay bất đồng ý kiến sẽ không ngại đem nan đề ra phân tích, giải thích để hiểu rõ nhau hơn, nhờ đó vợ chồng có cơ hội nói lên nhu cầu, ưu tư của mình để hai người hiểu nhau, thông cảm nhau và có thể xích lại gần nhau hơn. Một hôn nhân tốt đẹp đòi hỏi cả hai vợ chồng tinh thần sẵn sàng nhận lỗi, tha thứ và giải hòa. Bất hòa trong hôn nhân có thể là điều Chúa dùng để rèn luyện cho chúng ta thêm lòng khiêm nhường và nhịn nhục. Lời Chúa dạy: Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự (I Cô-rinh-tô 13:7). Nếu khi vợ chồng buồn giận hay bất hòa với nhau chúng ta áp dụng nguyên tắc của Kinh Thánh để giải quyết vấn đề, vợ chồng sẽ yêu thương nhau hơn vì nhờ có chuyện buồn giận mà hiểu nhau hơn (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành