Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 29)

Print

Kính chào quý thính giả, chúng tôi vui mừng cảm tạ Chúa vì lại được thưa chuyện cùng quý vị qua Câu Chuyện Gia Ðình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành. Ước mong quý vị và người thân yêu vẫn được bình an trong mối tâm giao mật thiết với Chúa và tiếp tục nhờ ơn Chúa, áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh dạy để được hưởng ơn lành và hạnh phúc mà Chúa hứa ban cho chúng ta. Trong các tuần qua chúng tôi trình bày về những điều chúng ta cần làm khi vợ chồng có điều bất hòa hay phiền giận nhau.  Ðiều quan trọng chúng ta cần làm khi vợ chồng bất hòa là: đặt việc nhận lỗi và tha thứ nhau vào hàng đầu. Bằng mọi giá, khi vợ chồng có điều bất hòa chúng ta cần cố gắng để đạt đến điều này. Chúng ta cũng cần để ý khi xin lỗi nhau để lời xin lỗi của chúng ta thật sự đem lại hòa giải giữa đôi bên.

Tiến sĩ Gary Chapman và nữ Tiến sĩ Jennifer Thomas có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn cho các vợ chồng có nan đề. Sau hai năm nghiên cứu đặc biệt về lời xin lỗi và cách nói lời xin lỗi, hai vị tiến sĩ này khám phá ra điều sau:

Con người có nhiều ngôn ngữ xin lỗi khác nhau, mỗi người có cách nói lời xin lỗi khác nhau, cũng tương tự như mỗi dân tộc dùng một ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt điều mình suy nghĩ. Tiến sĩ Gary Chapman, tác giả quyển Năm Ngôn Ngữ Tình Yêu nói rằng, về lời xin lỗi, chúng ta cũng có năm ngôn ngữ, mỗi người sử dụng lời xin lỗi và cách xin lỗi khác nhau.  Vì lý do đó nhiều khi một người thành thật xin lỗi nhưng người kia không thấy đó là lời xin lỗi thành thật vì ngôn ngữ xin lỗi của hai người khác nhau.

Có hai vợ chồng kia giận nhau và đến gặp nhà tư vấn hôn nhân.

Sau hơn một giờ đồng hồ lắng nghe nan đề của hai người, nhà tâm vấn hỏi người vợ: “Cô có sẵn sàng tha thứ cho anh ấy không?”

Người vợ trả lời: “Dĩ nhiên tôi sẵn sàng tha thứ, miễn là anh ấy chịu xin lỗi!”

Người chồng liền nói: “Anh xin lỗi rồi, anh nói là anh có lỗi, anh xin lỗi!”

Người vợ tỏ vẻ giận và nói: “Anh nói như vậy đâu phải là xin lỗi!”

Ðiều này cho thấy, khi giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái hay với bạn bè và người thân yêu có chuyện buồn giận nhau, chúng ta không những cần xin lỗi nhau nhưng cũng phải dùng đúng ngôn ngữ xin lỗi mà người kia có thể hiểu và chấp nhận.

Lời xin lỗi thành thật, thật lòng xin lỗi có những đặc điểm sau:

Ðặc điểm 1: Xin lỗi và bày tỏ lòng ân hận, hối tiếc về điều mình làm

Nếu người chồng thành thật xin lỗi và thật sự hối tiếc điều sai quấy mình làm, người đó sẽ nói với vợ: “Anh xin lỗi em, anh rất là ân hận về phản ứng của anh, xin lỗi em, lời anh nói làm em bị tổn thương.” Khi nói lời xin lỗi và thành thật biểu lộ lòng hối hận, đau buồn về điều mình đã nói, đã làm, là chúng ta bày tỏ sự thông cảm, đồng cảm với người mình có lỗi; người xin lỗi thông cảm với nỗi đau buồn người kia phải chịu và thật sự ân hận về điều mình đã gây ra cho người đó. Ðây là lời xin lỗi chân thật, không phải xin lỗi lấy lệ, vì thế người nghe sẽ cảm nhận ngay, dễ dàng chấp nhận và tha thứ cho người có lỗi.

Ðặc điểm 2:Xin lỗi và nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác, không đổ lỗi cho hoàn cảnh

Ví dụ người vợ khi giận chồng lỡ nói những lời khiến chồng bị tổn thương. Nếu thật sự nhận biết lỗi của mình và muốn xin lỗi chồng, người vợ sẽ nhận mình có lỗi hoàn toàn, sẽ không nói “tại vì” mình đang buồn, đang bệnh nên thiếu sáng suốt, không suy nghĩ chín chắn, v.v…  Nếu nhận trách nhiệm và thật sự nhận lỗi, người vợ sẽ nói: “Em có lỗi vì em không được phép nói hay làm như vậy, em không thể bào chữa cho mình, điều em làm là quá đáng, là lỗi hoàn toàn, em xin lỗi anh.” Lời xin lỗi chân thành và nhận trách nhiệm cách rõ ràng như thế sẽ được chấp nhận.

Ðặc điểm 3:Nói lời xin lỗi và sẵn sàng đền bù những thiệt hại hay tổn thương mình đã gây ra

Ví dụ trong trường hợp người chồng có lỗi và thật sự ân hận về sự tổn thương mình đã gây ra cho vợ, người chồng sẽ xin lỗi và nói: “Anh xin lỗi em, nếu anh có thể làm gì để đền bù thiệt hại anh đã gây ra, xin em cho biết, anh sẵn sàng làm.” Người sẵn sàng đền bù thiệt hại sẽ hỏi vợ hay chồng muốn mình làm gì để sửa đổi điều không hay không đẹp mình đã gây ra. Không ai lại không chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ khi người có lỗi nhận lỗi và sẵn sàng đền bù tất cả như vậy.

Ðặc điểm 4:Xin lỗi và bày tỏ lòng ăn năn, sẵn sàng thay đổi để không phạm lại lỗi lầm như thế nữa

Có người làm buồn lòng vợ hay chồng rồi xin lỗi ngay nhưng chỉ xin lỗi cho qua chứ không thật sự nhận lỗi, trong lòng vẫn nghĩ là mình không có lỗi. Những người này xin lỗi rất nhanh và dễ dàng nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy, không thay đổi, không sửa sai nhưng cứ phạm lại lỗi lầm cũ.Người thật lòng xin lỗi thì trái lại, không những nói lời xin lỗi nhưng cũng bày tỏ lòng ăn năn và sẵn sàng từ bỏ điều sai quấy, sẵn sàng thay đổi để không phạm lại lỗi cũ. Ví dụ như thay đổi việc làm, bỏ đi những thói quen hư xấu, tập đặt mình vào kỷ luật về giờ giấc, về cách chi dùng tiền bạc, v.v… Người thật sự ăn năn và sẵn sàng sửa đổi sẽ hỏi người kia muốn mình làm gì, thay đổi thế nào để không làm buồn lòng và không gây tổn thương cho người mình yêu mến. Nếu người xin lỗi không chịu thay đổi, không sửa đổi là chưa thật lòng nhận lỗi. Người đó sẽ nói là mình không cần thay đổi nhưng sẽ cố gắng cẩn thận hơn, và kết quả là vẫn chứng nào tật nấy, sẽ tiếp tục làm buồn lòng người thân yêu.

Ðặc điểm 5: Nhận lỗi và xin người kia tha thứ

Ðây là trường hợp người có lỗi khiêm nhường hạ mình, không những nhận lỗi mà còn xin lỗi và mong được tha thứ. Khi vợ chồng giận nhau, chúng ta cần khiêm nhường nhận lỗi rồi xin người kia tha lỗi và bỏ qua cho mình. Khi một người thật sự hạ mình như thế, người kia dù buồn giận hay bị tổn thương bao nhiêu cũng sẵn sàng tha thứ và quên đi.

Nhìn lại đặc điểm của lời xin lỗi vừa trình bày chúng ta thấy đây là những lời xin lỗi sẽ đem lại giải hòa, sẽ chữa lành những rạn nứt giữa ta với người thân yêu, vì đây là cách xin lỗi của người khiêm nhường, thành thật nhận lỗi. Lời Chúa trong Kinh Thánh luôn kêu gọi chúng ta khiêm nhường, coi người khác tôn trọng hơn mình. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Lòng yêu thương phải cho thành thật, hãy gớm sự dữ mà mến sự lành... Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau, đừng ước ao sự cao sang nhưng phải ưa thích sự khiêm nhường. Chớ cho mình là khôn ngoan” (Rô-ma 12:9 & 16). Trong thư Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô khuyên: “Vậy, anh em là kẻ chọn lựa của Ðức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục. Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:12-13). Kinh Thánh cũng dạy: “Ðức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” Khi chúng ta sống với người chung quanh trong yêu thương, khiêm nhường, Chúa sẽ ban phước cho chúng ta và nhờ đó mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh được hài hòa, tốt đẹp (còn tiếp).

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành