Ý Nghĩa Cái Chết Của Chúa Giê-xu

Attention: open in a new window. PDFPrintE-mail

Quý vị có sợ chết không? Chết là một trong những điều kinh khủng nhất trên đời. Có thể chúng ta không sợ chết nhưng khi cái chết đụng đến gia đình chúng ta, người thân yêu của chúng ta, chúng ta mới cảm nhận bàn tay kinh khiếp của tử thần. Cái chết kinh khiếp như vậy, nhưng hôm nay tôi muốn nói với Bạn về sự chết và Bạn cũng cần cảm nhận sự ghê rợn của cái chết để cảm nhận điều tôi chia sẻ hôm nay.

Tôi muốn nói đến sự kinh khủng của cái chết vì nếu chưa cảm nhận được cái kinh khiếp của sự chết, chúng ta sẽ khó có thể nhìn vào vấn đề niềm tin cách nghiêm chỉnh. Tôi không muốn nói đến đời người ngắn ngủi hay chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào, đó không phải là trọng tâm của câu chuyện hôm nay. Tôi chỉ muốn nói đến cái kinh khủng và ghê rợn của cái chết khi chính chúng ta phải đối diện với nó. Điều kinh khủng nhất của sự chết là ngăn cách. Cái chết đem lại một khoảng cách vô cùng rộng lớn giữa người đi và kẻ ở. Nếu người đi và kẻ ở, người chết và người sống là hai người thân yêu, thương nhau, quý nhau, cái mất mát vô cùng to lớn và điều kinh khủng là cái mất mát đó sẽ không bao giờ tìm lại được trên đời nầy. Bạn hãy hình dung ra cái kinh khủng và ghê rợn của sự chết, của mất mát, của ngăn cách để hiểu được điều tôi sắp nói.

Khoảng thời gian 40 ngày trước lễ Phục Sinh được gọi là Mùa Chay. Đây là lúc cho chúng ta suy niệm về cái chết của Chúa Giê-xu. Cái chết của Chúa Giê-xu là trọng tâm của Phúc Âm, vì vậy quý vị luôn luôn nghe chúng tôi nói về thập tự giá và cái chết của Chúa. Sứ đồ Phao-lô là một học giả uyên bác, nhưng khi viết thư cho các tín hữu tại Cổ-linh là một thành phố lớn của đế quốc La-mã, ông đã viết những lời như sau: “Tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết điều gì khác ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu và Chúa Cứu Thế Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự!” Trong cùng một lá thư, sứ đồ Phao-lô cũng tóm tắt Phúc Âm như sau: “Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh, Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh.” Chúa Giê-xu chịu chết, Chúa bị chôn, Chúa sống lại, đó là Phúc Âm.

Tại sao cái chết của Chúa Giê-xu lại là trọng tâm của Phúc Âm? Xin được trở về với cái kinh khủng của sự chết đã nói lúc nãy. Sở dĩ cái chết của Chúa Giê-xu là trọng tâm của Phúc Âm là vì vấn đề của con người là vấn đề tội lỗi và tội lỗi đòi hỏi sự chết. Do đó chỉ có cái chết mới có thể giải quyết vấn đề tội lỗi. Thánh Kinh đã dạy rất rõ ràng: “Tiền công của tội lỗi là sự chết.” Nói như vậy nghĩa là tội lỗi con người đưa đến hậu quả tất nhiên là sự chết. Người đi làm được lãnh tiền công thể nào thì cũng vậy, người phạm tội cũng nhận được tiền công là sự chết. Sự chết không phải là điều mới lạ trên đời: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử.” Con người ai cũng phải chết và sự chết đó khởi đầu khi con người phạm tội.

 

Thiên Chúa tạo dựng một thế giới tốt đẹp cho con người tận hưởng nhưng con người đã bất tuân lời Thiên Chúa và đã chọn cho mình con đường chết. Thiên Chúa đã cảnh cáo từ trước là con người có tự do lựa chọn nhưng nếu con người chọn con đường sai, con người không thể thay đổi được hậu quả. Thiên Chúa có những định luật của Ngài. Đi ngược lại với những định luật ấy, dĩ nhiên phải gánh lấy trách nhiệm: ta không thể lên một chỗ cao nhảy xuống mà không bị thương tích, ta không thể cho tay vào nước sôi mà không bị phỏng… Thiên Chúa đã căn dặn kỹ càng, đã thiết lập luật rõ ràng như sau: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” “Một mai ngươi ăn chắc sẽ chết,” luật Chúa đã ra rõ ràng như vậy nhưng con người đã bị cám dỗ, muốn trở nên ngang hàng với Chúa, đã bất tuân luật của Chúa và đây là bản án: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn cho đến ngày nào ngươi trở về đất là nơi mà có ngươi ra, vì ngươi là bụi sẽ trở về bụi.”

 

Cái chết đã đến với con người từ đó cho đến nay, không ai qua khỏi con đường chết. Thánh Kinh dạy: “Bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy vì mọi người đều phạm tội.” Cái kinh khủng của tội lỗi và sự chết là ở đó, nó di hại đến mọi người, không chừa một ai. Chính vì vậy mà chúa Giê-xu phải vào đời chịu chết. Chỉ con đường đó mới có thể cứu chuộc nhân loại. Thánh Kinh dạy: “Đức Chúa Giê-xu đã vì mọi người nếm sự chết.” Tội lỗi của một người là A-đam đã đưa nhân loại vào con đường chết thể nào, thì cũng vậy, cái chết của một người vô tội là Chúa Giê-xu cũng đưa con người vào cõi sống như vậy.

Một câu Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu được vấn đề là câu sau đây, “Nếu có một người chết vì mọi người thì mọi người đều chết.” Câu nầy nghĩa là, tất cả nhân loại chúng ta đều phải chết vì phạm tội. Bây giờ Chúa Giê-xu chết vì mọi người, cái chết đó là cái chết thay thế, Chúa Giê-xu chết thay cho chúng ta. Chúng ta không chết, nhưng vì cái chết của Chúa là cái chết thay thế nên chúng ta được kể như đã chết, kể như bản án tử hình đã được thi hành, chúng ta không phải chết nữa. Trong thời kỳ cách mạng Pháp đã từng có một người cha chịu lên máy chém thế cho con và người ta phải tha người con vì kể như người con đã thọ án. Đó cũng là cách Đức Chúa Trời giải quyết vấn đề tội lỗi cho con người. Chúa Giê-xu chịu chết thế cho con người để con người không còn phải chết nữa. Cái chết của Chúa Giê-xu vì vậy là trọng tâm của Phúc Âm.

Nói một cách ngắn gọn là như thế nầy: vấn đề của con người là vấn đề tội lỗi, tội lỗi đưa đến cái chết. Để giải quyết vấn đề phải có người đứng ra chết thế. Chúa Giê-xu là con người đó. Chúa đã đến trần gian, đổ máu vô tội của Ngài ra chuộc tội cho nhân loại. Vấn đề tội lỗi đã được giải quyết nhưng con người phải tin, phải tiếp nhận điều đó cho chính mình thì sự chết của Chúa Giê-xu mới có ý nghĩa. Khi đã tin, cái chết thân xác vẫn còn, bởi vì nọc độc của tội lỗi là sự chết vẫn còn, nhưng cái chết không còn là kẻ thù đáng sợ nữa mà là tác nhân đưa ta vào cõi vĩnh hằng, tận hưởng sự sống đời đời trong Nước của Chúa.

Từ nay đến lễ Phục Sinh, chúng tôi sẽ tiếp tục nói về cái chết của Giê-xu, về thập tự giá, vì đó chính là cốt lõi của Phúc Âm, chương trình cứu rỗi nhân loại qua cái chết của Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giê-xu sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không tiếp nhận và chúng ta khó tiếp nhận cho đến khi ý thức được vấn đề. Ý thức cái kinh khiếp của sự chết, của phân cách, của mất mát. Phân cách và mất mát đây là phân cách đời đời với Thiên Chúa, một thực tại kinh khủng mà khi đối diện, Bạn sẽ không còn có cơ hội để quyết định.

Câu chuyện Phúc Âm đến với quý vị hàng tuần chính là lời nhắc nhở và mời gọi của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng chẳng những đã đến trần gian chịu chết để cứu rỗi nhân loại, Chúa cũng là Đấng đang mở rộng vòng tay chờ đợi Bạn quay bước về với Ngài. Mùa Chay không phải là một lễ nghi tôn giáo nhưng là thời gian để chúng ta suy niệm về cái chết của Chúa Giê-xu và thấy được mối quan hệ giữa cái chết của Chúa và đời sống của chúng ta hôm nay. Tất cả những điều tốt đẹp trong đời sống đức tin phải bắt đầu từ chỗ ý thức tội lỗi, ăn năn, quay bước và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu. Sau điểm bắt đầu đó, chúng ta mới kinh nghiệm đời sống mới, đời sống giao tiếp với nguồn sống là Thiên Chúa toàn năng. Lúc đó ta mới thật sự sống và hiểu được ý nghĩa của đời sống. Hãy nhớ, tôn giáo là cố gắng của con người vươn lên Thiên Chúa, còn Phúc Âm là Thiên Chúa đến với con người qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu để giải quyết vấn đề tội lỗi cho chúng ta.

Dù Bạn sợ chết hay không sẽ đến một ngày Bạn phải đối diện với cái chết. Tôi mong rằng đến ngày đó Bạn sẽ không phải ân hận vì đã bỏ qua dịp tiện nghe Tin Mừng và tiếp nhận Tin Mừng. Lời Chúa dạy: “Hiện nay là thì thuận tiện, hiện nay là ngày cứu rỗi!”

 

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành